Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) tài trợ cho tỉnh Đắk Lắk hơn 50 tỷ đồng để thực hiện dự án chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với môi trường.
Thông tin này được giới hoạt động trong ngành du lịch đặc biệt quan tâm.
Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 14/11 thông báo cụ thể số tiền hơn 50 tỷ đồng của Tổ chức Động vật Châu Á viện trợ sẽ được giải ngân từ tháng 11/2022 đến 12/2026 tại huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Tỉnh cũng dành một khoản ngân sách đối ứng góp vào để nâng tổng quỹ lên 55,4 tỷ đồng.
Quỹ này sẽ dùng để bù đắp phần thu nhập bị mất cho các chủ voi và người quản tượng, các điểm du lịch địa phương, trung tâm chăm sóc voi, đồng thời hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới.
Anh Phúc, hiện đang là hướng dẫn viên công ty Saigontourist, TP.HCM cho biết ý kiến cá nhân về các tour du lịch cưỡi voi tại Đắk Lắk:
“Ở buôn Đôn thì tôi không biết hiện tại còn dịch vụ cưỡi voi hay không do mấy năm nay tôi chưa vô lại vì đợt trước bị phản ánh do dùng gậy sắc gõ đầu voi nên không cho cưỡi nữa. Còn Hồ Lắk thì vẫn cưỡi đều mà không có tình trạng bị đánh. Nhưng nếu không cho cưỡi thì không có tiền mua đồ ăn cho voi.”
Anh Phan Thanh Thàn, một khách hàng của công ty du lịch Saigontourist, cũng trình bày ý kiến về các tour du lịch cưỡi voi qua chuyến du lịch Tây Nguyên vào năm 2020.
“Cá nhân tôi sẽ không bao giờ tham gia dịch vụ này. Lúc trước tôi có đi vô buôn Đôn có thấy một lần, nhìn rất tội. Có con phải chở bốn người. Hiện Nhà nước cũng cấm rồi nên tôi cũng rất vui và ủng hộ.”
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, ông Tuyên, Giám đốc chi nhánh tại quận 1 (TP.HCM) thuộc công ty The Sun Tourist, cho biết ý kiến liên quan việc thực thi dự án chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện môi trường với kinh phí do AFF tài trợ phần chính:
“Theo cá nhân tôi, đồng ý việc không cưỡi trên lưng trải nghiệm trên những con voi vì ảnh hưởng đến sức khỏe của động vật cần được bảo tồn. Còn tính khả thi phát triển dự án tùy thuộc vào ngân sách, chính sách cụ thể khi nào bắt đầu.Vì hiện tại số tiền chỉ nằm trên giấy tờ.”
Tôi cũng nghĩ hiện tại việc cần làm bây giờ là quản lý những dịch vụ du lịch liên quan đến voi trước. Sau đó, khi nguồn tiền được giải ngân thì cũng phải tính tới chuyện duy trì những mô hình dịch vụ thân thiện với động vật, ở đây là voi, vì voi ở đây như biểu tượng văn hóa, du lịch của Tây Nguyên. Nếu tình trạng đối xử với voi như vật tiếp tục diễn ra, Tây Nguyên chắc sẽ càng khó hơn trong hoạt động du lịch.”
Đồng thời, ông cũng hy vọng số tiền sẽ nhanh chóng được giải ngân để hỗ trợ người dân.
Các chương trình, đề án, kế hoạch hành động bảo tồn voi đã và đang được thực hiện tại các tỉnh Tây Nguyên. Lần lượt là các kế hoạch, đề án bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước; kế hoạch hành động khẩn trương bảo tồn voi đến năm 2010; dự án Bảo tồn voi tại Đắk Lắk giai đoạn 2010 – 2015; đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020”…
Biên bản ghi nhớ mà UBND tỉnh Đắk Lắk ký với AAF vào tháng 12 năm ngoái nêu rõ tỉnh sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà bao gồm: du lịch cưỡi voi; các hội thi như voi bơi; voi đá bóng; voi chạy; voi kéo co; voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông; dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi.
Thời gian qua, tình trạng cưỡi voi đã ảnh hưởng đến sức khoẻ, tuổi thọ và số lượng đàn voi của tỉnh Đắk Lắk. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi của tỉnh này, tính đến nay chỉ còn khoảng 140 con, giảm 90% số lượng so với năm 1980.
Một vụ việc voi bị thương rỉ máu trên đầu vẫn phải “cõng” khách du lịch ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk bị công khai trên mạng xã hội Facebook vào tháng hai vừa qua. Nhiều người phản ứng mạnh khiến Sở Văn hóa- thể Thao- Du lịch tỉnh phải lên tiếng và đơn vị trực tiếp xin rút kinh nghiệm không để xảy ra tình trạng tương tự.