Ngày 23/10 vừa qua đánh dấu năm năm của sự kiện bi thảm gây chấn động thế giới lúc đó, ngày mà trong thùng sau kín mít của một chiếc container chở hàng tại Anh, cảnh sát đã phát hiện ra 39 thi thể chồng chất. Toàn bộ là người Việt Nam, có cả nam và nữ. Người lớn tuổi nhất mới 44 tuổi, hai thiếu niên nhỏ tuổi nhất mới vừa 15. Họ chết vì ngạt khí và vì nhiệt độ tăng cao trong thùng xe kín.
Sau đó cảnh sát đã tìm thấy những vết rạch ngắn trên trần của thùng xe, được cho là những nạn nhân đã cố gắng dùng vật nhọn để đục thủng hay phá lớp vách của thùng xe. Họ cũng đã tìm cách bẩy, cạy, phá cửa thùng xe nhưng đều vô vọng. Nhiều dấu bàn tay lem máu vẫn còn in rõ trên vách thùng xe. 39 người sống rải rác sáu tỉnh thành của Việt Nam, tất cả đều khác nhau về tên tuổi, giới tính, hoàn cảnh bản thân và gia đình, nhưng đã cùng trải qua một cuộc hấp hối rất dài trong tuyệt vọng thảm thương.
Cả thế giới cố hiểu vì sao có đến chừng ấy con người cùng một quyết tâm gan lì đến mức dám chơi một ván bài sinh tử đến vậy. Họ nghèo túng đến cùng quẫn chăng? Họ bị nợ nần vây hãm? Hay họ không thể tìm được việc làm nào khác có thể nuôi sống gia đình ở Việt Nam?
“Nô lệ hiện đại”
Thông tin mờ tỏ cho biết chiếc container nói trên chỉ là một trong đoàn xe ba chiếc chở cả trăm người tìm đường vào Anh tương tự, trong đó có không ít người Việt, hoặc cũng có thể hoàn toàn là người Việt. Sự thật là khi 39 người đang giãy chết trong chiếc xe tử thần thì số không ít đồng hương của họ đã mở bia ăn mừng ngày thắng lợi-ngày đặt chân trót lọt vào nước Anh mà không bị phát hiện, không bị trục xuất.
Báo chí Anh, trong nhiều năm trước và sau sự kiện này, kết luận sự kiện những người Việt Nam liên tiếp vượt biên trái phép vào Anh là một phần trong đường dây buôn người xuyên quốc gia. Những “thùng nhân” người Việt được mô tả là những nô lệ hiện đại, bị lừa bán vào các trang trại cần sa ẩn náu khắp nơi trên nước Anh.
___________
Bất chấp rủi ro, hàng đoàn người Việt vẫn rời bỏ đất nước
Bốn người Việt bị bắt tại London theo cáo buộc tội buôn người
Chính phủ Việt Nam bị tố cáo giấu thông tin về nạn buôn người để che đậy cho quan chức
___________
Chủ nhân của những trang trại này cũng là người Việt nhưng đã sinh sống lâu dài tại Anh. Những cuộc đột kích vào các trang trại cần sa luôn phát hiện ra những nạn nhân trong tình trạng chung dường như vô cùng đáng thương: các nô lệ hiện đại bị lừa phải trả một khoản tiền rất lớn mà gia đình họ không thể trả nổi, do đó buộc phải bán thân vào làm thuê trong các trang trại cần sa. Họ bị nhốt kín trong nhà, cửa luôn luôn khóa, không thể bước ra ngoài hay thậm chí lộ diện, không được dùng điện thoại, không được liên lạc với bất cứ ai, chỉ được ăn đồ hộp, ngủ trên một tấm nệm vứt lăn lóc bất cứ nơi nào trong nhà, sống chung với mùi nồng nặc của lá cần sa quanh năm suốt tháng…
Nhưng cảnh sát Anh và Việt, trong khi truy lùng đường dây buôn người đã tìm ra chứng cứ là mỗi nạn nhân đều đã TỰ NGUYỆN đóng một khoản tiền khoảng trên dưới 23.000 USD (545 triệu đồng), thậm chí có người đóng đến 900 triệu đồng để được đưa trái phép vào Anh. Những người trong đường dây cam đoan không nhận tiền nếu chưa thành công.
“Voi” hay “chó” chỉ cách một mùa cần
Trong số những nạn nhân, có những người đã sang một nước châu Âu khác làm việc như nấu ăn thuê trong nhà hàng, nhưng rồi thu nhập ít và muốn sang Anh. Có những người đã đi xuất khẩu lao động ở nước khác trở về rồi lại tìm đường sang Anh. Có những người đã đi làm công nhân ở Sài Gòn rồi trở về quê để sang Anh. Có gia đình chạy vạy mượn nợ để đưa con đi, nhưng cũng có người đã có vợ con, đã xây được nhà to ở quê, lần này muốn sang Anh là để kiếm một số vốn trở về kinh doanh và không đi nữa. Đó cũng là câu chuyện chung của rất nhiều người Việt không nằm trong con số 39 kia, nhưng đều đã cùng đi một con đường. Đó là vượt biên sang Anh để “làm ăn”, giàu phất lên hoặc trắng tay và chết/tù/hoặc bị trục xuất về nước.
Vì thế, cho dù thương xót đến bao nhiêu đi nữa thì các nạn nhân đều không phải đứa trẻ con ngơ ngác bị lừa gạt, hay những nô lệ đáng thương như báo chí Anh mô tả. Những người này hoàn toàn biết họ đang muốn gì và cần làm gì để đạt mục đích.
Đích đến của đại đa số những người bỏ khoản tiền lớn theo đường dây đến Anh chính là những trang trại cần sa của người Việt. Ông chủ và người trực tiếp trồng và chăm sóc cần sa được chia nhiều tiền nhất, nhưng ngoài ra vẫn có kha khá công việc liên quan như sửa chữa nhà, lắp hệ thống điện và nước tưới, lái xe dọn đổ rác, đất thải sau khi thu hoạch… cho những người khác.
Nếu không gia nhập vào thị trường ma túy thì với tình trạng chung của đại đa số những “thùng nhân” vào Anh: không tay nghề, không vốn liếng, không người quen biết, họ sẽ bằng cách nào, làm việc gì để có tiền thật nhanh chóng, để trả được khoản nợ khổng lồ và bắt đầu dành dụm cho tương lai? Tại sao tất cả đều muốn vào Anh, chỉ vào Anh mà thôi và vào Anh gần như với bất kỳ giá nào? Sang để làm nail như các cô gái khai ư? Làm nail đến bao giờ mới đủ 900 triệu đồng tiền mà cả gia đình đã gom góp vay nợ, hoặc cầm cố thế chấp nhà cửa để mua một suất đi “cỏ” (tức bám container hoặc nằm trong container) đầy nguy hiểm và rủi ro thất bại)?
Trong vô số những câu chuyện về người Việt đi trồng cần sa ở Anh, ở Úc, … không ai lạ gì chuyện lên voi xuống chó. Có những người làm công được chia tiền rủng rỉnh sau khi người chủ trúng liên tiếp vài mùa, bèn đứng ra thuê bất động sản, lập trại trồng cần sa riêng, trở thành ông chủ mới. Ông chủ này thuê lại những người cùng làm công với mình trong những mùa trước, thậm chí có thể thuê cả một vài ông chủ do bị cảnh sát đột kích liên tiếp nên mất sạch cả vốn lẫn lãi, đến lượt mình đi làm công cho người khác.
Nhưng ngay cả ông chủ mới cũng không nằm ngoài vòng quay tàn khốc và vô vàn bất trắc. Họ có thể trúng vài mùa, tiếp tục phất lên, hoặc cũng có thể bị mất sạch, hay éo le hơn là bị chính đồng hương tổ chức cướp sạch thành quả và lại quay về thân phận “nô lệ hiện đại”. Cứ thế xoay vòng.
Có những làng quê Việt Nam được báo chí trầm trồ vì tuy ở vùng nông thôn nghèo, đất đai canh tác rất ít, nghề phụ thu nhập kém, nhưng biệt thự san sát, xe hơi đầy đường, có thể sánh với khu vực giàu có của những thành phố phồn hoa nhất nước. Tất cả đều là của những gia đình có người đi tây. Có nhà tất cả con cái, dâu rể đều đi, chỉ còn ông bà và các cháu nhỏ.
Điều thú vị là mặc cho sự hân hoan thấy rõ ở nét mặt các lãnh đạo huyện, tỉnh nơi có các làng biệt thự này, nhưng khi nói về nguyên nhân, họ vẫn chỉ dám dùng uyển ngữ, gọi những người đi tây là “xuất khẩu lao động tự do”. Các vị lãnh đạo này thừa nhận địa phương không nắm được những người đi tây đó hiện đang ở nước nào, làm những công việc gì, chỉ biết họ thường xuyên gửi tiền về cho gia đình.
Tuy nhiên, dù biệt thự mọc lên như nấm, nhưng hầu như chỉ còn người già và trẻ em ở nhà. Hầu như người lớn đều đang ở nước ngoài. Họ đi theo nhiều cách. Ngay cả “đường dây buôn bán người” mà báo chí nước ngoài gọi tên, nhiều khi chính là những người họ hàng đã đi nước ngoài trước, rồi lại kéo anh em thân thích đi theo. Đó là lý do khiến không ít gia đình dù có con cái chết trong vụ 39 người nhưng vẫn chịu đựng, không tố giác.
“Tai nạn nghề nghiệp”
Trong số 39 người chết tại Essex, có đa số đã từng đi xuất khẩu lao động chính thức trước đó. Họ làm công nhân hoặc làm các công việc phụ bếp tại các nước Nhật, Ba Lan, Rumania… nhưng đều không hài lòng với cuộc sống đó. Có những người không từng đi xuất khẩu lao động thì cũng đã rời gia đình, ra Hà Nội hoặc vào miền Nam làm công nhân, rồi tự móc nối tìm đường đưa sang Anh. Tất cả họ đều tự nguyện chọn con đường ấy. Thậm chí, trong những ngày đầu tiên sau vụ tai nạn, khi thi thể của những người chết trong thùng container vẫn còn chưa được đưa về nước thì đã có những người khác chúc mừng nhau vì đã đến Anh trót lọt, dù vẫn bằng con đường làm “thùng nhân”.
Có nhiều lý do khiến họ quyết chí đi Anh. Cuộc sống ở quê thực sự khó khăn. Làm nông hay làm biển đều thất bát, không nuôi nổi gia đình. Ở địa phương không có công ty, khu công nghiệp để xin vào làm công nhân. Trong khi đó, ngay trước mắt, những tấm “gương” làm giàu cực kỳ nhanh chóng của anh A chị B con chú Năm thím Bảy ở ngay sát nhà, chỉ ít năm đi Anh đã mang tiền tỷ tỷ về xây biệt thự nguy nga ngày ngày phóng chiếu ước mơ làm giàu, báo hiếu bố mẹ và đổi đời cho cả gia đình. “Đã xác định ra đi làm kinh tế thì chỗ nào OK là mình làm” “Ở cái xã này có hàng nghìn người đi Anh, mà Anh nhiều tiền như thế đấy, giờ mình có về (Việt Nam) hoặc là có tiền tấn tiền tỷ cũng chả là cái gì”-vài người nói. Họ là những người đã từng “nhảy công” sang Anh rồi hoặc bám lại được, hoặc bị trục xuất về nước, và được trích dẫn phỏng vấn trong dự án Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại do tổ chức World Vision Internatinonal tại Việt Nam thực hiện năm 2019 với tài trợ của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh.
Cả hai động cơ “thúc” và “đẩy” đều mãnh liệt, nhưng con người mà, ai chẳng thích tin vào điều kỳ diệu và tương lai rực rỡ. Sau vụ 39 người chết trong container, báo chí, cảnh sát và các tổ chức bảo vệ con người khắp thế giới đã lên tiếng, vẽ ra một bức tranh khủng khiếp về di cư tự do đến Anh.
“Người Việt mình chết ở bên Nga nhiều lắm. Chẳng qua nhiều khi chết một, hai người rồi tây người ta vùi lấp vì chết ở trong rừng, nhiều người. Còn so với đi sang Nga, vụ đi sang Anh mà chết ba mươi mấy người đấy là ít rồi đấy, gọi là hi hữu. Chúng em ở bên này (Anh) là lâu lắm rồi. Thỉnh thoảng có chứ không phải khi nào cũng bị. Cái đấy gọi là tai nạn nghề nghiệp.”-một nhân vật được phỏng vấn trong dự án nói trên nói rất tỉnh.
Trên con đường từ Việt Nam sang Trung Quốc, qua Nga, đến các nước châu Âu rồi cập tại Pháp hoặc Bỉ, từ đó “nhảy công” vào Anh, đã có không ít người chết vì bệnh, gặp thú hoang, bị điện giật, trượt ngã xuống núi… trong rừng, tại các vùng hoang vắng ngay những chặng đầu tiên tại Nga. Nhưng, những người còn lại vẫn náo nức và quyết tâm đi, vì những cái chết kia xa xôi mơ hồ quá, mà tòa biệt thự, chiếc xe hơi ở quê, sự chi tiêu rộng rãi thoải mái của các anh lớn đang ở Anh lại gần quá, thật quá, sờ thấy được. Không ai dám đem sinh mạng ra đánh cược, họ chỉ luôn tin tưởng vào thành công, và cho những cái chết kia là sự may rủi của số phận từng người, hoặc-như trên đã trích, là một tai nạn mà trên con đường tìm kiếm sự giàu có buộc phải chấp nhận.
Điều đáng tiếc hơn cả là cho dù cuộc sống của nhiều gia đình quả thật đã giàu có lên sau những hy sinh của người thân đi “làm kinh tế”, nhưng cho đến hiện tại, sự chọn lựa của nhiều người Việt dường như chưa hề thay đổi. Chỉ mới một tuần trước, 11 người Việt đã bị bắt và trục xuất về nước sau khi cảnh sát New Zealand phát hiện vụ trồng cần sa có giá trị đến 18 triệu USD. Ở Anh và Úc, cảnh sát cũng liên tiếp phát hiện những vụ trồng cần sa quy mô lớn có mặt nhiều người Việt.
Cuộc sống của người Việt trong nước hiện tại nói chung vẫn ở tầm khá thấp so với các nước phát triển, nhưng nhiều cơ hội nghề nghiệp cũng đã mở ra cho cả những người lao động có trình độ văn hóa thấp hoặc không có chuyên môn. Hàng năm, các công ty ở Bắc Ninh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… đều tuyển dụng rất nhiều công nhân với mức lương tạm ổn. Nếu chấp nhận lao động chăm chỉ thì vẫn có thể sống mà không phải đánh đổi sinh mạng trong một chiếc thùng container.
Cho nên, nếu gọi những người làm công cho các trang trại cần sa là nô lệ, thì có lẽ cần thêm vào một vế nữa cho rõ ràng: Họ là nô lệ tự nguyện.
________
Tham khảo:
https://vietnamnet.vn/nhung-bi-kich-o-lang-xuat-khau-lao-dong-lon-nhat-viet-nam-2018504.html
https://plo.vn/cau-chuyen-cua-1-nguoi-viet-tung-trong-can-sa-o-anh-post545416.html
https://nhandan.vn/theo-dau-can-sa-post814915.html
https://vietnamnet.vn/lang-ty-phu-nho-xuat-khau-lao-dong-778841.html
https://tienphong.vn/vu-39-thi-the-trong-container-dong-lanh-o-anh-am-anh-dong-tin-nhan-post1146292.tpo
https://vnexpress.net/nguoi-viet-ke-cong-viec-trong-can-sa-bat-hop-phap-o-anh-4004420.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do