Tổng cục thống kê Việt Nam hôm cuối tháng 3/2023 công bố Hà Nội đứng đầu danh sách địa phương có mức sống cao nhất VN với số điểm tuyệt đối 100/100.
Thực tế mức sống tại thủ đô này ra sao, một số người dân không muốn nêu tên vì lý do an toàn chia sẻ với Đài ACTD trong một ngày giữa tháng 4.
“Bon chen hơn các tỉnh hay thành phố khác, Hà Nội khó sống thì phải tiết kiệm chứ tiêu hoang một tí là không còn gì.“
“Người dân thường thì bây giờ áp lực nhất là giá đắt, giá cao mà đi làm khó khăn, dân lao động đi làm quá khó khăn luôn.”
“Đắt! Giờ cứ thử tính xem, lương một công nhân như vợ chồng con dâu nhà này chi phí ăn học cho con nhiều lúc không dám đi ăn sáng, tiết kiệm không đủ tiền học cho con.”
Cũng theo Tổng cục thống kê, Quảng Trị là địa phương có mức giá thấp nhất cả nước, bằng 86,83% so với Hà Nội.
Nguyên nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức sống đắt đỏ hơn các tỉnh miền núi được Tổng cục đánh giá là do dựa theo sự chênh lệch giá cả các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí.
Giá thuê nhà trọ đúng là gây áp lực nhất với gia đình người đàn ông này:
“Áp lực nhất là nhà trọ, đa số nhà trọ giá cao, rẻ nhất là hai triệu mấy một phòng chỉ hai người ở, trong khi đó điện, nước chưa có. Đối với tôi nhà nghèo nên không thuê nhà trọ đắt tiền, chỉ thuê nhà trọ 1,6 triệu, cái nhà phải mở cửa suốt ngày cho không hôi vì cũ, nát.”
Hoặc như tâm sự của hai tài xế Grab, giá cả hàng hoá đắt đỏ trong khi thu nhập không cao cũng khiến họ “liêu xiêu”:
“Bọn tôi bây giờ thu nhập chẳng ăn thua gì, phí của Grab giờ cũng cao, làm một tháng 8-9 triệu, thật tiết kiệm. Chi phí như bọn tôi cũng áp lực vì một ngày làm từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm mất bốn bữa (ăn) là 120 (ngàn), chưa tính nước, thuốc (lá), xăng là tầm 200 ngàn/ngày. Mà nếu làm 200 ngàn chỉ đủ ăn thôi.”
“Đắt hơn các ngoại tỉnh nhiều, ăn uống cũng thế. Nói chung mình phải chi tiêu hợp lý, không tiêu hoang, tiêu theo mức độ bình dân của người lao động thôi, không tiêu quá.
Ai cũng thế, người lao động công nhân nếu có hai, ba đứa con đi học thì lúc ăn cũng chẳng dám ăn, để dành cho con.”
Đây là năm thứ hai liên tiếp cơ quan thống kê ghi nhận Hà Nội có giá cả sinh hoạt đắt đỏ nhất đất nước hình chữ S.
Tuy vậy, nhiều người lao động cho hay dù cuộc sống ở thủ đô đắt đỏ bậc nhất chật vật ra sao, họ vẫn gồng mình sống tiếp vì không còn lựa chọn khác:
“Bắt buộc áp lực thì vẫn phải sống, tôi năm nay 70 (tuổi) nhưng vẫn phải đi làm hỗ trợ cho nó (con cháu).”
“Tôi sống ở đây cũng lâu, mười mấy năm rồi. Tôi sống trên này gần như thành thói quen, Về quê thì biết làm gì? Chạy xe ôm (công nghệ) thế này cũng quen rồi, về quê khó sống.”