Khó khăn chồng chất
Ngoài 400 ngư dân của gần 300 tàu, thuyền ở các tỉnh vào âu thuyền Thọ Quang ở Đà Nẵng trú bão hôm 13/9, tại đây còn có nhiều tàu, thuyền của ngư dân Quảng Ngãi bị kẹt lại do dịch COVID-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng từ tháng 5/2021 đến nay.
Nhiều ngư dân Quảng Ngãi trong ngày 21/9 cho biết, mặc dù họ đã được xét nghiệm COVID-19 nhưng chưa được chích vắc-xin ngừa COVID nên họ vẫn phải “nằm chờ” tại âu thuyền này trong điều kiện “tiến thoái, lưỡng nan”. Một ngư dân không muốn nêu tên cho biết:
“Ngư dân Quảng Ngãi ra Đà Nẵng làm, vô bán cá chứ dưới này nhiều tàu ở 3, 4 tháng trời, từ ngày dịch tới giờ.
Tụi em đang trốn để đi về xứ cách ly chứ ở dưới tàu đói quá, bắt chờ hoài giờ nới lỏng bớt mình cũng có giấy test nên về, mà cũng phải trốn. Từ đây về Quảng Ngãi 2 triệu/ người. Về sợ ở Đà Nẵng (bị) bắt rồi bắt đi cách ly chứ không có gì, mà bắt đi cách ly tụi tôi không có tiền, thiệt ra về quê cũng cách ly nhưng đồng tiền đỡ bớt, ba triệu mấy, bốn triệu, còn ở Đà Nẵng tới 8, 9 triệu, rồi tiền xe, khách sạn cách ly mười mấy, hai chục triệu thì tụi tôi chết luôn!”
Hôm 13/9, gần 700 tàu, thuyền neo đậu tại Cảng cá Thọ Quang để tránh trú bão số 5, trong đó có hơn 300 chiếc tàu được Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho hay là tàu ngoại tỉnh.
Theo lời ông Nguyễn Lại, Phó Trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang nói với truyền thông nhà nước rằng, phía Ban Quản lý có đường dây hỗ trợ 24/24 để hỗ trợ nhu yếu phẩm, đi chợ mua hộ về cấp phát lại cho các tàu đang neo đậu tại đây.
Tuy nhiên, nhiều ngư dân cho hay lương thực của họ đang dần cạn kiệt, nên họ đang tìm cách trở về quê nhà:
“Không cho gặp người khác, nhốt tại ghe, không cho lên bờ làm sao mua đồ ăn. Chuyến cũ vừa đi còn rau, mì tôm nên ở lại ghe ăn. Giờ mình dân Quảng Ngãi vô Đà Nẵng, ở lại ghe mà không có người thân trên này (bờ) làm sao mua đồ ăn được. Điện đầu nậu cũng nói cách ly tại nhà làm sao mua đồ ăn, lấy gì ăn để sống?”
“Bọn em đi lâu, trước dịch, giờ đi làm vì gia đình khó khăn, xưa giờ ở dưới ghe luôn, không cho lên bờ, giờ hết thức ăn anh em lên xin phép liên hệ về.”
Vẫn theo lời những ngư dân nói với RFA, dù phải đối mặt với nguy hiểm ngoài khơi, kể cả mưa bão họ không nản, nhưng trong tình hình như hiện nay, bị “cầm chân” lâu ngày tại Đà Nẵng, họ cảm thấy tuyệt vọng. Các ngư dân Quảng Ngãi chia sẻ tiếp:
“Lúc mình đi không có dịch, vô đây có dịch thì dầu lên (giá), còn cá mắm vô bán không chạy như hồi không có dịch nên rẻ hơn, chi phí đi biển vô không lời được bao nhiêu, có ghe lỗ.
Ví dụ cá 10.000 đồng/kg thì bây giờ giảm còn 5.000, hồi kia vô chi phí rồi một tháng dư kiếm được 5-10 triệu, hoặc mười mấy triệu, giờ vô đây đồ ăn, đồ uống, chi phí ghe giờ nó (chủ tàu) bỏ hết vô trong tủ nó.”
“Nhiều lắm, khó khăn chung, dân biển nói chung là lạch bạch, cá rớt giá. Đi ghe biển chứ gió máy ra vô tổn, hạn không đủ chi phí bao nhiều hết.
Như hồi trước chợ đầu mối mở cửa thì mình có bạn hàng mà bữa nay thời COVID thì ai dám đi mua nữa, chỉ thị của chính phủ đưa ra cách ly theo Chỉ thị 16, còn dịch tràn lan mà ai mở cửa cho mình vô.
Bạn (tàu) lấy cũng không được vì giờ đâu cho nhập vô đây mà bạn vô, đi mà rủi ro bắt được bị phạt thì sao? Quy luật rồi.”
Mong được về nhà
Quá nhiều khó khăn bủa vậy do đó đa số ngư dân ngoại tỉnh đang có mặt tại âu thuyền Thọ Quang đều cho biết họ mong được về nhà vì chưa biết khi nào tàu được xuất bến:
“Chưa cho chạy mà, cho chạy chứ không cho nhập. Nói chung có tàu chạy, có tàu chưa chạy nhưng đa số thấy cầm (chân) nhiều.”
“Khi nào nhà nước cho chạy thì mới chạy, đi mà không có bạn (tàu) sao đi, giờ ở đâu ở tại đó chứ có đi đâu được đâu mà tàu mình chạy.”
“Chưa biết, chắc cũng qua dịch chứ như vầy anh em không có thu nhập, vô như vậy, về cách ly phải tốn tiền, mình đã không có thu nhập rồi còn vậy nên khó lắm.”
Tuy vậy, khi nhắc đến việc về nhà ai cũng lo chi phí cách ly vì họ chưa đủ điều kiện được cách ly tại nhà do chưa được chích vắc-xin ngừa COVID-19:
“Tui chưa tiêm, nghe nói tiêm vắc-xin, có người đăng ký nhưng vắc-xin chưa đủ. Thời buổi cực quá.”
“Dân biển nói chung là chưa tiêm vắc-xin, đi trước dịch mà.”
“Mình đi cách ly thôi nhưng cách ly với người không có dịch như dân biển với nhau vậy nè, chứ dân biển đi biển, không lên bờ làm sao có dịch?”
Trong khi chính quyền Đà Nẵng chưa có giải pháp cho nhiều tàu cá neo đậu cũng như các cảng cá hoạt động trở lại thì trong ngày 21/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho mở cửa trở lại các cảng cá lớn; đồng thời tạo điều kiện cho ngư dân đi đánh bắt hải sản trước ngày 15/9 được cập cảng, tiêu thụ sản phẩm sau gần một tuần tạm đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19.
Riêng tại Đà Nẵng, trong ngày 22/9, số ca dương tính đã tăng lên 2 con số trong hai ngày qua, trong đó phát sinh thêm ổ dịch trong hẻm tại trung tâm thành phố.
Đà Nẵng hiện đang có hai chuỗi lây nhiễm nguy cơ cao, gồm nữ công nhân công ty Matrix ở Khu công nghiệp Hoà Khánh (quận Liên Chiểu), với 11 ca COVID-19 trong bốn ngày qua; và nam lái xe sống ở hẻm 85 đường Hàn Mặc Tử, với 10 ca ghi nhận sau ba ngày.
Như vậy tính từ ngày 3/5 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.874 ca COVID-19.