Các chuyên gia tham gia một hội thảo hôm 14/2 tại Viện Stimson (Hoa Kỳ) về nước sông Mekong mùa khô 2022 lên tiếng cảnh báo về tình trạng khan hiếm nước ở đồng bằng Sông Cửu Long khi Trung Quốc giữ hàng tỷ mét khối nước ở thượng nguồn và do các hiện tượng thời tiết bất thường.
Nói về dòng chảy của Mekong vào mùa mưa, ông Alan Basist của Eyes On Earth cho biết:
“Chúng tôi dùng vệ tinh để xác định dòng chảy trên thượng nguồn sông Mekong, và chúng tôi đã biết rất rõ rằng các đập có khả năng giữ lại một lượng nước lớn. Tất nhiên, thời điểm trong năm để giữ nước trong các hồ chứa là mùa mưa. Vì vậy, chúng tôi thấy một sự suy giảm đáng kể của dòng chảy vào mùa mưa.”
“Thậm chí có đến ½ dòng chảy, hoặc nhiều hơn thế, đến trong mùa nước từ thượng nguồn Mekong được tích trong hồ chứa để có thể được xả ra trong mùa khô. Điều này đương nhiên làm thay đổi nhịp chảy tự nhiên của dòng sông, rõ nét nhất tại lưu vực phía trên nơi có nhiều nhánh đổ vào sông Mekong. Những gì đang xảy ra ở hạ nguồn phần nhiều bị ảnh hưởng bởi các nhánh sông lớn và các đập thủy điện lớn ở thượng nguồn, từ đó làm thay đổi nhịp chảy tự nhiên của dòng sông vào mùa nước xuống vùng hạ lưu vực”.
Tiếp lời ông Alan Basist, Giám đốc Chương Trình Đông Nam Á của Stimson Center, ông Brian Eyler, nói về những con đập rất lớn ở Trung Quốc mà ai cũng có thể nhìn thấy:
“Và như ông Alan Basist đề cập, nhìn trên hình ta có thể thấy phần cao nhất của lượng nước trong mùa nước trước đó là ở thượng nguồn rồi đi dần xuống, bạn cũng có thể thấy khi những con đập đó bắt đầu xả nước, thì nước di chuyển xuống bên dưới, hình dung như là tàu lượn đang chạy xuống.”
“Bây giờ chúng ta đang ở trên phần dốc đường đi của nước đổ xuống sông Mê Kông, và chỉ hôm nay chúng tôi đã tính được sự giảm khối lượng nước trong các hồ chứa trên kia là 10 tỷ mét khối, một con số đáng phải suy nghĩ”.
Ông Alan Basist giải thích về lượng nước khổng lồ mà Trung Quốc giữ lại:
“Sơ đồ về lượng nước trên cao xả xuống dưới cho thấy những gì có xu hướng xảy ra và có thể đo được khối lượng nước khổng lồ do những con đập đã giữ lại. Hàng tỷ mét khối nước trong mùa khô dành cho thủy điện thì phải tích nước trong mùa nước và sau đó xả ra trong mùa khô.”
“Chúng ta biết nước sông Mekong được chuyển đến các thành phố ở Trung Quốc để sản xuất một lượng điện khổng lồ, hỗ trợ cho những cơ sở hạ tầng trong phần lớn ngành công nghiệp ở Trung Quốc. Những hoạt động như vậy cũng đang xảy ra tại Lào, và Thái Lan”.
Hai nơi mà ông Eyler nói ông đang theo dõi chặt chẽ trong mùa khô 2022 là vùng biên Thái Lan giáp Campuchia, Lào. Nơi thứ hai là đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Đây là những nơi mà mực nước đôi ba lần tăng hay giảm một cách đột ngột từ 2021 đến nay, ảnh hưởng không ít đến môi trường sống, hệ sinh thái và động thực vật trong vùng.
Vấn đề được nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong, ông Nguyễn Hữu Thiện, trình bày như sau:
“Tôi nghĩ ở ĐBSCL, mặc dù mực nước sông Mekong quan sát trong mùa mưa 2021 là thấp, nhưng tình hình hạn-mặn ở ĐBSCL trong mùa khô 2022 sẽ không nghiêm trọng như những năm trước”.
“Theo tôi thì có hai điều đang xảy ra trong lưu vực sông Mekong. Một là sự bất thường của thời tiết như những sự kiện El Nino cực đoan đã xảy ra hồi mùa mưa 2015 và 2019 dẫn đến mùa khô cực đoan 2016 và 2020. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các sự kiện cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn”
“Trong hai năm qua, chúng ta thấy mùa mưa bị dịch chuyển đến gần cuối mùa với La Nina xuất hiện vào khoảng tháng 10. Thứ hai, trong bối cảnh đó, hoạt động tích/xả nước các hồ chứa thủy điện càng làm phức tạp thêm tình hình.”
“Kết hợp hai yếu tố này, tôi nghĩ có ba tình huống xảy ra:
Một là đối với những năm có lượng mưa bình thường, quy luật chung là các đập thủy điện sẽ tích một lượng nước trong mùa nước và xả ra trong mùa khô, làm giảm dòng chảy mùa lũ, tăng dòng chảy mùa khô, làm giảm hạn-mặn cho ĐBSCL. Đó là một tác động có thể xem là tích cực duy nhất.”
Được hỏi bao nhiêu đập thủy điện đã được xây trên dòng Mekong, ông Brian Eyler là người thường cho rằng các đập là tác nhân làm hạ lưu sông Mekong thiếu nước, trình bày một biểu đồ cho thấy:
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy một bức tranh về sự hủy hoại không chỉ từ phía Trung Quốc. Có rất nhiều đập được xây dựng trên khắp các nước dọc lưu vực Mekong. Thực sự nhiều nhất là ở Thái Lan với 152 cái nhưng hầu hết là đập nhỏ, được sử dụng cho mục đích tiêu tưới”
“Trung Quốc có 129 đập trên lãnh thổ của họ, hết 11 đập được coi là chính và lớn nhất thế giới. Nước Lào có 68 con đập đã hoàn thành, và 37 đập khác đang được xây.”
Campuchia có một số đập đã xây, một số hoãn kế hoạch cho các đập chính thống ở Việt Nam. Việt Nam có 78 con đập, chủ yếu có kích thước vừa và nhỏ ở phần sông Mekong và ở Tây Nguyên”.
Các cộng đồng dân cư ở Hạ Lưu Mekong, vẫn lời ông Brian Eyler, đang sử dụng một lượng nước sông tương đối lớn hơn và những con đập cũng cần thêm nước để vận hành bất kể hạ lưu đang bị khô hạn dài ngày. Đây là điểm mà Nhóm Giám Sát Các Đập Sông Mekong vô cùng quan ngại.
Trở lại vấn đề của ĐBSCL, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện bổ túc ý kiến:
“Biến đổi khí hậu đã làm tình hình trở nên phức tạp, và thủy điện càng làm cho nó trở nên phức tạp hơn nữa trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chúng ta đã trải qua El Nino cực đoan nhưng chưa trải qua La Nina cực đoan.
“Tôi xin tiếp tục, tình huống thứ hai là vào những năm El Nino cực đoan với lượng mưa quá ít, các đập không đủ độ sâu để chạy turbine thì phải đóng để chờ tích cho đủ nước. Đập trên đóng thì đập kế tiếp phải chờ. Đập thứ hai đóng thì đập thứ ba phải chờ và cứ như thế, nước đi qua được một chuỗi đập sẽ rất lâu. Do đó, một khi đã khô hạn, thủy điện làm cho tình hình tồi tệ thêm và đối với ĐBSCL sẽ không có cách nào thích ứng, chỉ có cách là bỏ hẳn một vụ canh tác đó hoặc dịch chuyển lịch canh tác để né hạn-mặn.”
“Và tình huống thứ ba, tôi muốn nhắc mọi người rằng chúng ta đã nói quá nhiều về hạn hán, nhưng chúng ta cũng không nên quên khả năng xảy ra các sự kiện cực đoan ở chiều ngược lại. La Nina cực đoan có thể xảy ra. Trong trường hợp mưa quá nhiều do La Nina cực đoan, các đập mất an toàn thì sẽ xả nước ra để cứu đập, từ đó gây ra “lũ chồng lũ” ở bên dưới. Tôi không dám hình dung thảm họa gì sẽ xảy ra cho người dân ở phía hạ lưu trong tình huống đó.”
“Ở đây tôi muốn bổ sung, chúng ta thường hay nghe về tác động của thủy điện ảnh hưởng đến lũ lụt, khô hạn, nhưng đó không phải là chuyện chính. Cái thật sự đe dọa sự tồn tại của ĐBSCL trên bản đồ là sự suy yếu dòng chảy mùa lũ làm cho sông Mekong không đủ mạnh để vận chuyển phù sa và cát về ĐBSCL. Sạt lở sẽ gia tăng, ĐBSCL sẽ có thể biến mất hoàn toàn trên bản đồ trong một vài trăm năm! Sự suy yếu dòng chảy mùa lũ cũng làm cho Biển Hồ chết hẳn, ảnh hưởng đến hàng triệu người”.
Trong tư cách một nhà khí hậu học, ông Alan Basist dự báo chắc chắn về tình trạng khô hạn hơn nữa trong những ngày tới. Vùng hạ lưu Sông Mekong đã bị mất mùa nước gần như bốn năm liên tiếp. Do đó căn bản là các quốc gia cần theo dõi tín hiệu khí hậu và dữ liệu tại các hồ chưa để giúp giảm thiểu tác động bất lợi. Bên cạnh đó là sự hợp tác liên quốc gia trong mùa khô hạn nhằm duy trì cho được sự an toàn thường xuyên và tối thiểu mực nước và dòng chảy sông Mekong.
Tóm lại, một hệ thống hợp tác tích cực và tích hợp là cách hay nhất để duy trì sự toàn vẹn cho dòng sông Mekong vốn đang bị tận dụng một cách nghiêm trọng.