Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc hôm 14/12, các vị lãnh đạo Việt Nam cho rằng đối ngoại nhân dân là nghĩa vụ của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước. Mỗi công dân ra nước ngoài, tiếp xúc với bạn bè quốc tế ngay ở trong nước, đều phải hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ quảng bá hình ảnh về đất nước, con người…
Trả lời RFA từ Đức Quốc hôm 16/12, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhận định:
“Họ yêu cầu người dân VN ra nước ngoài quảng bá hình ảnh VN, thì có hình ảnh tốt và hình ảnh xấu… Phải nói là đất nước VN chúng ta về phong cảnh thiên nhiên du lịch thì rất là đẹp. Trong khi đó thì chính trị, xã hội, nhân quyền, tự do dân chủ thì VN là một trong những quốc gia xấu nhất trên thế giới. Thế thì đối với những công dân VN làm du lịch thì họ quảng bá du lịch. Còn đối với công dân VN đấu tranh cho dân chủ nhân quyền thì đương nhiên họ phải nói thực trạng nhân quyền VN, tất cả các quyền con người ở VN bị tước đoạt dưới sự cai trị độc đảng CSVN. ”
Nhưng thực tế hầu hết người dân VN khi bày tỏ chính kiến khác biệt hay bất đồng với chính quyền CSVN, thì khi họ trở về nước thì không sớm thì muộn họ sẽ bị ít nhất là sách nhiễu, bị cấm xuất cảnh, rồi sau đó bị bắt và cầm tù…
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài
Theo Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, đó là quyền của công dân. Theo hiến pháp và luật của Việt Nam thì công dân VN được quyền tự do bày tỏ chính kiến của mình về tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội… Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Nhưng thực tế hầu hết người dân VN khi bày tỏ chính kiến khác biệt hay bất đồng với chính quyền CSVN, thì khi họ trở về nước thì không sớm thì muộn họ sẽ bị ít nhất là sách nhiễu, bị cấm xuất cảnh, rồi sau đó bị bắt và cầm tù… Hai trường hợp mới nhất là cô Phạm Đoan Trang bị xử chín năm tù và ngày hôm nay là anh Đỗ Nam Trung. Anh Trung cũng đã đi ra nước ngoài tham dự một hội nghị quốc tế về nhân quyền, sau khi về nước bị bắt và bị xử bốn năm tù và ba năm quản chế. Đó là sự vi phạm nhân quyền của chính phủ VN.”
Bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo và blogger nổi tiếng ở Việt Nam, từng viết nhiều sách về nhân quyền, chính trị được xuất bản trong nước và nước ngoài. Thông qua các hoạt động báo chí và nhân quyền, bà đã nhận được nhiều giải thưởng của các tổ chức quốc tế.
Bà bị bắt vào ngày 6 tháng 10 năm 2020. Vào ngày 14/12/2021, Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên án chín năm tù giam với cáo buộc ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ đối với nhà báo Phạm Đoan Trang.
Ông Đỗ Nam Trung, sinh năm 1981, được biết đến với vai trò là một nhà hoạt động xã hội, ông đã từng tham gia các phong trào như “đánh BOT” bị cho là bẩn vì đặt không đúng vị trí hoặc thu phí quá hạn và phanh phui các vụ tham nhũng thông qua mạng xã hội. Vào ngày 16/12/2021, Tòa án đã tuyên ông Trung bản án 10 năm tù giam và bốn năm quản chế với cáo buộc ‘phát tán tài liệu chống nhà nước’ theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự 2015.
Trở lại với việc quảng bá Việt Nam với các nước, theo Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, liệu các quan chức Việt Nam khi ra bên ngoài có quảng bá hình ảnh đất nước hay không? Ông nói:
“Tôi cho rằng họ cũng không đem những truyền thống tốt đẹp của cha ông chúng ta để lại, để mang ra nước ngoài. Một trong những nhân vật nổi tiếng là ông Tô Lâm đã làm xấu đi hình ảnh VN đối với cộng đồng quốc tế, khi một quan chức hàng đầu đã ăn một miếng thịt bò dát vàng trị giá bằng 10 tấn lúa của người nông dân. Hình ảnh đó không chỉ truyền tải trên mạng xã hội, mà còn được rất nhiều báo chí quốc tế của rất nhiều nước khác nhau truyền tải, đó là hình ảnh làm sỉ nhục quốc thể Việt Nam.”
Trong khi đó cũng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc hôm 14/12, chính quyền Việt Nam cho rằng, đối ngoại nhân dân không phải là nhiệm vụ riêng của Chính phủ hay Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, mà là nghĩa vụ của tất cả mọi người Việt Nam trong việc quảng bá đất nước.
Nói tóm lại khi đòi hỏi hình ảnh người dân quản bá hình ảnh tốt đẹp của người VN ra thế giời, thì nhà cầm quyền CSVN, đặc biệt các nhân vật cao cấp trong Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội… phải là gương trước.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, khi trao đổi với RFA từ Sài Gòn hôm 16/12, cho biết ý kiến:
“Đối ngoại là một cái rất tinh tế về văn hóa, mà trong văn hóa thì có hai tính chất quan trọng mà giới lãnh đạo VN không lưu tâm, hay không biết… đó là tính đại diện và trách nhiệm. Bởi vì đối ngoại khi đi ra ngoài là bổn phận của bất cứ nhà nước nào đối với các quốc gia, bởi nhà nước là đại diện cho toàn dân của một quốc gia cụ thể. Thì trước tiên muốn làm cho người dân hiểu rõ phải quản bá hình ảnh tốt đẹp thì ngay trong Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, những nhân vật cấp cao của nhà cầm quyền cộng sản VN… phải thể hiện tính đại diện và tính trách nhiệm. Như bà Nguyễn Thị Kim Ngân với 300 bộ áo dài, hình ảnh chiếc áo dài của bà Ngân khi đi ra nước ngoài với tủi tác như vậy, chức vụ như vậy, đó là đại diện cho người phụ nữ VN…”
Nhưng rất tiếc theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã khoác lên người những bộ cánh có thể nói là rườm rà, diêm dúa, sặc sỡ như một con công… Theo ông Nguyễn Ngọc Già, nó không đại diện cho một người phụ nữ VN nền nã, lịch sự…. đó là trách nhiệm của bà Kim Ngân đúng ra phải làm cho tròn. Ông nói tiếp:
“Hay như lúc bà Ngân từng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại VN, bà cầm cả một chậu cá dục vài cái rồi đổ cái ào xuống, trong sự hết hồn của ông Obama. Hình ảnh như vậy rất xấu xí và là nét văn hóa đặc trưng của người cộng sản VN hay sao đó? Hoặc giả tôi lấy ví dụ hình ảnh của ông Tô Lâm, mà ăn món bò dát vàng, thì tôi cam đoan văn hóa VN không có kiểu chĩa con dao vào trong mặt người ta, rồi há miệng ra đớp… Nói tóm lại khi đòi hỏi hình ảnh người dân quản bá hình ảnh tốt đẹp của người VN ra thế giời, thì nhà cầm quyền CSVN, đặc biệt các nhân vật cao cấp trong Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội… phải là gương trước.”
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải ý thức về tính đại diện của họ và họ phải chịu trách nhiệm về hình ảnh, nhân cách, nhân phẩm của người Việt Nam ngày hôm nay, đang bệ rạc trong mắt thế giới.