Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN đầy sóng gió của Việt Nam

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác quốc tế đã kết thúc 4 ngày họp bàn và thảo luận nghiêm túc, nơi căng thẳng Mỹ-Trung và những lo ngại về cuộc tranh chấp ở Biển Đông đã phủ bóng đen lên sự kiện hàng năm này.

Khoảng 19 cuộc họp – trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ngày 12/9 – đã được tổ chức theo hình thức chưa từng có là trực tuyến trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đang bùng phát. Trong bài phát biểu khai mạc ARF, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”. Ông còn tuyên bố rằng Việt Nam “chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp, các vụ việc phức tạp cũng như các hành động vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển”. Mặc dù không nêu đích danh nhưng ông Phạm Bình Minh muốn nói đến những hành vi của Trung Quốc trong thời gian qua tại Biển Đông, khi Trung Quốc liên tục sách nhiễu các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí cũng như các hoạt động đánh cá của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Ông Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh yêu cầu “thượng tôn pháp luật, tự kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”. ARF hoàn toàn ủng hộ quan điểm này, đồng thời cũng ủng hộ việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc trên cơ sở “phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982” và tái khẳng định rằng “UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương”.

Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Trung Quốc ban đầu được cho là cũng sẽ tham dự ARF ngày 12/9, nhưng do ông Vương Nghị phải tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Moskva nên Bắc Kinh đã cử Thứ trưởng Ngoại giao La Chiếu Huy tham dự ARF. Trong khi đó, về phía Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun được cử tham dự ARF năm nay. Thomas Daniel, nhà phân tích kỳ cựu làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia, dự đoán rằng hai nhà ngoại giao nói trên (Vương Nghị và Mike Pompeo) có thể đã quyết định không tham dự ARF ngày 12/9 “để giảm thiểu thời gian đối mặt với nhau do căng thẳng giữa 2 nước đã gia tăng đến cực điểm”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Mỹ và Trung Quốc “nên nhớ rằng đối với ASEAN, sự xuất hiện của một ai đó mới chính là minh chứng hùng hồn nhất chứng tỏ cam kết hoặc sự chân thành của họ”.

Hình minh hoạ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc tại hội các ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc hôm 9/9/2020 ở Hà Nội
Hình minh hoạ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc tại hội các ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc hôm 9/9/2020 ở Hà Nội
Reuters

Trước đó, tại các hội nghị của ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có những màn đấu khẩu gay gắt. Mặc dù các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa các nước nhằm phục hồi sau đại dịch là vấn đề lớn nhất trong các cuộc họp, song chính sự tham dự của các cường quốc trong một số cuộc họp đã thu hút được sự chú ý nhất từ các nhà bình luận ngoại giao. Đặc biệt, giới phân tích rất chú ý đến các phát biểu gay gắt của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo hôm 9/9 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á – gồm các nhà ngoại giao ASEAN và 8 đối tác thương mại then chốt. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), hội nghị mà ông Pompeo cũng tham dự, ông Vương Nghị nói rằng chính Mỹ là “tác nhân lớn nhất dẫn đến các hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông”. Ông cũng nói rằng tình trạng hiện nay giữa Washington và Mỹ không phải là cuộc tranh giành quyền lực hay vấn đề đối lập về chế độ, “mà là về việc tuân thủ chủ nghĩa đa phương hay đơn phương, ủng hộ sự hợp tác cùng thắng hay cuộc chơi có tổng bằng 0”.

Trong khi đó, ông Pompeo nói với những người đồng cấp trong khu vực tại hội nghị bộ trưởng Mỹ-ASEAN ngày 10/9 rằng họ cần phải hành động, chứ không chỉ nói suông, để chống lại các hành vi “bắt nạt” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Pompeo nhấn mạnh: “Tôi cho rằng đừng nên chỉ nói mà phải hành động. Đừng để Đảng Cộng sản Trung Quốc lấn lướt chúng ta và người dân của chúng ta. Các bạn nên tự tin và người Mỹ sẽ ở đây để hỗ trợ các bạn thông qua tình bằng hữu”.

Một điều nữa khiến dư luận quan tâm là các ngoại trưởng ASEAN đã trì hoãn việc ra thông cáo chung gần 1 ngày, sau khi họ có các cuộc thảo luận nội bộ trong cuộc họp đầu tiên hôm 9/9. Tuyên bố chung này, không giống như cái gọi là các tuyên bố của nước chủ tịch ASEAN trong các hội nghị ASEAN khác, là một văn kiện có tính đồng thuận, yêu cầu tất cả 10 nước thành viên phải nhất trí với các ngôn từ và nội dung của tuyên bố. Sự trì hoãn này được cho là do 10 nước ASEAN bất đồng về các ngôn từ liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa 4 quốc gia thành viên ASEAN và Bắc Kinh. Cuộc tranh chấp này là một vấn đề phức tạp và đau đầu đối với các nước ASEAN. Các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và những nước khác trong khối không chấp nhận yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra ở vùng biển này, nhưng đồng thời cũng không muốn đối đầu với đối tác thương mại lớn nhất này của khu vực. Các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – gồm Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei – đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong vấn đề này. Washington vẫn luôn tuyên bố rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa đến tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển giàu tài nguyên này.

Mặc dù hoan nghênh sự ủng hộ của Washington, song 4 nước nói trên – và cả Indonesia, một bên liên quan – không muốn tạo cho Bắc Kinh ấn tượng rằng họ đang hợp lực chống Trung Quốc. Phát biểu tại một cuộc họp báo tối 12/9, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết các nước ASEAN đã nói rõ trong các hội nghị rằng họ không muốn bị “mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực”. Việt Nam, Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, ngày 12/9 cho rằng việc thực hiện thành công các hội nghị lần này là minh chứng cho thấy tình “đoàn kết và sự gắn kết” của các quốc gia thành viên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang lan rộng.Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, việc trì hoãn ra thông cáo chung gần 1 ngày là minh chứng rõ ràng cho thấy cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang tác động mạnh mẽ đến nội bộ ASEAN. Nhà phân tích người Indonesia A. Ibrahim Almuttaqi – hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm tư vấn Habibie ở Jakarta – cho rằng điều gây chú ý đối với thông cáo này “không phải là nội dung của nó mà là thực tế rằng phải mất hơn 1 ngày tuyên bố mới được đưa ra”.

Theo nhà nghiên cứu Aaron Connelly thuộc Viện nghiên cứu nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Lào đã cố gắng xóa phần đề cập đến Công ước quốc tế về luật Biển (UNCLOS) trong tuyên bố chung nhưng không thành công.

Trong khi đó, thông cáo chung năm nay suýt nữa không đề cập đến UNCLOS, Aaron Connelly, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Anh và Singapore, cho biết: “Lào trước đó đã đề xuất về việc loại bỏ bất kỳ sự đề cập nào đến UNCLOS nhưng bị ASEAN từ chối”.

Mặc dù ASEAN thống nhất trong đa dạng nhưng xem ra đã 53 năm vẫn đồng sàn mà dị mộng.

Trước câu hỏi của báo chí Việt Nam là “Trung Quốc có tỏ dấu hiệu tích cực nào hay không?”, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng “rất khó mà đánh giá thiện chí của Trung Quốc cũng như một nước nào khác qua hình thức họp trực tuyến”.

Tình hình này cho thấy nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Việt Nam lần này không mấy suôn sẻ, vẫn chưa thấy có bước đột phá nào. Dự kiến trong tháng 11 tới đây, ASEAN và Trung Quốc sẽ nối lại các đàm phán về COC. Thế nhưng với cục diện thế giới và nội bộ ASEAN như vậy, những hy vọng về COC sắp tới sẽ còn lâu mới trở thành hiện thực. Mặt khác, COC không phải là chiếc đũa thần. Phải cảnh giác Trung Quốc sẽ lợi dụng COC để đẩy ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Related posts