19 tỉnh, thành bị “cấm cửa”
Thủ tướng Việt Nam vào ngày 17/7 đã quyết định áp dụng Chỉ thị 16 giãn cách xã hội trên phạm vi 19 tỉnh, thành phía Nam trong 14 ngày, từ 0h ngày 19/7.
Trong đó có ba địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, và Đồng Nai. 16 địa phương còn lại của miền Nam bị giãn cách gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, và Kiên Giang.
Trao đổi với RFA tối 20/7, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ Hà Nội cho rằng việc áp dụng Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam là biện pháp bất đắc dĩ:
“Rõ ràng đây là một biện pháp bất đắc dĩ để đối phó dịch bệnh đang lan rộng ở nước ta.
Chắc chắn việc phải cách ly và phong tỏa như vậy sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống người dân cũng như sản xuất, lưu thông hàng hóa.”
Theo thông tin từ Chính phủ, bên cạnh những ưu tiên hàng đầu như bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, bảo đảm hệ thống y tế và kiềm chế dịch ở mức thấp nhất, lãnh đạo các địa phương vẫn phải duy trì sản xuất an toàn, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ vùng dịch.
Rõ ràng đây là một biện pháp bất đắc dĩ để đối phó dịch bệnh đang lan rộng ở nước ta. Chắc chắn việc phải cách ly và phong tỏa như vậy sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống người dân cũng như sản xuất, lưu thông hàng hóa. – TS. Lê Đăng Doanh
TS. Lê Đăng Doanh nhận định về vấn đề này như sau:
“Việc bảo đảm lưu thông hàng hóa rõ ràng là một yêu cầu để ổn định đời sống người dân đã bị cách ly rồi. Vì vậy nên hiện nay Bộ Giao thông – Vận tải đã có quy định luồng xanh, cũng đã bảo đảm các tài xế trong 19 tỉnh đó không cần phải có xét nghiệm vì nếu có xét nghiệm thì lại phải có chi phí và chờ đợi lâu. Đấy là những điều trong thời gian vừa qua chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm và có những biện pháp cải cách, điều chỉnh để tránh gây ra cản trở không cần thiết đối với việc sản xuất và lưu thông hàng hóa.”
‘Luồng xanh’ mà TS. Doanh vừa nêu ra được báo chí Nhà nước cho hay là kênh cho phép các loại hàng hóa thiết yếu được vận hành thông suốt không chỉ trong giao thông, mà còn trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ vùng nguyên liệu, qua các khâu để đến người dân vùng dịch an toàn, sớm nhất.
Tài xế đường dài nằm chờ thẻ
Tuy nhiên, việc áp dụng Chỉ thị 16 trong thực tế đối với cánh tài xế tại các tỉnh thành phía Nam lại là cản trở rất lớn, như chủ doanh nghiệp vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết:
“Bản thân em bây giờ số lượng rau người ta cho em một đống mà không có xe chở trong khi xe em bảy chiếc nằm không chờ.
Bây giờ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải đó, tạo luồng hàng lưu thông rõ ràng, đăng ký chính xác, có giao kết với người ta. Giờ xe nào cũng có định vị, đăng ký đi đến đó thì phải đến đó, nếu đi sai phải phạt rút giấy phép… bây giờ thời buổi 4.0 mình quản lý được tất, quan trọng là có làm hay không.
Sở nào quản lý thì có ứng dụng phần mềm có sẵn hết. Doanh nghiệp vận tải Việt Nam mình không thiếu nhưng quan trọng không cấp cho nó được thì nó lu bu, nhiều lúc doanh nghiệp tư nhân có số lượng xe lớn nhiều nhưng lại không được cấp nên nằm chờ đó.”
Một tài xế khác không muốn nêu tên đang sống tại Sài Gòn cũng nêu lên thực tế:
“14 ngày này là xe cộ không lưu thông được, hoa quả không có đường vô, không có gì vô làm sao tụi tôi hỗ trợ được? Nó sẽ cục bộ vì bây giờ Nhà nước, Chính phủ phải nhìn lại đúng, tài xế nào chạy thực phẩm phải cho lưu thông dễ dàng chút để người ta quay đầu làm cho người dân, có miếng ăn, cái mặc mà sống để qua dịch còn có sức khỏe lao động.”
Vẫn theo người tài xế tại Sài Gòn, hoàn cảnh sống của anh đang rất bấp bênh do đợt giãn cách quá dài tại thành phố lớn nhất phía nam:
“Đối với tôi thì đi lại của tài xế, những người đã thất nghiệp trước 14 ngày rồi mà không có lương, giờ thất nghiệp thêm 14 ngày nữa thì lấy gì người ta (sống)? Đó là khó khăn của những người lao động ở tỉnh mà mướn phòng trọ. Dịch lan truyền thì mình phải chịu, có cách nào đó hỗ trợ cho công dân nghèo ở phòng trọ.
Nhưng cái đó thì Nhà nước không bao quát nổi đâu. Ở trên có chỉ thị đúng nhưng xuống dưới nữa thì sai một chữ thì đi một dặm, người dân nghèo chắc người có người không, không phải người nào cũng không có hết, mà cũng không phải người nào cũng có hết.”
Không chỉ riêng các bác tài ở tâm dịch, mà một tài xế khác ở An Giang cũng cho biết đang gặp nhiều khó khăn:
“Vợ ở nhà mang bầu mà giờ thất nghiệp không biết sao lo tại tôi chạy tài xế, không có nghề gì khác, cho nghỉ dịch, chừng nào hết dịch người ta mới kêu lại làm, hôm bữa giờ kêu nghỉ ngang đâu có tiền gì đâu sinh hoạt.
Bây giờ là không có công việc gì luôn vì giãn cách không cho ra đường, không cho đi đâu hết, nói chung là không có tiền sinh hoạt, giờ ở nhà không có tiền gì hết sao mà sống. Bây giờ không biết sao vì giãn cách mười mấy ngày. Lương em 6-7 triệu, giờ nghỉ ngang đâu có đưa lương, giờ cho nghỉ dịch đâu có hỗ trợ mình.”
Một tài xế ở Sóc Trăng cũng nêu lên gia cảnh khốn khó do dịch COVID-19 gây ra:
“Dịch bệnh mau hết để còn đi làm chứ ở nhà ở không, như tôi chạy xe là ở nhà đến nay là 2,5 tháng không làm gì, ở nhà không đó. Ở nhà giờ lúc trước chạy có tiền thì để dành giờ đem ra xài, xài tiết kiệm từ từ khi nào hết dịch có tiền xài tiếp. Buôn bán ở chợ giờ cái gì cũng lên giá vì Chỉ thị 16.”
Vắc-xin là giải pháp tốt nhất
Chỉ thị 16 được Thủ tướng Việt Nam quyết định áp dụng cho 19 tỉnh thành do tình hình dịch bệnh ngày càng lây lan nhanh chóng ở khu vực phía Nam, mà tâm dịch được nói là thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ được ra đường khi thật sự cần thiết, một số địa phương quy định người dân phải đảm bảo có giấy thông hành mới được di chuyển trên đường, hạn chế tối đa việc di chuyển giữa các địa bàn.
Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp vận tải đều bị ảnh hưởng trong đợt giãn cách này, như lời một tài xế tại Bình Dương cho hay tuy công việc anh bị giảm đi nhưng công ty anh vẫn hoạt động bình thường, anh cũng đã dự trù cho những khó khăn trong cuộc sống.
“Dưới Bình Dương thì hiện tại trong các cơ quan nhà nước kiểm tra gắt gao, siết chặt, hạn chế người dân ra đường. Theo mình biết thì chính phủ đưa ra ba tại chỗ, hạn chế, siết chặt vấn đề đó, doanh nghiệp nào không quản lý được ba tại chỗ thì không được hoạt động, doanh nghiệp mình đang áp dụng chiến thuật ba tại chỗ.”
Dịch bệnh mau hết để còn đi làm chứ ở nhà ở không, như tôi chạy xe là ở nhà đến nay là 2,5 tháng không làm gì, ở nhà không đó. Ở nhà giờ lúc trước chạy có tiền thì để dành giờ đem ra xài, xài tiết kiệm từ từ khi nào hết dịch có tiền xài tiếp. Buôn bán ở chợ giờ cái gì cũng lên giá vì Chỉ thị 16. – Tài xế ở Sóc Trăng
Từ Đồng Nai, một người làm trong vận tải hàng không, tàu biển cũng cho hay việc làm của ông đang gặp khó khăn do hàng hóa bây giờ chủ yếu là thực phẩm trong khi ông lại chuyên về mặc hàng khác.
Tuy vậy, ông vẫn ủng hộ quyết định giãn cách 19 tỉnh, thành vừa được ban hành:
“Theo em chỉ thị này rất okie tại bây giờ nếu mình không chấp hành và cứ vì một lý do gì đó thì mình sẽ không bao giờ dập dịch được. Những ca F0 bây giờ có và lây lan rất nhiều, ý thức người dân quá kém. Em nghĩ TPHCM áp dụng chỉ thị này căng hơn, không cho ra đường càng tốt.
Nếu giao thương đứt gãy thì em nghĩ về cung ứng lương thực thực phẩm vẫn cho giao thương, còn những lĩnh vực khác thì nên ngưng lại. Trước mắt khó khăn của người dân bây giờ đặt về vấn đề kinh tế, những hoàn cảnh khó khăn sẽ khó vượt qua mùa dịch này, ví dụ bây giờ mình san sẻ với nhau một chút để vượt qua Chỉ thị 16 thì sẽ tốt hơn.”
Theo TS. Lê Đăng Doanh, trong thời điểm hiện tại, cách tốt nhất để hàng hóa được lưu thông và giúp giảm ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất là:
“Tôi nghĩ biện pháp sắp tới đây chúng ta phải cần phải làm là tiêm vắc-xin và phổ cập việc tiêm vắc-xin đến một mức chúng ta có thể an toàn và có thể lại khôi phục được sản xuất trong một trạng thái bình thường mới.”