Phản ứng sau khi có biện pháp đối với ông Hội đồng đánh nhân viên sân golf

Ông Nguyễn Viết Dũng, một đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Nam, chỉ bị phạt hành chính 6,5 triệu đồng sau vụ dùng gậy chơi golf đánh một một nữ nhân viên đến bất tỉnh. Cơ quan Công an cho rằng vụ hành hung chưa đến mức khởi tố.

Không đủ tư cách làm đại biểu HĐND

Báo chí Nhà nước dẫn nguồn Công an quận Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng), hôm 9/1, cho biết không khởi tố vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Viết Dũng vì “hành vi không cấu thành tội phạm”.  Đồng thời, ông Dũng bị phạt hành chính theo Nghị định 144/2021 về vi phạm hành chính trong lĩnh lực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cũng xác nhận với truyền thông rằng khi vụ việc vừa xảy ra, ông Nguyễn Viết Dũng – Chủ tịch Hội đổng quản trị Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng, từng có nguyện vọng xin thôi đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được đơn chính thức từ ông Dũng. Do đó, Thường trực HĐND tỉnh này chưa xem xét cho ông Dũng thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND.

Thông tin này, khi được công bố đã tạo ra nhiều bình luận trái chiều. Luật sư Minh Long, hiện đang ở Hà Nội, nêu quan điểm với RFA rằng xét trên phương diện luật pháp, việc không khởi tố ông Dũng là không sai.

Luật sư này lý giải, căn cứ theo điều 134, BLHS sửa đổi năm 2017, về tội “Cố tình gây thương tích”, thì thương tích của nạn nhân được xác định chưa đến 11%. Hơn nữa, chính nữ nhân viên cũng có đơn yêu cầu không khởi tố vụ án hình sự và đơn bãi nại toàn bộ sự việc về hình sự và dân sự.

Tuy nhiên, ông này chỉ bị phạt 6,5 triệu đồng và vẫn giữ nguyên chức vụ là điều không hợp lý.

“Theo chuẩn mực, hành vi đạo đức thì không của một cán bộ thì không thể chấp nhận được. Ông ấy cũng là một đại biểu HĐND và do dân bầu ra, được nhân dân tín nhiệm, nhưng ông ấy lại không thể hiện mình là một con người có đạo đức, có sự tôn trọng dành cho người dân.

Tôi cho rằng việc bãi nhiệm tư cách Đại biểu Hội đồng nhân dân của ông ấy cần phải được tiến hành và ông ấy không có đủ tư cách để làm đại biểu của nhân dân, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của người dân nữa.”

Tại Điều 7, Luật Tổ chức chính quyền địa phương ghi rõ các Tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, trong đó yêu cầu người đại biểu phải “Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, hách dịch, cửa quyền…; Đồng thời phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân, và được nhân dân tín nhiệm.”

Điều 102, bộ luật này quy định nếu đại biểu HĐND không đáp ứng được những tiêu chuẩn trên, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì sẽ bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm.

Tình trạng cán bộ đánh dân vẫn tiếp diễn

Một số người mà Đài Á Châu Tự do phỏng vấn nêu rằng việc quan chức đánh dân không bị xử lý nghiêm khắc khiến tình trạng này trở nên phổ biến.

Cô Đào, một giảng viên hiện đang ở TPHCM cho biết cô rất phẫn nộ khi đọc được thông tin này từ báo chí:

“Rõ ràng là ông ta (Nguyễn Viết Dũng – PV) đã vi phạm pháp luật bởi vì đã xâm hại và thân thể của người khác. Người dân thường nếu như vậy còn bị xử lý, huống hồ gì đây là một quan chức, lại còn là một đại biểu HĐND.

Nó cũng phản ánh khá là trung thực về thực trạng hiện nay. Dân đen thì thường sẽ bị trừng phạt nặng nề còn quan chức thì luôn được bao che, thậm chí là dung túng. Nó tạo ra sự bất công và bất bình trong dân chúng.

Ông Phan Văn Bách, một người dân Hà Nội cho rằng thực ra có rất nhiều vụ việc tương tự như thế, nhưng không được truyền thông đưa tin mà thôi:

“Điều đó nói lên là những người dân không có quyền lực, khi đối diện với một vụ việc mà đối phương là quan chức, là người có quyền lực trong hệ thống công quyền thì thường họ sẽ bị thua thiệt.

Trong phần lớn các vụ việc thì cán bộ sẽ được bảo vệ, che chắn, được xử lý không đúng lỗi hay tội mà họ đã gây ra.”

-9787-1664365206.jpeg
Bốn cảnh sát giao thông đánh tới tấp hai nam sinh hồi tháng 9/2022. Ảnh cắt từ clip

Luật sư Minh Long cho rằng, nếu đổi lại, người bị hành hung trong vụ việc nêu trên không phải là dân mà là cán bộ thì chắc chắn người đó đã bị bắt và xử lý hình sự rồi.

Bởi vì, tinh thần, chủ trương của cán bộ nhà nước là “nếu cán bộ sai, sẽ xin lỗi dân; Còn nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, như lời phát biểu của ông Mai Tiến Dũng hồi năm 2017, khi còn là Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ. 

“Câu này đáng nói là không nên phát ngôn từ một viên chức Chính phủ. Nó cho thấy rằng quan chức cộng sản không coi pháp luật ra gì cả. Khi quan sai chỉ cần xin lỗi, rút kinh nghiệm, còn nếu người dân sai thì sẽ không bao giờ có chuyện có cơ hội rút kinh nghiệm, người ta sẽ bị bỏ tù.”

Trong năm nay, đã có nhiều vụ việc cán bộ, công chức, công an hành hung, tấn công người dân. Cụ thể ngày 3/5, ông Đặng Đình Đoàn, Phó Trưởng công an phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng mặc thường phục, xông vào nhà dân, tát liên tục vào mặt một người phụ nữ. Ông Đoàn bị cách chức sau khi một video clip ghi lại sự việc lan truyền trên mạng xã hội.

Ở Bình Dương, hôm 11/4, chị H. đi xe ô tô vào một con hẻm thì bị một nhóm người chặn xe vì cho rằng chiếc xe này chắn lối đi. Sau đó, nhóm người này tấn công chị H., trong số này có Đại úy Trần Xuân Phương,  Đội phó Đội Tàng thư căn cước công dân thuộc Công an tỉnh Bình Dương. Ông Phương sau đó bị giáng chức và điều chuyển công tác.

Gây phẫn nộ cộng đồng nhất trong năm qua là vụ bốn cảnh sát giao thông tỉnh Sóc Trăng dùng dùi cui đánh tới tấp vào hai nam sinh vì cho rằng hai em này vi phạm luật giao thông rồi bỏ chạy. Khi vụ việc bị báo chí đưa tin, ba trong bốn cảnh sát bị tước danh hiệu Công an nhân dân, mà không có ai bị xử lý hình sự.

Trở lại vụ việc ông Nguyễn Viết Dũng đánh nữ nhân viên sân golf, vào tối ngày 10/1, UBND Quận Ngũ Hành Sơn thông báo Công an đã có báo cáo cho UBND về vụ việc này. Vụ hành hung xảy ra sau khi có tranh cãi giữa nhân viên Sân golf tính điểm số gậy đã đánh vào lỗ cho ông Dũng và một nhân viên khác nên mới dẫn đến vụ hành hung.

Related posts