Quốc hội Việt Nam sẽ nhóm họp bất thường trong tuần này để bầu Chủ tịch nước mới thay ông Nguyễn Xuân Phúc, người vừa mới xin từ chức giữa nhiệm kỳ hồi tháng 1 vừa qua. Reuters trích dẫn nguồn tin các nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết như vậy.
Theo các nguồn của Reuters và của RFA, người được chọn vào vị trí Chủ tịch nước nhiều khả năng là Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng, 52 tuổi, hiện là người trẻ nhất trong hàng ngũ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo các trang tin của các địa phương Khánh Hòa và Bình Phước, Quốc hội Việt Nam sẽ họp phiên đặc biệt vào thứ tư tuần này, ngày 1/3.
Phiên họp Quốc hội thường niên dự kiến diễn ra vào tháng năm tới.
Khi ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức Chủ tịch nước vì những sai phạm của các cán bộ dưới quyền trong thời gian vừa qua, đã có những dự đoán về người sẽ thay thế ông ở vị trí này với những cái tên đáng để ý như: Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên, trong một phỏng vấn với RFA vào tuần trước, Giáo sư Carl Thayer thuộc học viện Quốc phòng Úc – chuyên gia về vấn đề an ninh và chính trị Việt Nam – cho biết các nguồn tin thân cận của ông nói rằng ông Tô Lâm đã xin rút tên tại cuộc họp của Bộ Chính trị, bày tỏ nguyện vọng được hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là Bộ trưởng Công an.
Nhận xét về ông Võ Văn Thưởng, Giáo sư Carl Thayer cho rằng “Ông ta đúng nghĩa là một người của Đảng. Sau khi tìm hiểu về điều này, tôi càng tin rằng ông Thưởng là người phù hợp. Nói cách khác, ông ta là một phần của bộ máy, ông ta sống và hít thở nó.”
Trước khi là Thường trực Ban Bí thư, ông Thưởng đã từng tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM. Ông cũng có các bằng cấp về Chủ nghĩa Mác – Lênin, triết học, tốt nghiệp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nói như nhận xét của Giáo sư Carl Thayer, “sự nghiệp chính trị của ông ấy là làm công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý cán bộ, lý luận, tuyển dụng, giảm quan liêu…”
Vào khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, Giáo sư Carl Thayer cho rằng thành tựu đáng chú ý nhất của ông Thưởng “là đã không phạm lỗi”.