Vào cuối tháng 10 năm 2023, dư luận xôn xao khi báo chí nhà nước đăng tải thông tin về một ‘báo cáo vi phạm liêm chính khoa học của PGS. TS. Đinh Công Hướng’ đã được gửi đến hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted và nhiều cơ quan, cùng nhiều nhà khoa học.
Theo nội dung báo cáo, PGS. TS. Đinh Công Hướng trước đây là giảng viên cơ hữu của Trường đại học Quy Nhơn. Nhưng theo thống kê của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ – MathSciNet, tác giả Đinh Công Hướng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 13 công trình đứng tên Trường Đại học Tôn Đức Thắng và bốn công trình đứng địa chỉ của Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Thành tích và thành tựu
Sau những lùm xùm liên quan đến tố cáo vi phạm liêm chính học thuật, mới đây TS. Hướng đã đưa đơn xin rút khỏi Hội đồng Khoa học ngành Toán.
Có ý kiến về sự vụ liên quan đến TS. Hướng, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, giảng viên Khoa xây dựng thủy điện thủy lợi Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hôm 15/11 nói:
“Theo tôi nhận xét vấn đề này, vị giáo sư đó (PGS. TS. Đinh Công Hướng – pv) bán nhưng vẫn để tên ổng, chứ không phải để tên người khác đứng tên. Nhưng thay vì để tên ổng với cơ quan công tác là Đại học Quy Nhơn, thì ổng lại để Đại học Tôn Đức Thắng hay đại học gì đó. Tôi cho rằng việc này không nghiêm trọng gì hết, thay vì ổng để tên trường này, thì để tên trường khác và trường khác phải bồi dưỡng cho ổng. Cái trường đó mang tiếng thôi, chứ ông này không mang tiếng gì cả. Khi nào mà ổng để tên bài của ổng mà người khác đứng tên, tức là ông bán công trình của ổng mới nói. Nên tôi thấy cũng chả có vấn đề gì, chỉ là vấn đề là cái trường đó họ muốn có thành tích.”
Khi nào mà ổng để tên bài của ổng mà người khác đứng tên, tức là ông bán công trình của ổng mới nói. Nên tôi thấy cũng chả có vấn đề gì, chỉ là vấn đề là cái trường đó họ muốn có thành tích.
-Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng
Mặc dù vậy, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng khẳng định, hiện nay giáo dục Việt Nam có rất nhiều tiêu cực:
“Tiêu cực thì đầy dẫy, tôi biết rất nhiều, nhưng không thể nói được, vì mình không thể bẻ gậy chống trời, mình mà nói ra là nó ném đá mình chết. Tụi tôi biết giới khoa học Việt Nam hoạt động như thế nào, nhất là chuyên ngành của tôi thì tôi nắm trong tay mình, biết lực lượng nào, người nào làm cái gì trong ngành của mình… nhưng không thể nói được.”
Trả lời với truyền thông sau nhiều tranh cãi liên quan đến mình, ông Hướng xác nhận, ông có 69 bài báo thuộc ISI/Scopus, trong đó có 15 bài đứng tên ĐH Tôn Đức Thắng và sáu bài ĐH Thủ Dầu Một. Ông cũng cho biết những bài này đều công bố trước khi ông công tác tại Trường đại học Công nghiệp TPHCM.
PGS. TS. Đinh Công Hướng đồng thời nói rõ khi đang là giảng viên cơ hữu của Trường đại học Quy Nhơn, thì ông đã ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với hai Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Thủ Dầu Một.
Đi ngược tiêu chuẩn liêm chính cơ bản
Nhìn nhận tình hình thực tế liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu tại Việt Nam trong thời gian gần đây, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên là giảng viên đại học Liège – Bỉ, từng có hơn 15 năm làm việc trong ngành giáo dục tại Việt Nam, hôm 15/11 nói với RFA:
“Tôi cũng lăn lộn với đại học Việt Nam và tôi cũng có thấm thấu những sự việc, những tình trạng xảy ra cho các sinh hoạt đại học, đặc biệt các sinh hoạt của các nhà nghiên cứu ở Việt Nam. Tôi cho rằng cái ông giáo sư đó (PGS. TS. Đinh Công Hướng – pv) đã làm, đều do tình trạng học thuật Việt Nam mất đi những cơ sở căn bản của tính trung thực, của liêm chính khoa học.”
Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, sự việc có tính chất rất trầm trọng, bởi vì nó gần như phát triển và không có gì dừng lại được. Ông nói tiếp:
“Có một số trường đại học lớn ở Việt Nam đã mua những bài công bố của các giáo sư, các nhà khoa học… không ăn nhập gì với trường mình, chỉ cần thấy cái tên có cộng tác, nhưng trên thực tế chưa bao giờ thăm trường. Thế mà họ đã làm được như vậy và họ đã nâng cao được uy tín của trường mình, để được đánh giá cao bởi một hành động thiếu liêm chính, một hành động có thể nói là lừa đảo. Cái đó đã xảy ra không chỉ ở một trường lớn ở Sài Gòn, mà còn một trường khác ở Đà Nẵng và từ đó nó xuất hiện ở nhiều nơi.”
Nếu một trường đại học tham gia vào một vụ việc như vậy nó chỉ chứng tỏ một điều rằng trường đó chỉ muốn mua bài để nổi tiếng chứ không phải là đầu tư nghiêm túc vào học thuật.
– Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Với trường hợp của PGS. TS. Đinh Công Hướng, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, một nghiên cứu sinh ở Na Uy khi trả lời RFA hôm 15/11, cho rằng, nếu nhà nghiên cứu có hợp đồng hợp tác nghiên cứu hay giảng dạy với một hay nhiều đại học thì khi công bố bài báo, bài báo ghi các cơ sở làm việc của nhà nghiên cứu thì đó là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, theo ông Vũ, nếu một nhà nghiên cứu không có những hợp đồng làm việc với các trường đại học mà vì một lý do nào đó để tên của các trường đại học vào các bài báo của mình để xuất bản thì dù bất kể lý do gì nó cũng đi ngược lại những tiêu chuẩn liêm chính cơ bản của học thuật. Tiến sĩ Vũ nói tiếp:
“Nếu một trường đại học tham gia vào một vụ việc như vậy nó chỉ chứng tỏ một điều rằng trường đó chỉ muốn mua bài để nổi tiếng chứ không phải là đầu tư nghiêm túc vào học thuật. Một việc làm như vậy của bất kỳ trường đại học nào cuối cùng cũng sẽ bị đánh giá bởi cộng đồng học thuật.”
Ở Việt Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, khi văn hoá nghiên cứu và học thuật chưa được hình thành một cách rõ nét và theo thông lệ quốc tế, trường hợp các trường đại học mua bài của các nhà nghiên cứu không phải là chuyện hiếm. Ông nhận định thêm:
“Về lâu về dài, các trường đại học Việt Nam cũng phải đi theo tiêu chuẩn chung của thế giới, đó là mời các nhà nghiên cứu về hợp tác làm việc và tài trợ cho các nghiên cứu của họ để từ đó các trường đại học hãnh diện có tên trong các xuất bản của những nhà nghiên cứu, nhưng điều quan trọng hơn nữa đó là những nhà nghiên cứu này sẽ giúp lan toả văn hoá nghiên cứu khoa học.”