Nhóm Tư vấn Nội địa (DAG) của Liên minh Châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại về Chỉ thị mật 24 của đảng cộng sản Việt Nam.
Quan ngại của DAG của EU được nêu ra trong báo cáo mới công bố gần đây. Trong đó có nhận định về Chỉ thị 24 do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành ngày 13 tháng 7 năm 2023 và bị tiết lộ vào tháng ba vừa qua bởi tổ chức có tên Dự án 88.
Tổ chức chuyên vận động nhân quyền cho Việt Nam ngày 01/3 công bố báo cáo với tựa đề “Vietnam’s leaders declare war on human rights as a matter of official policy” (tạm dịch Lãnh đạo Việt Nam tuyên chiến với nhân quyền như chính sách chính thức), phân tích về Chỉ thị 24.
Theo đó, Chỉ thị do Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành về “bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng” trong đó cơ quan quyền lực nhất của Đảng cầm quyền nêu bật những thách thức trong việc bảo vệ chế độ khi mở rộng bang giao quốc tế và yêu cầu toàn thể bộ máy thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm giữ vững thể chế.
Truyền thông Nhà nước có một số lần đề cập tới văn bản này như trong bài viết của trang web chính thức của Bộ Công an về hội nghị tổ chức ngày 21/12/2023 về quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TW, trong đó Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai đề nghị quán triệt thực hiện nghiêm quan điểm “Bảo vệ an ninh kinh tế là bảo vệ an ninh quốc gia,” “Giữ vững độc lập, tự chủ, an ninh, lợi ích quốc gia, thế chủ động chiến lược; bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ”…
Nhóm DAG của EU cho rằng Chỉ thị 24 đi ngược lại các cam kết trong Chương 13 về Thương mại và Phát triển Bền vững của Hiệp định Mậu dịch Tự Do Liên Âu- Việt Nam (EVFTA). Theo các cam kết đã ký, có điều khoản thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) gồm việc Hà Nội phê chuẩn Công ước 87 của ILO về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền lợi của người tổ chức hiệp hội.
Theo Chỉ thị 24, Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập biện pháp thí điểm thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp song song việc tiếp tục xây dựng vững mạnh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn Nhà nước duy nhất tại Việt Nam lâu nay.
Nhóm DAG của EU lên án việc Việt Nam về việc bắt giữ các nhà hoạt động tham gia thành lập nhóm DAG của Việt Nam theo EVFTA vừa qua và gần đây.
Hai người mới bị bắt giữ vào tháng năm vừa qua là hai nhà cải cách công đoàn và quyền của người lao động: ông Nguyễn văn Bình và Vũ Minh Tiến.
Ông Nguyễn Văn Bình là Vụ trưởng Vụ pháp chế – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông bị khởi tố về tội danh “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự.
Tổ chức Dự án 88 cho biết Vụ trưởng Nguyễn Văn Bình chịu trách nhiệm giám sát việc cải cách luật lao động. Ông là nhân tố chủ chốt đằng sau Bộ luật Lao động 2019, tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trước khi bị bắt, ông Bình đang chuẩn bị hồ sơ phê chuẩn Công ước 87 của ILO để trình Quốc hội, mà nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước.
Ông Vũ Minh Tiến là Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và là một người ủng hộ quyền của công nhân. Ông cũng bị bắt giữ theo Điều 337 của Bộ Luật Hình sự.
Trước khi được bổ nhiệm làm trưởng ban Chính sách-Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 11/2023, ông Vũ Minh Tiến làm Viện trưởng Viện Công nhân & Công đoàn (viết tắt là IWTU) từ năm 2018 với nhiệm vụ nghiên cứu về các vấn đề lao động và tham mưu về chính sách cho chính phủ.
IWTU cũng là thành viên của Nhóm Tư vấn Trong nước (DAG) của Việt Nam. Theo các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA), cả EU và Việt Nam đều phải cho phép các tổ chức xã hội dân sự độc lập thành lập DAG để giám sát việc tuân thủ các cam kết lao động và bền vững của họ.