Quan hệ Việt – Nga: Xung lực mới cho những thập niên tới

Chiều 1/12/2021, mở đầu phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông báo về cuộc hội đàm lịch sử ngày hôm trước, kéo dài gần bốn tiếng đồng hồ giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong đó, hai nhà lãnh đạo đã đi sâu, bàn thảo về các phương hướng, góp ý của Hội nghị đối tác chiến lược, trao đổi những vấn đề cùng quan tâm, thảo luận nhiều nhất là hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư và các hình thức liên doanh. Chủ tịch nước đánh giá Liên bang Nga là một nước lớn, có nền chính trị ổn định. Việt Nam và LB Nga tin tưởng nhau, có quan hệ truyền thống tốt đẹp, song kim ngạch thương mại hai chiều còn thấp, mới trên năm tỉ USD. Tiếp đó, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã dành toàn bộ nội dung phát biểu đi sâu vào các định hướng khai thác tiềm năng quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP).

Kinh tế – thương mại là trụ cột

Chủ tịch nước nhắc lại, dư địa hợp tác mọi mặt giữa hai nước còn rất lớn. Quan hệ truyền thống tốt đẹp nhưng kim ngạch hai chiều chỉ mới đạt năm tỉ USD là chưa tương xứng với tiềm năng giao thương giữa các bên. Chủ tịch nước đã “tự phê”: “Với tiềm năng lớn như vậy là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm phát triển”. Ông cho rằng doanh nghiệp hai nước cần trao đổi, các bộ ngành hai bên cần tạo điều kiện cho thương mại – đầu tư. Chủ tịch nước kêu gọi các doanh nghiệp Việt – Nga hợp tác tốt hơn nữa, đồng thời đúc kết kinh nghiệm của những doanh nghiệp đã đầu tư hiệu quả ở cả hai nước để rút bài học. [1].

Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch nước còn đưa ra một thông tin quan trọng khác, đó là chiều 2/12, Việt Nam khánh thành đường bay mới của Hãng Vietjet từ Moscow đến Việt Nam. Cùng với Vietjet, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã ký kết những hợp đồng quan trọng. Cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Văn Thành và Phó thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đã chứng kiến Công ty VABIOTECH (thuộc Bộ Y tế Việt Nam) và Tập đoàn SOVICO ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga (RDIF) trong việc cung ứng, sản xuất vắc-xin Sputnik V tại Việt Nam. Ông Đỗ Tuấn Đạt – chủ tịch VABIOTECH – phát biểu: “Hơn một triệu liều vắc-xin Sputnik V đã được chúng tôi sản xuất thành công ở bước đóng ống, đóng gói, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đã được Viện Gamaleya kiểm tra. VABIOTECH tin tưởng vắc-xin Sputnik V sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng trong kế hoạch tự chủ vắc-xin của Việt Nam với hiệu quả cao, đặc biệt trước các biến chủng mới của vi-rút như Delta và Omicron”. [2].

Dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm đến Tuyên bố chung giữa hai nguyên thủ được công bố trong ngày 30/11 sau cuộc hội đàm lịch sử nói trên. Tuyên bố chung đã mang đến một xung lực mới, một vị thế năng động hơn cho các mối quan hệ Việt – Nga trong những năm tới đây. Tuyên bố giải toả được phần nào quan ngại lâu nay từ phía Việt Nam, liên quan đến các phi vụ làm ăn giữa Nga và Trung Quốc. Nay ông Putin và ông Phúc cam kết “tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại LB Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam, cũng như triển khai các dự án chung tại các nước thứ ba, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và pháp luật Việt Nam và LB Nga”. Hai vị lãnh đạo tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí, hợp tác được xem là “trụ cột quan trọng hàng đầu” của quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”.

Các công ty dầu khí lớn của Nga như Rosneft, Zarubezhneft và Gazprom đều có các dự án đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Chỉ tính riêng liên doanh Vietsovpetro đã chiếm khoảng 1/3 sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam. Zarubezhneft vốn là công ty nhà nước của LB Nga. Hồi tháng 5/2021, công ty này đã mua lại toàn bộ 35% cổ phần của công ty Rosneft trong liên doanh Rosneft Vietnam BV từng hoạt động tại lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn của Việt Nam. Đây là khu vực từng bị tàu hải cảnh của Trung Quốc quấy nhiễu nhiều lần hồi năm 2019. Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales (Úc), vào tháng 8/2019, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Bangkok, đề nghị Nga ngăn công ty Rosneft và cho dừng các hoạt động khai thác ở Việt Nam, nhưng Ngoại trưởng Lavrov đã từ chối đề nghị vô thiên vô pháp ấy [3]

Hình minh hoạ: Công nhân trên tàu hậu cần ở mỏ Lan Tây do công ty Rosneft Nga điều hành ở ngoài khơi Vũng Tầu hôm 29/4/2018. Reuters

Nhưng LB Nga từ trước đến nay vẫn giữ lập trường nhất quán trong vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước. Tại Tuyên bố chung lần này, hai bên lại khẳng định: “Ủng hộ hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới, tính đến lợi ích của nhau trong hợp tác song phương và trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế. Không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba làm phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nhau”. Đây là điểm tựa để hoá giải một phần cái bùa ngải “cộng đồng chung vận mệnh trên biển” mà Trung Quốc vẫn trưng ra với các nước. Đây còn là cơ sở để các doanh nghiệp hai nước mở ra những chương mới trong thời gian tới. Mục tiêu là phải tăng gấp 15 đến 20 lần kim ngạch thương mại, đầu tư song phương tăng gấp ba lần trong thời gian tới. Cơ quan chức năng hai nước cần phối hợp giải quyết vướng mắc để quan hệ kinh tế, thương mại tương xứng với quan hệ hai nước. Phía Việt Nam đã đề nghị với Chính phủ Nga sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương. [4].

Xung lực mới, cách tiếp cận mới

Có thể nói từ hàng chục năm nay, kể từ khi quan hệ hai nước đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”, nhưng với ngoại giao nguyên thủ lần này, quan hệ CSP ấy trên thực tế mới tạo được xung lực mạnh mẽ và cách tiếp cận mới để vượt lên trên các trở ngại từ trước đến nay. Ngày 2/12, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Nga có hợp tác với Việt Nam, bao gồm Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, Tập đoàn Gazprom, Novatek, Sistema, Miratorg. Một trong những xung lực mới cho giai đoạn hợp tác thời gian tới là khai thác thế mạnh và tiềm lực của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nga. Chủ tịch Phúc nhấn mạnh, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại khu vực, với gần 35.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động và tổng vốn gần 400 tỷ USD, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nga, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, ứng dụng công nghệ cao như y tế, dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao… [5].

Xung lực mới còn bao gồm các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự, được cho là sẽ tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Ngày 1/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Lục quân Sergei Shoigu và người đồng cấp Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, đã ký “Thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự” và “Biên bản ghi nhớ liên Bộ về hợp tác trong lĩnh vực quân sự”. Bộ quốc phòng Nga cho biết trên trang web chính thức, Đại tướng Shoigu phát biểu tại cuộc hội đàm rằng giữa Nga và Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm độc đáo về hợp tác chung dựa trên tình hữu nghị lâu dài và hai bên cùng có lợi. Bộ Quốc phòng Nga luôn chú trọng ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự. Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với lực lượng vũ trang hiện đại và được trang bị tốt. Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cũng cho biết: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước đã ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng, kỹ thuật quân sự giữa hai nước” [6].

Về những cách tiếp cận tích hợp mới để thúc đẩy hơn nữa CSP, LB Nga và Việt Nam cam kết sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng và dầu khí, bao gồm cả việc triển khai các dự án hiện có hoặc dự án mới với sự tham gia của các công ty Nga kết hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Dầu khí là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước từ hàng chục năm nay với các liên doanh giữa các công ty của Nga và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là nội dung được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hôm 30/11. Theo tuyên bố này, hai nước khẳng định cùng nhau quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ CSP Việt – Nga đến năm 2030 trên nhiều lĩnh vực bao gồm: an ninh, quốc phòng, kinh tế, công nghệ thông tin và an ninh mạng. Hai bên khẳng định sẵn sàng nâng cao hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á – Âu và các nước thành viên theo hướng tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa bên cạnh những ưu đãi đã có trong hiệp định. [7].

________________

Tham khảo:

1. https://vov.vn/chinh-tri/nang-tam-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-lien-bang-nga-trong-tinh-hinh-moi-907298.vov

2. https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-du-dien-dan-doanh-nghiep-viet-nga-du-dia-hop-tac-con-rat-lon-20211202074857122.htm

3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/president-phuc-discusses-oil-energy-cooperation-in-putin-meeting-12012021105342.html

4. https://www.voatiengviet.com/a/viet-nga-nhue-khi-dau-khi-vu-khi/6336754.html

5. https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-tiep-cac-doanh-nghiep-nha-dau-tu-nga.html

6. https://www.voatiengviet.com/a/6337002.html

7. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/president-phuc-discusses-oil-energy-cooperation-in-putin-meeting-12012021105342.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts