Âm thanh tiếng gõ nồi niêu xoong chảo vang lên ở các đường hẻm khắp Miến Điện vào tối hôm 2 tháng 2. Người dân Miến Điện sử dụng biện pháp như thế để phản ứng trước vụ đảo chính do giới quân đội tiến hành.
Quân đội Miến Điện vào ngày 1 tháng 2 đã bắt giữ nhà lãnh đạo và cố vấn nhà nước bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint và một số thành viên nội các của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).
Tin tức của cuộc đảo chính ở Miến Điện cũng được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan đi. Tuy nhiên theo blogger Huỳnh Ngọc Chênh thì đa số người dân Việt Nam không mấy quan tâm. Riêng đối với giới đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền trong nước thì tin đảo chánh một nền dân chủ như ở Miến Điền được đón nhận với nhiều bàng hoàng.
Chỉ mới vào năm 2016, quân đội Miến Điện cho phép tiến hành một cuộc bầu cứ tự do sau nhiều thập niên đàn áp, bà Suu Kyi và Đảng NLD mới lên nắm quyền. Ông Chênh nói, sự kiện đó đã gieo nhiều hy vọng cho giới đấu tranh dân chủ của Việt Nam:
“Khi mà chính quyền độc tài quân phiệt trao lại cho nhân dân Miến Điện quyền làm chủ để người ta đi bầu cử và cho đảng của bà Suu Kyi thắng lợi, thì đó là động viên rất lớn đối với phong trào dân chủ Việt Nam và người ta cũng mong muốn nhà nước độc tài Việt Nam cũng nới lỏng và trao trả quyền làm chủ thật sự cho người dân Việt. Đó là cái mong mỏi và động viên rất lớn. Sự phát triển kinh tế của Miến Điện (trong những năm sau đó) cũng là động viên cho các nhà đấu tranh cho dân chủ Việt Nam rất nhiều. Nhưng bây giờ họ bị lật đổ, thì những người quan tâm chính trị rất buồn, rất lo cho việc này”.
Một cựu tù nhân lương tâm không muốn nêu tên, chia sẻ rằng cú sốc từ những diễn tiến chính trị ở nước ngoài trong những tuần gần đây đã tác động nhiều đến họ. Qua ứng dụng điện thư, cựu tù chính trị của chế độ Đảng Cộng sản Việt Nam nói:
“Sau diễn biến bầu cử bên Mỹ rồi đảo chính Myanmar thật sự mình bị shock và cảm thấy hoang mang trước tình hình Quốc Tế. Càng buồn cho hiện tình tăm tối ở VN”.
Ông Chênh chia sẻ thêm một khía cạnh khiến việc đảo chánh làm ông quan tâm:
“Khi tôi nghe quân đội Myanmar đảo chính bắt giam tổng thống Myanmar và bà Suu Kyi thì tôi thấy một nỗi thất vọng và nghĩ rằng nền dân chủ mong manh của Miến Điện đã bị chấm dứt và đã bị đổ vỡ. Đây là một thắng lợi lớn cho bọn Tàu Cộng. Đứng sau lưng cái đám quân phiệt của Miến Điện đương nhiên là bọn Trung Quốc. Do áp lực của quốc tế và đấu tranh của nhân dân cho nên họ mới một phần nào ‘nhả’ ra dân chủ để xây dựng chế độ dân chủ. Nhưng mà họ xây dựng chế độ dân chủ trong cái khống chế của Trung Quốc”.
Trung Quốc trong những năm qua đã đổ nhiều tỷ đồng vào nền kinh tế và hạ tầng cơ sở ở Miến Điện. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1 tháng 2 kêu gọi Miến Điện “duy trì sự ổn định chính trị và xã hội”.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào cùng ngày đã trả lời báo chí tương tự rằng “Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định và hợp tác trong khu vực, cũng như tiếp tục đóng góp vào quá trình xây dựng Cộng Đồng ASEAN”.
Việt Nam trong năm 2020 đã giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á).
Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng lời phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng là nhàm chán, cũng như vai trò của chính quyền ĐCSVN trước vụ việc:
“Việt Nam đối với thế giới thì chả có vai trò gì, chả có đóng góp gì, chả có tác dụng gì hết đối với mọi vấn đề của thế giới. Trong ASEAN lại cũng chả có đóng góp gì, mặc dù Việt Nam đã là chủ tịch của ASEAN nhưng mà tiếng nói của Việt Nam rất yếu. Kể cả các nước khác của ASEAN họ cũng không có vai trò gì lớn lắm, bởi vì ASEAN là một nhóm nước nhỏ bị Trung Quốc khống chế rất nhiều. ASEAN không đoàn kết để có tiếng nói chung”.
Facebooker Nguyễn Đình Hà từ Hà Nội đồng tình một phần nào với quan điểm của ông Chênh, nhưng theo anh này thì thái độ của Việt Nam cực đoan hơn:
“Việt Nam cũng vốn là một quốc gia toàn trị, mà không chỉ là Việt Nam, mà phần lớn các quốc gia Đông Nam Á là độc tài, toàn trị hoặc là có phong trào dân chủ thoái trào, như Philippines. Thì hầu hết họ có tiếng nói dè dặt hoặc không thể hiện quan điểm rõ ràng về việc Miến Điện. Thực sự theo tôi hiểu thì đó là một sự ngầm ủng hộ việc đảo chính của quân đội Miến Điện hoặc là nếu không phải là đồng thuận, thì họ cũng làm ngơ”.
“Cuộc đảo chính cho chúng ta thấy một vấn đề rất quan trọng. Kể từ khi Miến Điện chuyển từ chế độ quân phiệt sang chế độ dân chủ, khi quân đội trao quyền cho chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, thì trong rất nhiều năm qua chúng ta có thể thấy rằng, thứ nhất, là cơ chế chính trị hiện tại của Miến Điện và đặc biệt là hiến pháp và hê thống luật pháp của Miến Điện chưa trung lập hóa được quân đội, chưa phi chính phủ hóa được quân đội, và quân đội vẫn là thế lực rất mạnh, chi phối nền chính trị Miến Điện”. -Anh Nguyễn Đình Hà
Anh Nguyễn Đình Hà nhận xét rằng tin đảo chính thật sự là bất ngờ, nhưng nó cho phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam một bài học lớn:
“Cuộc đảo chính cho chúng ta thấy một vấn đề rất quan trọng. Kể từ khi Miến Điện chuyển từ chế độ quân phiệt sang chế độ dân chủ, khi quân đội trao quyền cho chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, thì trong rất nhiều năm qua chúng ta có thể thấy rằng, thứ nhất, là cơ chế chính trị hiện tại của Miến Điện và đặc biệt là hiến pháp và hê thống luật pháp của Miến Điện chưa trung lập hóa được quân đội, chưa phi chính phủ hóa được quân đội, và quân đội vẫn là thế lực rất mạnh, chi phối nền chính trị Miến Điện”.
Anh Hà nói, các nhà hoạt động cho dân chủ tại Việt Nam cần xét thêm vấn đề không chỉ làm sao có được một cuộc bầu cử tự do tại Việt Nam, vì Miến Điện đã vừa trải qua một cuộc bầu cử thành công và tự do vào cuối năm ngoái.
“Chúng ta phải trung lập hóa, phi chính trị hóa quân đội để quân đội chỉ bảo vệ quốc gia, nhân dân và hiến pháp. Mà hiến pháp ở đây là chúng ta cần hiến pháp chuẩn mực, tôn trọng lợi ích quốc gia, quyền của người dân và thể chế dân chủ”.
Chế độ dân chủ của Miến Điện chưa đủ thời gian để tạo sự bền vững lâu dài, anh nói:
“Chỉnh quyền dân sự chưa kiểm soát được quân đội. Nó khác với các quốc gia có dân chủ thực sự là chính quyền dân sự phải kiểm soát quân đội”.
Tại Miến Điện, người dân và các nhà hoạt động lại một lần nữa kéo nhau xuống đường, phát động những hành động bất tuân dân sự như họ đã làm trước đây.