Mỗi ngày, tại TP HCM, một lực lượng lên đến hàng ngàn người lui khui sinh hoạt bên lề xã hội mà ít ai để ý thế nhưng lại rất ý nghĩa.
“Họ là người chính trong việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, bằng cách là họ tái chế rác thải nhựa rất tốt.”
Bà Nguyễn Thị Hoài Linh là Giám đốc Quốc Gia của ENDA Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ, đang nhắc đến những người thu gom rác, mà có người gọi là “đồng nát”:
“Một lực lượng rất quan trọng tại TP HCM, gọi là những người thu gom rác dân lập, mà tiếng Anh gọi là independent waste collector. Họ là những người informal sector, họ là khu vực phi chính thức, nhưng mà họ tham gia vào quá trình quản lý chất thải rắn tại TP HCM. Họ thu gom rác từ 60-65% lượng rác thải sinh hoạt của người dân tại TP HCM. Sau đó họ phân loại để họ bán”.
Bà nói, với tỷ lệ đáng chú ý, thành phần này không thể thiếu trong những giải pháp giảm thiểu rác thải trong môi trường. Theo khảo sát của ENDA, ở TP HCM có đến 4.200 người thuộc thành phần được gọi là lực lượng thu gom rác dân lập, và 2.000 người thuộc lực lượng ve chai.
Quốc hội Việt Nam hiện đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi). Trong đó lần đầu tiên có quy định Tăng cường Trách nhiệm (tái chế) của Nhà Sản xuất, gọi tắt là EPR, đòi hỏi các công ty sản xuất các sản phẩm và bao bì có giá trị tái chế cao phải thu hồi, tái chế theo tỷ lệ.
Thế nhưng vai trò của lực lượng thu gom rác dân lập chưa được đánh giá đúng mức trong dự thảo luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên-Môi trường đề xuất. Bà Nguyễn Thị Hoài Linh giải thích thêm:
“Hiện tại lực lượng informal sector phi chính thức này, họ đã hiển nhiên họ đóng vai trò quan trọng trong EPR rồi. Nói là mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, một cái hiện tại Việt Nam đang khuyến khích và luật này đang được xây dựng. Nếu mình yêu cầu các nhà sản xuất có trách nhiệm với bao bì và đóng gói của họ thì lực lượng phi chính thức không thể thiếu trong quá trình EPR này”.
Đồng quan điểm, bà Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên Minh Không Rác Việt Nam, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng Luật Bảo vệ Môi trường, và đặc biệt là EPR, cần phải đòi hỏi các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm 100% đối với toàn bộ “vòng đời” của 100% sản phẩm, kể cả chi phí dọn dẹp rác bị rò rỉ.
Đồng thời cần có quy định về tỷ lệ nhựa tái sinh mà các công ty sản xuất nhựa bắt buộc phải dùng. Như vậy sẽ tạo thị trường tái chế và giúp lực lượng hiện đang tham gia vào việc tái chế các loại rác thải này để bán lại.
“Theo chúng tôi, phải có quy định doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm 100% của sản phẩm họ sau khi tiêu dùng, vì hiện nay có nhiều sản phẩm rác có giá trị tái chế thấp bị rò rỉ ra môi trường. Lực lượng ve chai, đồng nát, khu vực phi chính thức họ không thu gom bởi vì họ thu gom thì không bán được cho ai cả. Nếu các nhà sản xuất đóng phí đầy đủ và đủ cao để thu gom thì lúc đó khu vực phi chính thức sẽ gom hết, vì cứ bán được là họ gom thôi. Nếu các doanh nghiêp trả tiền để thu gom, lực lượng phi chính thức này nhất định sẽ thu gom và lúc đó mình ”.
Bà nói, một cách gián tiếp, EPR có thể tạo được thêm việc làm, thêm thu nhập cho những người thu gom rác.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh thì việc này vừa cải thiện môi trường, vừa giúp giảm nghèo cho thành phần xã hội này:
“Những lợi nhuận mà các công ty đang có được chính là chi phí ô nhiễm mà xã hội phải chịu” -Bà Quách Thị Xuân
“Cái thu nhập chủ yếu của lực lượng rác dân lập thì 70-75% từ phí thu gom của hộ gia đình đống góp cho họ hàng tháng. 25-30% còn lại dựa vào rác tái chế mà họ thu gvà, phân loại và bán”.
Bà Quách Thi Xuân nhận định về Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), tổng quát là một bước tiến tốt cho một Việt Nam không rác.
“Hiện nay trong dự thảo luật bàn ngày 4/9/2020, có 2 điều luật là điều 55 và 56 nói về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Theo tôi về mặt ưu điểm, những quy định này hiện nay được đưa vào luật, tức là nó có tính pháp lý rất cao. Mình là nhà nước pháp quyền thì doanh nghiệp và dân làm theo hiến pháp, pháp luật. Khi mà được đưa vào luật như thế này thì chắc chắn nó sẽ được thi hành và sẽ đảm bảo nguyên tắc là người gây ô nhiễm phải trả, và đảm bảo tính công bằng về môi trường”.
Tuy nhiên có những khuyết điểm khác còn chưa được giải quyết:
“Theo chúng tôi thì cái chi phí nên được cấu trúc sao cho cái mức phí đối với các bao bì phải tiêu hủy cần phải cao hơn đối với các bao bì có thể tái chế, tái sử dụng… Có quy định cấu trúc như vậy sẽ khuyến khích những nhà sản phẩm chuyển từ sản phẩm bao bì khó tái chế sang sản phẩm bao bì dễ tái chế hơn để được giảm chi phí phải đóng góp”.
Bà cho biết việc này các nhà hoạt động cho môi trường đã chứng kiến tại Hàn Quốc:
“Các công ty họ tự nguyện thay đổi. Họ nhận thấy là nhựa trong thì dễ tái chế hơn nhựa màu, thì cái hãng rượu Soju của Hàn Quốc đã thay từ vỏ xanh bằng vỏ màu trắng để giảm chi phí tái chế. Nếu cấu trúc phí của mình hợp lý thì tự các doanh nghiệp sẽ tự thay đổi”.
Ngoài ra, bà nói, EPR nên quy định vật liệu khó tái chế phải trả phí cao hơn thì các công ty sản xuất sẽ tìm cách để tạo ra sản phẩm dễ tái chế hơn, tức là giá trị tái chế cao hơn và người gom tự khắc lượm.
Tiêu chuẩn tái chế cho các nhà sản xuất cũng cần lưu ý đến tác động sức khỏe cho người thu gom rác ví dụ như bằng nhãn tái chế gián trên sản phẩm thể hiện thông tin về đặc điểm tái chế của vật liệu, và cần có quy định phân loại chất thải rắn tại nguồn. Bà nói, như vậy những người ve chai không phải đi bới rác ở thùng rác và bãi, mà có thể trực tiếp thu gom rác tái chế đã được phân loại từ các hộ gia đình.
Dĩ nhiên những yêu cầu sẽ dẫn đến những kinh phí sản xuất cao hơn cho các nhà sản xuất, và có thể trở thành mặt hàng cao hơn cho người tiêu dùng. Nhưng Bà Quách Thi Xuân nhận định rằng xưa nay các công ty sản xuất đã không phải chịu kinh phí đó, nhưng chính người dân đã và đang phải gánh và những thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu:
“Những lợi nhuận mà các công ty đang có được chính là chi phí ô nhiễm mà xã hội phải chịu, gọi là chi phí ngoại ứng. Nó chưa được tính vào giá của sản phẩm. Thế thì với nguyên tắc người gây ô nhiểm phải trả, nếu mình có luật EPR thì các công ty phải trả chi phí này. Đó mới là sự công bằng về mặt môi trường bền vững vì hiện nay nó là lợi nhuận của công ty nhưng là chi phí của đất nước”.