Chiều ngày 14/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết sắp tới sẽ tiến hành làm việc với năm tỉnh, thành có nhiều vụ khiệu nại đông người kéo dài, phức tạp, bao gồm Hà Nội, Lào Cai, TPHCM, Khánh Hòa và Kiên Giang.
Trưởng ban Dân nguyện, ông Dương Thanh Bình cho biết quá trình giám sát tại địa phương, đoàn giám sát sẽ tiếp tục đi sâu hơn nữa để làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu.
Trong khi người khiếu kiện đòi đất nói với RFA rằng họ không còn lòng tin vào những lời hứa hẹn của quan chức thì một chuyên gia cảnh báo rằng nếu chính quyền Hà Nội không giải quyết những vụ khiếu kiện đất đai sẽ gây ra nhiều hậu quả, nghiêm trọng nhất là làm chết dân thường, như vụ án Đồng Tâm.
Hứa hẹn nhiều lần, Dân mất lòng tin
Theo ông Bình, nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại là do văn bản pháp luật và công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài…
Ông Danh, một dân oan, đã 20 năm ròng vác đơn ra Hà Nội khiếu kiện, từ năm 2002 cho đến giờ vẫn không được giải quyết. Cả gia đình liên tục đến điểm tiếp dân, đến các cơ quan văn phòng Chính phủ, hay thậm chí là chờ trước cổng nhà các quan chức cấp cao để gởi đơn. Cả nhà cứ bị bắt về đồn rồi thả nhiều lần, nhưng tất cả nỗ lực đó, cho đến nay đều không có kết quả.
Từ hồi dịch COVID-19 bùng phát, chính phủ áp lệnh phong toả nghiêm ngặt ông mới không thể trực tiếp ra Hà Nội khiếu nại. Tuy nhiên, vẫn đều đặn, gia đình ông kiên trì gởi đơn qua đường bưu điện:
“20 năm tài sản bị cướp sạch hết!
Không kể được hết đâu, phải mấy chục lần, cứ đầu năm đi cuối năm về, cứ đi khi nào gia đình có chuyện rồi mới về, bán cả tài sản mà đi cả gia đình.
Trọn một năm nay là không có ra Hà Nội tại vì dịch COVID, nhưng mà vẫn gửi đơn đều đều qua đường bưu điện, sắp tới đang mong hết dịch để đi đây.”
Ông Danh nói trước đây Quốc hội, Chính phủ cũng nhiều lần hứa hẹn sẽ thanh tra, kiểm tra các vụ khiếu kiện đất đai, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy giải quyết được gì cho người dân mất đất:
“Bây giờ nó nói gì cũng kệ chứ mình cũng không tin nữa. Nó nói chỉ để trấn an dân thôi chứ không tin, bao nhiêu năm rồi nó có giải quyết đâu. Mỗi người mấy chục năm có giải quyết đâu.”
Tuyên truyền, vận động có giải quyết được nạn khiếu kiện đất đai?
Trước đó, vào ngày 11/3 Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết có khoảng 70% số vụ việc khiếu kiện kéo dài và phức tạp của thành phố là có liên quan đến đất đai.
Do quá trình đô thị hóa cần thu hồi đất để xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nên thành phố có nhiều dự án phải thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp.
Theo ông Đông, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, các đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu. Đồng thời, lãnh đạo các địa phương cần lắng nghe, quan tâm giải quyết những vụ việc phức tạp ngay từ đầu để tránh diễn biến phức tạp.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, từng nghiên cứu tại viện ISEAS (Nghiên cứu Đông Nam Á – Singapore) cho rằng câu nói của ông Phó chủ tịch Hà Nội không đi vào bản chất để giải quyết vấn đề:
“Câu nói đó nó cũng chỉ mang tính tuyên truyền mà thôi chứ nó không nằm vào bản chất của vấn đề.
Bản chất vấn đề là nằm ở chỗ phải tạo ra sự công bằng và minh bạch, khi xảy ra chuyện thương lượng giữa bên có quyền sử dụng đất và chính quyền.
Một câu nói rất dở của loại phó chủ tịch đấy, khiếu kiện kéo dài thì chính quyền phải có trách nhiệm xử lý, chứ tại sao lại để kéo dài như thế!”
Một người dân phường Dương Nội, Hà Nội không muốn nếu tên nói với RFA rằng suốt 15 năm đi khiếu kiện đòi lại đất, cán bộ chính quyền địa phương cũng rất nhiều lần đến vận động người dân nhận tiền đền bù theo giá mà nhà nước quy định. Tuy nhiên, bà con Dương Nội vẫn kiên quyết từ chối. Muốn có được sự đồng thuận thì phải có chính sách đền bù thích hợp chứ không phải cứ tuyên truyền là được:
“Ở chỗ của tôi thì mọi người vẫn rất là kiên quyết. Mọi người vẫn đoàn kết đấu tranh để đòi lại đất. Thỉnh thoảng mọi người lại ký đơn để đi gửi đến cơ quan tiếp dân.
Những người dân ở chỗ của tôi thì cán bộ phường đến nhà, họ vẫn bảo là mình đi lấy tiền (đền bù – PV) nhưng mà họ cũng kệ không quan tâm.”
Chính quyền mạnh tay đàn áp, xung đột gia tăng
Người dân Dương Nội giấu tên còn cho biết thêm rằng trong những năm qua, chính quyền Hà Nội ra sức ngăn chặn mạnh tay hơn đối với những người dân đi gởi đơn khiếu kiện tập thể, nên mọi người khó có thể tập trung đi cùng nhau đến các cơ quan công quyền để gởi đơn như trước:
“Bây giờ họ cũng đàn áp nhiều, nếu mà tụ tập đông người thì thường là họ sẽ đuổi đi hết, với lại dịch giả như thế này thì họ lại càng có cớ hơn.
Người dân ở chỗ tôi ngày xưa họ cũng thường hay đi biểu tình nhưng bây giờ chắc là mọi người cũng chả mở được các cuộc biểu tình đấy nữa, bởi vì bây giờ họ (cán bộ địa phương – PV) chặn ngay từ ở nhà, họ không cho đi.”
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nhận định, chính quyền hiện nay không xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện, dân cứ đi gởi đơn, năm này qua năm khác, đến lúc hết sức rồi thì tự động ngưng. Còn đối với những trường hợp có những hành động bị cho là “chống đối” thì chính quyền sẽ làm mạnh tay:
“Họ (chính quyền – PV) là không xử lý. Dân cứ đi mà kiện, kiện chán thì thôi, hoặc đến lúc già rồi là hết kiện.
Tôi đã biết nhiều trường hợp là người ta đã kiện 30 năm, từ lúc 50 tuổi cho đến 80 tuổi, không nói ra hơi nữa, ra không thể nào đi khiếu kiện được nữa là thôi, không khiếu kiện nữa.
Còn có trường hợp nặng hơn đó là vừa khiếu kiện vừa có những lời nói khiếm nhã với chính phủ nên chính phủ bảo rằng “chống đối” là sẽ đập cho một trận.
Cách xử lý chung bây giờ là như thế. Cứ xem lại vụ Thủ Thiêm ở Sài Gòn mà xem, nó cũng xảy ra hơn 20 năm nhưng cứ đổ hết người này đến người kia. Cuối cùng là không có ai xử lý hết, nhưng mà tuyên truyền thì rất kinh là sẽ xử lý đến nơi đến chốn, nhưng cuối cùng thì vẫn thế.”
Theo tiến sỹ Hợp, nếu nhà nước không giải quyết được các vụ khiếu kiện đất đai kéo dài, thì mối quan hệ giữa người dân và chính quyền sẽ ngày càng xấu đi, gia tăng xung đột và thậm chí có thể dẫn tới nhiều vụ “Đồng Tâm” khác nữa:
“Tôi thấy cái vụ Đồng Tâm cách đây mấy năm là một ví dụ. Chính quyền chây ì, người dân người ta phản ứng thì bị ghép vào là chống đối chính quyền. Chính quyền đưa cảnh sát vào làm chết một số người, trong đó có cả cảnh sát.
Có nghĩa là gì, chính quyền dùng bạo lực chống lại người dân. Đó là một câu chuyện nhưng xảy ra ở nhiều mảnh đất khác, và họ đã từng đưa cảnh sát vào để đàn áp biểu tình. Nghiêm trọng nhất là cái vụ Đồng Tâm để xảy ra chết người, từ cả hai phía. Nhưng điều quan trọng là làm chết người dân.
Đó là một việc mà nếu cứ chây ì mãi thì sẽ xảy ra cái chuyện chết người nữa. Mà nó đã xảy ra như thế rồi thì mối quan hệ giữa người dân và chính quyền tôi càng ngày mỗi xấu đi.”
Nhiều người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã khiếu nại quyết định thu hồi đất của chính quyền Hà Nội từ nhiều năm nay.
Đối với vụ khiếu kiện đất tại Đồng Sênh, xã Đồng Tâm, vào rạng ráng ngày 9/1/2020, chính quyền Hà Nội huy động khoảng 3000 quân tấn công vào thôn Hoành bắn chết cụ Lê Đình Kình ngay tại buồng ngủ. Ông là thủ lĩnh tinh thần của những người dân khiếu kiện đất ở xã Đồng Tâm.
Nhà nước Việt Nam sau đó khởi tố 29 người, hầu hết là con cháu và người thân của cụ Lê Đình Kình. Có 6 người bị khởi tố theo tội danh “Giết người” và 23 người bị cáo buộc “Chống người thi hành công vụ”.
Phiên toà phúc thẩm vào tháng 3/2021 tuyên 2 án tử hình, một án tù chung thân, 22 người nhận án treo. Bốn người còn lại chịu án từ năm đến 16 năm tù giam.
Nhiều vụ khiếu kiện đất đai tương tự cũng có kết cuộc người đứng đơn khiếu kiện không chỉ hao tổn công sức, tiêu tan của cải mà còn vướng vào vòng lao lý với các cáo buộc ‘gây rối trật tự’, ‘chống người thi hành công vụ’…