Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội hôm 16/8 xét xử phúc thẩm đối với nhà báo độc lập Lê Văn Dũng trong vụ án “tuyên truyền chống nhà nước.”
Trước đó, ông Dũng bị toà sơ thẩm tuyên án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế vào tháng 3 năm 2022, nhưng đã tiến hành kháng cáo.
Phiên toà diễn ra chóng vánh từ 8 giờ 45 và kết thúc lúc 10 giờ 30, với kết quả là nhà báo người Hà Nội bị tuyên y án 5 năm tù.
Viện kiểm sát hạn chế tranh luận với luật sư
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Lê Văn Dũng trong phiên xét xử phúc thẩm, cho biết diễn biến phiên toà:
“Toà cũng hỏi rất là vắn tắt, không đào sâu, dành thời gian cho tranh luận. Tưởng là như vậy chứ thực ra toà cũng cắt mất phần tranh luận của luật sư.
Trước đây làm việc với chúng tôi thì ông Dũng thực ra đã chuẩn bị tinh thần là phiên toà sẽ không có sự thay đổi gì về kết quả.
Cho nên khi ra toà thì thái độ của ông ấy rất là ung dung, rất là bình thản. Và gần như là ông ấy cứ mỉm cười suốt trong phiên toà.”
Theo luật sư thì phía Viện Kiểm sát có thái độ không muốn tranh luận, thay vào đó thì chỉ trả lời qua loa đối với các chất vấn của luật sư.
“Luật sư thật ra nêu ra khá nhiều vấn đề, như tôi chẳng hạn, tôi nêu ra bốn vấn đề nhưng mà họ chỉ tranh luận một vấn đề với chỉ một câu duy nhất rất là ngắn.
Ví dụ chúng tôi tranh luận về vấn đề giám định tư pháp thì Viện Kiểm sát họ tranh luận lại, họ nói rằng giám định viên là người được cơ quan nhà nước cấp cho cái thẻ giám định viên, vì vậy họ có quyền, họ có toàn quyền về vấn đề giám định và việc giám định của họ như vậy là hợp pháp. Hết!
Khá nhiều vấn đề chúng tôi nêu ra mà họ không tranh luận.”
Trong các vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999, hoặc “phát tán tài liệu chống nhà nước” theo điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì các phát ngôn của bị cáo trên mạng xã hội thường sẽ được giám định bởi cơ quan nhà nước.
Mục đích của việc giám định là để tìm ra nội dung bị cho là vi phạm các điều luật trên.
Cũng theo người bào chữa cho ông Dũng thì các luật sư không thể tranh luận thêm với Viện Kiểm sát bởi vì vị chủ toạ cắt ngang, với lý do “có tranh luận nữa cũng không thống nhất được cái gì cả”.
Về phần ông Lê Văn Dũng, luật sư cho biết ông này vẫn khẳng định mình không vi phạm pháp luật, mà chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp quy định.
Khi được hỏi phản ứng của luật sư trước kết quả phiên toà, vị luật sư của Đoàn Luật sư Tp. HCM cho hay:
“Thứ nhất là đối với kết quả thì thực ra không ai tham dự phiên toà cảm thấy bất ngờ. Cái cách sinh hoạt của pháp đình Việt Nam thì chúng ta đều hiểu cả, do đó chúng ta không mong chờ có sự thay đổi lớn, kể cả thay đổi nhỏ cũng không có.
Tuy nhiên, nhìn chung cả hai phiên toà đều nêu quan điểm buộc tội ông Dũng thì chúng tôi không đồng tình.”
Lý do phía luật sư không đồng tình với bản án mà ông Dũng phải nhận, là bởi vì họ cho rằng đáng lý ra ông Dũng không nên bị bắt và truy tố chỉ vì nói lên quan điểm của mình.
Vì quyền tự do ngôn luận là quyền hiến định, ngoài ra, chính quyền Việt Nam phải có trách nhiệm tôn trọng quyền này, khi đã ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Phản ứng của các tổ chức quốc tế
Phiên toà hôm nay đã vấp phải chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền quốc tế. Trong đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã kêu gọi toà án trả tự do cho nhà báo công dân Lê Văn Dũng, và cáo buộc chính quyền Việt Nam đàn áp nhân quyền.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức này, nói:
“Bản án giả tạo và có động cơ chính trị mà ông Lê Văn Dũng phải chịu cần phải được huỷ bỏ, và ông ấy cần phải được trả tự do ngay lập tức.
Việc sử dụng internet để nói về những điều bất công và yêu cầu cải cách không thể bị coi là một tội phạm, bằng việc truy tố ông Dũng thì chính quyền Việt Nam cho thấy họ đã trở nên độc tài, và lạm dụng nhân quyền thế nào.
Bán án 5 năm tù mà ông Lê Văn Dũng phải nhận hồi tháng ba cho thấy cách thức mà nhà nước trả thù những công dân dám nói lên suy nghĩ của mình.”
Sau khi phiên toà kết thúc đến lượt tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra chỉ trích. Bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc khu vực của tổ chức này, cho biết quan điểm trong một email gửi cho đài RFA:
“Phiên toà phúc thẩm này một lần nữa cho thấy sự thất bại của chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ về nhân quyền.
Ông Lê Văn Dũng là một nhà báo độc lập, và đã đấu tranh cho quyền tự do biểu đạt của những nhóm người yếu thế trong xã hội, cũng như cho sự minh bạch xã hội. Những nỗ lực của ông ấy cần được tán dương, thay vì phải chịu án tù cho việc nói lên quan điểm của mình.
Chính quyền Việt Nam cần phải trả tự do ngay lập tức cho ông Lê Văn Dũng, và nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác, như Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, và Nguyễn Thị Tâm.”
Được biết tới với các chương trình phát sóng trực tiếp trên Facebook dưới tên CHTV, qua đó nhà báo này chuyên giúp nông dân bị thu hồi đất đai “kêu oan”, và đồng thời đưa ra những bình luận và nhận định đối với tình hình chính trị-xã hội tại Việt Nam.