Giang Nguyễn: Tại Việt Nam hiếm có người Việt hoặc người Châu Á thuộc phái nữ làm việc trong lĩnh vực phát triển quốc tế, và đặc biệt trong lĩnh vực chấm dứt nạn buôn người, trong khi các nạn nhân của buôn người có thể nói đa số là phụ nữ và trẻ em, đúng không ạ? Cô có thể cho biết vì sao cô đã đi vào công việc có ít người chọn lựa này?
Mimi Vũ: Đúng vậy, phần lớn nạn nhân buôn người ở Việt Nam là phụ nữ và trẻ em gái, họ chiếm từ 70 đến 80% số nạn nhân. Nhưng cần phải phân tích sâu hơn để hiểu hết các khía cạnh về giới tính. Đối với nạn buôn người sang các nước Châu Á, phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Nhưng nếu chúng ta xem xét tình trạng buôn người sang Châu Âu và Anh, thì hầu hết nạn nhân là nam giới và các em trai.
Tôi đã chọn đi vào công việc chống buôn người vì một số lý do. Đầu tiên, sự nghiệp của tôi là trong lĩnh vực phát triển quốc tế. Tôi có bằng thạc sĩ về lĩnh vực này và tôi đã chọn sống và làm việc ở một quốc gia đang phát triển, là Việt Nam, bởi vì cảm thấy thích thú với công việc này. Tôi thích phân tích các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng phát triển và thành công của con người và quốc gia, chẳng hạn như bất bình đẳng giới, y tế, kinh tế, giáo dục, môi trường, lịch sử và văn hóa. Từ đó tôi cố gắng phát triển các chương trình và giải pháp để giải quyết những thách thức này.
Thứ hai, mục tiêu việc làm của tôi tại Việt Nam luôn là giúp đảm bảo rằng Việt Nam phát triển một cách tốt nhất có thể và mọi người có cơ hội thành công. Nạn buôn người là một trong những vấn đề ngăn cản lớn nhất đối với sự phát triển tích cực của Việt Nam. Tôi cũng rất tự hào là người Việt Nam. Cha mẹ tôi là những người tị nạn. Tôi vô cùng đau đớn khi thấy người Việt, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bị mua bán ở nước ngoài như là một sản phẩm ở chợ.
Giang Nguyễn: Trong một bài bình luận gần đây do hãng thông tấn Reuters đăng tải, cô nói nạn buôn người tồn tại vì xã hội của chúng ta vẫn xem thường giá trị của người phụ nữ. Cô có thể cho biết thêm về quan điểm này? Bình đẳng giới đóng vai trò gì trong tệ nạn buôn người?
Mimi Nguyễn: Bất bình đẳng giới tồn tại trên khắp thế giới, bao gồm cả Châu Âu và Hoa Kỳ. Tại Mỹ phụ nữ chỉ kiếm được 77 xu so với mỗi một đô la mà một người đàn ông kiếm được. Tuy nhiên gốc rễ của bất bình đẳng giới ở phương Tây khác với ở phương Đông.
Các nước Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore có truyền thống mạnh mẽ bắt nguồn từ Nho giáo. Nó đã mang lại nhiều giá trị tuyệt với cho xã hội chúng ta như tôn trọng người lớn tuổi, quan hệ gia đình bền chặt, tính nhân văn và tình yêu thương trường tồn cho đến ngày nay. Tuy nhiên, một trong những khía cạnh tiêu cực của Nho giáo là khái niệm về chế độ gia trưởng, coi trọng con trai hơn con gái. Việc đánh giá thấp phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội đã dẫn đến sự chênh lệch nghiêm trọng về giới tính khi sinh, và trong vài thập kỷ, điều này tạo ra sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa nữ và nam giới trong độ tuổi kết hôn.
Vì vậy, đối với một quốc gia như Trung Quốc với gần 40 năm của chính sách một con và coi trọng con trai hơn con gái đã dẫn đến sự thiếu hụt phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Đó là lý do tại sao thị trường buôn bán cô dâu lại mở ra. Thực tế, phụ nữ có giá trị như một sản phẩm trên thị trường hơn vì họ không có giá trị của một thành viên bình đẳng trong xã hội.
Giang Nguyễn: Hậu quả về lâu về dài sẽ ra sao cho phái nữ Việt Nam?
Mimi Nguyễn: Bất bình đẳng giới và đánh giá thấp phụ nữ trong xã hội gây ra những hậu quả lâu dài nghiêm trọng đối với Việt Nam. Theo thống kê của Chính phủ và UNFPA (Quỹ dân số của Liên Hiệp Quốc), hơn 40.000 thai nhi nữ bị phá mỗi năm do nguyên nhân trực tiếp của việc thích con trai hơn con gái, khiến mức độ chênh lệch về giới tính lúc trẻ được sinh ra của Việt Nam là một trong những nước cao nhất thế giới.
Chúng ta có thể xem xét những trường hợp điển hình tại Châu Á, theo thời gian, việc mất đi phụ nữ trong độ tuổi kết hôn trong tương lai do sự lựa chọn giới tính khi sinh và buôn người sẽ tạo ra nhu cầu cho cô dâu nước ngoài tại Việt Nam, vì chúng ta cũng có nhu cầu văn hóa và xã hội về kết hôn và nối dõi tông đường. Đây cũng là một khái niệm của Nho giáo. May mắn thay, chính phủ Việt Nam đã soạn thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới nhằm giải quyết những vấn đề này, hy vọng có sự hợp tác của xã hội dân sự và người dân trong nỗ lực này.
Giang Nguyễn: Gần đây tổ chức Rồng Xanh có phân tích về các trường hợp buôn người tại Việt Nam mà tổ chức này đã tham gia giải cứu hoặc khởi tố. Trong phạm vi nho nhỏ vài trăm trường hợp này, chúng ta thấy đại đa số nạn nhân (hơn 70%) bị bán qua Trung Quốc làm dâu người Hoa. Báo cáo của Rồng Xanh cũng phân tích rằng hơn 60% trường hợp kẻ buôn người và nạn nhân xuất thân từ cộng đồng dân tộc thiểu số. Những con số này có phản ánh những gì cô thấy trong lúc tiếp cận với nạn nhân?
Mimi Vũ: Các con số phản ánh kinh nghiệm của tôi khi làm việc ở các vùng biên giới của Việt Nam và Trung Quốc để ngăn chặn nạn buôn người và hỗ trợ các nạn nhân. Những khu vực này có cộng đồng dân tộc thiểu số lớn như Hmông, Dao đỏ, Tày, sống trải dọc biên giới hai bên. Ngoài vị trí địa lý của các cộng đồng này, bất bình đẳng giới cũng tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số này, vốn đã chịu nhiều thiệt thòi hơn so với dân tộc Kinh về trình độ học vấn, vị thế kinh tế và khả năng tiếp cận các cơ hội.
Vì vậy việc phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc dễ bị tổn thương bởi nạn buôn người để đáp ứng nhu cầu về phụ nữ trong độ tuổi kết hôn của Trung Quốc. Các con số cũng khẳng định quan điểm của tôi rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ bị buôn người.
Theo ông Mike Dottridge, cựu chủ tịch của Tổ chức chống nô lệ quốc tế và là người được ủy thác Quỹ chống nô lệ của Liên Hiệp Quốc, có năm yếu tố chính ảnh hưởng đến nguy cơ bị buôn bán của một người: Trình độ học vấn, vị thế kinh tế, giới tính, bản tính (ngoài giới tính, ví dụ như dân tộc thiểu số, công nhân v.v.) và kiểm soát biên giới. Những phụ nữ và trẻ em gái ở các khu vực miền Bắc giáp biên giới Trung Quốc rất dễ bị mua bán vì họ là nữ (đây là yếu tố giới tính), họ là dân tộc thiểu số (một yếu tố bản tính có nguy cơ cao), họ ít được tiếp cận với giáo dục và các cơ hội kinh tế, và về mặt địa lý, họ sống ở ngay trung tâm nơi việc buôn người xảy ra, đó là biên giới Việt-Trung, một khu vực rất hiểm trở và khó tuần tra.
Giang Nguyễn: Ngoài nạn buôn người qua những nước láng giềng như Trung Quốc mà chúng ta vừa đề cập, cô cũng có nhắc đến nạn buôn người qua Châu Âu. Lúc nãy cô có nói là nạn nhân buôn người qua Trung Quốc tập trung vào phái nữ, còn nạn buôn người sang Châu Âu thì tập trung vào phái nam? Ngoài ra hai loại buôn người này có những điểm khác biệt gì nữa không, và cần có những giải pháp khác nhau như thế nào?
Mimi Vũ: Việc buôn người Việt Nam sang các nước Châu Á khác hoàn toàn so với việc buôn người sang Châu Âu và Anh. Trên toàn cầu cũng như trong khu vực Châu Á, phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị buôn sang các nước như Trung Quốc, Malaysia và Campuchia để bóc lột tình dục. Các nạn nhân thường đến từ khắp đất nước nhưng tập trung ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc và Đồng bằng sông Mekong.
Các yếu tố thúc đẩy như lợi ích kinh tế, kết hôn, vì cơ hội “đổi đời”, hoặc đơn thuần vì họ có mặt không đúng nơi đúng lúc (rồi bị lợi dụng). Trong khi các yếu tố ‘hấp dẫn’ bao gồm nhu cầu về cô dâu và người bán dâm. Về nạn buôn người sang châu Âu và đặc biệt là Anh, phần lớn nạn nhân đến từ một số tỉnh Bắc Trung Bộ và miền Bắc Việt Nam như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng. Đây là những tỉnh đã đưa công dân ra nước ngoài làm việc để gửi tiền về nước từ những năm 1980. Phần lớn các nạn nhân này là nam giới và trẻ em trai ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội, việc làm để hỗ trợ gia đình. Họ được coi là những người có năng lực nhất trong gia đình. Điều này một lần nữa xuất phát từ Nho giáo. Các yếu tố ‘hấp dẫn’ bao gồm nhu cầu nhân lực cho lao động cưỡng bức trong các hoạt động phi pháp như làm việc trong công xưởng hay tại các nhà trồng cần sa. Tất cả lĩnh vực này do các nhóm tội phạm có tổ chức gốc Việt ở Châu Âu cầm đầu.
Các giải pháp phải đáp ứng từng tình huống để giải quyết các yếu tố ảnh hưởng mà tôi đã đề cập trước đây — hầu hết trong số đó thực sự là các vấn đề phát triển. Như vậy mới giảm được nguy cơ bị mua bán đồng thời cải thiện cơ hội cho những người dễ bị tổn thương có cuộc sống tốt hơn ở Việt Nam. Đó là cách duy nhất để thực sự ngăn chặn nạn buôn người.
Về phía cầu, cơ quan thực thi pháp luật ở các nước là điểm đến ở Châu Âu và Vương quốc Anh phải có lập trường mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết các mạng lưới tội phạm có tổ chức hiện đang kiểm soát đường dây buôn người và buôn lậu, vì động lực duy nhất của họ là kiếm được lợi nhuận cao nhất, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc bóc lột đồng hương của họ.
Giang Nguyễn: Cảm ơn cô Mimi Vũ rất nhiều.