Nhà nước Việt Nam “đã quá muộn” trong việc giải quyết món nợ ban hành Bộ luật về hội, hội đoàn, hiệp hội, kể cả luật về Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam. Nay là lúc Quốc hội Việt Nam không thể chậm trễ hơn được nữa với “món nợ đã hai chục năm rồi”. Ngoài ra Nhà nước và Chính phủ cũng không nên “e ngại” xã hội dân sự, vì thiết chế này “không phải và không bao giờ sẽ là mối đe dọa của chế độ”, theo một cựu cố vấn của Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam các khóa trước.
Trong phần tiếp theo của cuộc trao đổi (mời quý vị theo dõi phần đầu phỏng vấn ở đường dẫn này) với Đài Á Châu Tự Do, khi được hỏi ý kiến trên quan điểm riêng về nhu cầu đối với việc ban hành luật liên quan xã hội dân sự và các hội đoàn ở Việt Nam, tính riêng tới thời điểm này, ông Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ủy ban Dân số, Kế hoạch hóa Gia đình, thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trước đây, cựu cố vấn của Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, nói:
Ông Trần Tiến Đức: Tôi nghĩ rằng nếu mà nói là đã đến lúc, thì đã quá muộn! Nhu cầu phải có một bộ luật, có một hành lang pháp lý để quy định hoạt động của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội dân sự, các nghiệp đoàn, thậm chí các đảng phái là rất cần thiết. Bởi vì có như thế, Nhà nước mới quản lý được, vì chúng ta là một nhà nước pháp quyền, chúng ta quản lý trên cơ sở luật pháp, chứ không phải trên chỉ thị của Đảng lãnh đạo, hoặc là những thông tư, nghị định của chính quyền – đó là những văn bản dưới luật.
Vì vậy, phải có một bộ luật chính thức để tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp pháp và chính đáng của các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức khác. Tôi nghĩ rằng đó là một nhu cầu mà đã được đặt ra từ lâu, mà theo tôi có lẽ cũng đã đến hai chục năm rồi.
Và tôi nói rằng Quốc hội Việt Nam đang còn nợ luật đó đối với người dân Việt Nam. Lúc đầu người ta đặt vấn đề về ‘Luật về Hội’, nhưng sau đó qua rất nhiều hội thảo mà tôi cũng từng được tham gia, kể cả có những vị đã từng là quan chức nhà nước như ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hay là ông Vũ Mão, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội, họ đều thống nhất.
Tôi thấy là chưa có một ý kiến nào phản đối. Nhưng về sau tên gọi có khác nhau và người ta thấy rằng đầu tiên có người nói là “Luật về quyền được lập hội”. Cái đó là cái đầu tiên mà bức xúc nhất, vì khi muốn có hoạt động của hội, thì phải được lập hội đó. Tên gọi theo tôi không quan trọng lắm, tuy tất nhiên nó tạo một bước về mặt chiến thuật, để tạo đà tiếp sau. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu đã làm một bộ luật, thì nên làm một Bộ luật về Hội, trong đó có quyền về được lập hội, trong đó có những vấn đề trách nhiệm giải trình của các tổ chức đó đối với những thành viên của tổ chức của mình và đối với nhà nước, rồi vấn đề tài chính của những tổ chức đó như thế nào, quyền được nhận tài trợ ra sao, và sự minh bạch trong quản lý tài chính phải như thế nào, rồi những hội viên phải có những trách nhiệm gì v.v…
Tôi nghĩ tất cả những cái đó là những điều rất quan trọng và đã có rất nhiều cuộc thảo luận, và qua những cuộc thảo luận có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, lẫn của các quan chức của Quốc hội và các quan chức của Nhà nước, tôi chưa thấy một ý kiến nào bác bỏ nhu cầu, bác bỏ việc phải có một bộ luật đó, nhưng rất tiếc rằng không rõ vì lý do gì, không biết do sự chỉ đạo của ai, không có thông tin nên tôi không dám nói, nhưng cho đến nay Bộ luật đó vẫn chưa ra đời.
Và trong nghị trình của Quốc hội Việt Nam khóa này, tôi chưa từng thấy là Bộ luật đó được nêu trong danh sách những luật cần phải được xây dựng và được thông qua.
RFA: Như vậy, ông có khuyến nghị với Quốc hội, chính quyền, nhà nước và Đảng Cộng sản ở Việt Nam rằng Bộ luật này phải là một ưu tiên để ban hành hay không?
Ông Trần Tiến Đức: Tôi nghĩ rằng rất cần, nếu tôi được phép kiến nghị, tôi xin kiến nghị với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị lãnh đạo Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội và những đoàn thể chính trị mà hiện nay đã được Nhà nước công nhận, thì nên ủng hộ, việc sớm làm, chứ không phải cứ nói là “chúng ta sẽ sớm ra”, mà phải nói rằng “trong nhiệm kỳ này của Quốc hội (2021-2026), phải ra được Bộ luật về hội”.
RFA: Ông có nói ở trên rằng ngay đảng phái ở Việt Nam cũng phải có luật, tại sao lại cần như thế và nếu có Luật hay Bộ luật về đảng phái như thế, thì cần ưu tiên nội dung gì ở trong đó, thưa ông?
Ông Trần Tiến Đức: Chúng ta đều biết rằng theo Hiến pháp phiên bản năm 2013, điều 4 có quy định là Đảng Cộng sản Việt Nam được toàn quyền lãnh đạo đất nước. Đấy là một việc rất quan trọng. Nhưng lãnh đạo đất nước là phải trong khuôn khổ luật pháp, cho nên tôi rất muốn rằng bên cạnh Bộ luật về hội, thì phải có Bộ luật về Đảng Cộng sản Việt Nam, để cho Bộ luật đó khẳng định rằng với hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay thì Đảng CSVN có vai trò lãnh đạo, nhưng mà cũng quy định quyền hạn của đảng lãnh đạo bao gồm những lĩnh vực gì và nó được thể hiện như thế nào.
Rồi trách nhiệm giải trình của Đảng này đối với các đảng viên, đối với quốc dân, đối với đất nước là ra sao? Tôi nghĩ rằng điều đó rất là quan trọng, bởi vì như thế mới là sự công bằng, chúng ta vẫn nói rằng xã hội mà nhà nước Việt Nam đang xây dựng là dân chủ, công bằng, văn minh, thì điều đó là thể hiện sự công bằng, sự văn minh.
Còn các tổ chức khác cũng phải hoạt động theo luật, bây giờ chúng ta (Việt Nam) có Luật về Công đoàn, trong đó tổ chức công đoàn phải hoạt động theo pháp luật. Vậy thì Hội phụ nữ cũng phải hoạt động theo luật, Đoàn Thanh niên cũng phải hoạt động theo luật v.v… Bây giờ những tổ chức đó đều hưởng ngân sách của Nhà nước và nhiều khi tôi nghĩ rằng nó có những khía cạnh bất hợp lý, không biết bây giờ có còn như thế nữa hay không, nhưng khi tôi còn làm việc, tôi biết là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Việt Nam có đến 27 cục, vụ, viện.
Tức là bộ máy to hơn cả một Bộ của Chính phủ, dù là cơ quan của chúng tôi, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình lúc bấy giờ chỉ có 4-5 Vụ thôi, kể cả Thanh tra, kể cả Trung tâm Nghiên cứu, trong khi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có hơn hai mấy cục, vụ viện như thế, thì tức là bộ máy phình rất to. Tôi xin nói rằng Đoàn thanh niên Cộng sản là thuộc những đoàn thể quần chúng, và nếu đúng danh nghĩa của họ, thì họ hoạt động phải theo tác phong quần chúng.
Tôi nhớ là Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện hồi năm 1974 hay 1975 từng nói rằng, theo ông: “Lãnh đạo của Trung ương đoàn không nên đi ô tô (xe công) xuống cơ sở, mà nếu ở trong địa phận một thành phố, thì chỉ nên đạp xe thôi, thì nó mới gần gũi dân!” Tôi cũng nhớ, hồi cha tôi, Bác sỹ Trần Duy Hưng, làm Hướng đạo sinh thời còn Pháp thuộc, thì không có ăn lương và toàn bộ đi đâu đều toàn tự túc các phương tiện. Thí dụ như khi tổ chức cho Hướng đạo sinh đi cắm trại, để tổ chức những hoạt động giới thiệu lịch sử, giới thiệu về tinh thần yêu nước, họ toàn đi bằng phương tiện công cộng hoặc là đi xe đạp, đến nơi thì tự túc ăn uống, cắm trại v.v… Nên tôi nghĩ đó là những hình thức cần được khuyến khích để những đoàn thể quần chúng thì phải thực sự là quần chúng. Chứ còn tác phong bây giờ hành chính quá, và tôi nghĩ rằng nếu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mà hành chính quá như thế, thì nên gọi là “Bộ Thanh niên”, hoặc làm thành Bộ gọi là “Bộ Giáo dục và Thanh niên” như ở một số nước. Chứ còn đã là đoàn thể, nên hoạt động với ngân sách tiết kiệm nhất, một khi còn được hưởng ngân sách của Nhà nước.
RFA: Liệu nhà nước và chính quyền ở Việt Nam có nên quan ngại về điều được cho là “diễn biến hòa bình” hay không, thưa ông?
Ông Trần Tiến Đức: Tôi nghĩ rằng Nhà nước không nên quan ngại. Bởi vì cái “diễn biến hòa bình” có xảy ra hay không là phải phụ thuộc vào lòng dân. Dân người ta muốn thay đổi, thì dù anh không thay đổi, cũng sẽ dẫn đến thay đổi. Tôi lấy thí dụ, chúng ta từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung chuyển sang một nền kinh tế thị trường sau Đại hội đổi mới năm 1986 (Đại hội VI của ĐCSVN), thì trước hết đó là động lực đầu tiên xuất phát từ dân, từ những người dân đầu tiên mà ở tỉnh Vĩnh Phúc, do ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy, rồi sau đó là ở miền Nam, ở tỉnh Long An, rồi từ ở các xí nghiệp, như là những xí nghiệp dệt ở Sài Gòn v.v… dần dần, nó mới thành ra những sáng kiến của dân, mà sáng kiến ấy là sáng kiến từ dân mà ra.
Có những sáng kiến được Đảng ủng hộ ngay từ đầu, cũng có những sáng kiến dân bắt đầu lên, thì cuối cùng Đảng cũng ủng hộ, và ông Trường Chinh là một con người vẫn mang tiếng là rất bảo thủ, nhưng chính ông ấy đã nhận ra được những khiếm khuyết của một nền kinh tế kế hoạch tập trung, và chính ông là người đã đề xướng và thực hiện Đổi mới, để tạo nên sự đổi mới của đất nước về mặt kinh tế.
Nhưng như tôi vẫn thường nói với bạn bè của tôi là “Đổi mới về kinh tế, thì phải kéo theo đổi mới về chính trị, vì đổi mới chính trị mới làm cho đổi mới kinh tế bền vững!” Tôi biết bây giờ nhiều người đang cố gắng, nhưng người ta cũng nói rằng “Cái gì cũng phải làm từ từ!”, thì tôi nói lại rằng: “Đúng là mọi chuyện phải có những bước đi cần thiết, phải có những khảo cứu, nhưng xã hội dân sự không phải là mối đe dọa!”
Và tôi xin nhắc lại một lần nữa xã hội dân sự không phải và không bao giờ là mối đe dọa với thể chế chính trị của đất nước này. Thể chế chính trị chỉ thay đổi một khi lòng dân thay đổi. Và có lần trong một cuộc hội thảo ở Nha Trang với các nghị sỹ, khi tôi vẫn còn làm tư vấn cho Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam, thì trong bữa ăn, tôi hỏi thật các vị ấy: “Bây giờ, nếu như các vị cho phép các Đại biểu tự do hoàn toàn tự do ra ứng cử, thì các vị thấy sao? Các vị có ngại không?”
Nhiều vị cứ chần chừ, tôi bảo họ: “Theo tính toán của tôi, nếu cho phép những người được gọi là Đại biểu tự do ra ứng cử, thì với thể chế và quy tắc bầu cử hiện nay, họ sẽ không thể nào chiếm quá được 30% số ghế trong Quốc hội. Và như vậy, tất cả những chính sách mà các vị đưa ra, các vị muốn thông qua, thì các vị vẫn thông qua được, với đa số. Tất nhiên không phải với đa số áp đảo như hiện nay, nhưng với tỉ lệ 60%, thậm chí với 55% thì các vị vẫn thông qua được. Và nó vẫn tạo ra được một môi trường phản biện lành mạnh, bởi vì trong Quốc hội mà phản biện nhau thì là chuyện lành mạnh rồi. Như thế, tôi nghĩ rằng nó sẽ đảm bảo cho đất nước ta (Việt Nam) phát triển một cách nhanh chóng hơn.”
Cuối cùng, nghe xong, các ông đó bảo tôi: “Ông Đức nói đúng đấy, chúng tôi hoàn toàn đồng ý!” Nhưng từ sự đồng ý trong trao đổi riêng, đến sự thay đổi về mặt chính sách thì chắc vẫn còn những bước đường dài, song tôi tin tưởng rằng đất nước này sẽ thay đổi và sẽ thực sự hòa nhập với đời sống quốc tế.
RFA: Xin trân trọng cảm ơn ông Trần Tiến Đức đã trả lời cuộc phỏng vấn này với Đài Á Châu Tự Do!
Trên đây là phần hai và cũng là phần cuối của cuộc trao đổi của RFA Tiếng Việt với ông Trần Tiến Đức nguyên là Vụ trưởng vụ Truyền thông, Ủy ban Dân số & Kế hoạch hóa Gia đình, thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trước đây, ông là nhà quan sát xã hội dân sự, từng là chuyên gia hoạch định chiến lược, chính sách quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông dân số, truyền thông phát triển, cựu Giám đốc dự án Policy do USAID tài trợ chuyên về vận động chính sách và thúc đẩy tiếp cận trên cơ sở quyền và tăng quyền cho người có HIV tại Việt Nam, cựu đại diện của The Futures Việt Nam, thuộc The Futures Group toàn cầu, chuyên về nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu chính sách và vận động chính sách, trong đó có tư vấn chiến lược trong lĩnh vực dân số & kế hoạch hóa gia đình, giới, sức khỏe sinh sản v.v… Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam (1993-1998) và cố vấn của Ủy ban các Vấn đề Xã hội thuộc Quốc hội Việt Nam các khóa trước đây. Ông Trần Tiến Đức cũng được biết đến là con trai thứ của Bác sỹ Trần Duy Hưng, cố Thị trưởng đầu tiên đồng thời là người giữ cương vị này lâu nhất của Hà Nội, dưới thời chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Bắc Việt Nam trước đây bắt đầu từ ngày 10/10/1954.
Phần 1 của bài phỏng vấn ông Trần Tiến Đức: Tình trạng “tạm lắng” của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và triển vọng?