Tại hội trường Quốc Hội Việt Nam hôm 26 tháng 7, nhiều Đại biểu Quốc Hội khóa 15 đã tham gia thảo luận sôi nổi về kết quả thực hiện chống lãng phí năm 2020. Nhiều ý kiến đưa ra các giải pháp cần có để tiết kiệm và chống lãng phí, đồng thời cũng có ý kiến nêu rõ vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc trong việc thực hiện chống lãng phí.
Muôn kiểu lãng phí
Đương cử là ý kiến của Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được tờ Kinh tế & Đô thị dẫn lời cho rằng 50% số cán bộ, nhân viên thực sự làm việc có hiệu quả, còn lại chưa có hiệu quả.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định các đại biểu Quốc hội khóa 15 có thể lần đầu tiên đề cập đến lãng phí nhưng nó đã trở thành tính chất của cán bộ và lãng phí nói cách khác chính là tham nhũng. Ông nói:
“Trong các dự án đầu tư công, mua sắm công hay là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì bao giờ họ cũng tăng giá lên để quan chức nhà nước cấu kết với doanh nghiệp để họ ăn chia phần chênh lệch đấy. Phần thứ hai, một trong nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ dự án này, dự án khác, và hậu quả của nó khiến ngân sách nhà nước cứ phải bổ sung thêm, là vấn đề cạnh tranh nhau giữa các cách nhà thầu để nhóm này vận động, nhóm kia vận động, tranh nhau miếng ăn. Các quan chức thì họ lại ăn tiền của công ty này rồi ăn tiền công ty kia dẫn đến việc họ xem xét bên nào vận động bên nào nhiều hơn.
Một dự án phải hoàn thành trong vòng sáu tháng, một năm thì họ lại kéo dài hai, ba năm là cái chuyện bình thường ở Việt Nam. Trong lúc khởi động dự án đã tham nhũng rồi. Trong suốt quá trình bao nhiêu lần tham nhũng nữa, thì lại còn bị lãng phí nhiều lần chứ không chỉ một lần”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí thuộc đoàn Hà Nội còn chỉ ra những loại lãng phí ‘vô hình’ không “cân đo đong đếm” được, như lãng phí trong cách thức tổ chức làm việc, chủ trương và chính sách.
Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, người từng viết cho Tạp chí Cộng sản còn cho rằng có một loại lãng phí vô hình cực kỳ nghiêm trọng mà chính quyền làm ngơ đó là lãng phí về trí tuệ, nhân tài. Ông nói cụ thể:
“Ở chế độ Cộng sản Việt Nam nói riêng và các chế độ cộng sản nói chung, lãng phí lớn nhất là về trí tuệ, về các nhân tài. Bởi vị cơ chế không dung nạp được nhân tài, không hấp thụ được trí tuệ. Cơ chế này loại bỏ những người có trí tuệ. Lãng phí đó mới là lãng phí lớn nhất của các chế độ Cộng sản mà không ai đo đếm được.”
Theo ông Nguyễn Vũ Bình, lãnh vực có nhiều lãng phí chính là các doanh nghiệp nhà nước mà ông gọi là “sân sau” của quan chức:
“Hệ thống doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại mà vẫn là nhà nước chủ đạo. Chủ sở hữu là nhà nước, giao cho một tập thể lãnh đạo trong đó có một ông bí thư, một ông giám đốc phụ trách, mà không bị gắn liền với trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp nhà nước là cái sân sau, là môi trường tham nhũng của Việt Nam cho nên tham nhũng rất ghê gớm mà trừng trị rất khó”.
Giải pháp nào khả thi?
Bàn về giải pháp chống lãng phí, Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng “trước hết là phải thực hành tiết kiệm và biết để đừng làm ra những việc gây ra lãng phí…” và “muốn vậy phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về tiết kiệm, chống lãng phí”.
Đối với đề nghị này của đại biểu Anh Trí, nhà báo Nguyễn Vũ Bình khẳng định trách nhiệm về lãng phí hoàn toàn thuộc về cán bộ quản lý nhà nước chứ không phải dân thường. Tuy nhiên ông khẳng định nhân dân phải có quyền giám sát.
Còn Luật sư Nguyễn Văn Đài thì cho rằng, Việt Nam khó có thể khắc phục được lãng phí trong guồng máy chính phủ. Ông chia sẻ qua kinh nghiệm sống tại Đức, một nước được cho là có hiệu quả trong quản lý chính phủ và kinh doanh:
“Ở bên Đức này hay các nước dân chủ, họ có rất nhiều cơ chế kiểm soát. Thứ nhất họ có hệ thống tam quyền phân lập. Các cơ quan tư pháp, như là tòa án, cảnh sát theo dõi giám sát theo pháp luật.
Thứ hai là họ có đảng đối lập để giám sát đảng cầm quyền. Như ở Đức nơi thành phố của tôi, khi mà có dự án đầu tư do đảng cầm quyền, người ở trong lãnh đạo thành phố đưa ra, thì họ không chỉ có một đảng, mà đến bốn, năm đảng đối lập giám sát toàn bộ dự án đó.
Thứ Ba là các cơ quan báo chí cũng độc lập cho nên phóng viên cũng mỗi một khi có dự án, họ cũng săm soi tất cả dự án có sai phạm hay không.”
Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2020 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Đức vào top 10 quốc gia được xem là ít tham nhũng nhất. Trong khi đó, Việt Nam đứng hạng 104 trong 176 quốc gia trong bảng xếp hạng.
Theo số liệu về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Việt Nam trong năm 2020 mà truyền thông Nhà nước vừa loan cho thấy, năm 2020 ngành Thanh tra Việt Nam đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra và kiểm tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng và 6.366 héc-ta đất.
Tuy vậy những con số đó chưa nói lên được công cuộc chống lãng phí của chính phủ VN khi mà theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, vẫn còn có những dự án công không hoàn thành theo tiến độ được đề ra, điển hình nhất như dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Đây là dự án “hứa hẹn” vì sau hơn 10 năm triển khai vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại. Bên cạnh đó, mức đầu tư ban đầu của dự án này chỉ khoảng 8,7 ngàn tỷ đồng, nhưng trong quá trình thực hiện, đến nay dự án đã đội vốn lên hơn 18 ngàn tỷ đồng.