Quy hoạch điện VIII: Cần quyết sách sáng suốt để tránh rủi ro

Những tranh luận về vấn đề quy hoạch điện 8 vẫn chưa ngã ngũ, trong khi thời hạn bản quy hoạch này phải được hoàn thiện để trình lên Chính phủ đã gần kề (15/6/2021). Hiện, các cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước tiếp tục lên tiếng với những bằng chứng và luận điểm mới, yêu cầu Bộ Công Thương cắt giảm phát triển nhiệt điện than, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo theo xu thế của thế giới.

Thế giới -giảm, Việt Nam-tăng

Đi đầu trong những nỗ lực phản biện này là tiếng nói của Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA). Cụ thể, trong kiến nghị lần thứ 3 về Quy hoạch điện 8 gửi Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành ngày 31/5/2021, VSEA nhận định: Bản dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) mới nhất trình Chính phủ ngày 26/3/2021 và bản báo cáo giải trình của Viện Năng lượng (đơn vị soạn thảo quy hoạch) theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vào cuối tháng 5 vừa qua, vẫn “chưa thể hiện tính đột phá” và “chưa phản ánh được những cơ hội và rủi ro mới” do những thay đổi rất lớn của tình hình quốc tế và trong nước, đặc biệt trong 2 tháng vừa qua.

Bà Ngụy Thị Khanh, Chủ tịch VSEA còn cho rằng, trong khi xu thế của thế giới hiện nay là “cắt giảm ngay và chấm dứt điện than” thì quy hoạch điện 8 “vẫn tăng đều các dự án nhiệt điện than (NĐT)” trong giai đoạn từ nay cho đến 2045. Bà cho biết hưởng ứng lời kêu gọi cắt giảm khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu (BĐKH) của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu ngày 22/4 và cuộc họp cấp Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu của nhóm các nước G7 diễn ra vào 21/5 vừa qua, nhiều quốc gia đã tuyên bố ngừng phát triển và/hoặc ngừng cấp vốn các dự án nhiệt điện than (NĐT) mới. Theo bà, điều này sẽ đẩy những nước vấn có kế hoạch phát triển điện than như Việt Nam vào nhiều thế bất lợi mà nhỡn tiền là khó khăn về nguồn vốn vì nguồn tài chính quốc tế cho điện than giảm mạnh. Bà cho biết, tại hai hội nghị này, Hàn Quốc và Nhật Bản – hai trong số ba quốc gia còn lại đầu tư cho nhiệt điện than ở Việt Nam đều đã lần lượt tuyên bố dừng cấp vốn cho các dự án điện than mới.

“Nguồn tài chính quốc tế ngày càng co hẹp, kể cả nguồn tài chính công và từ thị trường. Chúng tôi thấy rất rõ, những dự án điện than mới đưa vào trong quy hoạch này có rất nhiều rủi ro, không thể thực hiện được và nó đi ngược hoàn toàn với xu thế của thế giới hiện nay” – bà Khanh nói và cho rằng nếu Việt Nam không thức thời và vẫn say sưa theo đuổi việc phát triển NĐT như trong dự thảo QHĐ 8 hiện nay thì nguy cơ quy hoạch treo, dự án bị mắc kẹt sẽ rất lớn. Bà viện dẫn trong giai đoạn 2016-2020, khi thế giới chưa tẩy chay NĐT mạnh mẽ như hiện nay và đất nước luôn ở trong tình trạng thiếu điện, loại hình năng lượng này đã được vô cùng ưu ái ở Việt Nam cũng chỉ có 57,6% số dự án được phê duyệt có thể triển khai và phần nhiều nguyên nhân là do thiếu vốn và một phần là do địa phương không ủng hộ.

“Có tới 16/34 dự án NĐT vẫn không thể đi vào vận hành đúng tiến độ, do đó tiếp tục bị đẩy lùi thêm nhiều năm nữa trong dự thảo QHĐ 8.” – bà Khanh nhấn mạnh.

Nhà máy nhiệt điện Mông Dương chạy thử nghiệm tạo khói bụi mù mịt. Ảnh: thiennhien.net

Bà Khanh đưa ra cảnh báo, rủi ro của việc phát triển NĐT không chỉ dừng ở việc dự án không khả thi, gây nguy cơ thiếu điện sau này mà còn là những hệ lụy to lớn cho toàn bộ nền kinh tế như: Nguy cơ mất an toàn của hệ thống ngân hàng trong nước khi cho vay các dự án NĐT đòi hỏi mức đầu tư cao, gánh nặng về môi trường, sức khỏe, hàng hóa của Việt Nam bị đánh thuế carbon tại các thị trường xuất khẩu do trong quá trình sản xuất dùng nhiều năng lượng hóa thạch, có mức phát thải cao…

“Tôi rất đồng tình với kiến nghị của VSEA về khả năng khó huy động được tài chính quốc tế cho các dự án NĐT và điều này tác động ngược trở lại, làm cho hệ thống ngân hàng trong nước của Việt Nam đối diện với nguy cơ phát triển không bền vững và đe dọa cả nền kinh tế. Theo dự báo của tổ chức Carbon Tracker, tính đến năm 2040, nếu không tăng thêm dự án NĐT mới, “nguy cơ mắc kẹt tài sản” vào NĐT của Việt Nam đã lên tới  6,5 tỷ USD, tương đương với 2,7% GDP của năm 2018 và sự mắc kẹt này mang đến nợ xấu cho hệ thống ngân hàng”. – Trích phát biểu của ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chính sách Ngân hàng tại Hội thảo về Quy hoạch điện 8 ngày 30/5/2021.

Trước xu thế phát triển xanh mạnh mẽ của thế giới, theo bà Khanh, các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam “không có đường lui”, chỉ có 1 con đường để đi và con đường đó không có chỗ cho nguyên liệu hóa thạch (vì nguyên liệu hóa thạch tạo ra 80% lượng khí nhà kính). Do đó bà Khanh kết luận, đây là thời điểm mà Chính phủ Việt Nam cần có những quyết định sáng suốt vì chính sách phát triển năng lượng ban hành năm nay sẽ quyết định vận mệnh của đất nước và người dân Việt Nam trong nhiều năm tới.

Phát triển NĐT gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe, khó khăn về nguồn vốn, than thì phải nhập khẩu, gây khó khăn cho hàng xuất khẩu, cho cam kết BĐKH của đất nước… Nhiệt điện than không kinh tế đến mức độ như vậy, lại có rất nhiều vấn đề nhưng vì sao Việt Nam vấn cố gắng làm? Người dân thắc mắc, nghi ngờ có lợi ích nào đó nên đề nghị Chính phủ kỳ này xem xét và cân đối cho đúng” – TS Ngô Đức Lâm – chuyên gia năng lượng độc lập nhận định trong một trao đổi với RFA. 

Cần luận cứ rõ ràng hơn

Một số ý kiến cho rằng Ban soạn thảo QHĐ 8 đã “khéo léo né tránh” dư luận phản đối phát triển NĐT bằng cách tập trung nhấn mạnh vào vấn đề công suất thay vì sản lượng, do đó tạo cảm giác tỷ trọng NĐT và năng lượng tái tạo (NLTT) trong quy hoạch là tương đương.

Trao đổi với RFA về vấn đề này, Tiến sĩ, chuyên gia năng lượng độc lập Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương cho biết ông cũng đã từng có kiến nghị xoay quanh bản soạn thảo QHĐ 8:

“Trong Tổng sơ đồ 8 đã viết không rõ, tôi cũng đã có góp ý không nên xác định về công suất mà nên xác định về vấn đề sản lượng. Một MW nhiệt điện than thu được 200 KWH trong khi một MW của điện mặt trời chỉ sản xuất được 80KWH. Đề ra công suất [NLTT] đạt 28%, nhưng thực tế sản lượng chỉ đạt 12-14%. Viện Năng lượng viết như vậy thì phải xây dựng điện mặt trời cao lên rất nhiều để giảm bớt được nhiệt điện than đi”– ông Lâm chỉ ra rằng để tương ứng với tỷ trọng công suất 27,2% của NĐT thì công suất của NLTT cần phải được nâng lên mức 50% chứ không phải 28,8% như hiện nay.

“Trong Tổng sơ đồ 8 đã viết không rõ, tôi cũng đã có góp ý không nên xác định về công suất mà nên xác định về vấn đề sản lượng. Một MW nhiệt điện than thu được 200 KWH trong khi một MW của điện mặt trời chỉ sản xuất được 80KWH. Đề ra công suất [NLTT] đạt 28%, nhưng thực tế sản lượng chỉ đạt 12-14%. Viện Năng lượng viết như vậy thì phải xây dựng điện mặt trời cao lên rất nhiều để giảm bớt được nhiệt điện than đi”– ông Lâm chỉ ra rằng để tương ứng với tỷ trọng công suất 27,2% của NĐT thì công suất của NLTT cần phải được nâng lên mức 50% chứ không phải 28,8% như hiện nay.

000_1GE7DE (1).jpg
Nhiều nhà máy điện mặt trời và điện gió của Việt Nam đang phải giảm phát do hạ tầng hệ thống truyền tải chưa phát triển theo kịp. Ảnh AFP chụp một trang trại điện gió mặt trời ở tỉnh Bình Thuận ngày 23/4/2019.

Cùng với việc cần phải có sự rạch ròi về khái niệm công suất và sản lượng, chuyên gia này còn cho biết QHĐ 8 cũng cần phải đưa ra thêm luận cứ, luận chứng rõ ràng cũng như phải quy định trách nhiệm cụ thể cho những tổ chức, cá nhân cụ thể.

Ông đơn cử QHĐ 8 và bản giải trình gần đây của  Viện Năng lượng luôn đưa ra một danh sách những “dự án nhiệt điện than chắc chắn xây dựng”, nghe như sự đã rồi nhưng không kèm theo các bằng chứng về tính khả thi. Điều này đã khiến dư luận lo ngại và đặt câu hỏi về mức độ minh bạch, ông Lâm nói tiếp: 

“Người chịu trách nhiệm xây dựng [quy hoạch] thì nói chắc chắc nhưng bộ phận xã hội theo dõi thì thấy không chắc chắn. Thứ nhất là vốn – anh chứng minh anh có vốn chưa để người ta khẳng định là chắc chắn thì nhiều ngân hàng nói là đã có đâu. Thứ 2 là thời gian xây dựng. Người ta thấy suốt 10 năm qua, bao giờ [các dự án NĐT] cũng chậm vậy mà ông cứ bảo là tôi làm đúng. Họ nói rằng yên ổn cả rồi nhưng người ta thấy chưa yên ổn, thậm chí vừa qua, Nhật Bản và Hàn Quốc có văn bản xin rút thì sao chắc chắn được”.

Từ tồn tại này, ông đề nghị cần phải tổ chức các hội đồng thẩm định, hội đồng khoa học để xác định một cách khách quan một số vấn đề cốt lõi đối với việc phát triển NĐT, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường và vốn. Ông cho rằng Chính phủ nên dựa trên những kết luận của những hội đồng này để đưa ra quyết định phê duyệt.

Ông Lâm dẫn chứng một bài học từ QHĐ 7 cho thấy Việt Nam đã từng rất ưu ái NĐT, lên kế hoạch đưa tỷ trọng loại hình năng lượng hóa thạch này lên mức 53% nhưng thực tế cho thấy kế hoạch này là không khả thi, dẫn tới tình trạng thiếu điện trong nhiều năm. Từ đó, ông kết luận:

“NĐT phá sản, không làm được, lúc đó thiếu điện phải sang nhờ điện mặt trời thì người quyết định trước chính phủ, trước nhân dân [về tỷ trọng] là 53% đó bây giờ chẳng biết là ai, không ai chịu trách nhiệm hết cả.  Việc này mới xảy ra cách đây có 3-4 năm thôi. Cái này [QHDD8] tới năm 2030 cũng thế thì sao? Vì vậy, kỳ này phải rành mạch rõ ràng, cơ quan chịu trách nhiệm, các bộ phận nào chịu trách nhiệm phần nào chứ không đến lúc lại hòa cả làng.”

“NĐT phá sản, không làm được, lúc đó thiếu điện phải sang nhờ điện mặt trời thì người quyết định trước chính phủ, trước nhân dân [về tỷ trọng] là 53% đó bây giờ chẳng biết là ai, không ai chịu trách nhiệm hết cả.  Việc này mới xảy ra cách đây có 3-4 năm thôi. Cái này [QHDD8] tới năm 2030 cũng thế thì sao? Vì vậy, kỳ này phải rành mạch rõ ràng, cơ quan chịu trách nhiệm, các bộ phận nào chịu trách nhiệm phần nào chứ không đến lúc lại hòa cả làng.” – TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập.

Cũng cần những đột phá

Trở lại với ý kiến của VSEAvề QHĐ 8 khi VSEA cho rằng cần phải có thêm những giải pháp đột phá mới trong vấn đề dự trữ năng lượng, phát triển hệ thống truyền tải và thị trường điện cạnh tranh để có thể tạo điều kiện cho NLTT phát triển, từ đó giảm sự phụ thuộc vào NĐT và các loại hình năng lượng hóa thạch khác.

d0d6904a-1e80-45ed-b11c-095ce2eeb58a.jpeg
Các chuyên gia cho rằng QHĐ 8 vẫn chưa quan tâm đầy đủ tới các giải pháp tích trữ điện cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo. Ảnh: Một dự án điện mặt trời có sự hỗ trợ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

Cụ thể, về vấn đề nguồn lưu trữ năng lượng, Chủ tịch VSEA Ngụy Thị Khanh đề xuất “cần đưa pin tích trữ vào triển khai ngay trong giai đoạn này” vì đây được xem là một trong những giải pháp trụ cột giúp khắc phục tính bất ổn định của năng lượng gió và mặt trời, tăng tính linh hoạt cho hệ thống và hạn chế tình trạng giảm phát hiện đang là vấn đề nóng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư NLTT. Về phát triển hệ thống truyền tải điện, Chủ tịch VSEA đề xuất QHĐ 8 cần có chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện vì sự thiếu hụt hạ tầng truyền tải điện này đang là nút thắt hạn chế việc phát huy công suất của các nhà máy điện NLTT. Trong khi đó, một số thí điểm gần đây cho thấy các công trình truyển tải của tư nhân được xây dựng rất nhanh và hiệu quả, giúp giải tỏa công suất điện NLTT và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước.

Theo tôi, giải pháp cho phép nhà máy điện mặt trời, điện gió xây dựng đường truyền tải điện khu vực, vừa sản xuất, vừa truyền tải và bán điện cho các khu phụ tải tập trung như khu công nghiệp là giải pháp tốt và có thể thực hiện. Theo tôi được biết đã có thí điểm và phía bên Bộ Công thương và Tổng công ty Điện lực Việt Nam có khả năng nhất trí về vấn đề này – TS, chuyên gia năng lượng độc lập Ngô Đức Lâm. 

Cuối cùng, bà Khanh và VSEA kiến nghị QHĐ 8 cần xác định tiến độ và mốc hoàn thành thị trường bán lẻ cạnh tranh là năm 2023 theo như quyết định về thị trường điện cạnh tranh do Thủ tướng đã phê duyệt, để sớm hình thành thị trường điện hoàn chỉnh, lành mạnh và có được sự công bằng, bình đẳng giữa các thành phần tham gia. Bà Khanh nhấn mạnh:

“Đây là quy hoạch dài kỳ cho 10 năm nên tôi cho rằng cần phải có những giải pháp này trước khi quá muộn để giải quyết bài toán hiện tại nhưng cũng có những định hướng phù hợp trong tương lai”.

Related posts