Biển Đông là cửa ngõ quan trọng nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và có quan hệ mật thiết với các nước ASEAN nên việc duy trì môi trường hòa bình ở các vùng biển này là rất quan trọng đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các quốc gia ở khu vực Biển đông đang phải đối mặt với thách thức xung đột từ các hành động nguy hiểm của Trung Quốc.
Năm 2013, Philippines đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi chính thức khởi kiện Trung Quốc ra trước một Toà trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Sau 3 năm nghị án, Toà trọng tài đã ra Phán quyết vào ngày 12/7/2016. Cho đến nay, năm năm đã trôi qua kể từ khi Phán quyết được ban hành. Tuy nhiên, tình hình biển Đông vẫn còn đầy biến động với các hành động hung hăng của Trung Quốc.
Trung Quốc đã bồi lấp và quân sự hoá các thực thể biển mà họ đã chiếm đóng. Họ cũng liên tiếp tập trận và đe doạ, ngăn cản các quốc gia khai thác tại vùng EEZ, mặc dù Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc – UNCLOS quy định Trung Quốc không có các quyền này.
Chỉ tính riêng năm 2021, đầu năm, Trung Quốc đã thông qua Luật Cảnh sát biển, trong đó cho phép Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc được phép nổ súng vào các tàu của các quốc gia khác nếu xâm phạm “vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”. Vấn đề là Trung Quốc lại không giải thích rõ ràng “vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc” là vùng nào? Có lẽ cả thế giới đều không lạ gì việc Trung Quốc yêu sách hơn 80% toàn bộ biển Đông với cái gọi là “đường chín đoạn”. Phải chăng Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng cảnh sát biển của họ để tấn công và đe doạ các tàu của các quốc gia khác trên toàn bộ vùng biển bên trong “đường chín đoạn” này? Cho dù Phán quyết đã khẳng định cái gọi là “yêu sách quyền lịch sử” bên trong đường chín đoạn là không có cơ sở pháp lý và vi phạm tới các quy định trong UNCLOS.
Hồi đầu tháng 3, Trung Quốc đã triển khai 220 tàu cá xung quanh khu vực Đá Ba Đầu, khiến Philippines phải lên tiếng tố cáo Trung Quốc trước công luận thế giới.
Mặc dù Trung Quốc không chấp nhận và tuân thủ Phán quyết nhưng không có nghĩa các quốc gia khác cũng làm như vậy. Các phán quyết của các Toà án và Trọng tài quốc tế nói chung luôn cần đến thái độ “thiện chí” của các quốc gia liên quan trong việc tôn trọng các quyết định này.
Đối với Philippines, nhờ sức mạnh của Phán quyết, Duterte đã có thể “thương lượng” được với Trung Quốc, trong khi năm 2012, mọi nỗ lực để “thương lượng” của chính quyền Aquino với Trung Quốc về vấn đề Scarborough đều không có kết quả.
Đối với cộng đồng quốc tế, năm 2020 là một năm đặc biệt với Phán quyết. Khởi đầu với Đệ trình thềm lục địa mở rộng của Malaysia tháng 12/2019, hàng loạt quốc gia đã trình các công hàm lên Liên Hợp Quốc về vấn đề biển Đông, trong đó, nhiều quốc gia đã trực tiếp hoặc gián tiếp viện dẫn Phán quyết.
Các quốc gia đã trực tiếp viện dẫn Phán quyết, bao gồm: Anh; Australia; Pháp; Đức; Indonesia; Nhật Bản; Philippines; Hoa Kỳ. Các quốc gia gián tiếp viện dẫn Phán quyết bao gồm: Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam.
Ngày 11/7/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định sự ủng hộ đối với lập trường của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cụ thể là tuyên bố ngày 13/7/2020, về việc ủng hộ Phán quyết Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông và phản đối các yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc nằm ngoài các khu vực được thừa nhận bởi quốc tế. Ông Blinken nhắc lại tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự trên biển dựa trên luật lệ, cáo buộc Trung Quốc “uy hiếp và đe doạ các quốc gia ven biển Đông Nam Á, đe doạ tự do hàng hải ở tuyến đường biển tối quan trọng này”. Ông cũng khẳng định rằng, một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ và máy bay của Philippines sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Phi. Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài theo UNCLOS, vì đây là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các bên.
Đối với các quốc gia liên quan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia không phải là các bên có nghĩa vụ ràng buộc trong Phán quyết, nhưng việc bác bỏ “quyền lịch sử” bên trong “đường lưỡi bò” thì các quốc gia này đều có lợi, bởi vì cái gọi là “đường lưỡi bò” này xâm phạm tới các vùng EEZ của họ.
Phán quyết đã tạo ra những giải thích cho một số vấn đề cho luật biển quốc tế. Ngoài việc giải thích rõ mối quan hệ giữa “quyền lịch sử” và UNCLOS, Phán quyết còn giúp làm rõ hơn các vấn đề bỏ ngỏ trước đây liên quan đến điều 121 UNCLOS. Những giải thích này sẽ đóng một vai trò quan trọng cho việc giải thích trong các trường hợp tương tự.
Vào ngày 12/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thể hiện quan điểm: “Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.”
Vào ngày 5/12/2014, Việt Nam đã gửi một Công hàm tới Toà trọng tài, theo đó, Việt Nam tuyên bố “Toà Trọng tài có thẩm quyền đối với tranh chấp này là không có gì phải bàn cãi”, và “ủng hộ thẩm quyền của Toà trọng tài trong việc giải thích các điều 60, 80, 194(5), 206, 293(1) và 300 của Công ước Luật biển”. Như vậy, mặc dù không nêu một cách trực tiếp, nhưng có thể coi là Việt Nam đã tán thành và công nhận thẩm quyền của Toà trọng tài trong tranh chấp này, và cũng có thể coi là Việt Nam ủng hộ Phán quyết.
Trước các hành động đe doạ của Trung Quốc, Việt Nam cũng đang cân nhắc khả năng sẽ nối tiếp Philippines để đưa Trung Quốc ra một Hội đồng trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS hoặc có thể Việt Nam sẽ xin ý kiến tư vấn từ ITLOS hoặc ICJ để trả lời cho một số vấn đề mà Trung Quốc thường đưa ra lập luận sai trái.
Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vấn đề Biển Đông đã gây chia rẽ giữa một số thành viên. Trước tình hình phức tạp do các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông, các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất và giữ vai trò trung tâm, những giá trị cơ bản đã, đang và sẽ tiếp tục đảm bảo thành công của ASEAN. Hiệp hội này đang nỗ lực xây dựng một cộng đồng thực sự hướng về con người thông qua việc thúc đẩy hội nhập ASEAN sâu rộng hơn, thực hiện hiệu quả các kế hoạch hợp tác nhằm mang lại lợi ích và tác động đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Do đó, nếu vấn đề Biển Đông không được giải quyết, nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tổ chức này trong tương lai.
ASEAN và Trung Quốc phải ngay lập tức đạt được một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc, thực chất, toàn diện và có ý nghĩa, trở thành công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.