Quốc hội thông báo sẽ giám sát các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo kéo dài vào tháng 3/2022. Nhưng mới đây, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho biết số vụ việc có chiều hướng tăng lên.
Tình trạng này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả và năng lực giám sát của Quốc hội.
Thêm các vụ khiếu khiệu về trái phiếu.
Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, ông Dương Thanh Bình, khi báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14/2 cho biết tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gia tăng, nhất là trong hai tháng qua.
Ông Bình nói ngoài các vụ khiếu kiện tập thể về đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi bị thu hồi đất như đã tồn tại lâu nay. Năm qua còn xuất hiện thêm các vụ khiếu kiện của người mua trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty Cổ phần Sunshine Homes…
Ông Hưng, một nạn nhân bị mất tiền khi gởi tiết kiệm vào ngân hàng SCB, hiện đang ở Đà Nẵng, (yêu cầu được đổi tên vì lý do an toàn), nói với RFA rằng ông có một sổ tiết kiệm đáo hạn ngày 3/10/2022. Lúc đó, nhân viên SCB khuyên ông tham gia vào một “chương trình tiết kiệm linh hoạt 31 ngày”. Sau 31 có thể rút tiền ra cộng thêm phần lãi. Nghe vậy ông mới đồng ý tham gia, dự tính sẽ rút hết tiền sau 31 ngày.
Tuy nhiên, sau đó chỉ vào ngày, dân tình ồ ạt kéo nhau đi rút tiền ở SCB, ông Hưng cũng yêu cầu rút tiền thì mới biết tiền của mình dự tính gởi vào tài khoản tiết kiệm linh hoạt như lời giới thiệu, nay đã thành tiền mua trái phiếu.
Cho rằng mình bị lừa, ông đã gởi đơn tố cáo lên công an thành phố và Ngân hàng Nhà nước – là cơ quan quản lý ngân hàng SCB – nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả gì:
“Mình đã làm đơn gửi công an thành phố và Ngân hàng Nhà nước nhưng cuối cùng cũng không được gì hết. Dường như là công an quận khi lấy lời khai đều đứng về phía của SCB. Công an thành phố sau đó có gửi thư về cho tôi thông báo là vụ việc của tôi là dân sự cho nên tôi nên gửi đơn vào tòa án.”
Hôm 6/1, báo chí Nhà nước đưa tin cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước, có văn bản gửi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật về kiến nghị, tố cáo của người dân phản ánh.
Ông Hưng cho biết, ông không kỳ vọng lắm vào khả năng sẽ được trả lại tiền trong thời gian sớm:
“Không có gì có thể khẳng định là mình có thể lấy lại được tiền cả. Quốc hội họp có lên tiếng nhưng mà đó chỉ là lời nói trên báo chí mà thôi. Những người bị hại nhưng mình bây giờ cũng không nắm được tình hình sẽ như thế nào, bởi vì chính Ngân hàng SCB do Ngân hàng Nhà nước quản lý mà còn lừa dân như vậy thì…”
Quốc hội giám sát hiệu quả đến đâu?
Một năm trước, vào tháng 3/2022, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiến hành làm việc với năm tỉnh, thành có nhiều vụ khiếu nại đông người kéo dài, phức tạp, bao gồm Hà Nội, Lào Cai, TPHCM, Khánh Hòa và Kiên Giang.
Khi đó, cũng chính là ông Dương Thanh Bình cho biết quá trình giám sát tại địa phương, đoàn giám sát sẽ tiếp tục đi sâu hơn nữa để làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Cao Hà Trực, một người đi kiếu kiện vụ cưỡng chế đất ở khu Vườn rau Lộc Hưng, nói với RFA rằng, trong năm qua, chắc có lẽ vì phát biểu của Quốc Hội nên Quận Tân Bình có tổ chức hai cuộc họp tiếp xúc, đối thoại với người dân khu vườn rau khiếu kiện.
Tuy nhiên, theo ông Trực, chính quyền quận Tân Bình đã rất “ranh mãnh” khi lựa chọn những người dân đã nhận tiền đền bù đến tham dự và buổi họp cũng không đạt kết quả gì:
“Ông chủ tịch quận Tân Bình chủ trì cuộc họp và các cơ quan ban ngành của thành phố, nhưng cuộc họp đó không nhằm đối thoại mà nó chỉ để đánh lừa người dân, cho nên là vẫn không có mục tiến triển gì hết.”
Đến tháng 10, ông Trực ra Hà Nội để hỏi vụ việc của mình. Tuy nhiên, ban tiếp dân Trung Ương cũng chỉ gởi đơn về thành phố yêu cầu xem xét:
“Hôm ra văn phòng tiếp dân Trung ương thì họ cũng không hứa hẹn gì đâu. Họ cũng chỉ chuyển đơn của mình về thành phố và đề nghị thành phố xem xét, giải quyết cho bà con rồi báo lại cho Văn phòng Trung ương Đảng.”
Nói chung, theo ông Trực, trong năm qua, vụ việc khiếu kiện của bà con Vườn rau Lộc Hưng chưa có tiến triển khả quan nào.
Quốc hội không giải quyết được khiếu kiện
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam lý giải với RFA rằng Quốc Hội không phải là nơi có thể giải quyết các vụ khiếu kiện, khiếu nại:
“Quốc hội chỉ có chức năng giám sát và tác động để cho các cơ quan hành chính và tư pháp thực hiện. Thế nhưng, trong trường hợp các vụ khiếu kiện tăng nhanh, quá lớn thì không thể nào giám sát hết được.”
Nhưng các cơ quan hành chính từ cấp cơ sở cho đến Trung ương nhìn chung là giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo rất chậm. Ngoài ra, còn có trường hợp người dân đi khiếu kiện đã được giải quyết rồi nhưng không đồng ý với quyết định nên vẫn liên tục ra Trung ương, “ăn dầm, nằm dề” ở đó tiếp tục khiếu kiện. Theo ông Hà Hoàng Hợp, đó là một số nguyên nhân dẫn đến dồn đọng các vụ khiếu nại lâu năm.
“Hệ thống hành chính và dịch vụ công ở Việt Nam vẫn chưa tốt và có những khâu không đảm bảo được tính pháp lý, không công bằng cho nên mới làm tăng các vụ lên. Cho nên Quốc hội làm sao mà giám sát hết được.”