Đầu tư đại trà để…bỏ hoang
Ít nhất trên dưới mười dự án đầu tư “khủng” tại Hà Nội đã hoàn thiện xây dựng từ nhiều năm qua hiện đang trong tình trạng bỏ hoang hoặc “đắp chiếu”, gây lãng phí lớn cho xã hội.
Đáng chú ý là sáu tòa nhà trong khu đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) được triển khai xây dựng từ năm 2001 đến 2006 nhưng đến nay đã xuống cấp vì không hoạt động, bỏ hoang nhiều năm sau khi hoàn thành xây dựng.
Tòa nhà này là một điển hình và là nỗi nhức nhối của người dân thủ đô khi trong bối cảnh hàng nghìn người dân Hà Nội hiện không có nhà ở, hoặc sống chật chội tại các khu nhà tập thể nội đô đã xuống cấp, nhưng những tòa nhà được đầu tư tiền tỷ như vậy lại bỏ trống nhiều năm.
Số liệu được công bố mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, sau 20 năm thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng mới đối với các chung cư cũ, chỉ có 1% trong tổng số 1.500 khu tập thể cũ được cải tạo, xây dựng lại.
Như vậy, chỉ riêng phân phúc này, cho thấy -vẫn còn rất nhiều người được nói bị mắc kẹt trong chính những căn nhà cũ nát của họ, đa số trong tình trạng ‘tiến thoái lưỡng nan’ vì không ở đó thì không còn chỗ nào khác để ở, mà nguyên nhân là do phía chính quyền thông báo sửa nhưng không sửa, lại không có phương án di dời do không đạt được thoả thuận với người dân…
Chứng kiến thực tế tại khu đô thị Sài Đồng, ông Trần Minh Việt, một người dân Hà Nội, cho biết:
Không thấy ai đến ở. Bác hỏi chú bảo vệ kia biết là tòa nhà này đền bù giải phóng mặt bằng mà chưa thấy ai đến ở. Mấy tòa nhà này xây dựng rất nhanh vì vốn nhà nước mà, khá đẹp nhưng lác đác một vài nhà ở tạm nhưng không đáng kể.
Xác nhận thực trạng vừa nêu tại thủ đô Hà Nội, một người dân từ Thanh Hóa dọn đến sống tại một khu đô thị mới Hà Nội từ năm 2013 cho biết dù khu ông ở được xây dựng rất nhiều năm rồi nhưng vẫn còn rất nhiều nhà bỏ trống. Theo ý kiến của ông thì một trong những nguyên nhân là:
“…trong kia nội đô phố phường làm ăn được còn ra đây trước kia hoang vắng làm gì có bốn tòa nhà xã hội. Nó không phù hợp điều kiện, môi trường làm ăn của dân trong đó nên đồng loạt không ra.”
Giải thích rõ hơn vì sao lại có tình trạng dân thiếu nhà ở trong khi các chung cư xây lên bỏ trống, ông Trần Bang, kỹ sư xây dựng lập luận:
“Nghịch lý này do xây dựng không dựa trên nhu cầu thực tế của người dân và việc quy hoạch phát triển đô thị không đồng bộ, tức làm ra khu đô thị mới mà bệnh viện, trường học, đường giao thông không bằng trong nội thành. Chưa kể trong nội thành được quan tâm vấn đề điện, nước tốt hơn nên người dân vẫn bám trụ trong chung cư cũ xuống cấp, có khi nguy hiểm.”
Ý kiến của kỹ sư Trần Bang giống chia sẻ từ thực tế của ông Trần Minh Việt, người từng tham khảo nhiều khu nhà ở xã hội tại nhiều quận trong thành phố thời gian qua, ông nêu cụ thể:
“Đường Hoàng Sa, Trường Sa bên dưới đường các chung cư dân ở đông hết vì đứng nhìn bên dưới thì các phòng đều treo quần áo nên đánh giá người dân ở, nhưng bên trên đường có một số tòa nhà bán không ai mua, để không luôn vì chỉ xây nhà mà khuôn viên không có. Vậy thì dại gì người ta mua nhà ở đó mà không mua bên dưới đường, khuôn viên rộng có sân trẻ con chơi, có vườn hoa nhưng bên trên chẳng có gì ngoài nhà. Đấy là cái quy hoạch tổng thể không đồng bộ lắm. Bây giờ người ta khôn lắm, chỗ nào có điều kiện người ta bỏ tiền ra mua ở phải đúng ý.”
Phải đáp ứng nhu cầu thực tế
Vẫn theo ông Việt, việc liên tiếp xây dựng những khu nhà ở nhưng lại bỏ trống như vậy cần phải được cân nhắc lại:
“Cái này thực sự phụ thuộc vào đánh giá cấp trên chứ góc độ dân của mình thì xây dựng bảy, tám tháng rồi mà chưa ai đến ở, mình nhận định là quá lãng phí nhưng cấp trên có khi người ta lại có ý nghĩ khác sao, mình không hiểu được. Tùy theo từng trường hợp.”
Trong khi tại nội đô, lượng nhà thiếu hụt, người dân đánh liều sinh mạng để sống tại những khu tập thể chực chờ đổ nát, còn những dự án nhà ở xã hội tại ngoại thành dù đẹp và mới đến vậy nhưng vẫn không thu hút được người dân.
Theo góc độ chuyên môn, nhằm cân bằng nghịch lý trong vấn đề cung- cầu về nhà ở xã hội tại Hà Nội, ông Trần Bang đề xuất giải pháp:
“Cái khắc phục được việc chỗ ở người dân đàng hoàng, phù hợp nhu cầu hơn thì theo tôi là phải tư nhân hóa. Còn nhà nước bao cấp, đấu thầu không minh bạch, chỉ đạo thầu hoặc dựa vào doanh nghiệp sân sau thì không thể có phát triển nhà tốt để phục vụ dân cư và cũng không thể giúp đô thị mới văn minh lên, thu hút người dân đến ở.”
Hiện tại cán cân cung-cầu nhà ở tại Hà Nội được đánh giá đang không cân bằng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, có những dự án được rao bán 20 lần nhưng vẫn chưa bán hết nhà trong dự án.
Dù vậy, nhiều dự án mới vẫn đang được triển khai. Điều này khiến nhiều người không khỏi ngán ngẩm, như người dân từ Thanh Hóa nêu lên thực tế từ khu nhà ông sống:
“Lãng phí rất nhiều tiền của. Hoàn thiện xong mới chết dở, thằng chủ thầu không lấy được tiền, chưa giải ngân được, người ta gọi là dự án tái định cư không hoàn thành thì không có tiền.”
Không chỉ các dự án khu đô thị bị bỏ hoang mà ngay cả các dự án trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng cũng được truyền thông Nhà nước cho biết xây xong cũng bỏ phí hoặc một số dự án xây dựng dở chừng lại ách tắc. Cụ thể như Dự án Tổ hợp gara cao tầng, thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn và căn hộ nằm tại ô đất B12 Nam Trung Yên ở phường Trung Hòa (Cầu Giấy) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc được giao đất từ năm 2010. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 10 năm trôi qua, dự án này vẫn chưa được triển khai. Hoặc như dự án chung cư Sky Garden Towers (115 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) 6 năm nay rơi vào tình trạng bất an khi công trình bị dừng thi công. Dự án khởi công ngày 14/1/2012, dự kiến hoàn thành quý 3/2014 với quy mô 28 tầng nhưng đến nay dừng lại ở tầng 8. Bị bỏ hoang nhiều năm, công trình đang xuống cấp. Công trường chỉ còn lại vài bảo vệ, cỏ mọc um tùm và còn nhiều dự án khác nữa…