Gần đây, có không ít tù nhân lương tâm (TNLT) đã thi hành xong án tù của mình và trở về với gia đình. Trong số này, có các nhà hoạt động trẻ tuổi như Phan Kim Khánh, Huỳnh Thị Tố Nga, Phạm Long Đại, Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc, Đặng Thị Huệ (tức Huệ Như), Bùi Văn Thâm…
Hầu hết họ đều cho biết sức khoẻ bị suy kiệt và mệt mỏi về tinh thần sau nhiều năm bị giam cầm trong nhà tù cộng sản.
Suy giảm thể lực
Nhà hoạt động chống BOT bẩn Đặng Thị Huệ, bị án 39 tháng tù giam, mãn hạn tù ngày 16/01/2023, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về sức khoẻ của mình nửa năm sau khi rời khỏi Trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá), nơi mà theo nhiều cựu TNLT thì đây là một trong những “địa ngục trần gian” đối với họ.
“Tác động về thể lực và tinh thần đối với tôi là rất lớn qua những năm tháng tù đày vừa qua, bởi vì trong suốt quá trình đó, chúng tôi không được thể dục thể thao, ăn uống sinh hoạt, chăm sóc sức khoẻ đúng mức một cách cơ bản nhất cũng không được chứ đừng nói cao hơn nữa. Cộng với thời tiết hết sức khắc nghiệt.
Trong thời gian chúng tôi bị giam ở trong điều kiện miền Trung rất là khắc nghiệt, nắng và gió Lào thì 39 tháng tù giam đã làm tôi suy kiệt về tinh thần và thể lực rất là lớn. Khi về thì tôi đã gặp rất nhiều sức khoẻ, bệnh về xương khớp rồi bệnh về thần kinh. Các cơ quan nội tạng có những biểu hiện rất bất thường và gần đây nhất là tôi bị một bệnh rất là nghiêm trọng, đó là u nang thanh quản.
Vì là trong tù điều kiện sống khắc nghiệt, mùa đông chúng tôi chỉ được sử dụng nước lạnh dù nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Qua tác động của môi trường thì tôi bị u nang thanh quản rất là lớn, sau đó là amidan và phổi đã bị viêm.”
Bà Huệ cho biết sau khi khám sức khoẻ tổng quát, bệnh viện yêu cầu bà phải phẫu thuật vì bác sĩ phát hiện có mủ và dịch đọng lại phổi và thanh quản. Cựu TNLT này đã phải nằm viện mất 15 ngày để xử lý những vấn đề về sức khoẻ như vừa nêu.
Sau khi phổi được xử lý xong, bà Huệ lại bị phát hiện bệnh về xương khớp, mà theo bà nói là hậu quả của việc bị giam giữ cùng nhiều tù nhân khác trong phòng giam chật hẹp. Bà kể tiếp:
“Trong trại giam chật chội, mỗi người chúng tôi chỉ được 60 cm để có thể nằm ngồi và sinh hoạt. Sự chèn ép đó khiến cho các dây thần kinh bị tê liệt, và tôi đã phải điều trị một thời gian khoảng bốn tháng về các bệnh xương khớp sau khi ra tù.”
Hôm tháng 3/2023 vừa qua, nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga, người bị bắt đầu năm 2019 và sau đó bị kết án năm năm tù giam vì các bài viết cổ suý quyền con người và dân chủ đa nguyên, đã mãn hạn tù.
Mới đây, nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga đã chia sẻ về những khó khăn trong thời gian bị tù đày với RFA:
“Những năm tháng tù đày đã qua là khoảng thời gian đã ghi dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời tôi cũng như hầu hết những người tù nhân hoạt động chính trị khác. Có những sự gian nan mà có lẽ khó diễn tả bằng ngôn ngữ vì nó tác động về mặt tinh thần rất lớn.
Do điều kiện giam giữ vô cùng thiếu thốn và khắc nghiệt (nhất là thời gian khi ở Trại tạm giam B5, Đồng Nai), chúng tôi bị nhốt trong một căn phòng chật hẹp, tối tăm (ánh sáng chỉ đủ cho mắt nhìn được những vật có kích thước lớn vì ánh sáng rất mờ) và không khí ẩm thấp bởi vì không khí trong phòng không được thông với không khí bên ngoài nên hầu như những người tù điều có vấn đề về sức khỏe.
Riêng tôi, ảnh hưởng lớn nhất cho sức khỏe là sau thời gian dài ở trong môi trường thiếu ánh sáng cả ngày lẫn đêm nên mắt tôi đã bị giảm thị lực. Đa phần những người tù khác bị những bệnh về da do không khí trong phòng ẩm thấp nên rất nhiều người bị bệnh viêm da do vi nấm, bản thân tôi cũng từng bị nhưng may mắn đã khỏi.”
Một nhà hoạt động trẻ khác cũng từng bị tù đày và đã mãn hạn tù (không muốn công khai danh tính) cho biết sức khoẻ của mình có giảm sút đi nhiều vì đã trải qua điều kiện giảm giữ hà khắc trong thời gian dài hơn năm năm. Người này nói, sau khi trở về nhà từ nhà tù, anh thường xuyên bị đau đầu và mệt mỏi nếu phải làm việc liên tục, ho kéo dài đã hơn 2 năm 4 tháng, thỉnh thoảng mũi bị chảy mủ…
Người này cũng tiết lộ, bản thân từng bị giam chung với phạm nhân bị HIV và lao phổi.
Khủng hoảng tinh thần
Cựu TNLT Đặng Thị Huệ cho biết không chỉ sức khoẻ thể chất bị suy giảm trầm trọng, mà tinh thần của bà cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Về tinh thần thì ra một thời gian rất dài tôi thấy rất mông lung bởi vì mình bị cưỡng chế quá nhiều trong việc được tự do thể hiện những mong muốn đơn giản của mình như thể dục thể thao, đọc sách đọc báo. Tôi luôn luôn cảm thấy giấc ngủ không ngon, bị rối loạn về giấc ngủ, và tôi đã phải điều trị cả về rối loạn tinh thần, rối loạn giấc ngủ ở Bệnh viện Thái Bình.”
Còn nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga thì cho rằng:
“Về mặt tinh thần, đa số trong thời gian đầu, thời gian còn bị điều tra, chúng tôi ít hay nhiều cũng điều bị khủng hoảng, vì thời gian đó, chúng tôi phải trải qua thời gian hỏi cung cực kỳ khắc nghiệt.
Bản thân tôi, tôi cho đó là khoảng thời gian mà tôi đã trải nghiệm sự khổ luyện rất lớn, luyện tinh thần bản thân trở nên bản lĩnh và cứng cỏi hơn rất nhiều, đó là thời gian mà tinh thần lúc nào cũng ở trạng thái ‘cân não,’ rất căng thẳng và cực kỳ mệt mỏi. Đôi môi tôi hầu như lúc nào cũng ở trạng thái bị nứt nẻ và chảy máu liên tục dù có uống nước bao nhiêu đi nữa.
Hết thời gian ở trại tạm giam, tôi bị chuyển qua trại giam An Phước (Bình Dương) và ở đây tinh thần được thoải mái hơn. Tại đây, chúng tôi lao động và trải qua những ngày tháng dài cho đến ngày ra tù, tất nhiên, ở đâu thì điều kiện về chế độ dinh dưỡng điều tệ như nhau, ít hay nhiều mà thôi.”
Một cựu tù nhân khác không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói:
“Đầu tiên phải nói vượt qua những năm tháng tù đầy đòi hỏi mỗi TNLT một tinh thần kiên định, chỉ có tinh thần kiên định mới giúp vượt qua những thử thách trong tù.
Với tôi, những áp lực, điều kiện thiếu thốn trong tù khiến tôi bị đau dạ dày, đặc biệt các nguồn nước không đảm bảo khiến tôi gặp các vấn đề về da như ghẻ toàn than và nấm đầu.
Về tinh thần, tôi chịu nhiều áp lực, nhiều lúc cảm thấy rất căng thẳng, từ đó trí nhớ kém, sự tập trung cũng kém. Đó là tình trạng nhiều anh em khác gặp phải.”
Cùng chia sẻ về những khắt nghiệt khi bị tù đày, một nhà hoạt động khác (muốn ẩn danh vì lý do an ninh), xác nhận:
“Những năm tháng tù đày làm tôi bị tổn hại tinh thần và sức khỏe rất nhiều. Trong trại giam, ngoài việc vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, đối mặt với những lời nói không hay thì tôi phải tự đấu tranh để vượt qua nỗi cô đơn, khó khăn, sự cám dỗ để hoàn thiện chính mình một khi tôi đã chọn con đường, mục tiêu, lý tưởng của tôi vì dân tộc Việt Nam!
Tuy nhiên trong chốn lao tù phức tạp, có đôi lúc làm tôi mệt mỏi nhưng khi nhớ lại đời sống khốn cùng của những người yếu thế, những dân oan ở Việt Nam thì tôi thấy mình cần phải sống, sống tốt, phải cố gắng làm việc nhiều hơn nữa để có thể đóng góp một phần công sức bé nhỏ của mình cho một Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn và những năm tù đày của tôi không thể so sánh với những mất mát của đồng bào tôi!”
Những bài học và dự định
Khi được hỏi về những bài học từ những năm tháng của tuổi trẻ bị chôn vùi trong chốn lao tù, một cựu tù nói:
“Tôi học được sự bản lĩnh, học cách chăm sóc bản thân, cách vượt qua sự cám dỗ mua chuộc, cách giải quyết các vấn đề khi gặp những người được phía nhà tù cài vào để gây chia rẽ, cách sẻ chia đối với anh em tù khó khăn. Đó là những điều không phải ai cũng học được!”
Người này chia sẻ về dự định trong thời gian tới:
“Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức, nâng cao hiểu biết, con đường dân chủ chỉ có thể đi nếu có kiến thức, sự am hiểu về dân chủ và các vấn đề liên quan, về con đường tranh đấu, tôi sẽ tìm những phương pháp phù hợp với điều kiện hiện tại của mình. Tôi không hối tiếc quá khứ, nó cho tôi bài học lớn. Tôi sẽ tìm những phương pháp tranh đấu phù hợp với khả năng hiện tại của tôi.”
Một cựu tù nhân trẻ khác góp lời:
“Một trong những điều tôi học được sau những năm tháng tù đày là sự vững tin và lòng kiên trì. Tôi tin ngày mai sẽ tươi sáng hơn ngày hôm qua, tôi tin vào con đường, mục tiêu, lý tưởng mà tôi đã chọn sẽ có một bước chuyển mình mới, tươi sáng hơn.
Sự vững tin vào tương lai là chìa khóa để tôi vượt những khó khăn tạm thời, vượt qua nỗi sợ hãi. Sự vững tin cổ vũ tôi kiên trì mỗi ngày phải đọc nhiều sách hơn nữa, phải làm việc hết mình, học mọi điều hay cái lạ từ thế giới xung quanh tôi, có như vậy thì tôi mới cảm thấy không nuối tiếc với những gì đã trải qua.”
Về tương lai, người này nói:
“Học để hoàn thiện bản thân luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi, học để nâng cao hiểu biết về thế giới quan, học để biết thấu cảm, và học để đóng góp một phần nhỏ bé cho chiếc tàu Dân tộc Việt Nam tiến ra đại dương để định vị Việt Nam là một nước nhân quyền, dân chủ, và thịnh vượng.”
Mặc dù bị kìm hãm trong tù nhiều năm nhưng gần như các cựu TNLT vẫn không nhụt chí, nhất là khi chia sẻ về tương lai. Một người trong số họ trải lòng về vận mệnh của đất nước:
“Tôi đã thay đổi nhiều về vấn đề nhận thức và kiến thức của mình. Tôi biết rằng lịch sử, kiến thức và góc nhìn về xã hội của tôi đã bị đầu độc trong một thời gian dài và sự đầu độc này có hệ thống với mục tiêu bẻ gãy đi suy nghĩ tự do, khai phóng và những giá trị về nhân quyền mà các quốc gia văn minh đang tôn trọng và bảo vệ.
Tôi cho rằng xã hội Việt Nam đang gặp sự suy thoái về đạo đức, kinh tế, giáo dục theo thời gian nói chung và nếu so sánh với sự phát của các nước khác dân tộc tôi đang bị tụt hậu quá nhiều. Giới trẻ hiện nay đa số chỉ quan tâm đến những điều vô bổ và người dân thì quan tâm nhiều về kinh tế cho bản thân hơn là chính trị (có lẽ bởi đại đa số họ nghèo đói và lo sợ bị trừng phạt).”
Người này cho biết quan tâm nhiều hơn đến những người đang chịu đựng những bất công, đặc biệt là những người đang bị giam cầm vì đấu tranh với những bất công trong xã hội hay đang thực hiện các quyền mà các quốc gia văn minh đang thúc đẩy và bảo vệ.
“Sau những gì tôi đã trải qua và tình hình xã hội hiện tại, trước hết tôi muốn giữ an toàn mạng sống và tìm kiếm công việc phù hợp cho bản thân để mưu sinh. Tôi thấy bản thân mình cần phải hoàn thiện kiến thức nhiều hơn.
Tôi mong ước được sống trong một xã hội tốt hơn, nơi mà tôi có thể bày tỏ suy nghĩ, thông tin … mà không sợ bị trừng phạt.”
Cũng với chia sẻ về dự định trong tương lai, nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga, người trước khi bị bắt làm nhân viên xét nghiệm trong một bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Gian nan, khổ luyện sẽ làm cho chúng ta có bản lĩnh hơn, sự chịu đựng gian khổ làm chúng ta hiểu thấu hơn nỗi khổ của những tù nhân án xã hội. Họ lao động cực khổ gấp đôi, gấp ba những người tù nhân án chính trị chúng tôi. Vậy nên, đối với cá nhân tôi, những năm tháng tù đày đã giúp cho tôi cứng cỏi hơn, thấu hiểu nhiều hơn nỗi khổ cực của người dân trước những sự bất công đang tồn tại trong xã hội.
Tương lai sắp tới sẽ như thế nào, tôi cũng chưa có dự tính cho bản thân, vì trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn, chỉ biết là, dù việc gì xảy đến tôi cũng sẽ đối mặt. Tôi chỉ có một tâm nguyện, đất nước Việt Nam sẽ được cường thịnh, người dân Việt Nam sẽ được thụ hưởng mọi quyền lợi mà một công dân bình thường ở bất kỳ quốc gia nào cũng được hưởng. Tương lai Việt Nam sẽ là một đất nước tồn chủng nòi giống Bách Việt, nhân bản và thịnh vượng.”
Còn nhà hoạt động Huệ Như, tuy chưa vượt qua được những khó khăn về tinh thần và thể chất sau những năm tháng bị tù đày nhưng bà vẫn đau đáu nổi lo cho các tù nhân lương tâm khác:
“Tôi nghĩ rằng là, và tôi cũng rất là mong muốn là các cơ quan báo chí, kể cả báo chí chính thống và các cơ quan đài báo nước ngoài, có tiếng nói về nhân quyền, thì lên tiếng mạnh mẽ cho việc bảo vệ nhân quyền cho những tù nhân lương tâm đang ở trong các trại giam ở khắp đất nước Việt Nam để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ vì tôi thấy là chế độ nhà tù cộng sản rất khắc nghiệt đối với tù nhân lương tâm.
Tôi mong muốn rằng là chúng ta phải thực sự quan tâm nhiều hơn nữa đến các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ.”