Quốc Hội Việt Nam: Cơ quan quyền lực cao nhất, hay là công cụ “luật hoá” của đảng?

Được trao quyền là một cơ quan quyền lực tối cao, có quyền làm luật và sửa luật, nhưng các luật quan trọng như Luật biểu tình, luật Đất đai… trước khi được Quốc hội thông qua đều phải xin ý kiến chỉ đạo, định hướng từ Bộ Chính Trị hay là Trung ương Đảng Cộng sản. Một số luật sư và chuyên gia về Chính sách công nói rằng Quốc Hội Việt Nam hiện nay chỉ có vai trò như là cơ quan luật hoá các quyết sách của Đảng Cộng sản mà thôi.

Tại tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/4, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ đề nghị lùi trình dự án Luật Đất đai sửa đổi, cho đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Điều này làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật. Sau đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án để trình Quốc hội.

Cũng trong phiên họp này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng thông tin rằng Ban cán sự Đảng, Chính phủ đã có báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về việc tách Luật Giao thông Đường bộ thành hai dự án là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ. Phó chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định yêu cầu Chính phủ chuẩn bị hồ sơ sau khi đã có ý kiến của Bộ Chính trị thì sẽ bố trí để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội thông qua.

Về luật Biểu tình, vào tháng 4/2020, bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời báo chí Nhà nước rằng sẽ không bàn về luật này trong năm 2020 và cả 2021. Ông Long nói thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp vi các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu xây dựng dự án luật mà Nhà nước cho là bảo đảm được quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch li dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước.

Vào tháng 9/2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong một cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội), rằng Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của đảng”.

Các tấm biển cổ động cho bầu cử Quốc hội khoá 15 ở Hà Nội hôm 19/5/2021. AFP

Trái Hiến pháp

Hiến pháp năm 2015, Điều 69 nói rằng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.”

Một luật sư yêu cầu không nêu tên, nói với RFA rằng trong Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật, có quy định “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.” Tuy nhiên, cái điều luật này nó lại không đúng với Điều 69 Hiến pháp như vừa nêu:

“Theo quan điểm của tôi, Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì Quốc Hội có những quyền căn bản để xem xét một dự luật hoặc xây dựng pháp lệnh hay nghị quyết như thế nào mà không cần phải xin ý kiến của Trung ương Đảng hoặc là Bộ Chính trị. 

Bộ Chính trị hay là Trung ương Đảng nếu nói về mặt luật thì họ không có quyền gì cả. Tuy nhiên ở Việt Nam, người ta ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng cho nên cũng có quan điểm cho rằng đảng có ý kiến là phù hợp.

Nhưng còn những người hiểu luật thì việc đó là không thể nào chấp nhận được, trong khi người dân bầu ra Quốc Hội với mong muốn sẽ giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng của người dân.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức cho rằng, thực tế ở Việt Nam, bất kỳ một chính sách nào về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc phòng… đều phải xuất phát từ Bộ Chính trị, là cơ quan cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi Bộ Chính trị thống nhất rồi thì họ sẽ triển khai ra cho Ban chấp hành Trung ương, gồm có khoảng 180 ủy viên chính thức. Ban Chấp hành Trung ương bàn bạc rồi thì mới chuyển sang Quốc Hội. Và lúc này Quốc Hội chỉ làm theo tất cả các nghị quyết đã được Ban chấp hành Trung ương thông qua:

“Theo Hiến pháp thì như vậy là vi hiến, tức là Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương là một cơ quan đứng bên trên Hiến Pháp, đứng ngoài pháp luật Việt Nam, nhưng họ lại có quyền lực bao trùm lên toàn bộ hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Còn Quốc Hội đã không thực hành đúng vai trò, chức trách mà Hiến Pháp đã trao cho họ. Hiến Pháp đã trao cho họ quyền lập pháp, làm luật và ban hành các chính sách, nhưng họ không thực hiện mà phải chờ một cơ quan không nằm trong hệ thống Hiến pháp để quy định, thì như vậy là Quốc Hội đã không làm tròn nhiệm vụ của họ.”

2016-05-01T120000Z_1345353173_S1BETBMABQAA_RTRMADP_3_VIETNAM-FORMOSA-PLASTICS.JPG
Hình mình hoạ: Công an ngăn chặn người biểu tình ở Hà Nội hôm 1/5/2016. Reuters

Là công cụ hợp pháp hoá quyết sách của Đảng

Về mặt văn bản thì Quốc Hội có chức năng số một là “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật”. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Đài, thực tế Quốc Hội Việt Nam chỉ là công cụ Để đảng Cộng sản thực hiện các quyết sách của họ mà thôi:

Quốc hội (VN)chỉ là công cụ của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng Việt Nam, để thực thi các quyết sách của họ mà thôi.

Việt Nam đang xây dựng cái gọi là “Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”. Đã nói đến Nhà nước pháp quyền là tất cả mọi công dân, cơ quan, tổ chức, đảng phái chính trị đều phải nằm dưới Hiến pháp và pháp luật, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

Nhưng mà ở Việt Nam thì họ lại xây dựng một “Nhà nước pháp quyền” có cái “Xã hội chủ nghĩa” đi theo sau, thì mình phải hiểu là trong đó đảng Cộng sản Việt Nam họ được phép đứng ở trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật.”

Đồng quan điểm, luật sư giấu tên cũng cho rằng Quốc Hội Việt Nam chỉ có vai trò là thông qua luật theo sự chỉ đạo của Đảng:

“Xét về mặt thực tế thì Quốc Hội gần như là một công cụ để thông qua luật pháp cho đúng với thể thức của pháp luật, hoặc là của một Nhà nước pháp quyền, mà Việt Nam đã rao giảng ra bên ngoài. Còn thực tế thì mọi thứ đã được Bộ Chính trị và Trung ương Đảng người ta thông qua và có ý kiến hết rồi.

Còn việc mình thấy Đại biểu Quốc Hội phát biểu hoặc chất vấn ở trên nghị trường thực ra là họ đã họp với nhau hết rồi, chứ không phải là cứ muốn là được lên nói gì thì nói.”

Một nhà phân tích Chính sách công trong nước bình luận với RFA hôm 14/4 rằng trên thực tế sinh hoạt chính trị ở Việt Nam, Quốc hội chỉ có chức năng là thể chế hóa các chủ trương của Đảng. Có nghĩa là đảng muốn như thế nào thì sẽ chuyển sang Quốc hội để Quốc hội làm luật. Điều đó cũng thể hiện việc rằng là người dân không được tham gia chính trị.

Related posts