Sách của ông Trọng: “Lạc đề đối với người dân”!

Trong các ngày cuối tháng 5 năm 2023, báo chí do nhà nước Việt Nam kiểm soát ra sức tuyên truyền về hai cuốn sách của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Báo chí nhà nước nhận xét rằng, các cuốn sách của ông Tổng bí thư “Củng cố niềm tin nhân dân”.

Mất niềm tin, cần củng cố?

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 26/5 nhận định với RFA về những cuốn sách trên:

“Báo chí cho rằng sách của ông Trọng nhằm để cũng cố niềm tin nhân dân, tức là họ thừa nhận niềm tin của người dân lung lay từ lâu. Mà không chỉ từ tham nhũng, mà đời sống người dân ngày càng lầm than, nhất là từ hai năm qua sau đại dịch, hàng chục ngàn công nhân thất nghiệp trên cả nước, sự yếu kém về nông sản của người nông dân Việt Nam. Trong khi đó hai giai cấp công nhân và nông dân lại chính là những người tạo ra chế độ độc đảng toàn trị hiện nay. Như vậy hai giai cấp này và những người nghèo tiểu thương khác đang bị bỏ rơi khỏi cuốn sách đó.”

Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nếu những giai cấp nghèo khổ nhất nằm trong cuốn sách tâm huyết của ông Nguyễn Phú Trọng thì người dân mới quan tâm. Chứ còn cuốn sách chỉ nhằm nói về vấn đề chống tham nhũng trong khi những vấn đề suy trầm kinh tế, đời sống người dân hiện nay đang rất khó khăn thì không được đề cập đến, vậy theo ông Già, những cuốn sách như thế hoàn toàn là “lạc đề đối với người dân”.

Báo chí cho rằng sách của ông Trọng nhằm để cũng cố niềm tin nhân dân, tức là họ thừa nhận niềm tin của người dân lung lay từ lâu. Mà không chỉ từ tham nhũng, mà đời sống người dân ngày càng lầm than, nhất là từ hai năm qua sau đại dịch.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Cuốn sách về chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban Nội chính Trung ương cùng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức lễ ra mắt vào ngày 2/2/2023. Theo truyền thông Nhà nước, có 55.000 cuốn sách của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được xuất bản khi đó.

Còn cuốn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” cũng của ông Trọng được phát hành vào năm 2021, có đến 11 ngàn bản sách giấy và sách điện tử.

Nhìn nhận về hai cuốn sách của ông Trọng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 26/5 khi trả lời RFA cho rằng, là một người đứng đầu đảng Cộng sản, được cho là nổi tiếng về lý luận, đã đến tuổi phải về nghỉ, việc các trang báo ra sức đánh bóng hai cuốn sách như là một cách ghi nhận “di sản của ông” và cũng để báo trước về ngày ông sắp rời khỏi chức vụ. Tiến sĩ Vũ nhận định tiếp:

“Thông thường, mình muốn chia sẻ kinh nghiệm cho ai thì ít nhất mình phải có một số bài học hữu ích nào đó và nó phải chứng minh là đúng đắn qua thực tiễn mà người ta không có thì lúc đó mới gọi là chia sẻ được. Còn cái mà người ta đã có rồi, đã biết rồi, đã là thầy của mình rồi mà giờ mình đem đi chia sẻ cho người ta thì người ta cười. Trở lại câu chuyện về kinh nghiệm xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chính vì áp dụng một cách máy móc mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa mà chính quyền cộng sản đã đưa đất nước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến đói nghèo và thiếu ăn. Cái này không có gì hay để mà đem đi chia sẻ. Còn về mặt thực tế thì nền kinh tế Việt Nam hiện nay được vận hành nhờ áp dụng những quy luật và luật lệ về kinh tế thị trường. Những quy luật này đã được phát triển ở Châu Âu từ thế kỷ 19, tức gần 200 năm trước.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, ngay cả lý luận về chủ nghĩa xã hội đi cùng với nó là chủ nghĩa cộng sản cũng đã được các học giả Châu Âu mổ xẻ rất nhiều đến nỗi giờ đây hầu như không còn ai muốn nhắc về nó nữa. Cho nên theo ông Vũ, cả về mặt thực tiễn và về mặt lý luận các cuốn sách của ông tổng bí thư hầu như không có một đóng góp đáng kể nào.

Với cuốn sách thứ hai của ông Trọng có tựa “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, cuốn này ngay cả ở tựa đề đã như là một lời hiệu triệu nặng tính tuyên truyền. Ông phân tích:

Nếu anh muốn chia sẻ những kinh nghiệm hay bài học về chống tham nhũng thì trước hết anh phải thi hành việc chống tham nhũng thành công hoặc có những tiến bộ đáng kể thì lúc đó mới nói đến chuyện chia sẻ kinh nghiệm. Ngược lại, nhìn vào tình hình thực tế Việt Nam, tham nhũng ngày càng tràn lan, phức tạp, và trở nên phổ biến. Như vậy thì về mặt thực chất việc chống tham nhũng hoàn toàn thất bại”.

7d19c796-2759-45ca-a680-34101c008e93.jpeg
Ảnh minh họa: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và sách báo viết về ông. RFA Edited.

Đánh bóng hình ảnh lãnh tụ

Đó là về thực tế. Còn về mặt lý luận thì theo ông Vũ, việc chống tham nhũng từ lâu đã được các nước chống tham nhũng thành công đúc kết thành những nguyên tắc nhất định. Ông Vũ giải thích thêm:

“Thứ nhất đó là đảng cầm quyền phải trong sạch, ít nhất là đại đa số trong giới lãnh đạo trong sạch. Thứ hai là giới lãnh đạo đảng cầm quyền có quyết tâm chống tham nhũng triệt để. Sau khi có quyết tâm rồi thì mới bàn đến phương diện kỹ thuật đó là thiết kế các hệ thống để ngăn không cho nhân viên chính quyền có cơ hội tham nhũng, trả lương cao để họ sống tốt, làm công việc được trân trọng, bớt theo đuổi việc tham nhũng, và phạt nặng những hành vi tham nhũng để nhân viên sợ mà không dám tham nhũng. Và thứ ba là phải có một cơ chế giám sát độc lập để tránh việc bao che cho tham nhũng. Cơ chế giám sát độc lập này có thể là một cơ quan độc lập của chính quyền, nhưng tốt nhất là các cơ quan độc lập khác như báo chí hay đảng phái đối lập những tổ chức không có chung quyền lợi với phe cầm quyền.”

Như vậy, cả về mặt kinh nghiệm thực tế và lý luận thì theo Tiến sĩ Vũ, chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam không có gì gọi là mới hay đặc sắc để mà có thể chia sẻ thành kinh nghiệm riêng.

Tóm lại ông Vũ cho rằng, việc giới thiệu hai cuốn sách của ông tổng bí thư như là một cách đánh bóng hình ảnh về một vị lãnh tụ đảng cộng sản sắp từ giã chính trường, hơn là đưa ra những kinh nghiệm hay chia sẻ kiến thức hữu ích nhằm đóng góp vào kiến thức học thuật chính trị, hay cách điều hành quốc gia.

Cả về mặt kinh nghiệm thực tế và lý luận thì chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam không có gì gọi là mới hay đặc sắc để mà có thể chia sẻ thành kinh nghiệm riêng.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Điều đáng nói đó là cuốn sách ‘Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam’ của ông Trọng còn được dịch ra bảy ngoại ngữ để xuất bản ra nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Trung, Tây Ban Nha…

Nói về vấn đề này, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già cho rằng độc giả của các quốc gia đó chắc cũng sẽ cười thôi vì họ chẳng biết nó là gì? Ông Già cho rằng đây là sự lãng phí:

“Cách họ làm như vậy là lãng phí, bởi vì phải bỏ ra hàng trăm tỷ, trong tình hình ngân sách rất bi đát, kinh tế suy trầm… Chủ trương của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không chỉ là chống tham nhũng, mà còn chống lãng phí, trong khi bây giờ phát hành cuốn sách mà biết trước rằng nó sẽ rất lãng phí thì có phải họ đang tiếp tục phạm sai lầm trong chủ trương của họ không?

Ngoài việc lãng phí, vị nhà báo kỳ cựu này cũng cho rằng việc tuyên truyền rầm rộ các cuốn sách của ông Trọng cũng chẳng thu hút được độc giả:

“Cách phát hành sách, làm rầm rộ tuyên truyền trên báo chí và khai triển học hành ở trên tất cả các tỉnh thành như vậy cho thấy đây rõ ràng là một phong trào. Điều này phản ánh đúng với bản chất và chủ trương hàng chục năm qua của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, là làm việc gì cũng phong trào một thời gian, làm cho dữ dội, đánh trống thổi kèn, nhưng cuối cùng chìm lỉm xuống sông. Như vậy cuốn sách này chắc chắn thất bại ở góc độ thu hút độc giả.”

Related posts