Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) hôm 7/9 lên tiếng quan ngại về phiên toà xử 29 người dân Đồng Tâm diễn ra vào cùng ngày vì cho rằng phiên toà không độc lập và kết quả là án bỏ túi.
29 người dân Đồng Tâm bị bắt giữ sau vụ hàng ngàn cảnh sát tấn công và xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, rạng sáng ngày 9/1/2020 liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Vụ tấn công đã khiến 4 người thiệt mạng bao gồm một người dân là ông Lê Đình Kình và 3 cảnh sát.
29 người bị bắt giữ với các cáo buộc tội giết người và chống người thi hành công vụ.
HRW nhận định: “Có những quan ngại chính liên quan đến quá trình và quyền được có một phiên toà công bằng đối với 29 người dân liên quan đến vụ Đồng Tâm. Việc sử dụng tra tấn và ép cung là điều thường xảy ra đối với những người bị công an bắt giữ ở Việt Nam. Các phiên toà không độc lập và kết quả đã được định sẵn bởi đảng cộng sản cầm quyền là thương hiệu của hệ thống được gọi là pháp lý ở Việt Nam”.
Theo HRW, những người dân bị bắt giữ bị hạn chế gặp luật sư trong khi có quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời về vụ tấn công của cảnh sát vào Đồng Tâm và sẽ không bao giờ được trả lời khi Hà Nội vội vã kết tội những người dân.
HRW lo ngại những người dân Đồng Tâm sẽ phải chịu những bản án nặng nề để cảnh báo những người dân khác không thách thức giới chức nhà nước trong tương lai.
Theo truyền thông trong nước, trong số 29 bị cáo ở phiên toà tới, 25 người bị cáo buộc tội giết người với khung hình phạt từ 12 năm tù đến tử hình, 4 người bị cáo buộc tội chống người thi hành công vụ với án từ từ 2 đến 7 năm.
Ngay trước phiên toà một ngày, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, phát ngôn nhân Bộ Công an đã trả lời báo Chính Phủ, theo đó, ông Xô tiếp tục khẳng định những người dân Đồng Tâm đã phạm tội khi tấn công vào cảnh sát được điều đến Đồng Tâm để canh gác khu đất tranh chấp. Ông Xô nói rằng những người dân Đồng Tâm đứng đầu là cụ Lê Đình Kình, một đảng viên kỳ cựu, là bất mãn, lôi kéo người dân tham gia “Tổ đồng thuận” để chống đối chính quyền.
Hơn thế nữa, ngươi đại diện Bộ Công an cáo buộc cụ Lê Đình Kình là một loại “cường hào địa chủ mới”, hậu quả của sự thái hoá biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, mượn danh nghĩa đảng viên lo cho dân để chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Vụ việc Đồng Tâm đã khiến nhiều tổ chức quốc tế quan tâm. Vì vậy, HRW kêu chính quyền Việt Nam cho các nhà quan sát quốc tế và các nhà ngoại giao cùng các tổ chức phi chính phủ được phép vào quan sát phiên toà, đồng thời “chấm dứt việc sách nhiễu cũng như theo dõi người thân những người bị xét xử”.
Tham gia bào chữa cho các bị cáo có 33 luật sư, bao gồm 15 người do gia đình các bị cáo mời và 18 người do toà chỉ định, theo thông tin từ truyền thông trong nước. Dự kiến phiên toà sẽ kéo dài 10 ngày.
Theo ghi nhận từ báo chí trong nước, từ sáng sớm, hàng trăm cảnh sát lập nhiều chốt bảo vệ quanh Toà án Nhân dân Hà Nội, trong bán kính khoảng 2 km. Chỉ người nào có giấy của toà án mới được mời vào.
Khoảng 1 tuần trước phiên toà, một số người thân của các bị cáo và luật sư cho Đài Á Châu Tự Do biết gia đình các bị cáo vẫn chưa được gặp họ và cũng không nhận được giấy mời tham dự toà dù phiên toà được nói là diễn ra công khai.