“Tôi có trao đổi anh Vượng Vingroup (tỷ phú Phạm Nhật Vượng) xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh cho đến huyện Cần Giờ. Anh đồng tình và rất say sưa“.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cho hay tin trên trong ngày 4/1 tại Hội nghị công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Hôm 22/12/2024, tuyến đường sắt đô thị (metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên) trên cao tại TPHCM đã đi vào hoạt động sau 12 năm khởi công. Theo truyền thông Nhà nước, sự kiện trên được ông Phạm Minh Chính đánh giá cao.
Đây là tuyến metro đầu tiên được đưa vào khai thác tại TPHCM sau khi được phê duyệt vào năm 2007 và khởi công từ năm 2012. Tuyến metro này dài 19,7km có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng.
Theo đà phát triển trên, ông Chính cho biết sắp tới TPHCM sẽ tiếp tục khai thác không gian ngầm và ông đã đề nghị Tập đoàn VinGroup tham gia.
“Mình phải giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn, tôi hiện cũng giao một số việc để người ta hình thành tư duy. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Chúng ta phải quán triệt tinh thần này khi triển khai thực hiện quy hoạch“, ông Chính nói trên tờ Tuổi Trẻ.
Tháng 7/2024, Sở Giao thông vận tải và Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã thống nhất đề xuất nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị (loại hình phù hợp) từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ vào hợp phần giao thông trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Tuyến đường sắt này xuất phát từ chỉ đạo của ông Phạm Minh Chính sau chuyến ông cùng đoàn công tác chính phủ đi khảo sát, kiểm tra, làm việc tại huyện Cần Giờ năm 2023. Ông Chính lúc bấy giờ cho rằng để bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ có nhiều cách, trong đó có thể làm đường trên cao hay làm tàu điện ngầm đến Cần Giờ.
Theo quy hoạch, tuyến metro này dài khoảng 48,7 km, bắt đầu từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), theo đường Nguyễn Lương Bằng, vượt sông tới đường Rừng Sác xuống Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.