Nghị định 168 chỉ 5 ngày là có hiệu lực: gấp gáp như phục kích người dân

Có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, chỉ vài ngày sau khi ban hành, Nghị định 168 (ban hành vào ngày 26 tháng 12) và Nghị định 176 (ban hành vào ngày 30 tháng 12) đã gây bất ngờ cho toàn xã hội.

Với mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành luật pháp, Nghị định 168 với các biện pháp xử phạt nghiêm khắc, bao gồm tăng mức phạt tiền lên cao gấp hàng chục lần và cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe.

Còn Nghị định 176 gây chú ý với việc cá nhân, tổ chức báo tin vi phạm giao thông sẽ được thưởng không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc.

Người dân nói gì?

Với mức phạt có thể lên đến vài triệu thậm chí hàng chục triệu đồng, đột ngột được đưa ra và có hiệu lực gần như tức thì, đã gây tâm lý bất ổn trong dân chúng.

Ông Dũng ở Sài Gòn cho biết ý kiến:

“Một chủ trương không chỉ là vấn đề 5 ngày, có khi có hiệu lực tức khắc, thì những trường hợp đó chưa chắc người dân đã thắc mắc. Vấn đề ở chỗ với một tính chất như nghị định này, thì mục đích là phải nâng cao nhận thức của người dân, để ngày càng văn minh khi đi trên đường, họ biết tôn trọng luật giao thông… Muốn cái đó thì thời gian phải đủ để người dân tiếp nhận nghị định đó, để chuẩn bị những điều kiện để thực hiện nó.”

Theo ông Dũng, nếu nhìn với mục đích để giáo dục người dân, để nâng cao nhận thức người dân trong việc tham gia giao thông, thì 5 ngày rõ ràng thành vấn đề. Đây là vấn đề rất dễ thấy, nhưng tại sao người làm chính sách họ không thấy, hay đó là một bí mật?

Vấn đề ở chỗ với một tính chất như nghị định này, thì mục đích là phải nâng cao nhận thức của người dân, để ngày càng văn minh khi đi trên đường, họ biết tôn trọng luật giao thông… Muốn cái đó thì thời gian phải đủ để người dân tiếp nhận nghị định đó, để chuẩn bị những điều kiện để thực hiện nó.
-Ông Dũng

“Tôi thấy bất ngờ dù nghe tin phạt rất vui.” Ông Thái ở miền Trung Việt Nam nói và giải thích vì văn hóa đi đường của người Việt là “rất kinh khủng, thậm chí dừng đèn đỏ cũng bị gây tai nạn chết hàng loạt”. Vì vậy ông hy vọng mức phạt cao sẽ giảm tai nạn.

“Nhưng tôi nghĩ việc đó phải diễn ra sau khi người ta chuẩn bị một hệ thống quản lý giao thông, chứ không nghĩ nó làm liền như vậy. Như vậy thì cuối cùng là cũng phạt như cách phạt lâu nay.” – Ông Thái nói thêm.

Còn ông Trí ở Hà Nội thì cho rằng vì ban hành quá gấp gáp nên công tác chuẩn bị còn nhiều thiếu sót: “Tôi thấy đúng là nó chưa được như yêu cầu. Rõ ràng ngay cả trên báo nhà nước cũng có những bức ảnh về lỗi của đèn tín hiệu giao thông, khiến cho các phương tiện không biết đường nào đi, cứ đứng lại đấy và giao thông không được thông suốt.”

————–

Bán tin vi phạm giao thông cho công an: Một hình thức đấu tố?

Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?

Nghị định 168: Luật sư chỉ ra những điều bất hợp lý

Cho dân giám sát CSGT – Tưởng dễ mà lại khó!

————–

Nghị định có hiệu lực nhanh nhất?

Tổng cộng có 20 Nghị định của Chính phủ Trung ương Việt Nam có hiệu lực vào ngày 1/1/2025. Nhưng chỉ hai Nghị định 168 và 176 có hiệu lực trong vòng vài ngày sau khi ban hành..

Trong khi những Nghi định khác như Nghị định 142/2024/NĐ-CP về quản lý kho vật chứng và tài liệu ban hành ngày 30/10/2024; Nghị định số 143/2024/NĐ-CP về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện ban hành ngày 1/11/2024; Nghị định số 149/2024/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2024; Hay Nghị định số 146/2024/NĐ-CP Quy định quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng ban hành từ ngày 6/11/2024…

Ngoài ra những Nghị định khác về xe đưa đón học sinh, phí môi trường, nghĩa vụ quân sự… cũng được ban hành trước ngày có hiệu lực từ 45 đến 60 ngày.

“Theo như tôi được biết có những bộ luật người ta phải chuẩn bị đến vài năm. Chẳng hạn như Bộ Luật Hình sự ngày xưa ban hành phải cả năm sau được chỉnh sửa bổ sung mới được thông qua. Và sau đấy lại chỉnh sửa bổ sung tiếp, chứ không vội vàng ‘một phát ăn ngay’ như cái nghị định 168, đó là một ví dụ.”– Ông Trí ở Hà Nội nói.

Ngoài ra theo ông Trí, có những nghị định làm rất cẩn thận, đã qua rất nhiều cấp, ví dụ như Luật Lao động khi thông qua có mấy chục ngày là đã phải rút lại để sửa vì còn nhiều bất cập.

“Cho nên tôi thấy việc đưa ra nghị định 168 rõ ràng là nó không bình thường. Tất cả các bộ luật khác hay quy định, nghị định đều có một thời hiệu tương đối dài, có thể là một năm, vài năm, hoặc ít nhất vài tháng để cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và đặc biệt là người dân chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất, tinh thần… để mà thực hiện. Trong khi Nghị định 168 đưa ra rất đột ngột, rõ ràng là không bình thường.”– Ông Trí nhận định thêm.

000_Hkg868029.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO.

Có đúng quy định pháp luật?

Theo Điều 151 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, được sửa đổi bởi khoản 48 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trả lời RFA giải thích thêm, quy định của Luật ban Hành Các Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật, được áp dụng cho văn bản của cơ quan trung ương.

“Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 26/12/2024 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là văn bản của cơ quan trung ương. Do đó, thời hạn có hiệu lực pháp luật là 45 ngày kể từ ngày 26/12/2024. Thế nhưng, tại điều 53 của nghị định này lại quy định thời điểm hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2025, tức sau 5 ngày là quy định vô pháp, vì vi luật.” – Luật sư Mạnh nhấn mạnh.

Dù vậy, vẫn có những trường hợp cho phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn, tức là không cần tuân theo quy định 45 ngày, nhưng phải nằm trong nhóm những trường hợp đặc biệt.

Nếu rút gọn thì khi ban hành Nghị định sẽ thông báo rõ điều đó. Hơn nữa, rút gọn chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai, hỏa hoạn… mà thôi. Xử phạt vi phạm giao thông không mang tính chất khẩn cấp.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh

Theo Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, được sửa đổi năm 2020, những trường hợp được ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ  tục rút gọn gồm: Trường hợp khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; Trường hợp cần ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; Trường hợp cần bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp; và trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh.

Tuy nhiên theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, Nghị định 168 và 176 không thuộc nhóm những trường hợp được làm theo thủ tục rút gọn.

“Nếu rút gọn thì khi ban hành Nghị định sẽ thông báo rõ điều đó. Hơn nữa, rút gọn chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai, hỏa hoạn… mà thôi. Xử phạt vi phạm giao thông không mang tính chất khẩn cấp.” – Ông Mạnh giải thích thêm.

Hệ quả của việc ban hành gấp gáp

Việc Nghị định 168 và 176 có hiệu lực gần như lập tức đã không cho xã hội đủ thời gian để chuẩn bị, Người dân không có cơ hội để điều chỉnh thói quen, cũng như nhà nước không có điều kiện để giải quyết vấn đề liên quan cơ sở hạ tầng.

Chưa có sự chuẩn bị thế mà đã đè người dân ra phạt có hợp lý?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS khi nhận định với RFA cho rằng việc ra Nghị định 168 và 176 một cách gấp gáp, là một trong những điển hình của những hậu quả không lường trước của các chính sách.

“Hậu quả không lường trước là khi đưa ra một chính sách, người ta đặt mục tiêu đạt được điều này, điều kia… Nhưng nếu không có thảo luận kỹ lưỡng giữa các chuyên gia, giữa những người hoạch định chính sách và những người bị ảnh hưởng bởi chính sách một cách rộng rãi, công khai… thì nó chỉ phản ánh ý muốn của nhà hoạch định chính sách.” – Ông Nguyễn Quang A nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, mục đích, ý muốn đó có thể rất tốt, để làm sao giảm tai nạn giao thông, để làm sao nâng cao kỷ luật giao thông của người tham gia giao thông… Nhưng vì không có sự thảo luận kỹ lưỡng, nó có thể xảy ra những hậu quả chưa được tính trước. Càng thảo luận kỹ lưỡng, thì những hậu quả không lường trước ấy có thể ít đi. Và trong trường hợp Nghị định 168 về phạt vi phạm giao thông này, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sẽ để lại những hậu quả không tốt.

Related posts