Cho đến ngày 10/3, Cơ quan chức năng Việt Nam cho truyền thông trong nước biết đã tổ chức hai chuyến bay chở tổng cộng gần 600 công dân Việt Nam di tản ra khỏi vùng chiến sự ở Ukraine về nước.
Truyền thông Nhà nước ca ngợi đó là những chuyến bay sơ tán nhân đạo, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, được tổ chức miễn phí để đón bà con trở về.
Thực tế ra sao?
Chia sẻ người trong cuộc
Ông Dũng, hiện đang tá túc tại một ngôi chùa ở Ba Lan, cho biết đã đăng ký cho cả gia đình năm người được về Việt Nam, nhưng chỉ có vợ và ba đứa con nhỏ được ưu tiên lên chuyến bay cất cánh hôm 9/3 về Việt Nam trước, còn thanh niên, đàn ông được thông báo phải chờ các chuyến bay sau.
Kể về hành trình chạy nạn sang Ba Lan, ông Dũng nói ban đầu có nghe thông tin rằng Sứ quán Việt Nam sẽ mở “hành lang xanh” cho người dân chạy sang Nga, nhưng ông không tin tưởng lắm. Cả gia đình sau đó tự lái xe ô tô từ thành phố Kharkiv (Ukraina), phải mất bốn ngày đêm mới qua được Ba Lan do tắc đường quá dài:
“Cũng có nghe nói nhưng thực ra là tâm lý của mọi người cũng không tin tưởng lắm, tại vì đi qua vùng chiến sự nó cũng không an toàn. Cho nên cũng ít người lựa chọn hành lang đấy. Nói chung là để qua cửa khẩu thì hầu như đến 98% là tự túc hết, không ai giúp đỡ cả.”
Ông này cũng chia sẻ thêm rằng vì chiến tranh mà tất cả tài sản, nhà cửa, cơ sở kinh doanh của cả gia đình ông gầy dựng bao nhiêu năm qua đều mất hết. Ông dự tính đưa cả gia đình về Việt Nam lánh nạn, nếu hoà bình trở lại, ông lại quay lại Ukraine làm việc:
“Cảm giác nói chung của tất cả người Việt Nam mình hiện tại, những người từ Ukraine là một cảm giác thất bại. Tại vì mất hết rồi. Không phải riêng tôi mà tất cả mọi người.
Thực ra là ở bên đấy (Ukraine – PV) bọn tôi vẫn còn nhà cửa. Nếu bom đạn có phá hủy thì thực ra vẫn là nhà của mình. Nếu nó bị phá hủy rồi thì thôi, chứ nó chưa phá hủy hay là hòa bình lại thì vẫn phải sang, bởi vì vẫn còn nhà còn cửa mà.
Mỗi người một suy nghĩ. Bọn tôi cũng đã ở bên Ukraine lâu rồi, thời gian làm việc nó không gò bó như Mỹ hay các nước Châu Âu. Cũng không có tư tưởng là sẽ sang bên đấy, sang bên đấy thì cũng mất thời gian để hòa nhập, cho nên là bọn tôi quyết định về.”
Cũng đang trong tình trạng chờ đợi được được về nước từ Ba Lan, chị Quyên cho RFA biết chị đăng ký về Việt Nam theo đường link hướng dẫn của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cho cả gia đình. Đến ngày 9/3 thì hai ông bà gần 60 tuổi, cùng với em bé thì được cho về trước, vợ chồng chị ở lại chờ đợt sau.
Theo lời chị Quyên, cả nhà năm người, ba thế hệ dắt nhau ra ga chờ đợi để được lên tàu chở đến biên giới, mất ba ngày đêm mới qua được Ba Lan:
“Bọn tôi đi từ hôm mùng một. Bọn tôi đi tàu từ Odessa đến biên giới Ba Lan, nói chung đi sang cho đến được bên này là mất ba ngày ba đêm.
Bởi vì tôi cũng có ý định về lâu rồi. Bây giờ chạy như thế xong rồi cũng chỉ muốn về nhà thôi. Kiểu như sau cái cơn chạy loạn này mình rất là hoang mang cho nên bọn tôi chỉ muốn về nhà.”
Chuyến bay thứ nhất chở 287 công dân Việt Nam từ Romania đã về Nội Bài hôm 8/3, theo giờ Hà Nội. Chuyến bay thứ hai đưa khoảng 300 người cất cánh từ Warsaw (Ba Lan), đã đáp xuống sân bay Nội Bài vào sáng ngày 10/3.
3.500 người được sơ tán hay tự sơ tán?
Về công tác sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi vùng giao chiến, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch trả lời Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN) rằng đã quyết liệt chỉ đạo và sơ tán được khoảng 3.500 công dân Việt Nam đến nơi an toàn. Ông Thạch nói:
“Ngày 1/3 vừa qua, Đại sứ quán đã quyết liệt yêu cầu Hội người Việt ở Kharkov đưa bà con sơ tán về phía Tây và tốt nhất là đi tàu do đi ô tô vừa không an toàn vừa có nguy cơ không mua được xăng, hỏng xe…
Tôi rất mừng là sau các nỗ lực quyết liệt đến giờ này những ai muốn sơ tán đã sơ tán hết. Bà con đã ra được nơi an toàn dù rất vất vả và cũng là thành công.”
Ông Đồng, một người Việt vừa mới chạy từ thành phố Kharkiv, Ukraine đến Đức và đang ở trong trại tị nạn nói với Đài Á châu Tự do rằng người Việt ở Ukraine tự lo tìm đường sơ tán, chứ chẳng có “nhà nước nào” sơ tán cho họ cả:
“Cái số lượng đó nghe buồn cười quá! Một người tôi dám chắc còn chưa được chứ đừng nói tới là 3.000 người. Ai sơ tán? Tự họ đi sơ tán chứ ai sơ tán họ!
Ở khu làng của tôi là khu Việt Nam, có hơn 1.000 người, thông tin gì, toàn lừa bà con chứ làm gì có thông tin gì chính xác đâu! Tất cả bọn tôi phải tự đùm bọc, tự san sẻ với nhau. Ai sang trước thì cung cấp thông tin cho người đến sau, còn ai đến sau thì học hỏi, tìm hiểu thông tin của người đi trước. Tự bà con giúp đỡ lẫn nhau thôi, tự các tình nguyện viên ở các nước người ta giúp đỡ thôi.
Nhà nước Việt Nam giúp cái gì, chả giúp được một cái gì cả!”
Ông Đồng cho biết thêm rằng theo ông quan sát thì hầu hết người Việt có giấy tờ hợp pháp, một khi đã ra khỏi Ukraine thì phần đông là muốn ở lại các nước Châu Âu khác như Ba Lan hay Đức. Những trường hợp muốn về Việt Nam là do không có giấy tờ hợp pháp khi ở Ukraine trước đây, hoặc họ đã có tài sản ở Việt Nam nên muốn quay về:
“Có những người hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và éo le, người ta không còn ai nữa hoặc giấy tờ người ta không hợp pháp thì người ta sẽ về nước, hoặc là những người có điều kiện kinh tế quá đầy đủ rồi thì người ta sẽ muốn về đất nước để nghỉ ngơi. Nhưng hiện tại con số đó không lớn.
Ngay cả những người già có tuổi cũng không muốn về Việt Nam nữa. Căn bản là người ta sống bên này bao nhiêu năm quen rồi. Đa phần là người ta chọn con đường đi nước thứ ba hết. Rất ít con số để trở về Việt Nam, cho đến thời điểm này số lượng người mà ở lại các nước thì nhiều hơn rất nhiều.”
Hồi cuối tháng hai, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ra công điện gửi các Bộ ngành yêu cầu thực hiện bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam tại Ukraine. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trước khi Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraine, số người Việt sinh sống, làm việc, học tập tại nước này gần 7.000 người.