Những thông điệp Phó Thủ tướng (PTTg) thường trực Phạm Bình Minh chuyển tải tại khóa họp 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ/LHQ) vào ngày 23/9 là khá khúc chiết. Phát biểu tuy không vạch mặt chỉ tên, nhưng gián tiếp toát lên lập trường phản đối Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc đơn phương đe dọa Việt Nam trên Biển Đông, bất chấp UNLOS-1982… Có phải vì thế mà cho đến nay, sau một tuần lễ (29/9), truyền thông Hà Nội vẫn chưa cho phép báo chí Nhà nước đăng tải toàn văn bài phát biểu đã gây bất ngờ tại Khóa họp?
Cảm ơn hai nhà báo từ Mỹ – Đỗ Dũng và Derek Phạm – đã phát YouTube: “Toàn văn phát biểu của PTTg Phạm Bình Minh tại khóa 77 của LHQ”. Mở đầu, PTTg thường trực Phạm Bình Minh nhận định thế giới đang ở thời khắc “bước ngoặt của lịch sử” khi tình trạng đối đầu, xung đột và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục gia tăng, phản ánh cạnh tranh giữa các nước lớn và chủ nghĩa đơn phương. Tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu cùng nhiều thách thức an ninh phi truyền thống khác đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại, đẩy lùi nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Các thông điệp ông Minh “trình lên” Liên Hợp Quốc lần này là khá “sòng phẳng, rõ ràng, mẹ nó… sợ gì” (Trích đúng nguyên văn lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong một phút “xao lòng”, đã thốt lên trước phòng làm việc của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hồi mùa hè năm nay). “Rõ ràng, sòng phẳng…” ở bốn nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, PTTg Phạm Bình Minh đề cao chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa (ĐDH-ĐPH). Chính sách này, từ uyên nguyên, vốn không phải sinh ra từ Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Nó là con đẻ của thế hệ ngoại giao cùng thời với bố ông Minh – cựu Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch – từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước. ĐCSVN chỉ là người “ăn theo” sáng kiến ấy, và sau đó, tự nhận là sáng kiến của riêng mình. Trong khi triết lý đối ngoại của Đảng là “hai phe bốn mâu thuẫn”*. Nền tảng của ĐCSVN cho đến lúc bấy giờ vẫn là đu dây giữa “ông Liên Xô bà Trung Quốc/ ông đi guốc bà đi giày”. Một triết lý nhìn quan hệ đối nội lẫn đối ngoại chỉ qua lăng kính “địch – ta” thì làm sao có thể đẻ ra được một đứa con tinh thần “khôi ngô, tuấn tú” là ĐDH-ĐPH được? Kiểu đề cao của ông Minh là một cách vinh danh thế hệ ngoại giao “cha anh” đã để lại một di sản hiếm có cho Việt Nam. Nhưng điều quan trọng hơn, ông Minh muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, ĐDH-ĐPH đang bị đe dọa ở Việt Nam, bởi tính chất “hai mặt” trong chính sách đối ngoại của ĐCSVN.
Nói như trên nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đó là một sự thật đang bị Đảng che đậy. Vấn đề nó nằm trong triết lý đối ngoại. ĐDH-ĐPH đã không thể thành tựu, nếu như không có “bà đỡ” của nó là “tư duy mới” từ kỷ nguyên Gorbachev. Đứa con tình thần ấy của thế hệ Nguyễn Cơ Thạch hoàn toàn không thể tách rời công cuộc “công khai” và “cải tổ”. Nhưng ngày nay, quan điểm chính thống hoàn toàn xổ toẹt các động lực mà nhờ đó, Việt Nam mới có Đổi mới. Một khi Putin, ông chủ Điện Kremlin coi sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa-chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20”, thì VN không bao giờ dám nhắc lại những năm tháng không thể nào quên ấy, dù nó rất sát sườn với lịch sử của mình. Điều ông Minh tôn vinh còn tiềm ẩn một nghịch lý nữa: Trong cục diện quốc tế sau chiến tranh Ukraine và COVID-19, nhất là khi ông Tập và ông Putin tuyên bố sẽ kiến tạo một “trật tự thế giới mới”, không loại trừ VN sẽ bị Nga và Trung Quốc ép phải đi theo quỹ đạo mà Hà Nội vẫn phụ thuộc từ xưa đến nay. Những lá phiếu của VN tại LHQ mùa hè vừa qua về cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, cũng như sự “tụt dốc” trong quan hệ Việt – Mỹ là những chỉ dấu cho thấy ĐDH-ĐPH có nguy cơ bị trật đường ray.
Thứ hai, PTTg phê phán cả Mỹ lẫn Trung Quốc trong chủ trương chạy đua vũ trang (CĐVT) và chính sách cường quyền (hàm ý đối với tất cả mọi nước lớn). Sự phê phán khách quan này phản ánh các mối quan ngại có thật của các quốc gia vừa và nhỏ. Ông Minh chỉ rõ, trong khi ngân sách CĐVT tăng trên 2.000 tỷ USD thì cả thế giới chưa huy động nổi 100 triệu USD để gây dựng Quỹ chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Không nêu đích danh bất cứ cường quốc nào (luật bất thành văn ở LHQ là như thế), nhưng PTTg kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có những thay đổi căn bản về tư duy, định hình lại cách tiếp cận đối với các vấn đề toàn cầu, trong đó cần đặt con người vào trung tâm của mọi nỗ lực phát triển. Những trải nghiệm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua cho thấy đoàn kết và hợp tác quốc tế chính là “chìa khóa” quan trọng cho quá trình này. Phó Thủ tướng đề xuất cần loại bỏ xu hướng đối đầu, tư duy “được – mất”, đồng thời thay vào đó cần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế một cách cởi mở, bao trùm, công bằng và cùng có lợi.
Thứ ba, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh cần thượng tôn luật pháp quốc tế và tôn trọng Hiến chương LHQ, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, ông Minh cũng kêu gọi cần xây dựng các thể chế đa phương vững mạnh và hiệu quả, với vai trò trung tâm của LHQ, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực, để ứng phó với các thách thức chung. Lời kêu gọi này của ông PTTg rõ ràng ngầm chỉ trích cuộc xâm lăng của Nga chống lại đất nước và người dân Ukraine. Lời kêu gọi này rõ ràng có một giá trị “đúp”. Nó vừa gián tiếp phê phán chính sách của Nga, nhưng đồng thời cũng cảnh báo Trung Quốc chớ động đến Việt Nam. Bởi vì, “độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia” là những giá trị trường tồn, nó mang lại tính chính danh cho mọi chế độ. ĐCSVN cũng không thể bỏ qua. Tuy nhiên, lời kêu gọi này của ông Minh phản ánh cả tính chất “hai mặt” giữa tuyên bố và ứng xử trên thực tế của chính quyền VN không phải lúc nào cũng nhất quán**.
Thứ tư, nhắc lại tuyên bố của Chủ tịch ĐHĐ/LHQ khóa 32 rằng “việc Việt Nam gia nhập LHQ là bước tiến quan trọng củng cố hòa bình và an ninh trên thế giới”, PTTg Phạm Bình Minh cho rằng nhận định đó vẫn còn nguyên giá trị. Đóng góp của Hà Nội vào công việc của LHQ thể hiện qua nỗ lực của VN trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, tăng cường tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ, thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng và xây dựng, cùng tìm kiếm giải pháp lâu dài cho những vấn đề quốc tế, vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia thành viên. Đặc biệt, VN đã/đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh và đoàn kết, có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác. Ông Minh đề cao nỗ lực của ASEAN nhằm tìm giải pháp toàn diện cho các vấn đề khu vực, trong đó có tình hình Myanmar. PTTg cũng nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, phù hợp với LPQT, Hiến chương LHQ và UNCLOS 1982.
*
Nếu quý vị chăm chú nghe YouTube của nhà báo Đỗ Dũng, PTTg Phạm Bình Minh còn đề cập đến nhiều vấn đề khác trong bài phát biểu có ý nghĩa lịch sử đối với cá nhân ông tại LHQ. Sở dĩ nói đối với cá nhân ông, bời vì rồi đây, không biết, ông Minh còn ngồi lại cái ghế “PTTg thường trực” bao lâu? Những ngày ông hoạt động trên đất Mỹ, Bộ Công an đã khẩn cấp bắt hai trợ lý trực tiếp dưới quyền ông. (Người thứ ba là một Thứ trưởng Ngoại giao thì đã “vào lò” cách đây mấy tháng)***. Không có nguồn tin xác tín về số phận của ông Minh tại Hội nghị Trung ương 6 sắp tới. Tất cả từ nay đến đó, thậm chí cả về sau đấy nữa, mọi hoạt động của ĐCSVN, vốn được cho là “do dân, vì dân… bla…bla” đã và đang diễn ra trong một “hộp đen”. Ông Minh là một trong 18 Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan có quyền lực cao nhất nước. Ấy vậy mà ông PTTg thường trực cũng không biết cái số phận “bèo dạt mây trôi” của mình rồi sẽ vào đâu trong “cơn can qua” hiện nay của ĐCSVN. Quyết định về ông có khi chỉ diễn ra trong một nhóm người, thậm chí tùy thuộc vào một người duy nhất là ông Tổng bí thư. Đảng và Nhà nước độc tài toàn trị là vậy. Dân nào thì thể chế ấy. Ông PTTg thường trực hãy ráng chịu!
—————————-
Chú thích:
* “Hai phe bốn mâu thuẫn” là gì? Trong thế kỷ 20, nhiều quốc gia gồm cả Việt Nam đã say sưa với học thuyết này. Theo đó, thế giới chia làm hai phe: chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc; còn động lực của chính trị quốc tế là bốn mâu thuẫn. Mâu thuẫn 1 giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc; Mâu thuẫn 2 giữa phong trào độc lập dân tộc và chủ nghĩa đế quốc; Mâu thuẫn 3 giữa chủ nghĩa tư bản và giai cấp công nhân ở các nước đế quốc; Mâu thuẫn 4 giữa các nước đế quốc với nhau. Pe-rơ-đam này thậm chí được nâng lên thành “phương pháp luận” của người cộng sản. Ngày nay “pe-rơ-đam” này đã hết thời, song “di căn” của nó vẫn nằm sâu trong não trạng của rất nhiều người, nhất là các vị lãnh đạo. Có thể tham khảo: https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/05/150508_new_bipolar_world_conflicts
** Theo thống kê, xu hướng bỏ phiếu của Việt Nam ở LHQ thường trùng khớp với các nước như Bắc Triều Tiên (82.7%), Libya (84%), Zimbabwe (83.6%). Tại sao đại diện cho một Nhà nước “của dân, do dân…” tuyên bố một đằng như khi bỏ phiếu thì lại theo mấy nước ấy? Mời tham khảo: https://www.voatiengviet.com/a/ngo%E1%BA%A1i-giao-ph%E1%BA%A3n-d%C3%A2n-l%C3%A0m-nh%E1%BB%A5c-c%E1%BA%A3-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-l%E1%BA%ABn-qu%E1%BB%91c-th%E1%BB%83/6523218.html
*** Các Trợ lý trực tiếp của Phạm Bình Minh bị bắt gồm: Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng (từ tháng 4/2022); Vụ trưởng VPCP Nguyễn Quang Linh (mới đây)…
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.