Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản cho biết mới đây đã tổ chức một cuộc tập trận chung với hải quân của Hoa Kỳ, Úc và Canada ở Biển Hoa Đông, theo truyền thông chính thức Nhật Bản hôm 07/6/2023.
‘Các bên đang có những động thái rất quyết liệt’
Vẫn theo NHK, bốn quốc gia đã tổ chức các cuộc tập trận chung vào năm 2019 và 2022 ở Thái Bình Dương và Biển Đông, nhưng đây là cuộc tập trận đầu tiên của họ ở Biển Hoa Đông. Về mục đích của cuộc tập trận, kênh truyền thông chính thống của Nhật Bản dẫn nguồn từ Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản cho biết:
“Cuộc tập trận chung đã tăng cường hợp tác giữa bốn quốc gia với mục đích hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở, rõ ràng là có tính đến các hoạt động hàng hải ngày càng gia tăng của Trung Quốc.”
Vẫn theo nguồn này, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ đã tham gia cuộc tập trận sau khi đi qua eo biển Đài Loan hôm thứ Bảy.
“Quân đội Hoa Kỳ cho biết một tàu khu trục Trung Quốc đã đi ngang qua mũi tàu Hoa Kỳ trong khi nó đang tiến hành một chuyến đi thường xuyên qua eo biển cùng với một tàu Canada, đến gần khoảng 140 mét,” NHK cho biết thêm.
Bình luận về động thái của cuộc tập trận lần đầu tiên diễn ra ở khu vực Biển Hoa Đông này, từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu an ninh khu vực, luật gia Hoàng Việt hôm 07/6 nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do:
“Gần đây, nhiều đồng minh của Mỹ, trong đó có Canada, đã thể hiện vai trò ngày một mạnh mẽ hơn trong việc quan tâm đến các khu vực biển, trong đó có Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chúng ta biết là ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc đã có những yêu sách vô lý trên đó, và chúng ta vẫn còn nhớ cách đây không lâu, vài ngày trước đây thôi, trong cuộc tập trận giữa Mỹ và Canada, một tàu chiến của Trung Quốc gần như đâm thẳng vào một tàu chiến của Mỹ và Canada ở đó. Điều ấy cho thấy là các bên cũng đang có những động thái rất quyết liệt, và mới đây nhất, CHLB Đức cũng đã tuyên bố là sẽ gửi những tàu chiến đến để tuần tra ở khu vực Biển Đông.
Thế thì ở đây chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh rộng hơn, đó là sự cạnh tranh quyết liệt giữa một bên là Mỹ và các nước đồng minh, trong đó có Canada, Nhật Bản, và bên kia là Trung Quốc, có thể nói ngắn gọn như vậy.”
‘Nhật muốn kéo chân Việt Nam về phía mình’
Còn từ Tokyo Nhật Bản, nhà báo, nhà quan sát thời sự và an ninh khu vực, ông Đỗ Thông Minh cho RFA Tiếng Việt biết thêm góc nhìn của mình:
“Trong cuộc tập trận mới đây, Hoa Kỳ thực ra từ xưa tới giờ đã có rất nhiều cuộc tập trận, có thể nói mấy chục, cả trăm lần luôn, nhưng sự tham gia của Canada ở trong vùng này là tương đối hiếm. Cho nên kỳ này, tôi thấy đó là điểm đặc biệt. Nhưng có lẽ do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh ở Ukraine, nên Mỹ đã huy động các đồng minh tối đa để mà đề phòng sự bành trướng của Trung Quốc. Bởi vì một mình Mỹ chúng ta biết mạnh thì mạnh, nhưng một đối một cũng không có hơn gì nhiều, cho nên càng kéo được nhiều đồng minh càng tốt. Cho nên Đây không phải lần đầu tiên Canada tham gia cùng với Mỹ, suốt từ thế chiến đến giờ, tôi nghĩ ít nhất từ Thế chiến II tới giờ, luôn đánh trận, thì Canada vẫn luôn là đồng minh của Hoa Kỳ…
Còn đối với Nhật Bản, từ thời Thủ tướng Shinzo Abe, một người sinh sau thế chiến và là một người bảo thủ và có tư tưởng thân Mỹ, rồi đến bây giờ ông Fumio Kishida lên thay thế, tôi thấy rằng hai ông lập trường có lẽ cũng giống nhau, mà có khi ông Kishida sau này lại còn cứng rắn hơn, bởi vì cái thế đang đi lên… Tức là với ông Thủ tướng mới này, ông cho biết rằng với tình thế này, Nhật Bản phải tăng cường mạnh mẽ. Tức là Nhật Bản sẽ tăng cường ngân sách quốc phòng 200%, tức là gấp đôi… Trong cuộc tập trận mới đây, với động thái của Nhật, Mỹ và Canada v.v…, đương nhiên là Trung Quốc không thích chút nào. Trung Quốc đang bành trướng và cũng thấy trước mắt đang có những rào cản. Thành ra chúng ta thấy căng thẳng giữa các nước thì có thể nói là đã kéo dài rất lâu, nhưng chưa bên nào dám thực sự động binh…”
Ông Đỗ Thông Minh, qua đó, chia sẻ thêm sự kiện vừa diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh khối G7 mở rộng khi Nhật Bản mời Việt Nam tham dự. Ông cho rằng nhiều người thắc mắc là tại sao lại mời Việt Nam. Và ông đưa ra lý do:
“Hội nghị G7 mở rộng vừa rồi, nhiều người thắc mắc là tại sao lại mời Việt Nam vào, bởi vì có quan hệ chung về quyền lợi ở Biển Đông. Biển Đông mà có yên, thì tàu bè Nhật Bản đi buôn bán mới được, tại vì đường buôn bán chính là ở phía đó, mà nếu bây giờ bị Trung Quốc chi phối thì lúc đó là Nhật bị kẹt. Cho nên tại sao Nhật vẫn giúp, vẫn viện trợ cho Việt Nam? Đó là để Nhật Bản kéo chân Việt Nam về phía mình, và Việt Nam đương nhiên cũng cần những ‘đồng minh’ và đối tác để giữ sự cân bằng, chứ nếu không đứng một mình, thì Trung Quốc sẽ lấn át hết.”
Còn trong một diễn biến khác ở khu vực, cùng hôm 07/6/2023, theo trang mạng tin tức của Học viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI News), các oanh tạc cơ của Nga và Trung Quốc đã thực hiện một phi vụ với sứ mạng chung gần Nhật Bản và Hàn Quốc vào lúc một Hạm đội của Nga tổ chức các cuộc tập trận lớn ở Thái Bình Dương
“Các máy bay ném bom của Nga và Trung Quốc đã thực hiện nhiệm vụ chung trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông vào hôm thứ Ba – đánh dấu phi vụ (diễn tập) oanh tạc cơ chung đầu tiên của họ kể từ tháng Mười Một năm ngoái – thời điểm diễn ra một hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc”, mà nhóm này còn được biết tới là nhóm quốc gia tham gia ‘khối QUAD’, vẫn theo trang tin của Học viện Hải quân Hoa Kỳ.