Trong khu phố “Hàng” Hà Nội (Hà Nội có nhiều hơn 36 phố cổ, một số như Hàng Bột nằm ngoài phạm vi khu phố cổ dày đặc, nhưng từ khi quy hoạch thì nói đến phố cổ tức là nói đến khu vực các phố có chữ “Hàng” ở đầu) bây giờ có vài ngôi nhà cổ được trùng tu để cho du khách tham quan, ngắm nghía một kiến trúc đặc trưng của nhà phố Hà Nội thời xưa.
Nổi tiếng nhất là ngôi nhà 87 Mã Mây và nhà 38 Hàng Đào. Cả hai ngôi nhà này từng trải qua nhiều cắt xé lột da cắt thịt trong nhiều chục năm, trước khi được thành phố Toulouse và thành phố Hà Nội bỏ tiền trùng tu. Sau đó, Bộ Văn hóa Thông tin và truyền thông đã công nhận đây là các di sản cấp quốc gia và khai thác thành điểm tham quan như bây giờ.
Thậm chí đặt trong không gian lùi xa gần trăm năm, những ngôi nhà kể trên vẫn rất đẹp đến mức hoàn mỹ. À tất nhiên không nói đến tiện nghi khi sống tại đó theo chuẩn bây giờ. Tôi sẽ nói ở phần sau.
Nhà ống sang trọng thời xưa
Do chính sách thu thuế theo chiều rộng mặt tiền của Pháp thời đầu thế kể 20 nên để tiết kiệm tiền, những ngôi nhà cổ không quá rộng bề ngang. Thay vào đó, nó chạy dài vào trong đến vài chục mét để có đủ diện tích cho cả gia đình và người làm vừa sinh sống, vừa là cửa hàng buôn bán, vừa là xưởng sản xuất. Ngôi nhà 38 Hàng Đào còn chạy xuyên phố đến tận sông Tô Lịch xưa, mở cửa hậu ra mé sông để đón hàng hóa đưa đến bằng thuyền. Nghĩa là một đầu phố, một đầu là sông.
Hàng Đào thì dễ rồi, con phố chỉ dài chưa đến 300 m này vốn là nơi tập trung bán và nhuộm vải vóc, tơ lụa, trong đó màu đỏ (màu điều- màu hồng đào) được bán nhiều và nổi bật nhất, nên lấy tên hàng hóa gọi thành tên phố. Cũng như các phố khác: Hàng Đường bán kẹo bánh, mứt, đồ ngọt. Hàng Bạc bán đồ kim hoàn…
Còn tại sao là Mã Mây? Theo giải thích, đoạn phố này một đầu bán hàng mã (quần áo giấy tiền, đồ dùng cúng vái người chết), một đầu bán mây tre đan. Gọi chung theo cách vắn tắt của người Bắc, vừa mã vừa mây thành ra Mã Mây.
Ngôi nhà 87 Mã Mây trước kia cũng buôn bán như tất cả các cửa hiệu trên phố này. Mặt tiền 5 m, nó kéo dài đến 28 và nở hậu thành 6 m ở cuối. Có ba lớp nhà và hai sân trong: gian ngoài cùng, mặt tiền, là cửa hàng buôn bán. Ở đây cũng có một chiếc cầu thang thường bằng gỗ lim, rất dốc, dẫn lên phần gác xây trên cả hai lớp nhà đầu tiên và lớp nhà giữa, là một phần nơi ở của gia đình người chủ. Hai gác này cũng nối với nhau bằng một hành lang.
Tiếp đến là một sân trong để lấy ánh sáng và không khí, kiêm luôn xưởng thợ. Hàng hóa cũng được bày ra ở đây để nhân công sản xuất hoặc sắp xếp trước khi bày ra bán ở phía trước.
Nối tiếp sân trong lại là một lớp nhà nữa. Lớp thứ hai này thường là nơi sinh hoạt của gia đình chủ. Phía trên cũng là tầng gác làm nơi ngủ hoặc thờ như đã nói.
Tiếp đến là sân trong thứ hai, thường được trồng cây cảnh, bày hòn non bộ, làm nơi thư giãn, uống trà… của nhà chủ. Bàn học của con cái thường cũng được đặt ở lớp nhà này.
Lớp nhà cuối cùng đặt bếp núc, sàn chuẩn bị đồ nấu, rửa dọn, phơi phóng, có bể nước mưa hứng từ mái nhà xuống.
Nếu ngôi nhà dài hơn thì cứ thế tiếp tục, cứ một lớp nhà lại một lớp sân xen kẽ như các mảng màu trên con rắn cạp nong, và cuối cùng có thể là một mảnh vườn dài. Nhà vệ sinh, buồng tắm thường sẽ đặt ở cuối lớp nhà cuối cùng hoặc riêng rẽ trong mảnh vườn.
Do kiến trúc như vậy nên tuy ngôi nhà rất dài và hẹp nhưng trong nhà không thiếu ánh sáng, không khí và cây xanh. Thực tế là gia đình thường đặt đầy chậu hoa và cây cảnh trên bờ tường ở bao lơn các tầng gác, tạo khoảng nhìn rất yên bình và thư thái từ cả hai tầm mắt nhìn xuống và nhìn lên trên. Vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên trong bài trí không gian rất được coi trọng: người Hà Nội nếu chỉ biết buôn bán làm ăn mà không có chữ, không am hiểu cách sống và chơi tinh tế đặc vị nhà nho xưa thì được xem là trọc phú.
Một gia đình trước kia, hai cha mẹ, thường là ba đứa con cùng một người làm sống trong ngôi nhà đó, với lối sống của người Việt Nam thời ấy, không gian nhà cửa và hiệu buôn như vậy, cụ thể ngôi nhà 87 Mã Mây tổng diện tích gần 160 m2, là khá đủ dùng.
Nhìn lại các bức tranh hoặc văn chương mô tả gia đình đầm ấm thời đó, thường có cảnh đến tết, mẹ, chị gái và người làm lúi húi giã giò, gói bánh, tỉa cà rốt củ cải ngâm dưa món, ông nội và cha ngồi rung đùi trầm ngâm cắt gọt củ thủy tiên cho nó trổ hoa đúng mùng một tết. Chỉ riêng một lớp nhà, diện tích đã khoảng 20-25 m2.
So sánh với những “nhà cổ” sau 1954 và vẫn còn lê lết đến ngày nay, 20 m2 dành cho đại gia đình gồm cha mẹ, gia đình con trai + một đứa cháu, cùng với con gái chưa lấy chồng, ít nhất 6 người chen chúc, sẽ thấy cái hàm nghĩa mỉa mai của “ngõ nhỏ phố nhỏ”, “ dân phố cổ” mà không ít người Hà Nội cực lực tự hào.
Nối hai mặt phố, gara trong nhà
Ở những ngôi nhà mới hơn, vào thời Pháp, có những ông chủ đã sắm hẳn xe hơi và có gara riêng vẫn trong nhà. Có nhiều ngôi nhà như vậy. Nó xuyên hẳn hai mặt phố, một đầu làm nơi buôn bán, một đầu là bếp núc, khu nhà ở của người làm và gara xe hơi.
Để đủ chỗ cho một quần thể như vậy, diện tích bên trong khá lớn. Để hình dung, mặt tiền nguyên vẹn của ngôi nhà đó đã bị cắt thành bốn mặt tiền khác, cộng với phần còn lại của ngôi nhà. Tôi áng chừng nó rộng khoảng 20 m. Tổng diện tích ít nhất phải 500-600 m2.
Ở các ngôi nhà cổ hiếm hoi còn giữ kiến trúc kiểu Pháp thời xưa, thường có một tầng lầu có cửa sổ rộng và cao, sơn xanh. Bên khung cửa có chiếc đàn dương cầm, có cô gái đêm đêm ngồi học đàn, tiếng nhạc bay ra dặt dìu cả phố.
Hay bức tranh nổi tiếng Cô gái bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân vẽ cô gái mặc áo dài trắng ngồi rũ tóc bên cạnh lọ hoa loa kèn trắng đang nở tung. Thời đó gọi hoa loa kèn là hoa huệ tây, và ai cũng biết hoa loa kèn khi nở thì phải to bằng một chiếc bát ăn cơm. Vậy thì gia cảnh thế nào mới có kiểu tóc uốn xoăn nhẹ phía trước thời thượng như vậy, bộ áo dài trắng chỉ qua tranh vẽ cũng óng ánh sắc ngọc trai đủ nói lên nó là chất tơ hảo hạng, cùng lọ hoa kiểu tây đắt tiền và rất chiếm không gian?
Những con ngõ hiện tại bề ngang trung bình chỉ khoảng 1m2 làm sao dung chứa nổi không gian sống sang trọng và tinh tế như thế? Lưu ý, bức tranh sáng tác năm 1943.
Trong tác phẩm ký “Một người Hà Nội”của nhà văn Nguyễn Khải, ông tả về gia đình một người họ gần, vào năm 1955, như sau:
“Họ ở rộng quá. Một tòa nhà tọa lạc ngay tại một đường phố lớn, hướng nhà nhìn thẳng ra cây si cổ thụ và hậu cung của đền Ngọc Sơn (…) Cái mặc cũng sang trọng quá. Mùa đông ông mặc áo pa-đờ-xuy, đi giày da, bà mặc măng-tô cổ lông, đi giày nhung đính hạt cườm. (…) Bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có lọ hoa nhỏ, bát úp trên đĩa, đũa bọc trong giấy bản và từng người ngồi đúng chỗ đã quy định”.
Lưu ý lần nữa, gia đình được mô tả ở đây không phải là gia đình “đại gia” theo cách nói bây giờ. Người chủ gia đình là ông giáo tiểu học, và có 5 con. Người vợ chỉ ở nhà làm nội tướng. Nội tướng chứ không phải nội trợ. Họ có hai người giúp việc: một anh đầu bếp và một chị giúp việc trong nhà.
Cuộc sống vật chất như vậy quyết định những thú vui tinh thần cũng sang trọng tương xứng.