Những tòa lâu đài ngơ ngác

Nữ chủ nhân của tòa lâu đài trị giá (ước đoán) trăm tỷ đồng- tức khoảng gần năm triệu USD-ở tỉnh Quảng Ninh, vừa không may tử vong trong chính tòa lâu đài của mình. Bà chết cháy.

Theo tường thuật trên báo chí và mạng xã hội Việt Nam, đám cháy bốc lên từ nhà bếp ở tầng trệt của tòa lâu đài, sau đó cháy dữ dội lên các tầng trên vì tòa lâu đài có nhiều đồ nội thất bằng gỗ. Trong tấm ảnh lan truyền trên mạng, khói đen bốc cao trùm kín tòa lâu đài. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã cứu được một phụ nữ giúp việc, do người này đang ở tầng trệt thì nhà cháy nên may mắn chạy thoát ra được. Nữ chủ nhân ở tầng trên không thoát được và đã tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Đây có lẽ là tai nạn đau thương nhất đồng thời là tai nạn lớn nhất từng xảy ra với chủ nhân những tòa lâu đài hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng ở Việt Nam thời gian qua. Trước đó, trên truyền thông, những tòa lâu đài chỉ một mực gắn với số tiền (trăm tỷ, ngàn tỷ) và kích cỡ của nó. Dường như không mấy ai để ý đến chi tiết này: là nơi xây dựng lên để ở, nhưng dường như những tòa lâu đài này rất nhẹ phần được xem là ngôi nhà ở, mà thiên về sự phô bày một phương tiện đập vào mắt nhất để diễn tả sự giàu có của gia chủ. Số tiền càng to thì càng được thán phục, nể vì.

À nói rõ là độ to tiền rất nhiều khi không tỷ lệ thuận với thẩm mỹ, tiện nghi, công năng cũng như trải nghiệm sống của gia chủ.

Gỗ được xem là một phương tiện rất tốt để khoe giàu và uy thế. Có nhiều tòa lâu đài ốp gỗ trên mọi  diện tích của nó, sàn, tường đến trần, cầu thang, mọi thứ. Những bộ bàn ghế vô cùng to nặng được tạo tác từ các khối gỗ nguyên tấm hoặc nguyên cây có tuổi đời tính bằng trăm, ngàn năm, được chạm trổ tỉ mỉ tinh xảo. To thế, nặng thế, hiếm có thế mà mang được về Việt Nam (nếu là gỗ ngoại chứ không phải gỗ chặt trộm một cách công khai trong các khu Vườn quốc gia Việt Nam) thì không chỉ giàu tiền, mà còn phải giàu quan hệ và quyền thế. Cái sự oai này tạo ra uy tín trên thương trường, gây lòng tin ở những đối tác kinh doanh.

Thế nhưng …

Kệch cỡm. Làm dáng. Khoe của. Rởm đời. Nặng hơn thì Trọc phú. Đó là một số tính từ mà người ta đưa ra về nhiều công trình nhà ở của những “đại gia” Việt gần đây.
Ở khắp nơi, nhiều người giàu có bỏ trăm tỷ, ngàn tỷ xây những tòa lâu đài trên đất riêng. Hầu hết chúng đều na ná nhau: tự xưng được xây theo trường phái kiến trúc “tân cổ điển”, rất cao, rất to, trên có nhiều mái vòm bát úp, vô số chi tiết trang trí chạm khắc, và đặc biệt phải to lớn ngất nghểu so với xung quanh. Có những “lâu đài” được xây trên diện tích đất rộng rãi tương xứng nên trông cũng đẹp mắt, nhưng không ít lâu đài được xây trên mặt phố, và gia chủ đều cố gắng xây hết đất mà không dành cho cây cối, vườn tược… thậm chí nhiều căn phòng không có ánh sáng tự nhiên, nên trông nó trụi thui lủi, trơ khấc lạc lõng cạnh những ngôi nhà phố bé nhỏ kế bên, y như con công bị trụi hết lông đuôi. Hoặc, dùng chiếc bánh chưng hài hòa của người Việt để mô tả thì những lâu đài này trông hệt như chiếc bánh chưng bị lột sạch lớp lá, dỡ tung lớp nếp vứt tọt đi chỉ để lại một cục thịt ba rọi thật to với lổn nhổn nhân đậu xanh, rồi tung hô đó là giá trị cốt lõi, tinh hoa.

Một bài viết rất hay của tác giả Ngọc Quỳnh vào ngày 24/4/2020 trên tạp chí Kienviet.net của Hội kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ sự buồn bã khi nhiều ngôi nhà thuộc dạng “lâu đài” mọc lên mà không kèm với thẩm mỹ. Tác giả này viết: “Nếu các kiến trúc sư trường phái Tân cổ điển phương Tây đã làm rất tốt công cuộc chuyển đổi của mình, bằng chứng là các công trình từ thế kỷ 18 vẫn mang những giá trị vẻ đẹp trường tồn, được cả thế giới công nhận; thậm chí tiếp tục có các tòa nhà Tân cổ điển – hiện đại hoặc nội thất được xây mới gần đây nhận đánh giá cao bởi việc phù hợp với bối cảnh quy hoạch, nhất là các khu đô thị lịch sử; thì tại Việt Nam, các công trình mang phong cách này thường rất khó để định nghĩa hay phân biệt các đặc điểm bởi vì chiếu theo hệ quy chuẩn dường như chúng đã được biến tấu theo sở thích của nhà thiết kế và gia chủ. Cụ thể, trong dạng công trình nhà ở, nó là sự pha trộn của nhiều nền kiến trúc khác nhau “Đông Tây kết hợp”, không có tính nhất quán, ứng dụng không hợp lý, nhìn chung đều mang tính tùy hứng và rất khó phân định, mang lại cảm giác người kiến trúc sư đang đánh mất chính mình.

Một điều dễ nhận thấy về các công trình theo phong cách Tân cổ điển (phong cách phổ biến của các lâu đài và biệt thự nhiều tiền-NV) trải trên khắp ba miền là sự áp dụng bừa bãi và kết hợp phong cách Art Deco nặng về trang trí. Phong cách này du nhập cùng thời điểm, sử dụng yếu tố thiên nhiên để chạm khắc thành những hình ảnh mềm mại với đặc trưng giàu tính khoa trương và sự trang trí vô tình lại trở nên khá phù hợp với tâm lý thích thể hiện của một số người giàu có. Hậu quả là những tác phẩm pha tạp, không mang giá trị thị giác mà chỉ thấy sự rườm rà, rối mắt. Càng về sau, sự biến thể ấy càng nặng nề khi xuất hiện càng nhiều công trình mà khi phân tách có thể thấy rõ không dưới ba phong cách được áp dụng. Không chỉ vậy, một số cá nhân muốn thể hiện sự giàu sang bằng cách ốp tất cả những gì được cho là “đẳng cấp”, kết quả là những phiên bản “lâu đài” dị dạng tràn ngập xã hội.

Giải thích cho sự góp gió thành bão của một bộ phận không nhỏ chủ đầu tư, chủ nhà vào làn sóng “Tân cổ điển méo mó, dị dạng” chính là từ tư duy và hiểu biết sai lệch. Lý do có thể là vì :

  • Chưa bao giờ được tiếp xúc với những phong cách hiện đại, đương đại sang trọng thực sự.
  • Tư duy thẩm mỹ, mỹ học hạn chế.
  • Chỉ nhìn những thứ xung quanh, những dị thể tràn lan trên mạng internet và cho rằng đó là đẹp, là đẳng cấp.
  • Chạy theo đám đông.
  • Chọn nhầm KTS dẫn tới nhận được tư vấn “bịp”. (hết trích)

Còn ở góc độ xã hội, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) dùng từ “khoe mẽ” để nhận xét về lâu đài của một số đại gia Việt.

“Đại gia Việt của chúng ta là bóc ngắn cắn dài. Vì ngắn ngủi nên thích chưng diện hơn người khác nhưng lại không ăn nhập với các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Có điều kiện là họ thích khoe khoang với người khác và có nhiều tấm gương ở hệ thống chính trị đã cho thấy rằng có những người làm quan, những người trông chờ vào các quyết sách, quyết định chỉ sau 2-3 thời khắc của nhân vật này, nhân vật kia là có thể làm giàu ngay được. Cho nên nó đưa đến những con người gọi là “nhà có điều kiện”, để họ sẵn sàng chưng diện, huy động cái này, cái kia để thể hiện mình tân kỳ, tiên tiến, có đủ sức chịu “lực”. Cái phản văn hóa của những người giàu Việt Nam, cái phi lý trong sự phát triển logic của xã hội Việt Nam chính là ở chỗ này”-ông Bình nói.

Tuy nhiên, từng cá nhân đều là một hình ảnh phản chiếu của xã hội họ đang sống.

Dư luận từng phì cười với những kỷ lục bánh chưng năm tấn, bánh dày ba tấn được hết nơi này đến nơi khác đua làm ra để “cúng vua Hùng”. Rõ tội nghiệp ông tổ, chẳng biết con cháu có hận việc chia của hay không mà nghĩ ra việc cúng ông cái món ăn sống sít, vỡ nát, lổn nhổn đến chó cũng chê ấy. Rồi thì cách đây mới sáu năm, Đài truyền hình Việt Nam công bố đang lên kế hoạch xây tháp truyền hình, cơ mà điều đáng để thiên hạ phì cười nhất là “siêu tháp” này phải cao hơn tháp truyền hình Tokyo Skytree của Nhật Bản (đang là tháp truyền hình cao nhất thế giới) đến dững hai mét cơ. Hai mét tức nhau tiếng gáy hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì về mặt kỹ thuật (còn mặt kinh doanh thì đã phá sản hoàn toàn), cơ mà quan trọng quái, cái chính là tháp nhà chúng ông cao hơn nhà chúng nó. Thế là sướng cái đã!

Các cơ quan đầu ngành về văn hóa còn đua nhau khoe mẽ và rởm đời thì bảo sao cá nhân dung dị được!

Trong một khía cạnh khác, sự ngơ ngác của nhiều công trình kiến trúc được mô tả dưới ngòi bút của kiến trúc sư Nguyễn Thái Nghị Lực, sở hữu Văn phòng thiết kế mang cái tên lạ là “Nhà trên cây” (House on tree).

Kiến trúc sư  này viết: “Đất lúc này không còn là đất, nghĩa là dành để ôm ấp cây cối, dung dưỡng muôn loài, và cho con người mượn phần nào để dựng những mái nhà chở che đời sống. Đất bây giờ được chia ô trên giấy, bán cho nhau và mang một cái tên khác, là bất-động-sản.

Nếu mặt đất có sự sống là duy nhất trên hành tinh này, thậm chí duy nhất trong toàn bộ những hành tinh loài người từng tìm thấy trong vũ trụ bao la, nếu Đất (viết hoa) khi này là một sự thật, thì bất động sản thực sự là gì?

(…) vẫn có những người ngoài kia đang vẽ vời và xây cất những thứ dị dạng, mục đích duy nhất là để chiếm lấy mặt đất – một cách gọi đơn giản của cụm từ “chuyển đổi mục đích sử dụng” – rồi tìm cách bán qua lại cho nhau. Những dự án, những công trình, những ngôi nhà không dùng để ở, bây giờ giống như hòn than nóng chuyền qua tay từng người, ai giữ lại cuối cùng thì chịu phỏng.

Người ta làm mọi thứ chỉ để bán đi. Giống như đất, một căn nhà khi này cũng đánh mất tên gọi của mình.”

(…) Đôi khi xây xong một công trình, người ta dọn vào ở rồi, sử dụng rồi, mà một thời gian sau quay lại thăm, đứng ngắm nhìn một lúc thì thấy sao cái công trình đó, căn nhà đó, nơi chốn đó nó bỗng dưng bình thường quá. Thấy yêu thương nó nhưng lại chẳng biết kể ra cái cảm xúc đó bằng cách nào.

Kiểu như một dniềm thương bình dị, như thương cái nhà mình ở, khoảnh sân mình ngồi, mảnh đất mình lớn lên, quê hương mình sinh ra. Rồi giật mình tự hỏi mình, tai sao bình thường quá thì không có gì để nói về, chẳng phải chúng ta đều đang sống và được nuôi dưỡng bởi những điều hết mực bình thường hay sao?

Vậy sao mà người ta không tìm về để yêu những điều bình dị, mà cứ phải đuổi theo những phức cảm dồn dập. Cái gì cũng cứ phải nhất, cũng phải kinh thiên động địa, cũng phải to lớn, cũng phải huy hoàng. Sao đất không chỉ là đất, nhà không đơn giản là nhà ?

Rồi thi thoảng giữa hành trình chông chênh đó thì dừng lại hỏi, sao mãi mà cuộc đời không cho mình bình an.”

___________

Tham khảo:

https://vietnamnet.vn/nguoi-giau-viet-xay-lau-dai-chu-yeu-la-de-khoe-166206.html

https://kienviet.net/2020/04/24/phai-chang-cu-la-kien-truc-tan-co-dien-moi-the-hien-dang-cap/

https://angcovat.vn/tin-tuc/1765-lo-dien-10-lau-dai-dat-bac-nhat-viet-nam-kien-truc-co-dien-van-nguoi-me-tin207098.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts