Một vài Facebooker cho rằng khi họ dùng mạng xã hội để đặt vấn đề hoặc chỉ trích chất lượng xe của VinFast, thì đã bị Facebook ‘bịt miệng’, khoá tài khoản trong vòng ba mươi ngày.
“Mượn gió, bẻ măng”
Cụ thể, một nữ tài xế ở TP HCM, hôm 26/2, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng, một status cô viết với tiêu đề “Giải cứu truyền thông tởm lợm”, trong đó cô ví những người biện minh cho sản phẩm của thương hiệu VinFast là “bò Vin”, đã bị FB cảnh cáo và tài khoản FB của cô bị khoá ngay sau đó.
Nữ tài xế này không muốn nêu tên vì sợ bị chính quyền làm khó dễ, do đó, chúng tôi tạm gọi cô là Thanh và đã đổi giọng nói của cô khi cô chia sẻ về vấn đề liên quan đến VinFast:
“Những người vào Facebook của tôi để tấn công, tôi đã kiểm tra lại thì đa phần những người đó là nhân viên của Vin. Tôi vào Facebook của họ thì thấy họ chụp hình, quảng cáo về Vin. Họ là đại lý của Vin, nhân viên của Vin. Tôi gọi những người đó là ‘bò Vin’. Tôi nghĩ Facebook họ nói mình vi phạm, chắc là vì câu ‘bò Vin’ đó”.
Sau khi tài khoản FB của mình bị khoá, cô Thanh đã lập tức khiếu nại với Facebook thì được họ trả lời. Cô Thanh nói:
“Họ báo cáo là tôi vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng thì tôi nói tôi không đồng ý. Khoảng 10 phút sau thì đã kiểm tra và trả lời, chính xác bài này vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nên họ khóa tài khoản trong vòng 30 ngày”.
Một Facebooker khác cũng bị trường hợp tương tự như cô Thanh là Bùi Văn Thuận. Ông Thuận trong ngày 26/2 cũng đã chia sẻ với chúng tôi qua tin nhắn như sau:
“Không hề có status nào liên quan đến VinFast bị báo cáo. Mà bị báo cáo các tút trước đó rất lâu rồi, nội dung hoàn toàn không liên quan đến VinFast. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ rằng đây là việc làm, tác động của VinGroup. Có hai lý do làm tôi nghi ngờ: Những người bị khóa 30 ngày hầu hết là các hot facebooker như Hoàng Dũng, Bùi Thanh Hiếu tức Người Buôn Gió, Nguyễn Lân Thắng và tôi. Và tất cả các tài khoản đó đều đưa tin, bình luận nhiệt tình, nhanh nhất về các xe VinFast bị “sụm” (gãy càng, văng bánh).
Các status bị FB cho là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, đã xuất hiện (được viết) từ lâu, tại sao không bị “vi phạm” ngay thời điểm viết mà phải đợi đến khi sự việc bung bét của VinFast mới bị báo cáo “vi phạm”?
Thêm nữa, VinGroup có nuôi một “đội quân truyền thông”, giới thạo tin và cư dân mạng gọi họ là “tuyên giáo Vin”. Lực lượng này rất hùng hậu, thường bị gọi giễu cợt là “dư luận Vin”, bò Vin, hay Vin nô. Lực lượng này chỉ cần ra quân report (báo cáo) là các tài khoản “nói xấu” Vin sẽ bị đánh sập. Chuyện Vin “bịt miệng” giới phê bình là sự thật diễn ra nhiều năm nay rồi”.
Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với Facebook để hỏi về lý do hạn chế tài khoản của các Facebooker đăng tin về VinFast nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Chúng tôi sẽ đăng tải thông tin trả lời của FB về vấn đề này ngay sau khi nhận được phản hồi.
Bưng bít hay công khai?
Trong khi đó, do bức xúc với cách FB khoá tài khoản của mình, cô Thanh dẫn chứng cho chúng tôi biết lý do tại sao cô đăng status về sản phẩm xe hơi của VinFast:
“Trước khi tôi đăng lên cái link đó thì thật sự nó cũng đã lan tỏa rộng rồi và nó được xác đinh bởi rất nhiều những anh em tại hiện trường và kể cả trang báo của truyền hình Nghệ An cũng xác định. Khi tôi đăng lên khoảng chừng 19 giờ mấy phút, thì cũng là lúc mà truyền hình Nghệ An gỡ đồng loạt mấy cái bài đó.”
Theo cô Thanh, hôm 22 tháng 2, cô có đăng video do một cư dân mạng cung cấp về ô tô VinFast gãy càng trên cầu Bến Thủy 1. Trước khi đăng cô đã kiểm chứng sự kiện với nhân chứng và kể cả truyền thông địa phương, nhưng sau đó, video này của cô cũng bị cho là vi phạm.
Để chứng minh những thông tin cô đang nói là sự thật, cô Thanh kể thêm:
“Hiện tại chỉ có Vin mới tiếp xúc được với các tài xế (xe Vin bị nạn). Tôi có nhờ tất cả anh em cộng đồng thì họ đều biết những người này, nhưng mà họ đều từ chối tiếp xúc với tụi tôi. Vấn đề xe bị tai nạn mà tất cả tài xế đều từ chối thì nó gây ra một câu hỏi rất là lớn trong chúng ta. Thật sự thì chuyện xe bị lỗi là chuyện rất bình thường, vấn đề kỹ thuật mà. Ngay cả các hãng xe danh tiếng thế giới cũng đều xảy ra lỗi lầm chết người. Nó rất là phổ biến không phải chuyện hy hữu. Nhưng ở đây, sự cầu thị, minh bạch thông tin và đưa ra cái lý do chính xác, là cái mà giới cộng đồng tài xế rất là muốn biết. Chia sẻ nó là một điều cùng nhau xây dựng. Khi minh bạch thì sẽ làm cho giới cộng đồng tài xế yên tâm, mà có một lựa chọn mới cho mình, một cái xe mới, chứ không phải là họ tìm hiểu để họ tẩy chay”.
Theo những chia sẻ của cô Thanh, thì cô và những người trong cộng đồng tài xế đều muốn đại diện của VinFast lên tiếng giải thích thoả đáng về các “sự cố” vừa qua như thế nào? Có phải do chất lượng xe của hãng VinFast hay do những tác động khác khiến xe bị gãy càng như một số bài báo gần đây lên tiếng giải thích hộ VinFast?
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi cũng đã liên lạc với VinFast qua điện thư để nghe thông tin chính thức từ đại diện hãng xe này, nhưng chúng tôi không nhận được bất cứ phản hồi nào.
Cần sự minh bạch…
Đối với cô Thanh, nếu như VinFast minh bạch, có trách nhiệm, giải trình và trả lời được các vấn đề khách hàng đặt ra thì người dân Việt Nam, đặc biệt giới đam mê xe, sẵn lòng hưởng ứng sản phẩm của VinFast.
“VinFast đã đánh vào tâm lý, là ‘tự hào Việt Nam, xe của người Việt Nam”, thì ở đây những người Việt Nam cũng có quyền yêu cầu họ minh bạch về chất lượng, để cùng nhau góp nói tiếng xây dựng. Ở đây, cộng đồng phê bình VinFast không phải là sự soi mói để muốn làm hại gì VinFast cả, mà để cùng nhau đưa ra một sản phẩm đúng tiêu chuẩn tự hào Việt Nam”.
Còn Facebooker Bùi Văn Thuận thì cho rằng việc gắn các sản phẩm thương mại với lòng yêu nước là việc làm “kệch cỡm”:
“Gắn các sản phẩm thương mại kiếm lời với lòng yêu nước. Đó là sự lưu manh. Các dự án của Vingroup đa số là cướp đoạt đất đai của người dân. Hoặc là bắt tay với quan chức chóp bu để tước đoạt đất công, trục lợi bất chính và tạo ra môi trường kinh doanh, bong bóng bất động sản méo mó. Đó là hại dân, hại các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tử tế.
Với các lý do như trên, tôi đăng các tút về xe VinFast bị lỗi để cảnh tỉnh “lòng yêu nước, sự tự hào, ngạo nghễ” kệch cỡm bị lợi dụng và trục lợi kiểu lưu manh. Thứ nữa, Vin phải có trách nhiệm với sản phẩm và khách hàng của mình chứ không phải cứ đe dọa, bịt miệng hoặc cấu kết với chế độ để biến thành một thực thể mafia- chế độ như Vin đang làm”
Cũng trong ngày 26/2, RFA đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, để nghe ông nhận định về ngành công nghệ ô tô tại Việt Nam, mà cụ thể là dòng sản phẩm của tập đoàn Vingroup, ông nói:
“Tôi có nghe nhiều người nói chứ không phải một hai người nói đâu, là xe VinFast bán giá cao nhưng mà nó không đảm bảo, vì đó là mua cái dây chuyền lắp ráp của Đức mà người ta đã bỏ từ lâu, về mua linh kiện này kia các thứ cũ của người ta, kể cả linh kiện của Trung Quốc rồi lắp ráp ở Đình Vũ, Hải Phòng. Bán thì giá rất cao, đặt vấn đề coi như đây là loại xe cao cấp. Tôi cũng nghe, nó chạy trên đường cũng không đảm bảo, chạy tốc độ bình thường thì nó nóng lên. Chạy tốc độ cao thì nó chịu không được.
Tôi nghĩ rằng muốn hình thành ra được một nền công nghiệp và sản xuất ô tô thì nó phải trải qua cái gì công phu dữ lắm chứ không phải ba chớp ba nhoáng đó mà nhảy ra, nói là tự mình tạo ra nền công nghiệp mới, công nghiệp ô tô của Việt Nam. Nói như thế là không hiểu gì về công nghiệp hết”.
Nhà máy VinFast được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 2017 và hoàn tất trong vòng 21 tháng với công suất dự kiến cho hai giai đoạn được cho biết là 500.000 xe/ năm. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ khánh thành nhà máy này tại Hải Phòng vào tháng 6 năm 2019. Phát biểu tại buổi lễ khánh thành nhà máy, ông Phúc đã nói: “Sự thần tốc trong việc xây dựng Nhà máy ôtô VinFast cho thấy một khát vọng lớn và cháy bỏng ngọn lửa nhiệt huyết trong những con người đã chung tay nhất trí làm nên một dự án có thể gọi là kỳ tích của ngành ô tô Việt Nam cũng như trên thế giới”