Người lao động bị lừa trình báo, cơ quan quản lý nhà nước trả lời tắc trách!

Một số người tố cáo bị công ty môi giới việc làm lừa đảo vì sau khi  đóng cả trăm triệu đồng rồi mà hơn hai năm trời vẫn chưa được ra nước ngoài làm việc. Nạn nhân trình báo nhờ can thiệp nhưng cơ quan chức năng trả lời bất nhất, để công ty bị tố lừa đảo tiếp tục hoạt động.

Nhiều nạn nhân bị lừa

Trần Thị Duyên, quê ở Thanh Hoá, năm nay 22 tuổi, kiệt sức vì phải gánh số nợ hơn 100 triệu đồng, cộng thêm áp lực phải trả lãi hàng tháng vì vay mượn tiền để làm giấy tờ đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, nhưng lại bị công ty môi giới lừa, nhận tiền mà không đưa người đi.

Duyên nói với RFA rằng vào tháng 3/2020, đến Công ty TNHH Hợp Tác Lao Động và Thương Mại Thái Bình, viết tắt là Thabilabco, có trụ sở tại phường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội, đăng ký thi các đơn hàng để sang Nhật lao động.

Một tuần sau, Duyên được báo đã trúng tuyển và được công ty môi giới báo giá đơn hàng này tổng cộng là 6500 đô-la Mỹ, nhưng phải đóng trước 4500 đô-la Mỹ để lo học tiếng và làm thủ tục, số còn lại khi nào có lịch bay sẽ đóng hết.

Ngày 27/3/2020, Duyên vay mượn tiền để đóng trước 107 triệu đồng, tương đương 4500 đô-la Mỹ theo yêu cầu, nhưng không nhận được hoá đơn mà phải điền vào một “Biên bản cam kết tự nguyện”.

Nội dung biên bản ghi nhận Duyên đã tìm hiểu rõ và đồng ý tham gia đơn hàng đi Nhật trúng tuyển, đồng thời tự nguyện đóng 3500 đô-la. Biên bản cũng ghi rằng nếu sau 12 tháng mà Duyên chưa được đi Nhật thì có thể nhận lại số tiền này.

Còn 1000 đô-la Mỹ được nói là chi phí ăn ở và học tiếng Nhật không được thể hiện trong biên bản này.

Đến cuối năm 2021, chờ mãi vẫn chưa thấy thông báo được bay sang Nhật, mà tiền lãi vay để đóng cho môi giới ngày một nhiều, Duyên liên hệ để lấy lại tiền cọc, nhưng phía công ty này thoái thác không trả, thậm chí có lần còn mướn ‘côn đồ’ đe doạ:

“Đầu năm 2022, em và cậu ca em có lên công ty thì họ không giải quyết. Họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, họ hứa hẹn hết lần này đến lần khác chứ họ không trả lời.

Cậu ca em có lên trung tâm nhiều lần thì có một hôm trung tâm thuê tầm 20 người lạ mặt đến để đe dọa, trấn áp cậu ca em, bảo là không được lên công ty này nữa. 

Sau đó bọn em có làm đơn lên phường nhưng mà phường (Gia Thuỵ, Hà Nội – PV) không cho thì bọn em có lên trực tiếp trên quận (Long Biên, Hà Nội – PV)”

Duyên không phải là trường hợp duy nhất, có hai nạn nhân khác cũng xác nhận với RFA rằng họ cũng bị công ty này lừa như vậy. Tuy nhiên, những người này từ chối cung cấp thêm thông tin về trường hợp của mình vì muốn yên ổn làm ăn.

Tra tên Công ty TNHH Hợp Tác Lao Động và Thương Mại Thái Bình trên Google, chúng tôi nhận thấy đã có nhiều người từng là nạn nhân cảnh báo rằng đây là một công ty lừa đảo. Một tài khoản tên Hoàng Minh đánh giá về công ty này như sau: “Anh em không nên thi tuyển trung tâm này. Có nhiều đơn ảo hoặc có đơn nhưng nhiều khi phải đợi cả năm còn chưa chắc sang được Nhật; phí học cực cao, phí phát sinh cực kì nhiều, nếu chẳng may có vấn đề gì xảy ra thì việc mất tiền oan là 100%.”

Trong khi đó, vào năm 2017, trên báo Nhân Dân có bài viết ca ngợi công ty này như sau: “Công ty TNHH Hợp tác Lao động và Thương mại Thái Bình (Thabilabco) đã vượt mọi khó khăn, thách thức để vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực này.”

Công ty không phép, cơ quan quản lý làm ngơ?

Sau khi đến công ty mà không nhận lại được số tiền đã đóng, Duyên làm đơn trình báo lên Công an quận Long Biên, Hà Nội và Cục quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đến ngày 31/5/2022, Công an quận Long Biên có biên bản trả lời với nội dung chính rằng “Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an quận Long Biên đã tiến hành xác minh sơ bộ xác định: Công ty Thabilabco hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, được cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Đồng thời phía công an cũng khẳng định, sự việc trong đơn trình báo của chị Duyên là tranh chấp giữa cá nhân và doanh nghiệp, không có dấu hiệu phạm tội, nên không thuộc trách nhiệm của cơ quan công an, rồi đề nghị chị Duyên liên hệ với toà án để giải quyết.

Chị Duyên nói:

“Sau khá là nhiều lần trình báo thì công an đều bảo rằng đây là sự việc do hợp đồng của hai bên, chứ không hề liên quan đến vấn đề về pháp lý và một mực khẳng định rằng công ty này có giấy phép.”

Ngược lại, trong văn bản của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước phản hồi cho chị Duyên hôm 22/8/2022, cho biết Công ty này đã chấm dứt hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và nộp lại giấy phép từ ngày 1/12/2021.

Phóng viên RFA tra cứu trên Cổng thông tin điện tử Cục Lao động Ngoài nước, tên công ty này không có trong danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiện đang được cấp phép.

Trong khi đó, hiện nay, trang Facebook page “Thabilabco – Công Ty TNHH Hợp Tác Lao Động Và Thương Mại Thái Bình” vẫn đăng tải thông tin tuyển lao động sang Nhật và Hàn Quốc làm việc bình thường. Thậm chí, công ty này còn vừa tổ chức sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập công ty vào giữa tháng tám vừa qua. 

Một luật sư không muốn nêu danh tính, trả lời RFA từ TPHCM rằng, trong trường hợp này, phía công an quận Long Biên có thể nói là đang vô trách nhiệm với người dân, và việc công ty không có giấy phép mà vẫn hoạt động là có dấu hiệu lừa đảo:

“Thực ra công an trả lời biên bản này một cách lập lờ. Công an xác định công ty Thabilabco có giấy phép hoạt động, nhưng vào thời gian nào thì nó lại không nói. Có thể nói rằng cái cách trả lời như vậy của cơ quan công an là vô trách nhiệm với người dân.

Trong biên bản, công an nói đây là quan hệ dân sự, nghĩa là tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân hoặc tranh chấp giữa cá nhân với doanh nghiệp, và không có dấu hiệu lừa đảo, nhưng theo tôi là công an đã xác minh không rõ ràng và đã có văn bản từ Cục quản lý lao động ngoài nước như thế mà vẫn hoạt động thì là lừa đảo rồi.

Chỉ một vấn đề là công ty này có hay không có giấy phép thì bên Công an quận Long Biên và Cục Quản lý Lao động ngoài nước lại trả lời trái ngược nhau. 

Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với Công an quận Long Biên và Cục Lao động Ngoài nước để hỏi về những cáo buộc mà người lao động nêu ra, tuy nhiên cả hai cơ quan đều không có người nhấc máy.

Related posts