Tổng thống Joe Biden sẽ rời Toà Bạch Ốc vào ngày 20/1/2025, kết thúc nhiệm kỳ bốn năm trên cương vị người lãnh đạo tối cao của Hoa Kỳ. Nhân dịp này, RFA nhìn lại mối quan hệ song phương Việt-Mỹ trong thời gian ông cầm quyền. Sau đây là mười điểm nổi bật trong quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù.
Nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện
Mười một năm sau khi nâng cấp quan hệ lên “Đối tác toàn diện,” ngày 10/09/2023, trong chuyến viếng thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết văn kiện quan trọng đưa quan hệ song phương vượt cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện.”
Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, trong đó Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.
Trong khuôn khổ quan hệ mới này, Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ song phương, bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, khí hậu-năng lượng-môi trường-y tế và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Phóng thích nhiều tù nhân chính trị
Dưới sự can thiệp của Washington, Việt Nam đã phóng thích nhiều người bị giam cầm vì lý do chính trị và tôn giáo.
Tù nhân lương tâm Hồ Đức Hoà đã được trả tự do và đưa sang Mỹ vào giữa tháng 5/2022 từ nhà tù. Năm 2013, ông Hoà bị kết án 13 năm tù về tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”
Cùng dịp này, bà Trần Thị Thúy, người mãn án tám năm tù giam về cùng tội danh năm 2018, cũng được sang định cư theo diện tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ.
Khi Phó Tổng thống Kamala Harris đến thăm Hà Nội vào tháng 8/2021, chính quyền Việt Nam cũng đã phóng thích hai tù nhân chính trị người Mỹ gốc Việt, bà Angel Phan và ông James Hân Nguyễn. Hai người gốc Việt này bị tuyên phạt mỗi người 14 năm tù vào tháng 8/2018 vì bị cho là thành viên của tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, một tổ chức mà Bộ Công an Việt Nam liệt vào danh sách khủng bố.
Ngay trước khi Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm sang Hoa Kỳ cuối tháng 9/2024, Việt Nam cũng phóng thích hai tù nhân lương tâm là Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng.
Ông Thức bị kết án 16 năm tù về tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” và đã bị cầm tù hơn 15 năm trong khi bà Hồng được tự do sớm hơn 20 tháng so với bản án ba năm tù về tội danh “trốn thuế.”
Cuối tháng trước, bà Hồng đã được sang Hoa Kỳ định cư theo diện tị nạn.
Giữa năm ngoái, ba luật sư của Tịnh Thất Bồng Lai (Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ), các ông Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân, được Hoa Kỳ cho phép định cư theo diện tị nạn. Đầu tháng 12/2024, luật sư thứ tư Trịnh Vĩnh Phúc cũng đến Mỹ theo diện trên.
Trước đó, cuối tháng 10/2023, luật sư Võ An Đôn cùng gia đình cũng đến Hoa Kỳ theo diện này sau khi ông bị tước bằng luật sư vì tham gia bào chữa các vụ có liên quan tới bị công an Việt Nam tra tấn.
Trong các cuộc đối thoại nhân quyền song phương thường niên, Hoa Kỳ thường kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhiều người hoạt động khác, trong đó có Phạm Đoan Trang, người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh “Phụ nữ can đảm quốc tế” năm 2022.
Trao đổi các đoàn cấp cao
Bên cạnh hai chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Hà Nội vào tháng 9/2023 và của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm đến Washington một năm sau đó, hai bên còn trao đổi nhiều đoàn cấp cao khác, như chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Hà Nội vào tháng 8/2021 và của Ngoại trưởng Anthony Blinken vào tháng 9/2024.
Theo chiều ngược lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 5/2022 và tháng 9/2023.
Việt Nam trong top 5 về số du học sinh ở Mỹ
Theo Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), trong bốn năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong nhóm năm quốc gia có số lượng du học sinh nhiều nhất ở Hoa Kỳ, sau các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Canada.
Năm học 2023-2024, Việt Nam có 22.066 sinh viên tại đây, so với 21.900 du học sinh một năm trước đó. Gần một nửa sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ theo học các ngành trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM).
Năm 2022, du học sinh Việt đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 816 triệu đô la , tăng so với 721 triệu của năm học trước.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam thì Hoa Kỳ là đối tác lớn thứ hai và nhưng là thị trường nhập khẩu nhiều hàng hoá Việt Nam nhất, và cũng là thị trường mang lại xuất siêu lớn nhất cho quốc gia ở Đông Nam Á này.
Cơ quan thống kê Hoa Kỳ (US Census Bureau) ngày 7/1/2025 công bố Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ lượng hàng hóa trị giá hơn 124,8 tỷ đô la trong khi chỉ nhập khẩu lượng hàng trị giá gần 10,9 tỷ từ Mỹ tính đến hết tháng 11/2024.
Mức thâm hụt thương mại vượt hơn 113 tỷ là mức cao nhất trong 11 tháng của một năm so với bất kỳ năm nào trước đây kể từ khi Việt Nam và Mỹ bắt đầu giao thương vào năm 1992, trừ năm 2022 mà Việt Nam có 116 tỷ thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.
Theo Bộ Công thương Việt Nam, thương mại hai chiều có thể đạt 135 tỷ đô la Mỹ năm 2024 so với gần 111 tỷ năm 2023 và 124 tỷ năm 2022.
Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ có kim ngạch tăng trưởng tốt (trên 20%) là đồ gỗ nội thất; máy móc, thiết bị quang học, đo lường y tế; các loại máy văn phòng, máy in; dụng cụ thiết bị cầm tay, khí nén thủy lực; giày dép; cao su và sản phẩm cao su; nhựa và sản phẩm nhựa; sắt và thép.
Trong khi đó, Việt Nam tăng nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng máy móc, thiết bị điện tử; thức ăn gia súc, phế phẩm thực phẩm; nhựa và sản phẩm nhựa; quả và quả hạch ăn được; thịt.
Hoa Kỳ cũng là quốc gia có nhiều cuộc điều tra nhất với hàng Việt Nam về trợ giá. Đến nay, Mỹ đã điều tra gần 70 vụ liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam, phổ biến nhất là thép, gỗ, sợi, tôm, cá tra và mật ong.
Nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam và CPC
Việt Nam hiện trên bờ vực vào Danh sách các Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC) của Mỹ, và đối diện với khả năng bị Washington hạn chế thương mại hoặc viện trợ nước ngoài.
Cuối tháng 12, Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) đã chính thức khuyến nghị Bộ Ngoại giao chỉ định Việt Nam vào danh sách CPC, sau hai năm liên tiếp bị đưa vào Danh sách Quan tâm Đặc biệt (Special Watch List- SWL) nhưng không cải thiện việc đàn áp tự do tôn giáo.
Từ năm 2002, USCIRF đã đề nghị đưa Việt Nam vào CPC. Vào năm 2004, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách này nhưng vào năm 2006, Hoa Kỳ đã rút quốc gia này khỏi danh sách. Mặc dù vậy, USCIRF các năm sau đó liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ đưa Việt Nam vào SWL năm 2023 và 2024.
USCIRF đầu tháng 5/2024 công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo 2023 cho biết, Việt Nam hiện vẫn có 80 nạn nhân tôn giáo theo danh sách nạn nhân tín ngưỡng Frank R.Wolf (FoRB) do USCIRF lập nên để theo dõi các quốc gia nên được đưa vào danh sách CPC. Theo đó, Việt Nam cầm tù 71 người, tạm giữ tám người và giam giữ tại gia một người vì vấn đề tôn giáo.
Nhiều quốc gia và tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên lên án Việt Nam vì các vi phạm nhân quyền trầm trọng của mình. Mỗi năm Hà Nội bị cáo buộc bỏ tù hàng chục người vì thực thi ôn hoà các quyền con người căn bản mặc dù chính quyền luôn bác bỏ các cáo buộc này. Hoa Kỳ, tuy cũng chỉ trích Việt Nam nhưng vẫn thắt chặt quan hệ song phương và cung cấp nhiều trợ giúp cho Hà Nội.
Theo tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, Hoa Kỳ thường lờ đi các vi phạm nhân quyền của Việt Nam vì Washington muốn ve vãn Hà Nội trong chiến lược đối phó với Trung Quốc.
Tàu sân bay của Hoa Kỳ ghé thăm Đà Nẵng
Hoa Kỳ đã không ít lần đưa các tàu sân bay vào Việt Nam trong bối cảnh Biển Đông có nhiều tranh chấp giữa các nước trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Giữa năm 2023, tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) của Hải quân Hoa Kỳ, tàu chủ chốt của Nhóm tác chiến tàu sân bay 5 (CSG 5), đã đến Đà Nẵng trong dịp hai quốc gia kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện.
Tàu sân bay này trực thuộc Hạm đội 7 Hoa Kỳ, có nhiệm vụ hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong chuyến thăm kéo dài hai này, thuỷ thủ đoàn có các hoạt động trao đổi văn hóa và chuyên môn, các dự án phục vụ cộng đồng, thi đấu thể thao và tiệc chiêu đãi với phía chủ nhà, bên cạnh việc biểu diễn âm nhạc miễn phí cho thanh thiếu niên.
Trước đó, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) cũng đến thăm Đà Nẵng vào năm 2020 và tàu sân bay USS Carl Vinson thăm thành phố này năm 2018.
Việt Nam mua máy bay vận tải quân sự C130J
Trong dịp Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2024 tổ chức ở Hà Nội giữa tháng 12 năm ngoái, Tổng Tham mưu trưởng Đại tướng Hoàng Xuân Chiến tiết lộ Việt Nam đã đồng ý mua ba chiếc vận tải cơ quân sự hạng trung C-130J của Mỹ.
Trong triển lãm này, Mỹ đã đem hai chiếc phi cơ cường kích A-10 và một vận tải cơ C-130J đến tham dự. Đại sứ Marc Knapper được AP dẫn lời khẳng định Hoa Kỳ sẽ trợ giúp Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích của mình trên biển, trên không, trên bộ và trên không gian mạng. Ông cũng nói Hoa Kỳ mong muốn các công ty quốc phòng lớn của mình làm việc với Việt Nam về những vấn đề có khả năng như sản xuất chung, về những vấn đề như chuyển giao công nghệ.
Bình luận về vấn đề này, luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa (Canada) nói với RFA:
“Điều đáng chú ý không chỉ là sự phát triển trong quan hệ ngoại giao mà còn là tầm nhìn xa hơn. Mỹ đã thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực quốc phòng, phát triển công nghệ, và đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Với sự hỗ trợ này, Việt Nam không chỉ được bảo vệ mà còn có cơ hội để vươn lên thành một quốc gia mạnh mẽ và độc lập hơn.”
Việt Nam đang tìm kiếm mua vũ khí và thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ nhằm đa dạng hoá nguồn cung trong bối cảnh Nga, nước cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam đang sa lầy trong cuộc chiến với Ukraine và trong cuộc chiến này, vũ khí Nga tỏ ra lạc hậu trong chiến tranh hiện đại.
Việt Nam nhận hàng tỷ kiều hối từ Hoa Kỳ mỗi năm
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam nhận hơn 10 tỷ đô la kiều hối mỗi năm kể từ năm 2012. Năm 2023, con số này là 19 tỷ năm 2023 và 16 tỷ năm 2024.
Lượng kiều hối do người gốc Việt chuyển về nước giúp đỡ thân nhân chiếm khoảng 65% tổng lượng kiều hối, phần còn lại là do người Việt Nam lao động làm việc theo hợp đồng dài hạn ở nước ngoài gửi về nước.
Với hơn hai triệu người gốc Việt, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có lượng kiều hối chuyển về Việt Nam lớn nhất, chiếm khoảng 40%, tiếp đến là Australia, Canada, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Đài Loan, Nhật Bản…
Việt Nam có chính sách khuyến khích người Việt gửi tiền về nước bằng cách không thu thuế thu nhập cá nhân đối với lượng kiều hối.
Chính sách với người gốc Việt
Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2004 đưa ra Chỉ thị 36 với mục tiêu “hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hòa nhập xã hội sở tại, đồng thời đóng góp tích cực vào thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước.”
Trong các chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, nơi có hơn hai triệu người gốc Việt sinh sống, lãnh đạo Việt Nam thường tổ chức gặp mặt với họ để kêu gọi họ đóng góp xây dựng quê hương, cho dù vấp phải sự phản đối của nhiều người vì các vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với đồng bào trong nước.
Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định: “Muốn giải pháp chính trị lâu dài và bền vững thì điều đầu tiên kiên quyết lập tức các lực lượng chính trị phải có được một sự tôn trọng và đến với nhau trong tinh thần có thành tâm và thiện ý trong tình anh em kết nghĩa đồng bào. Chứ không phải tất cả làm theo Đảng Cộng sản Việt Nam.”