Hàng chục côn đồ tấn công người dân ở trước cổng trụ sở Ủy ban thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, lực lượng công an tuy có mặt nhưng không can thiệp.
Sự việc xảy ra hôm mùng 5 tháng 3, khi hơn một trăm người dân kéo đến trung tâm hành chính thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, dựng lều và căng băng rôn để yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc điều tra vụ mua đất nhưng không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Những người dân này bức xúc vì đã trả tiền mua đất cho công ty Cổ phần Bách Đạt An, chủ đầu tư của dự án khu đô thị Điện Nam-Điện Ngọc trên địa bàn huyện Điện Bàn, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sổ đỏ.
Người dân cũng cho biết là đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương về việc cấp sổ đỏ, thậm chí sự việc đã được đưa ra toà và được Toà án Nhân dân TP. Đà Nẵng thụ lý, toà này sau đó đưa ra phán quyết là chủ đầu tư phải trao sổ đỏ cho người dân.
Nhưng đã năm năm trôi qua mà người mua vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bức xúc trước sự chây ì của chính quyền và chủ đầu tư, khoảng hơn 100 người dân đã kéo đến trụ sở uỷ ban thị xã Điện Bàn để gây sức ép, và sau đó bị tấn công.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, một thành viên trong nhóm người mua đất đòi quyền lợi ở trước trụ sở chính quyền, cho biết chi tiết về sự việc:
“Sự việc xảy ra trưa ngày mùng 5, tháng 3 năm 2022, chúng tôi vào thị xã Điện Bàn thì họ canh gác hết tất cả các ngả, bốn phía là không cho người dân vô. Chúng tôi phản đối kịch liệt, lấy số lượng đông để đẩy vô, đi vô được xong xuôi rồi thì răng băng rôn rồi lấy chiếu, mền dựng trại để ở đến thứ Hai.”
Cũng theo bà Tâm, khi người dân mới dựng trại xong được một lúc thì xuất hiện một nhóm người mặc thường phục đến tấn công. Bà nói thêm:
“Khoảng ba chục thằng côn đồ mặc đồ người dân, mặc đồ người dân bình thường ra để đánh dân rồi xô bà già, trong đó có con nít nữa, có mấy bà bảy mươi tuổi nữa, đánh dân rồi xịt hơi cay dân. Đánh dân sau đó rồi bắt đầu thu đồ của dân, và bắt người trái pháp luật nữa. Bắt người không có một cái lý do chi để bắt mà tự nhiên bắt đem về đồn.”
Trong một đoạn băng hình quay trực tiếp sự việc được đăng tải trên mạng xã hội có thể thấy nhiều người đàn ông mặc thường phục, đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm xông vào giật băng rôn của người dân. Khi người dân chống trả thì những người này đã xịt bình bột cứu hỏa và đuổi đánh những người chống cự.
Đoạn video gần 30 phút cũng cho thấy, một dân quân tự vệ túm đầu một người đàn ông cùng với hai người mặc thường phục lôi đi.
Lực lượng công an, cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường, nhưng theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm thì họ không hề bảo vệ dân, bà cho hay:
“Công an ra đứng đó trơ trơ chứ không có can thiệp, chỉ để đánh dân thôi, công an mà thấy dân bị đánh và xịt khói, xịt cay mắt với lại xô bà già mà không liên quan gì hết trơn, công an đứng làm bù nhìn cho có chừng đó thôi.”
Bà này cũng đặt ra nghi vấn về việc chính quyền và nhóm côn đồ trên có sự thông đồng, khi đặt ra câu hỏi vì sao bốn ngả đường dẫn vào trụ sở uỷ ban thị xã Điện Bàn đều bị chặn, nhưng nhóm côn đồ này lại vào được khu vực người dân dựng trại để tấn công?
Phóng viên Đài Á châu Tự do đã nhiều lần gọi vào số liên lạc của lãnh đạo thị xã Điện Bàn, bao gồm ông Bí thư thị xã Đặng Hữu Liên, và ông Chủ tịch thị xã Trần Úc, nhưng cả hai ông không bắt máy.
Tuy nhiên, trong một bài báo đăng trên báo Lao Động cùng ngày hôm xảy ra sự việc, ông Nguyễn Minh Hiếu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, thừa nhận có việc người dân đến dựng lều và căng băng rôn trước cổng uỷ ban, nhưng ông này không hề đề cập gì đến việc người dân bị đánh, thay vào đó lại nói rằng người dân tự gỡ lều và giải tán sau khi được tuyên truyền.
Hồi năm 2019, Tòa án nhân dân Đà Nẵng bác đơn khởi kiện của công ty Bách Đạt An yêu cầu hủy hợp đồng với công ty đầu tư Hoàng Nhất Nam, bản án buộc Công ty Bách Đạt An tiếp tục ra sổ đỏ cho người mua đất nhưng đến nay công ty này vẫn chưa thực hiện.
Hàng trăm người mua đất của công ty này đến giờ điêu đứng vì chưa được giao sổ đỏ nên đã nhiều lần tổ chức biểu tình, gây áp lực lên công ty và đây là lần đầu tiên họ biểu tình trước cổng Ủy ban và bị đàn áp.