Ông Tống Văn Thơm, một người làm nghề thu gom rác hơn 43 năm ở TPHCM cho biết đợt bùng phát thứ Tư của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam ảnh hưởng nghiêm trọng đến các anh em thu gom rác thải, vốn thuộc thành phần nghèo khó nhất xã hội.
Ông Thơm cho biết cá nhân ông đã nhiều lần đăng ký xin hỗ trợ từ chính quyền địa phương nhưng việc này khó khăn vô cùng:
“Vấn đề an sinh xã hội thì cũng là hai ba lần rồi đi xin nhưng mà không có được giải quyết, vì thời gian không cho phép mình đi nhiều. Rồi vấn đề là mình đi thì phường này chỉ qua phường kia, chỉ qua chỗ tạm trú nọ. Rồi ông tổ trưởng chỉ lên phường, phường chỉ xuống quận, tùm lum. Thành ra bỏ thời gian đi rồi cuối cùng không được cái gì hết. Thành ra anh em rác dân lập hầu như chưa hưởng được cái chế độ hỗ trợ của thành phố”.
Trong khi đó, ngày 18 tháng 8, báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin, TPHCM có hai gói hỗ trợ an sinh xã hội tổng công gần 1.800 tỷ đồng. Gói thứ nhất, 866 tỷ đồng, triển khai từ cuối tháng Sáu nay đã giải ngân xong. Gói thứ nhì với kinh phí 900 tỷ đồng được phê duyệt cách đây hai tuần, nhắm vào lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động nghèo gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Ông Thơm, trong vai trò là Chủ tịch Nghiệp đoàn Vệ sinh Dân lập phường 5 cho biết theo thông tin ông có được thì 70-80% người thu gom rác thải, tức cả trăm người thuộc Quận 5 đã không nhận được một chế độ trợ cấp gì trong mùa dịch này.
Ngoài các chế độ hỗ trợ riêng, bổ sung của một số địa phương như TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng, còn có gói an sinh xã hội của Trung Ương. Đầu tháng Bảy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 nêu 12 chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nhân gặp khó khăn do Covid-19 với gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng.
Thế nhưng bà Lê Thị Quỳnh Hạnh, chủ Spa Hạnh Quỳnh Lê tại Sài Gòn, chia sẻ bà và cả con trai có tiệm tóc cũng phải đóng cửa doanh nghiệp. Về quê sống ở Nghệ An, bà lại trải qua thêm một khủng hoảng khi bà bị lây nhiễm COVID-19. Từ chỗ từng là người làm từ thiện giúp người nghèo khác, nay bà chia sẻ chính bà cũng không đủ sống.
”Lúc ở bệnh viện thì ăn không tốn tiền, và miễn phí cách ly nhưng mà về đây hôm 31 tới bây giờ là chị không còn tiền ăn luôn, chị xấu hổ lắm. Nhưng mà chị không dám nói ra bởi vì mình cũng quá nổi tiếng ngoài xã hội mà bây mình như vậy họ cười, em hiểu không. Em gái của chị cho chị được hai triệu, thằng em nó cho hai triệu, là bốn triệu chị mua gạo ăn. Số tiền còn lại chị mua 100 trứng vịt, với đậu bắp, cà chua tặng mấy người ở nhà trọ trong khu này. Họ đến họ mừng lắm. Nói thiệt chị không có khả năng giúp như trước nhưng mà chị làm như vậy được chị cũng cảm thấy vui mừng rồi. Thật sự là chị về đây là phường cũng không hỏi tới mà cũng không ai cho cái gì hết”.
Bảo chí Nhà nước ghi nhận một số bất cập trong việc triển khai gói hỗ trợ của chính phủ, như địa phương chưa thực hiện đồng đều khắp nơi, lại gặp thêm khó khăn trước chỉ thị giãn cách xã hội khiến người lao động không thể đi lại làm hồ sơ.
Thậm chí, có những nơi ‘tự biên tự diễn’ như trường hợp Ủy ban Nhân Dân phường Hải Thành, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình yêu cầu người dân đóng lệ phí 10.000 đồng để làm đơn đề nghị hỗ trợ từ nhà nước. Sau khi sự việc bị phát hiện, Bí thư Thành ủy Đồng Hới đã có lệnh dừng việc thu tiền không đúng quy định.
Rồi còn nhiều trường hợp các gói hỗ trợ được địa phương chi trả ở mức độ thấp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng căng thẳng.
Bà Nguyễn Thị Châu, vợ của Tù nhân Lương Tâm tâm Kỷ sư Nguyễn Ngọc Ánh. Bà tâm sự rằng sau khi chồng bị bắt hồi tháng 8/2018, cơ sở kinh doanh thủy sản của vợ chồng bị đập, bà chỉ còn có thể làm những việc ‘lắc nhắc’ sống qua ngày. Gần đây thì bà cho biết bà có nhận được một chút gạo:
“Có hôm qua, có nhận được 5 kg gạo hỗ trợ của phường, của ấp. Hai mẹ con một ngày một người ăn một lon. Một ký bốn lon thì được bốn ngày. Một chục ký thì 40 lon thì sống được 1 tháng, nếu mà nấu ít”.
Trên trang Facebook cá nhân, bà Châu đăng hình bao gạo với tút “không ngờ hôm nay tôi đã được tổ trưởng gửi cứu trợ 5 ký gạo để nấu cháo hành ăn tránh dịch sau 43 năm đóng thuế”.
Dịch bệnh COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến người chồng trong tù:
“Ở trong nhà tù tháng rồi chồng có điện về thì chồng nói là ở trong đó giờ bán đồ ăn rất chi là mắc, rau ria thì không có, chỉ có bí đao, bí đỏ với bầu thôi và những loại rau đã thúi rồi. Mua vô ăn cũng không được. Thức ăn cũng không có. Chủ yếu là nó cho gia đình gửi tù nhân một tháng xài một triệu rưỡi nhưng mà giờ mình gửi 3 triệu cũng không đủ sống”.
Bà chia sẻ về viễn cảnh tương lai của bà:
“Ở dưới chỗ Bình Đại này là cái gọi hỗ trợ hình như là hoàn toàn chưa một ai nhận được, kể cả những gia đình mà bên chỗ hộ nghèo. Thường thường ở miền quê thì những người hộ nghèo, cận nghèo được nhận trước, nhưng mà thật sự tới bây giờ cũng vẫn chưa nghe được. Ngày hôm qua bản thân Châu đi đòi gói hỗ trợ đó, thì được trưởng ấp trả lời, ‘Chờ tới tháng 12! Còn lâu lắm. Tới tháng 12 thế nào cũng suy nghĩ đến gói hỗ trợ đỏ’. Châu trả lời với trưởng ấp rằng ‘Tôi sẽ cố gắng sống qua mùa dịch này để được cầm tiền hỗ trợ’”.
Cô Cao Vĩnh Thịnh, một người phụ nữ tại Hà Nội đã dùng tiền riêng cũng như quyên góp từ bạn bè để cứu trợ những người đặc biệt yếu thế trong mùa dịch, ghi nhận rằng nguồn tài trợ của các gói cứu trợ, lương thực được chính quyền địa phương phân phối cũng không được rõ ràng, minh bạch:
“Cách đây khoảng hai tuần những hộ được tổ trưởng xác định là hộ nghèo trong xóm thì sẽ được tặng 40 cân gạo. Cứ bảo là của tổ trưởng đưa 40 cân gạo thế nhưng không biết có thật sự đấy là của chính quyền cho hay của mạnh thường quân cho? Không biết được, không rõ ràng”.
Facebooker Phạm Minh Vũ là một người đã quan sát và tìm hiểu nhiều về các gói an sinh xã hội của chính phủ Việt Nam và so sánh với một số quốc gia khác trên thế giới.
Các gói hỗ trợ an sinh Việt Nam triển khai sau khi bị chỉ trích quá lớn từ Nhân dân, chứ không phải đến từ sự thật tâm lo lắng và chủ động của chính phủ Việt Nam. –Anh Phạm Minh Vũ
Anh nhận định với Đài Á Châu Tự Do qua messenger rằng có ba điều đáng chú ý:
“Một là: Các gói hỗ trợ an sinh Việt Nam triển khai sau khi bị chỉ trích quá lớn từ Nhân dân, chứ không phải đến từ sự thật tâm lo lắng và chủ động của chính phủ Việt Nam.
Hai là: Sự thiếu chuyên nghiệp của các cơ quan hợp tác triển khai không đồng bộ, dường như họ cố tình bày ra lắm thủ tục giấy tờ nhiêu khê để cản bước người dân tiếp cận. Ví dụ như năm ngoái nhiều tỉnh thành họ đem cả người đã mất, người trong tù, ghi tên trong danh sách nhận hỗ trợ, còn người cần hỗ trợ thì bị khước từ trắng trợn. Và có chuyện như chính quyền nơi người dân tạm trú bắt người dân về quê để xin giấy xác nhận, trong khi họ lại cấm ra đường.
Và cuối cùng: Gói hỗ trợ tung ra như một cách tượng trưng và sự trấn an tinh thần người dân. Nếu chính phủ quan tâm thật sự thì không có bao chuyện bày ra bi hài như ta thấy ở Việt Nam”.