Theo bài viết của tác giả Lien Hoang đăng trên Tạp chí Nikkei Asia hôm 11/7, Amazon Web Services hiện là công ty đi đầu trong việc tìm kiếm khách hàng tại Việt Nam sử dụng trung tâm dữ liệu của họ. Trong khi Công ty Điện toán Đám mây (cloud computing) lớn nhất thế giới đang tìm cách mở rộng thị trường ở Việt Nam thì chính phủ Hà Nội thắt chặt các quy định về lưu giữ dữ liệu tại địa phương.
Theo tác giả bài viết, các nhà phân tích cho rằng một vấn đề đối với Amazon Web Services và các đối thủ nước ngoài như Alibaba và Schneider Electric là các máy chủ chứa dữ liệu trên không gian mạng của họ được đặt bên ngoài Việt Nam. Một lý do khác là nhà nước muốn các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu chặn nội dung khách hàng, việc này bị coi là bất hợp pháp, các nhà cung cấp gọi là ‘không khả thi về mặt kỹ thuật’.
Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney – Úc, giải thích với RFA hôm 12/7:
“Tôi nghĩ Amazon tính toán về vấn đề kinh tế hơn là vấn đề chính trị, đương nhiên khi họ để máy chủ trong một nước nào đó thì họ phải thỏa mãn quy định của nước đó. Nhưng những quy định của Việt Nam rất khắt khe, vì họ muốn kiểm soát toàn bộ thông tin ra vào. Điều này có thể ảnh hưởng chính sách của Amazon, đó là những khó khăn về mặt chính trị. Nhưng về kinh tế lại càng khó khăn hơn, vì muốn xây dựng một Data Center (Trung tâm Dữ liệu) tại Việt Nam chi phí rất lớn. Trong khi họ đã thiết lập một Data Center rất lớn ở Singapore đủ sức cung cấp dịch vụ cho các quốc gia láng giềng.”
Vì vậy theo ông Diêu, về mặt kinh tế không có lý do thuyết phục để xây dựng thêm một Data Center tại Việt Nam để thỏa mãn nhu cầu của chính phủ Hà Nội. Ông Diêu cho biết điều này rất khó cho Amazon, vì có những quy định về bảo mật thông tin khách hàng mà Amazon phải chịu trách nhiệm khi đưa thông tin lên cloud mà bị chính quyền lấy được. Đó là tài sản trí tuệ của khách hàng, Amazon phải đền nếu bị rò rỉ.
Về kinh tế lại càng khó khăn hơn, vì muốn xây dựng một Data Center (Trung tâm Dữ liệu) tại Việt Nam chi phí rất lớn. Trong khi họ đã thiết lập một Data Center rất lớn ở Singapore đủ sức cung cấp dịch vụ cho các quốc gia láng giềng.
-Hoàng Ngọc Diêu
Trong khi đó, khi trả lời RFA hôm 12/7, Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ BKAV, lại cho rằng:
“Tôi được biết các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng của Việt Nam hiện nay cũng đang làm dịch vụ này, và họ cũng làm đại lý cho Amazon nữa. Họ cung cấp dịch vụ của họ lẫn của Amazon hoặc Microsoft. Tôi nghĩ quy định đặt máy chủ ở Việt Nam là hợp lý, nhiều nước trên thế giới cũng quy định như vậy. Trong trường hợp này tôi nghĩ Amazon sẽ phải cân nhắc về mức doanh số của họ, nếu đủ lớn thì tôi tin rằng họ sẽ đặt một Data Center tại Việt Nam. Chuyện đấy cũng khả thi, tôi được biết một số công ty hạ tầng tại Việt Nam đang xây dựng Data Center để cho các công ty như Amazon thuê, tùy thuộc vào doanh số của họ có lớn hay không thôi.”
Ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng cơ sở hạ tầng của Việt Nam đủ đáp ứng cho Amazon, vì Việt Nam cũng thuộc nhóm các nước phát triển internet cao, internet phủ rộng khắp mọi nơi, người dân hưởng ứng cũng rất tích cực. Ông nói tiếp:
“Thị trường phát triển đến đâu thì họ sẽ đáp ứng được đến đấy. Kinh tế Việt Nam theo hướng mở, tôi thấy các công ty vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Chẳng hạn như FPT, họ cung cấp dịch vụ của Amazon và họ cũng có dịch vụ riêng của mình.”
Trả lời Nikkei Asia mới đây, ông Emmanuel Pillai – Giám đốc Giáo dục và Đào tạo tại Amazon Web Services ASEAN cho biết: ‘Bảo mật là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, tôi có thể nói với bạn điều đó’, ông cũng khẳng định ‘Đám mây Amazon Web Services được kiến trúc để linh hoạt và an toàn nhất’.
Khi được hỏi về các quy tắc chặn nội dung, ông Emmanuel Pillai nói: ‘Bất cứ nơi nào chúng tôi hoạt động, chúng tôi muốn tuân thủ các quy tắc và quy định của chính phủ’. Tuy nhiên ông cho biết, Amazon Web Services cũng muốn đảm bảo dữ liệu của khách hàng được bảo vệ.
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy khi trao đổi với RFA hôm 12/7 cho rằng, để lưu trữ dữ liệu trong nước thì Amazon sẽ đối mặt với bốn việc:
“Việc thứ nhất là hạ tầng nhất là hệ thống năng lượng của Việt Nam chưa ổn định. Việc thứ hai đó là luật pháp Việt Nam chưa đủ trung lập để bảo vệ Amazon trong trường hợp muốn bảo vệ dữ liệu của mình khỏi sự can thiệp của chính quyền. Việc thứ ba đó là chi phí để xây dựng các trung tâm dữ liệu rất tốn kém. Và việc cuối cùng đó là có đủ kỹ sư để vận hành.”
Theo ông Vũ, cả bốn điều đó không dễ giải quyết trong hoàn cảnh hiện tại nhất là đối với một chính quyền độc đoán, sẵn sàng quản lý bằng mệnh lệnh thay vì bằng luật lệ và lý lẽ. Ông Vũ nói tiếp:
“Thị trường Việt Nam có tiềm năng nhưng hiện tại còn nhỏ. Cho nên rất khó mà thuyết phục Amazon ngay lập tức đầu tư một trung tâm dữ liệu. Cách thực tế nhất là tạo môi trường thuận lợi cho các công ty lưu trữ hoạt động và lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam và khi mà thị trường đủ lớn và môi trường hoạt động thuận lợi, ít nhất là ngang bằng với các nước khác trong khu vực, thì doanh nghiệp tự khắc xây dựng các trung tâm lưu trữ ở Việt Nam.”
Cách thực tế nhất là tạo môi trường thuận lợi cho các công ty lưu trữ hoạt động và lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam và khi mà thị trường đủ lớn và môi trường hoạt động thuận lợi, ít nhất là ngang bằng với các nước khác trong khu vực, thì doanh nghiệp tự khắc xây dựng các trung tâm lưu trữ ở Việt Nam.
-Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Tuy nhiên Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp – nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á – Iseas, Singapore khi trả lời RFA hôm 12/7, lại cho rằng, Chính phủ Việt Nam không thể bắt ép được Amazon Web Services đặt máy chủ ở Việt Nam. Theo ông Hợp, Amazon Web Services không nghe Chính phủ Việt Nam thì cũng sẽ không sao???
Nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam khi thêm các điều khoản sửa đổi bổ sung đã cấm các hành vi lợi dụng việc cung cấp và sử dụng dịch vụ internet cũng như thông tin trên mạng nhằm mục đích ‘chống phá nhà nước’, ‘tiết lộ bí mật nhà nước’ hay ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc’. Từ nhiều năm nay, Chính phủ Hà Nội cũng đã yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ như Facebook và Google phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng trên lãnh thổ Việt Nam theo Luật An ninh mạng vốn gây nhiều tranh cãi của Việt Nam.
Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu nhận định thêm về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng trên lãnh thổ Việt Nam:
“Yêu cầu này tạo nên một rào cản rất lớn trong phát triển kinh tế và phát triển kỹ thuật của Việt Nam. Vì ưu tiên của nhà cầm quyền Việt Nam là phải kiểm soát, nên đương nhiên cản trở phát triển. Những nước khác họ có mức độ tự do nhất định trong việc kiểm soát thông tin. Chứ đưa vào một hệ thống mà lúc nào cũng đặt nặng chuyện kiểm soát thì các tập đoàn đầu tư sẽ ngại không muốn đầu tư. Vì sẽ dính líu đến vấn đề trách nhiệm mà họ phải gánh chịu. Cho nên việc phát triển công nghệ thông tin cao cấp tôi thấy rất là mờ mịt ở Việt Nam. Tôi thấy rất khó để chính phủ Việt Nam thay đổi, vì chính sách của họ là chính sách phải kiểm soát. Ngay cả những tập đoàn làm việc không dính líu gì đến chính trị, nhưng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vốn đa nghi nên họ không dễ dàng chấp nhận.”
Tác giả Lien Hoang trên tờ Nikkei Asia cho rằng các trung tâm dữ liệu có thể tốn hàng tỷ đô la để xây dựng và sử dụng nhiều năng lượng, vì vậy các công ty luôn chọn lọc quốc gia để xây dựng. Amazon cũng có kế hoạch xây dựng một ‘trung tâm dữ liệu địa phương’ nhỏ hơn tại Việt Nam để tổ chức một phần hoạt động theo quy tắc bản địa hóa.
Theo Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam, các công ty Việt Nam hiện chiếm 19,7% thị trường điện toán đám mây trong nước và Bộ này đặt mục tiêu nâng con số lên 70%. Liệu Chính phủ Việt Nam có chấp thuận kế hoạch này của Amazon Web Services nhằm giúp phát triển khoa học kỹ thuật cho đất nước?