Phong trào XHDS Việt Nam từ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc mùa hè năm 2011

Mùa hè năm 2011, Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02, ngoài ra còn tăng cường gây hấn trên Biển Đông bằng việc cho tàu hải giám đâm chìm nhiều tàu ngư dân Việt Nam. Những hành động này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra vào ngày 5/6/2011, với sự tham gia của hàng ngàn người dân ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn.

Biểu tình tiếp diễn vào những ngày Chủ Nhật của các tuần lễ sau đó. Đến khi Chính quyền mạnh tay bắt bớ, đánh đập và câu lưu những người tham gia, các cuộc tuần hành mới kết thúc. Biểu tình ở Sài Gòn diễn ra được hơn một tháng, còn ở Thủ đô Hà Nội thì kéo dài đến 11 ngày Chủ Nhật, với quy mô và hình thức khác nhau.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng chia sẻ với RFA những cảm xúc, kỷ niệm 10 năm trước, khi ông lần đầu tiên xuống đường biểu tình ở Hà Nội:

“Năm 2011 là một dấu ấn rất là lớn trong cuộc đời của tôi. Bởi vì đó là lần đầu tiên mà tôi tham gia một sự kiện biểu tình chống Trung Quốc. Phải nói đây là một cuộc biểu tình rất lớn ở hai đầu đất nước diễn ra trong nhiều ngày, đặc biệt ở Hà Nội nơi tôi sinh sống thì đã diễn ra 11 cuộc biểu tình.

Việc tham gia biểu tình xuất phát từ một số lời kêu gọi trên các trang mạng xã hội. Tôi cũng trong tâm thế là người xuống đường để quan sát và chụp ảnh thôi, nhưng mà càng về sau thì tôi lại càng thấy cuốn hút bởi hoạt động này. Bởi vì mình cũng rất là bỡ ngỡ khi được tham gia vào việc xuống đường để bày tỏ chính kiến, điều đó rất là vui. Trong 11 cuộc biểu tình năm 2011 thì tôi cũng tham gia được khoảng năm, sáu cuộc gì đó.”

Từ Sài Gòn, một nhà hoạt động tên T. kể lại rằng năm đó ông xuống đường vì phẩn nộ trước hành động Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển Việt Nam mà báo chí Nhà nước liên tục đưa tin:

Hồi đó trên các trang báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên có đăng tin là máu mình đã sục sôi rồi, nhưng cũng còn sợ sệt lắm. Đại khái tôi có cảm giác là Bộ Văn hóa, Thông tin họ “bật đèn xanh” cho toàn dân được biết. Nhưng mà khi người dân bắt đầu xuống đường đông quá thì họ lại sợ.

Không khí khi đó rất vui, đi dọc đường người dân cho nước suối, cũng tiếp tế. Mặc dù họ không đi theo nhưng họ cũng hô hào bên lề đường. Lúc đó thì tôi thấy không có sự can thiệp trực tiếp nào từ phía an ninh, bắt bớ tại chỗ. Nhưng đó chỉ là tuần đầu tiên thôi. Về sau có phong trào là cứ Chủ Nhật hàng tuần là sẽ xuống đường, thì qua tuần thứ hai là bắt đầu có sự đàn áp, và qua tuần thứ ba là họ bắt đầu mạnh tay bắt bớ một số người mà họ cho là phản động.”

Hình minh hoạ. Cảnh sát cơ động đứng trước hàng người biểu tình phản đối Trung Quốc trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 12/6/2011. Reuters

Mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các tổ chức xã hội dân sự độc lập

Khi chuỗi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã kết thúc, nhiều người tham gia cũng đã kịp kết nối với nhau. Vào những năm 2013 – 2014, liên tiếp các tổ chức xã hội dân sự độc lập ra đời, hoạt động trên nhiều lĩnh vực và thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội Việt Nam. Điển hình như Câu lạc bộ No-U, Hội Nhà báo độc lập, Hội Cựu tù nhân lương tâm, Mạng lưới blogger Việt Nam, Hội Anh em dân chủ…

Ngoài ra, trong quãng thời gian 10 năm, đã có rất nhiều lần người dân dám công khai lên tiếng hay xuống đường phản đối Trung Quốc, cũng như các chính sách phi lý của Chính quyền Việt Nam. Các sự kiện nổi bậc bao gồm: Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam hồi năm 2014, biểu tình Cây xanh tại Hà Nội năm 2015, biểu tình phản đối Formosa gây thảm hoạ môi trường biển năm 2016, biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu năm 2018…

Ông T. cho biết chính những lần xuống đường đó đã thay đổi cả công việc và cuộc sống của bản thân. Ông đã dần bước qua được nỗi sợ để tham gia vào các hoạt động xã hội dân sự, thúc đẩy các quyền tự do, dân chủ ở Việt Nam:

Nó như là một cột mốc làm thay đổi mình nhiều. Từ đó mình cảm thấy rằng chuyện biểu tình cũng bình thường thôi, và dần dần cũng làm cho mình bớt sợ đi. Sau này mình không còn sợ khi làm những việc được cho là nhạy cảm nữa.”

Ông Nguyễn Lân Thắng đánh giá phong trào xuống đường năm 2011 là một cái bản lề rất là quan trọng. Nó không chỉ thay đổi từng cá nhân, mà nó còn góp phần chuyển hướng sự phản kháng trong xã hội Việt Nam từ những “cơn sóng ngầm” thành những tiếng nói công khai, đồng loạt trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội:

Từ năm 2011 là một sự phát triển tột bậc, bởi vì có mạng xã hội, có blog, cho nên sự kết nối của những người bất đồng chính kiến tăng cả về chất lẫn về lượng. Số người bắt đầu cảm nhận và hiểu được hiện tình đất nước tăng lên một cách nhanh chóng. Từ đó là mầm mống để tạo ra vô vàn các hội nhóm dân sự bắt đầu từ “mùa hè đỏ lửa” đó và mãi về sau này.”

000_QH7LH.jpg
Đội bóng NO U (phản đối đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông đòi chủ quyền phần lớn vùng nước này). Hình chụp trong một trận giao lưu bóng đá ở Hà Nội hôm 9/7/2017 ở Hà Nội.

Ông Phi, một người đang trợ giúp về vấn đề an ninh mạng cho các tổ chức xã hội dân sự nhận định một cách thận trọng rằng sự ra đời của hàng loạt các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong mười năm qua phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, sự thật là từ sau năm 2011 thì không gian hoạt động dân sự của Việt Nam được nới rộng ra nhiều:

Nếu nói đó là một dấu mốc cho sự phát triển của xã hội dân sự thì cũng không sai. Thật ra, nói về phong trào xã hội dân sự thì còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa. Đó giống như một điểm chuyển đổi, một dấu mốc để xác nhận lại sự phát triển của xã hội dân sự.”

Bị đàn áp và thoái trào

Những người mà RFA phỏng vấn đánh giá rằng hiện nay, nhiều hội nhóm đã không còn hoạt động hoặc hoạt động không công khai, mạnh mẽ như quãng thời gian gần mười năm trước nữa. Có nhiều nguyên do, từ chủ quan cho đến khách quan, nhưng lớn nhất vẫn là do nhà cầm quyền gia tăng đàn áp, bắt bỏ tù lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự mà Chính quyền đánh giá là đe doạ sự nắm quyền của họ:

Từ lúc đó đến bây giờ, tôi cũng có quen biết và kết nối với nhiều người. Nhưng mà cho đến bây giờ thì không còn được mấy người. Có người không hoạt động nữa, có người đã đi tị nạn, nhưng cũng có người bị bỏ tù.” – ông Phi nói

Theo ông T, hiện nay có vẻ như là tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam đang bị siết chặt hơn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể so với cách đây 10 năm thì nhận thức của người dân về dân chủ và quyền công dân đã cao hơn nhiều:

“Bối cảnh bây giờ tôi cảm thấy như là một sự thoái trào của phong trào xã hội dân tự thiên về đối lập ở Việt Nam. Cũng bình thường thôi! Sóng có lúc lên thì cũng có lúc nó hạ xuống, nhưng chắc chắn không phải là nó mất hẳn, Sóng sau thì xô sóng trước thôi.”

Ông T. hy vọng rằng 10 năm trước, thế hệ của ông đã xuống đường và hoạt động xã hội với một tinh thần máu lửa, thì bây giờ, thế hệ tiếp theo hãy hoạt động có tổ chức, có chiến lược để ít gặp rủi ro mà có hiệu quả hơn để Việt Nam trở thành một đất nước có tự do, dân chủ trong tương lai.

Related posts