Trong suốt tiến trình thúc đẩy đổi mới Việt Nam, kéo theo vận động tiến đến bình thường hoá quan hệ với Mỹ, cho đến bây giờ, khi Việt Nam và Mỹ sắp sửa tiến thêm một bước quan trọng trong bang giao hai nước, có một người đã làm cố vấn hơn 40 năm cho chính phủ Việt Nam trong quá trình thay đổi đất nước, đó là chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.
Với kinh nghiệm học tập ở Mỹ và từng làm việc cho chính quyền thời Việt Nam Cộng Hoà, ông Thành có kiến thức về kinh tế cũng như mối quan hệ rộng với quan chức Mỹ.
Do đó, ông đã được mời làm cố vấn cho chính phủ Việt Nam sau 1975, trong tiến trình đổi mới của Việt Nam, với mục tiêu là mở rộng quan hệ kinh tế, ngoại giao với Mỹ.
Dù là làm việc cho chính phủ thuộc chế độ nào, ông Thành cho biết mình đều cố gắng hết lòng, bởi:
“Đó là ân sâu nghĩa nặng đối với đồng bào, ân sâu nghĩa đối với ông bà tổ tiên đã sinh mình ra, ân sâu nghĩa nặng đối với những người cho mình bát cơm mỗi ngày. Vì vậy cho nên mình rất sung sướng để có thể làm được gì để đất nước được vươn lên.”
Xây dựng nền móng chính sách Đổi mới
Giờ đây, khi tuổi đã ngoài 90, bằng giọng trầm khàn, ông Thành từ tốn kể lại cơ duyên mình đã được hợp tác làm việc với chỉnh phủ Việt Nam với vai trò là cố vấn để vực dậy nền kinh tế bao cấp đang đi vào ngõ cụt.
Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, khi ấy, ông Thành đang sinh sống tại Pháp. Một hôm, có một số quan chức của Đại Sứ quán Việt Nam tại Pháp hẹn gặp ông để xin ý kiến tháo gỡ nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sau khi Trung Quốc đánh ở miền Bắc, Pol Pot đánh miền Nam, Mỹ cấm vận…
“Lúc đó, bác Thành với nói rằng các anh phải bỏ nền kinh tế quốc doanh đi, để cho nhân dân có thể tham gia phát triển kinh tế, chứ còn cứ làm chính sách vô sản, nhà nước quản lý hết tất cả kinh tế thì tất nhiên là sẽ đi đến chỗ đất nước sẽ suy vong.
Bác Thành mới nói rằng “Dân có giàu thì nước mới mạnh”, chứ còn dân nghèo đói thì đất nước sẽ suy yếu. Hiện bây giờ, chính sách của các anh là bần cùng hóa nhân dân, như thế là không được.”
Vài tháng sau cuộc gặp, phái đoàn quay trở lại thông báo rằng lãnh đạo Việt Nam đã chấp thuận quan điểm “Dân phải giàu thì nước mới mạnh”. Lúc đó, ông Thành mới đi vào bàn bạc cụ thể hơn về cách thức phát nền kinh tế.
Ông đề nghị phải xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, xóa bỏ kinh tế bao cấp tập trung để hướng tới nền kinh tế thị trường.
Nhưng vào thời điểm ấy mà đòi đi theo nền kinh tế thị trường thì làm sao thuyết phục được những người đảng viên Cộng sản khác.
Ông Thành cho rằng cái hay của các lãnh đạo muốn canh tân lúc bầy giờ là đã vận dụng được “khoa học từ ngữ” để thuyết phục hàng ngũ cán bộ đảng viên chấp nhận chính sách đổi mới. Trước kia là nền kinh tế một thành phần, giờ là nền kinh tế nhiều thành phần, không nói là kinh tế tự do, chỉ là bỏ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, vận hành theo cơ chế thị trường chứ không phải là nền kinh tế thị trường. Việt Nam vẫn không chấp nhận kinh tế tư bản mà chỉ khai thác lợi thế của tư bản để mình vận hành theo cơ chế thị trường thôi, là “kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, với sự quản lý của Nhà nước”.
Từ đó, lãnh đạo Việt Nam mới lần lần xây dựng nên những văn bản về vấn đề đổi mới. Tới năm 1986, Chính sách Đổi mới được chính thức thực hiện dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Tiến tới bình thường hoá quan hệ với Mỹ
Vậy là Việt Nam chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường, theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, khi ấy, thị trường tốt nhất trên thế giới là Mỹ. Ngay cả các nước Châu Âu như Pháp, Đức phát triển được sau thế chiến thứ hai cũng nhờ có thị trường Mỹ giúp đỡ. Vì vậy, ông đã công khai đề nghị phải làm sao bình thường hoa quan hệ được với Mỹ:
“Việc mở bang giao nối lại vấn đề ngoại giao với Mỹ là thiết yếu để cho Việt Nam có thể phát triển. Ngoài ra, Việt Nam đã từng bị Trung Cộng đánh cho anh một trận, nếu sau này nó đánh nữa thì anh biết làm gì? Cho nên, cần phải có một sự hướng ra nước ngoài và việc quan trọng là cần phải xây dựng được mối quan hệ với Mỹ.”
Lãnh đạo Hà Nội khi đó cũng rất muốn đặt mối quan hệ với Mỹ, vấn đề càng trở nên cấp thiết hơn khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991. Hà Nội khi đó lại loay hoay không có kênh liên lạc nào để kết nối với Mỹ. Ông Thành cho biết, năm 1992, ông đã gởi email cho một số quan chức Bộ Ngoại giao Hoà Kỳ để đánh tiếng về việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, hai bên còn rất nhiều vướng mắc cần phải giải quyết trước khi bắt tay làm hoà với nhau.
Rút quân khỏi Campuchia
Đầu tiên là vấn đề Việt Nam tiến quân qua Campuchia:
“Thế thì bác Thành mới nói chuyện với một số những người quen tại bộ Ngoại giao của Mỹ. Bên Mỹ họ mới nói rằng chúng tôi không thể làm gì được cả bởi vì Hà Nội gửi quân qua đánh bên Campuchia, đóng quân ở bên Campuchia, như thế Việt Nam đi chiếm đất của người ta, như vậy thì chúng tôi không thể làm gì được.
Chính phủ Việt Nam mới chuyển lời lại rằng chúng tôi đâu có chiếm đóng, chúng tôi đang làm nghĩa vụ để giải phóng Campuchia ra khỏi nạm Pol Pot chứ đâu có chiếm đóng.”
Vào tháng 6/1989, Việt Nam tiến hành rút quân ra khỏi lãnh thổ Campuchia.
Giúp tìm người Mỹ mất tích
Sau đó, Mỹ muốn Hà Nội giúp người Mỹ mất tích ở Việt Nam. Ông Thành kể, năm 1991, lần đầu tiên ông được trở về Việt Nam sau 26 năm. Ông được sắp xếp gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở căn nhà gần cổng vào vườn cây Phủ Chủ tịch phía đường Hoàng Hoa Thám.
Trong buổi trò chuyện hôm đó, ông Kiệt nói rằng “Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho Chính phủ Mỹ tìm người Mỹ mất tích trên tinh thần nhân đạo, không phải chính trị, cũng không phải là sự nhượng bộ”. Rồi ông Kiệt giao cho ông Thành một tài liệu khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề tìm người Mỹ mất tích để gởi cho Chính phủ Mỹ.
Khi trở lại Mỹ, ông Thành tới gặp phái bộ tìm người Mỹ mất tích, đứng đầu là Đại tá Donovan. Một thành viên trong phái đoàn là Đại tá Robert De State, người của Trung ương Tình báo Bộ Quốc Phòng Mỹ, từng làm việc ở Việt Nam cho biết: “Chúng tôi biết rằng trong bảo tàng Quân đội Việt Nam có hàng nghìn tài liệu ghi chép đầy đủ về những người Mỹ bị bắt và máy bay bị rớt. Nếu có được những cái tài liệu đó thì chúng tôi sẽ biết được tọa độ chỗ nào chỗ nào, máy bay rớt ở đâu…”
Trung tâm tìm kiếm người Mỹ mất tích đã xin phép và sau đó gởi người tới Việt Nam để scan hơn 4.000 tài liệu dưới sự giám sát của Việt Nam. Ông Thành kể:
“Một hôm, Donovan mời bác Thành tới văn phòng. Bác Thành ngồi đó nghe cuộc điện thoại giữa đại tá Donovan và trợ lý của Tổng thống Bush. Khi Donovan xác nhận các tài liệu đã được chuyển thì lập tức Tổng thống Bush đồng ý giải tỏa một phần cấm vận cho Việt Nam.”
Ngày 14/12/1992, Tổng thống Hoa Kỳ George Bush dỡ bỏ một phần cấm vận, cho phép các công ty Hoa Kỳ có thể mở văn phòng đại diện tại tại Việt Nam.
Thả sỹ quan Việt Nam Cộng Hoà
Trong một cuộc gặp với thiếu tướng Lê Minh Hương, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, người sau này trở thành Đại tướng Bộ trưởng Nội vụ (Bộ Công an), ông Bùi Kiến Thành đã đề nghị ông Hương thả hết cán bộ sỹ quan chế độ Việt Nam Cộng Hoà, như là một bước trong quá trình bình thường hoá với Mỹ:
“Hiện bây giờ anh còn đang giam giữ gần 15 ngàn công chức của Việt Nam Cộng Hòa. Anh phải giải quyết vấn đề là thả tất cả những người đang giam giữ của Việt Nam Cộng hòa ra, 16 năm rồi giam giữ người ta làm cái gì nữa, anh sợ người ta hả? Không sợ thì anh giữ cũng vô ích, thả người ta ra hết đi rồi lúc đó mới có cơ hội để nói chuyện với Mỹ, chứ ngày nào anh còn giữ người của Mỹ thì làm sao nó nói chuyện với anh được.”
Đáp lại, ông Hương chỉ nói rằng “Để chúng tôi nghiên cứu”. Ông Thành kể, vài tháng sau, khi ông đang ở Pháp thì ông Hương nhắn tin sang báo là lãnh đạo đồng ý thả hết những sỹ quan Việt Nam Cộng Hoà:
“Thì tôi mới hỏi lại là bây giờ anh thả người ta ra rồi anh giam lỏng người ta ở Việt Nam hay là anh cho người ta xuất ngoại, thì lãnh đạo mới đồng ý cho xuất ngoại, ai muốn đi đâu thì đi, miễn là có nước nào ở ngoài nhận là chính phủ sẽ cho đi hết.”
Ông Hương nói sẽ giải quyết trong vòng một năm, nghĩa là tới cuối năm 1992 thả hết người của Việt Nam Cộng Hoà ra khỏi trại, rồi cho họ tới những nước người ta muốn tới.
Thiết lập quan hệ với Israel
Dù đạt được những thành quả mà ông Bùi Kiến Thành kể trên, nhưng phía Việt Nam khi đó vẫn gặp khó khăn trong việc đối thoại với Mỹ. Ông Thành đem vấn đề này hỏi lại Bộ Ngoại giao Mỹ:
“Đại diện của bộ Ngoại giao nhìn bác Thành và nói anh biết tình hình chính trị ở bên Mỹ như thế nào mà. Mỗi một lần có vấn đề về người Do Thái được nêu ra ở Liên Hiệp Quốc là Việt Nam luôn luôn bỏ phiếu chống Do Thái, mà chúng tôi không hiểu tại sao các anh cứ chống Do Thái làm gì.”
Mỹ biết Việt Nam thân thiện với Palestine vì họ ủng hộ Việt Nam trong thời kì kháng chiến nhưng bây giờ thời kì đó qua rồi, muốn mở quan hệ với Mỹ thì Việt Nam phải xem cộng đồng Do Thái như là một chìa khoá để mở.
Ông Thành lý giải, thời điểm đó, Mỹ có 5% dân số là người Do Thái nhưng 5% dân số đó lại nắm trong tay 90% tài chính, 90% các cơ quan truyền thông lớn. Cộng đồng Do Thái chưa bật đèn xanh thì Chính phủ Mĩ không muốn làm.
Do đó, ông Thành truyền đạt lại rằng với Việt Nam rằng:
“Những điều Do Thái đưa ra ở Liên Hiệp Quốc, cái nào anh thấy rằng không cần bỏ phiếu thì đừng bỏ phiếu, chứ chống nó làm gì, còn cái nào mà anh cảm thấy không có lập trường thì anh nên bỏ phiếu trắng.”
Ông Thành cho biết, chỉ bốn tháng sau, vào ngày 12/7/1993, Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó, việc trao đổi, giải quyết các vấn đề được diễn ra thông thoáng và nhanh chóng hơn. Dẫn đến kết quả ban đầu là Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt công bố bình thường hoá quan hệ vào ngày 11/7/1995.
Về phần mình, ông Thành cho biết mình rất vui vì đã được đóng góp một phần công sức, như một “cầu nối ngoại giao”, vào cả quá trình hơn 10 năm, chỉ để hai nước đặt viên gạch đầu tiên trong chặn đường xây dựng mối quan hệ song phương.
Sau năm 1995, ông Bùi Kiến Thành tiếp tục được các lãnh đạo Việt Nam các thời kỳ tin tưởng, nhờ cố vấn trong các dự án để phát triển kinh tế, giao thương Việt – Mỹ. Quá trình này tiếp diễn như thế nào sẽ được trình bày trong phần tiếp theo.