Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần cuối tháng 12/2024, Bộ Công an đưa ra hai nghị định về giao thông là Nghị định 168 và Nghị định 176 với mục đích được nói là để lập lại trật tự giao thông. Tuy nhiên, hai nghị định này đang vấp phải sự phản đối của người dân mặc dù Chính phủ ca ngợi về tính hiệu quả
-
Nghị định giúp tăng thu cho CSGT như thế nào?
Nghị định 168 là nghị định được nhiều người chú ý nhiều nhất trong những ngày đầu tháng 1/2025 vì nó trực tiếp liên quan đến hàng triệu người trên khắp cả nước phải sử dụng các phương tiện giao thông đi lại mỗi ngày.
Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được ban hành vào ngày 26/12/2024 và đi vào hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo nghị định, 26 lỗi vi phạm giao thông bị tăng mức tiền phạt lên nhiều lần.
Báo Nhân Dân -cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam – hôm 29/12/2024 dẫn lời đại diện của Cục Cảnh Sát Giao Thông thuộc Bộ Công an cho biết nghị định ra đời với mức phạt cao: “Để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt, việc tăng mức xử phạt để kiềm chế tai nạn giao thông”.
Theo bài báo, Nghị định 168 ra đời trong bối cảnh “tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế.”
Bài viết cũng thừa nhận: “về tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề đặt ra như hạ tầng giao thông phát triển chưa tương ứng với nhu cầu, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; lượng phương tiện tăng cao mỗi năm với gần 500.000 ô-tô cùng khoảng hai triệu xe máy…”
Theo số liệu thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) và Tổ chức Y Tế Thế Giới, tính đến tháng 9/2024, Việt Nam có khoảng 77 triệu xe máy đã đăng ký, tức cứ 1.000 người dân thì có 770 xe, được xếp vào hàng cao nhất thế giới.
Điểm đáng chú ý là “xe máy hiện nay vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam, chiếm 85-90% lưu lượng phương tiện trên đường và liên quan tới 60-70% số vụ tai nạn giao thông”, theo số liệu thống kê.
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến năm 2023, Việt Nam có 6.312.439 ô tô, tức là 1.000 xe trên 63 dân.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2024 của Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 6/1, năm 2024 cả nước đã xảy ra 23.484 vụ tai nạn giao thông, làm 10.944 người chết và 17.342 người bị thương.
Ngay trong ngày 1/1/2025 khi hai nghị định mới đi vào hiệu lực, báo Nhà nước cho biết cảnh sát giao thông đã phát hiện hơn 13.000 tài xế vi phạm và thu về gần 28 tỷ đồng tiền phạt.
Thống kê từ CSGT cho thấy, trong sáu ngày sau khi Nghị định 168 đi vào hoạt động, CSGT đã thu được trên 187 tỷ đồng tiền phạt vi phạm giao thông nộp ngân sách Nhà nước.
Việc tăng nguồn thu cho Bộ Công an từ tiền xử phạt các vi phạm giao thông cũng đặt ra câu hỏi về chi tiêu dành cho bộ này khi Quốc hội đồng ý để CSGT được quyền trích lại một phần tiền phạt để giúp ngành công an hiện đại hoá và tăng cường cơ sở vật chất.
Phần trích này trong các năm từ 2018 đến 2024 thường không thấp hơn 70% và đã đạt mức 85% vào năm 2024.
Đại diện cục Cảnh sát giao thông (CSGT) hôm 7/1 khẳng định thông tin trên mạng cho rằng CSGT được trích lại 85% tiền xử phạt vi phạm giao thông là không chính xác do không có trong luật.
-
Nghị định 176 phát động “đấu tố”
Đây là nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt hành chính về trật tự, an toàn giao thông.
Ngay trong ngày đầu năm mới 2025 khi Nghị định đi vào hiệu lực, mạng xã hội tại Việt Nam rộ lên thông tin về việc người dân có thể thu về tối đa năm triệu đồng một lần báo tin cho CSGT về một vi phạm giao thông đường bộ.
Thông tin này đến từ điều 7 khoản 3 của Nghị định. Theo đó, “mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính trật tự, an toàn giao thông của một vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa năm triệu đồng/1 vụ, việc”.
Khoản tiền này được cho là khá lớn so với mức thu nhập trung của người dân Việt Nam là khoảng 7,7 triệu đồng/tháng năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Mạng xã hội ngày đầu năm mới lan truyền hình ảnh một người dân bị đánh chảy máu mặt vì quay clip vi phạm giao thông để tố giác đến CSGT. Tuy nhiên hình ảnh này sau đó được xác định là photoshop và tin giả.
Trên mạng xã hội ở Việt Nam, những ngày đầu năm mới 2025 cũng lan truyền thông tin “Một thanh niên thu về 50 triệu đồng chỉ sau một ngày tố giác vi phạm giao thông”. Sự việc được cho là xảy ra tại Hà Nội.
Phòng cảnh sát giao thông của Công an Hà Nội ngay lập tức lên tiếng bác bỏ và cho biết đây là thông tin sai sự thật, đồng thời cho biết “các trang mạng xã hội và cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật sẽ bị lực lượng chức năng xác minh, xử lý theo quy định.”
Từ Hà Nội, nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn, nhận xét về điều khoản này với RFA:
“Số tiền thưởng lớn như thế do công an trích lại sẽ tạo ra điều không hay là khuyến khích dân tố cáo lẫn nhau, xoi mói lẫn nhau. Người dân sẽ chạy theo mục đích không phải để giúp cho văn hoá giao thông tốt lên, mà nó lại trở thành một nghề để kiếm tiền”.
Phòng CSGT Hà Nội trong cuộc họp tổng kết ngày 3/1 vừa qua cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã xử lý 2.609 trường hợp vi phạm giao thông nhờ thông tin do người dân cung cấp, thu phạt tổng cộng 2,7 tỷ đồng.
Báo Nhà nước dẫn thông tin từ Cục CSGT, Bộ Công an cho biết hiện chưa có hướng dẫn cụ thể và chưa thực hiện điều khoản về trả tiền thưởng trong nghị định mới.
Đại diện Cục CSGT cho báo chí trong nước biết hướng dẫn chi trả cho từng nội dung theo nghị định mới sẽ được các cơ quan liên quan sớm quy định cụ thể trong các văn bản thi hành nghị định.
-
Người dân đang phải gánh chịu
Phản ứng từ người dân về Nghị định 168 vào những ngày đầu năm mới có thể được nhìn thấy khá phổ biến trên mạng xã hội và báo chí trong nước với những video clip và hình ảnh cho thấy tình trạng người dân bị phạt tiền do các lỗi vi phạm giao thông, nạn kẹt xe ở các thành phố lớn vì người đi đường sợ bị phạt tại các giao lộ, một số tài xế taxi và xe tải lên mạng xã hội bày tỏ lo lắng về tiền phạt và giới hạn thời gian lái xe trong ngày khiến họ có thể phải bỏ nghề.
Một tài xế xe GrabBike có tên Hoàng nói với RFA:
“Mỗi tháng tôi kiếm được khoảng chín triệu (đồng). Nếu phạt như thế thì chưa đủ hai lần phạt đã hết tiền. Mức phạt này hà khắc quá.”
Một tài xế xe đường dài có tên Long nói về những khó khăn do Nghị định 168 tạo ra đối với những người như ông:
“Nói chung ra Nghị định này rất khó chạy, thời gian không phù hợp, mức phạt cao quá, chạy không đủ kinh tế.
Chạy quy định 10 tiếng chạy thời gian không đủ, trong tuần ngày chạy 10 tiếng đến thứ sáu đã hết 48 tiếng rồi, chạy không đủ năng suất”.
Nghị định 168 quy định mức phạt tiền từ ba đến năm triệu đồng với trường hợp lái xe liên tục quá bốn giờ, lái xe quá 10 giờ một ngày và 48 tiếng một tuần. Đối tượng áp dụng là các tài xế xe ô tô chở khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách.
“Từ khi Nghị định ra, tụi em chạy không đủ năng suất, chạy không đủ ăn chạy không ra gì, nhiều lúc nghĩ muốn bỏ nghề tài xế vì quy định ra không chạy được đâu” – Anh Long cho biết.
Báo VnExpress dẫn lời của một số lái xe đường dài cho biết rất khó để thực hiện đúng quy định không quá 10 tiếng một ngày vì nếu lái xe trên cao tốc không có chỗ đổ xăng và không có trạm dừng nghỉ thì sẽ không biết nghỉ chỗ nào để tránh bị phạt.
Ngay trong tuần đầu năm mới, báo chí Nhà nước và mạng xã hội liên tục đăng tải các bài viết và hình ảnh về nạn kẹt xe trên đường phố, thậm chí kể cả khi không vào giờ cao điểm. Nguyên nhân được báo chí Nhà nước chỉ ra là do người dân cẩn trọng hơn vì sợ bị phạt nên chạy chậm hơn; người dân ra đường nhiều hơn do dịp Tết đến nên nhu cầu đi lại, mua sắm tăng cao.
Trên mạng xã hội, người dân cũng phản ánh tình trạng đèn tín hiệu giao thông ở một số giao lộ trục trặc khiến lái xe không kịp trở tay. Việc này cũng dẫn đến tình trạng tắc đường ở các thành phố lớn.
Một cư dân giấu tên vì lý do an ninh ở TPHCM cho biết, người này phải mất nhiều thời gian đi làm hơn từ khi Nghị định 168 ra đời, lý do là vì tắc đường.
“Trước tôi đi làm bằng ô tô mất nửa giờ mới đến nơi nhưng mấy ngày nay mất hơn một giờ vì tắc đường. Trước giờ mình vẫn đi đứng chứ có đi sai đâu, không bao giờ bị phạt vượt đèn đỏ”.
Để đối phó với tình trạng tắc đường, vào ngày 10/1 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã cho triển khai lắpđèn tín hiệu giao thông ở 50 nút giao thông nội đô cho phép các phương tiện được rẽ phải.
Bất chấp việc lắp đèn tín hiệu cho phép các phương tiện rẽ phải, tình trạng kẹt xe vẫn xảy ra ở nhiều tuyến đường vào cuối tuần qua, theo ghi nhận từ các trang báo Nhà nước và mạng xã hội.
-
Vội vã
Hai nghị định mới có hiệu lực đều được Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết được ban hành theo trình tự rút gọn.
Cục CSGT giải thích, “do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự giao an toàn giao thông, cơ quan có thẩm quyền đã họp xem xét, quyết định ban hành nghị định theo trình tự rút gọn.”
Giải thích này được đưa ra sau khi có những thông tin từ người dân và giới luật sư cho biết hai nghị định đi vào hiệu lực chỉ vỏn vẹn trong vòng năm ngày kể từ ngày ban hành, trong khi quy định thời hạn hiệu lực kể từ khi ban hành là 45 ngày trừ trường hợp đặc biệt.
Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Virginia, Mỹ – người từng có nhiều năm hành nghề luật sư tại Việt Nam – nói với RFA:
“Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 26/12/2024 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là văn bản của cơ quan trung ương. Do đó, thời hạn có hiệu lực pháp luật là 45 ngày kể từ ngày 26/12/2024. Thế nhưng, tại điều 53 của nghị định này lại quy định thời điểm hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2025, tức sau năm ngày là quy định vô pháp”.
Luật sư Mạnh cũng đề cập đến đối tượng thuộc trình tự rút gọn
“Nếu rút gọn thì khi ban hành Nghị định sẽ thông báo rõ điều đó. Hơn nữa, rút gọn chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai, hỏa hoạn… mà thôi. Xử phạt vi phạm giao thông không mang tính chất khẩn cấp.”
Tài xế lái xe đường dài tên Sinh nói với RFA:
“Nghị định 168 đưa lên chứ chưa thông qua nhân dân, phổ biến cho dân biết, và nhiều bất cập về luật dân không ai biết, chỉ ra đường bị công an phạt mới biết.”
Trong khi đó, Cục CSGT nói với báo Nhà nước rằng “các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thảo luận kỹ lưỡng nghị định. Dự thảo cũng được đăng tải, lấy ý kiến góp ý rộng rãi theo quy định trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và cổng thông tin điện tử chính phủ”.
-
“Tin tốt” và “tin xấu”
“Sau một tuần thực hiện Nghị định 168: Tình trạng ‘nhờn’ luật đã giảm”; “Chuyển biến tích cực về giao thông sau 10 ngày thực hiện Nghị định 168” là một số tựa bài báo của truyền thông Nhà nước sau hơn một tuần Nghị định 168 đi vào hiệu lực. Thông tin trong các bài báo này thể hiện rõ tinh thần của tựa đề là những lỗi vi phạm giao thông đã giảm.
Bài báo của Đài Truyền hinh Việt Nam (VTV) phỏng vấn người dân và công an ở tỉnh Thanh Hoá cho biết người dân đã cố gắng chấp hành luật giao thông, thậm chí “vi phạm ngày càng giảm dần sau mỗi ngày, thậm chí có ca tuần tra không phát hiện trường hợp vi phạm”.
Trang Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam cho biết: “Sau một tuần Nghị định 168 đi vào cuộc sống, có thể thấy những tác động rõ rệt từ những quy định của Nghị định này.”
Đồng thời với việc ca ngợi thành công của Nghị định 168, Bộ Công an và truyền thông Nhà nước cũng đăng các bài viết phê phán những thông tin chỉ trích Nghị định này, gọi đây là “Thủ đoạn xuyên tạc, gây nhiễu Nghị định 168 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ”, kêu gọi người dân “Cảnh giác trước thủ đoạn xuyên tạc Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ”.
Những bài viết này cho rằng “các thế lực phản động, cơ hội cũng sẽ triệt để lợi dụng để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật về Nghị định 168”; đồng thời khẳng định “Nghị định 168 đang có hiệu ứng tốt; mức xử phạt mới theo Nghị định số 168 là cần thiết để góp phần xóa bỏ vấn nạn cố tình vi phạm luật khi tham gia giao thông.”