Bộ trưởng Giáo dục Michelle Donelan cho các vị dân cử Hạ Viện Anh biết rằng bộ này đang tích cực điều tra khoản tài trợ 155 triệu bảng mà nữ tỷ phú Việt Nam Nguyễn Phương Thảo vào năm ngoái tài trợ cho Linacre College, trường trực thuộc Đại học Oxford.
Truyền thông Anh quốc loan tin ngày 14/6 như vừa nêu và còn dẫn lời nữ Bộ trưởng Giáo dục Micchelle Donelan rằng thông tin cập nhật về vụ này sẽ được đưa ra trong những ngày sắp tới.
Tại cuộc thảo luận một dự luật về tự do ngôn luận ở Hạ Viện hôm thứ hai, Dân biểu Julian Lewis thuộc Đảng Bảo thủ chất vấn Bộ trưởng Giáo dục Michelle Donelan là bà có quan ngại không khi nữ tỷ phú Việt Nam đặt điều kiện đổi tên trường để tài trợ 155 triệu bảng. Bà Thảo là người có quan hệ mật thiết với chính phủ cộng sản Việt Nam. Đây là nơi mà người dân ít được hưởng quyền tự do ngôn luận.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, tiến sỹ Nguyễn Quang A- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội (đã tự giải thể) nói về mối liên hệ giữa các doanh nghiệp và chính quyền ở Việt Nam như sau:
“Trong một chế độ độc tài như ở Việt Nam, Trung Quốc hay ở nơi khác, doanh nghiệp muốn làm ăn phát đạt thì phải có quan hệ tốt với chính quyền, và điều này người ta khẳng định từ lâu rồi với các nước độc tài và Việt Nam không có khác…. Ở Việt Nam và Trung Quốc, các quan chức dùng quyền lực chính trị để kiếm tiền từ người dân và chủ doanh nghiệp. Trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với chính quyền, nó là sự kết tinh của sự tham nhũng. Một bên dùng tiền để lấy ảnh hưởng chính trị và để làm giàu cho chính mình còn quan chức sử dụng quyền của mình để làm giàu cho chính mình, tức là tham nhũng. Mối quan hệ này là có đi có lại- rất đặc trưng của các nước tư bản chính trị như ở Việt Nam và Trung Quốc.”
Trao đổi qua tin nhắn với phóng viên Đài Á Châu Tự Do, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thị Hải Hiếu, một sinh viên đang du học năm thứ năm ở Anh Quốc nói rằng sự nghi ngờ của Chính phủ Anh Quốc hoàn toàn có lý và cô đồng tình với việc điều tra. Cô nghi ngờ đây việc tặng tiền của VietJet là một vụ rửa tiền và Chính phủ Việt Nam đứng sau phi vụ này.
Cô nói sau năm năm học ở Anh Quốc, cô nhận ra là nền giáo dục bên Anh thật sự tốt hơn ở Việt Nam và số lượng học sinh Việt ở đây vẫn còn ít. Tuy nhiên, theo cô, việc đầu tư để ủng hộ hay trao học bổng cho học sinh Việt qua Anh học cũng là ý tốt nhưng không thực sự cần thiết. Cô nói việc đầu tư cho giáo dục ở Việt nam nên được ưu tiên hơn vì ở Việt Nam có nhiều vùng khó khăn trong khi các trang thiết bị, cơ sở vật chất trong trường học còn nhiều hạn chế.
Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Linacre College và nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo của Tập đoàn SOVICO được ký vào ngày 31/10/2021.
Sau khi ký MoU và nhận 50 triệu bảng đầu tiên trong khoản tài trợ 155 triệu bảng, Linacre College cho biết sẽ tiếp cận Hội đồng Cơ mật để yêu cầu đổi tên trường thành Thao College.
Có ý kiến chỉ trích cho rằng việc đổi tên trường thành Thảo College sẽ bỏ mất bề dày lịch sử trong tên gọi của cơ sở giáo dục này.
Trường được thành lập năm 1962 và mang tên Thomas Linacre, một học giả Anh và cũng là một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn, một thầy thuốc. Ông này từng chữa bệnh cho Sir Thomas More, tác giả cuốn Utopia và Hồng y Wolsey- cố vấn trường của Vua Henry VIII.