Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam gần đây đã đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72 về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Các nội dung được đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung nhằm quản lý chặt chẽ hơn các dịch vụ cũng như thông tin được cung cấp qua mạng.
Đặc biệt có phần sửa đổi và quy định chi tiết về việc livestream, tức dịch vụ phát video trực tiếp, đã gây sự chú ý của cư dân mạng và các nhà quan sát quyền tự do biểu đạt tại Việt Nam.
Cụ thể, trong Điều 22 dự thảo nghị định ghi rõ: “Các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội chỉ cho phép các tài khoản, trang cộng đồng, các kênh nội dung tại Việt Nam đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức”.
Dữ liệu từ tháng Giêng năm 2021 của Data Reportal ghi nhận 72 triệu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. YouTube có hơn 590 triệu lượt truy cập trong tháng 12 năm 2020, Facebook có 555 triệu lượt. Hai nền tảng này chỉ đứng sau trang mạng Google.com về số lượt truy cập cao nhất tại Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Đài là chủ nhân các kênh thông tin và bình luận trên các nền tảng YouTube và Facebook với hàng chục nghìn người theo dõi. Từ Đức Quốc ông nhận định, với những con số như thế, việc cấm cư dân mạng livestream nếu chưa đăng ký không khả thi. Ông nói:
“Những người dân bình thường khi họ đi ra ngoài đường gặp những sự kiện họ thích thì họ livestream, hoặc trong những buổi tiệc sinh nhật, tiệc tùng, bạn bè, đi picnic, họ livestream. Thì làm sao mà họ có thể lúc nào cũng đăng ký với Bộ Thông tin & Truyền thông được. Những quy định đó thì tôi cho là không khả thi. Có lẽ với quy định này họ chỉ nhắm vào một số cá nhân nhất định thôi, chứ không phải là đối với tất cả mọi người”.
Ông nói thêm có lẽ đây chỉ là một biện pháp để chính quyền kiểm soát những tiếng nói họ không ưa.
“Gần đây nhất là trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng làm ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Cho nên có thể đây là một cách mà họ nhằm kiểm soát những người sử dụng mạng xã hội, những người nổi tiếng hay là có ảnh hưởng tới xã hội khi livestream trên mạng xã hội. ..Như bà Phương Hằng lúc ấy livestream cũng có hàng nghìn người theo dõi…
Bây giờ hiện tượng livestream, khi người nào đó muốn truyền tải một thông điệp thì họ có thể ngay lập tức tác động đến cả trăm ngàn người một lúc và họ muốn kiểm soát điều đó”.
Dự thảo Nghị định 72 ngoài ra quy định khi nội dung đăng tải trên mạng xã hội có người sử dụng ở Việt Nam khiếu nại, các nhà cung ứng nước ngoài phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ vi phạm chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đối với video phát trực tuyến (livestream) việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm phải được thực hiện chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ.
Đối với các tài khoản cá nhân, các trang cộng đồng, các kênh đăng tải nội dung vi phạm pháp luật từ 5 lần trong 1 tháng trở lên thì nhà cung ứng mạng xã hội có nhiệm vụ tạm khóa tài khoản từ 7 ngày đến không quá 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Anh Trần Minh Nhật, một người tham gia truyền thông mạng lâu nay, nhận định rằng với nghị định sửa đổi này, chính quyền Hà Nội chỉ hợp thức hóa những biện pháp hạn chế quyền tự do biểu đạt mà nhà cầm quyền đã thực hiện trên thực tế từ trước đến nay:
“Cái chế tài để họ nói là nhà mạng sẽ tạm khóa kênh vi phạm sau 24 giờ, và Bộ sẽ ngăn chặn thì có nghĩa là họ đã chuẩn bị những phương tiện cần thiết để làm điều đó.
Tôi lo ngại là họ muốn nhân điều đó có thêm nguồn thu nhập nữa”.
Anh Trần Minh Nhật giải thích rằng bản thân anh là người quản trị kênh Vote TV với phương châm “Nói những gì bị cấm” có những video lên hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên anh nói, chính quyền đã điều động dư luận viên, như lực lượng AK47 và áp lực lên các công ty công nghệ như YouTube để tháo gỡ hàng trăm clip của anh, khiến nguồn thu nhập qua quảng cáo cũng bị ảnh hưởng.
“Đối với các đài, mạng xã hội và các kênh có lượng thu lớn thì đa phần là những livestream về bán hàng hoặc nội dung phải trả phí. Và khi mà kiểm soát được như vậy thì các cá nhân không thể sản xuất được nhiều. Ví dụ như bản thân một nhà sáng tạo nhỏ, đơn lẻ, họ có thể nhận các khoản trả phí từ các bên để mà livestream, để mà được phát nội dung hoặc quảng cáo. Nhưng bây giờ nhà cầm quyền qua những cơ quan như Cục Phát thanh, Truyền hình và Điện tử họ muốn kiểm soát tất cả những điều đó. Và khi kiểm soát điều đó thì họ đồng thời kiểm soát luôn được những nguồn tiền chạy ra”.
Anh Trần Minh Nhật lập luận rằng kết quả về lâu dài là thiệt hại về quyền cá nhân, tự do biểu đạt và kinh tế. Tính sáng tạo của các nhà sáng tạo nội dung cũng sẽ dần dần bị giảm bớt đi.
Dự thảo nghị định 72 cũng quy định rằng: “Các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Tuy nhiên Luật sư Nguyễn Văn Đài nói, cư dân mạng vẫn có cách vượt qua những hạn chế của chính quyền.
“Họ quy định như thế này thì mang tính chất rất cực đoan. Tôi có giải pháp để giúp tất cả những người ở Việt Nam có thể vượt qua cái này. Nhưng chờ họ làm xong đã, nếu tiết lộ bây giờ thì họ sẽ tìm cách sửa đi để ngăn chặn trước. Tôi là một luật sư đã từng làm, tôi chắc chắn là có rất nhiều kinh nghiệm và có đủ giải pháp để giúp cho tất cả những người trong nước không bị kiểm soát bởi các quy định sửa đổi Nghị định 72”.
Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với Facebook để lấy ý kiến về dự thảo nghị định nhưng phát ngôn nhân công ty đã từ chối bình luận.