Việc trợ lý Phạm Thái Hà của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị bắt do liên quan các sai phạm xảy ra ở Tập đoàn Thuận An, theo đúng quy định của đảng, ông Huệ phải chịu liên đới trách nhiệm.
Theo quy định, Vương Đình Huệ phải mất chức
Ông Phạm Thái Hà được biết đến là một người thân cận với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Năm 2019, ông Hà làm trợ lý cho ông Vương Đình Huệ, khi đó đang giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2022, ông Hà lại được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Báo chí nhà nước không nhắc gì đến ông Vương Đình Huệ trong vụ bắt giữ ông Hà. Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Đình Mạnh, ông Huệ chắc chắn phải chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu:
“Ông Vương Đình Huệ phải chịu trách nhiệm là lẽ tất nhiên. Nhưng về phương diện pháp lý, trách nhiệm và xử lý đến mức độ nào còn tùy thuộc vào kết quả điều tra vụ án.
Nếu ông Vương Đình Huệ cũng có hành vi trục lợi, nhận hối lộ, tương tự ông Phạm Thái Hà, thì ông ấy phải chịu xử lý về trách nhiệm hình sự.”
Trong trường hợp ông Huệ không có hành vi trục lợi, nhận hối lộ, theo luật sư Mạnh, thì dĩ nhiên, ông ấy được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm theo tham chiếu tại điều 7 của bản Quy định số 41 của Bộ Chính trị, ban hành năm 2019, về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thì Vương Đình Huệ phải chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, đối với đảng Cộng sản Việt Nam, Luật pháp hay Điều lệ Đảng không phải để tạo ra một sự bình đẳng mà nó là công cụ của kẻ mạnh để trấn áp người yếu thế hơn:
“Từ Pháp luật, điều lệ Đảng hay thậm chí những cơ quan như Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hay hệ thống tòa án… cũng chỉ là công cụ trong tay của thế lực nắm quyền.
Nếu anh đang nắm quyền thì tất cả những thứ kia đều là công cụ của anh dùng để trừng phạt đối thủ của mình. Nếu anh yếu thế thì anh sẽ bị những công cụ đó đè bẹp anh thôi.”
Ông Đài lấy ví dụ, ông Tô Lâm đã từng ăn thịt bò dát vàng ở Anh, được báo chí quốc tế đưa tin rầm rộ, bằng chứng rất rõ ràng. Điều đó vi phạm một trong 19 điều mà Đảng viên không được làm. Tuy nhiên, tới giờ này Tô Lâm vẫn đang nắm rất nhiều quyền lực trong Đảng.
Đối với ông Vương Đình Huệ, cũng theo ông Đài, sai phạm của ông Huệ cũng rất rõ ràng khi người cấp dưới trực tiếp, người đã theo mình 18 năm, dính vào các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, nếu thế lực của ông Huệ đủ mạnh thì ông này vẫn sẽ “đứng vững”, bất chấp Quy định của Đảng:
“Bây giờ nó tùy thuộc vào cán cân quyền lực giữa ông Vương Đình Huệ với nhóm người mà muốn hạ bệ ông ấy. Nếu như ông Vương Đình Huệ được những thế lực của ông ta bảo vệ thì ông ta có thể đứng vững bất chấp những vi phạm của ông ta đã được phơi bày.
Nếu như thế lực của ông Vương Đình Huệ không đủ mạnh thì chắc chắn ông ta buộc phải nghỉ hưu trong thời gian tới.”
Thêm một cú sốc cho chính trị Việt Nam?
Trong trường hợp nếu ông Vương Đình Huệ mất chức đúng theo Quy định do Bộ Chính trị đặt ra, theo luật sư Đặng Đình Mạnh thì điều đó không ảnh hưởng nhiều đến các chính sách của Việt Nam:
“Thậm chí, điều này cũng không làm thay đổi gì đến tình trạng bổ nhiệm các quan chức bất tài và vô đạo đức vào các chức vụ cao cấp. Vì lẽ, một khi chế độ còn duy trì sự độc tài về quyền lực chính trị mà không bị kiểm soát, kìm chế… thì khi đó, tệ nạn tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hành tàn phá đất nước.”
Cũng liên quan tới tình hình nhân sự tối cao biến động ở Việt Nam, sau khi ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước do liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn ở Quảng Ngãi khi nắm chức bí thư tỉnh này, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn phát biểu hôm 26/3 tại Hoa Kỳ rằng Việt Nam có một tập thể lãnh đạo về chính sách phát triển kinh tế. Việt Nam đã đặt ra chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về tất cả các lĩnh vực. Do đó, một hoặc hai nhân vật lãnh đạo không làm thay đổi tình hình.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định Việt Nam vẫn cố gắng tự quảng bá mình là một đất nước hoà bình, ổn định về kinh tế và chính trị. Vì vậy, việc các lãnh đạo trong tứ trụ mất chức trong thời gian ngắn có thể là cú sốc cho chính trị Việt Nam:
“Việt Nam vẫn tuyên truyền với người dân và quốc tế là một nước rất ổn định về chính trị. Nếu ổn định về chính trị thì mới thu hút về đầu tư được, nhưng trong những năm gần đây chính quyền Việt Nam thực sự bị lâm vào khủng hoảng chính trị.
Họ thay liên tục, trong vòng ba năm mà thay hai ông chủ tịch nước, và bây giờ là ông Chủ tịch Quốc hội cũng có nguy cơ cũng bị thay thế. Trong thời gian tới thì không phải là khủng hoảng chính trị bình thường nữa mà nó ở mức rất nghiêm trọng.”
Cũng theo ông Đài, có thể đường lối đối nội, đối ngoại trong dài hạn chưa thay đổi, nhưng các chính sách trước mắt có thể sẽ thay đổi bởi sự thay đổi nhân sự cấp cao, đặc biệt nó nó xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn:
“Tất cả những chính sách bị thay đổi rất nhiều, đặc biệt là nếu theo dõi chuyến đi của ông Vương Đình Huệ sang Bắc Kinh từ ngày mùng 7 đến 12/4 vừa rồi thì đã đạt được rất nhiều thỏa thuận về kinh tế, như kết nối đường sắt cao tốc Hà Nội – Lào Cai với Trung Quốc và rất nhiều những thỏa thuận khác.
Tất nhiên những gì mà ông Huệ đã đạt được với Trung Quốc trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội thì nó sẽ bị xáo trộn. Bởi vì nếu người khác lên họ sẽ có quan điểm và cách làm khác.”
Theo Bộ Công an Việt Nam, ông Phạm Thái Hà bị bắt vào ngày 21/4 với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo Điều 358 Bộ luật Hình sự, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.
Ngày 15/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam sáu lãnh đạo của tập đoàn này theo các tội danh như “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”… Đồng thời Bộ công an yêu cầu cung cấp hồ sơ về các dự án của tập đoàn Thuận An tại các tỉnh thành như Đắk Lắk, Phú Yên, Bắc Giang, Quảng Nam…