Sao Bộ Công an phải đề xuất giảm tiền phạt về mức nồng độ cồn?

Trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ vừa công bố, Bộ Công an đề xuất giảm tiền xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức một đối với người điều khiển ôtô, môtô, xe máy chuyên dùng…, được đưa ra sau khi Bộ Công an nhận ý kiến của một số bộ, ngành và người dân.

Cụ thể Bộ Công an cho biết dự kiến sẽ hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn với người lái xe ô tô từ mức 6 – 8 triệu đồng xuống còn 800.000 – 1 triệu đồng. Người điều khiển các phương tiện khác nếu vi phạm nồng độ cồn cũng có mức phạt giảm đáng kể…

Bây giờ còn bị thêm điểm trừ của giấy phép lái xe… Tôi cho rằng trừ điểm giấy phép lái xe hiệu quả hơn là phạt tiền.
-Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Trao đổi với RFA tối 13/8/2024, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, nhận định:

“Vừa rồi Bộ Công an đưa ra đề xuất hạ mức phạt của hành vi có nồng độ cồn theo hướng dễ thở hơn so với trước. Tôi thấy điều này làm dư luận rất quan tâm, đối với ô tô mức phạt từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng khi người điều khiển xe ô tô mà trong máu hay trong hơi thở có nồng độ cồn không vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg khi thở. Trong khi đó theo luật cũ phạt từ 6 đến 8 triệu đồng. Tương tự xe gắn máy tùy theo nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở phạt từ 2 đến 3 triệu. Xe chuyên dùng phạt từ 800 ngàn đến 1 triệu. Dự thảo này cũng bổ sung quy định điểm trừ vào giấy phép lái xe đối với tất cả hành vi vi phạm nồng độ cồn, tức là đưa ra thêm một chế tài.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đề suất giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn cần phải tham khảo thêm ý kiến của người dân, ý kiến đóng góp của xã hội và khi chín muồi thì có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Với ý kiến cho rằng giảm phạt vi phạm nồng độ cồn sẽ làm tăng vi phạm, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định:

“Tôi nghĩ cũng rất khó có chuyện người điều khiển xe sẽ chủ quan, vì rõ ràng vẫn bị phạt. Vấn đề không phải là phạt nhiều hay ít, mà là sự bất tiện khi bị giữ giấy phép lái xe. Chưa kể bây giờ còn bị thêm điểm trừ của giấy phép lái xe… Tôi cho rằng trừ điểm giấy phép lái xe hiệu quả hơn là phạt tiền.”

2a820d00-8376-4203-90c9-f29cf7f6c4b2.jpeg
Hai người đàn ông uống bia hơi trong một dịp festival bia hàng năm ở Hà Nội hôm 7/12/2014 (minh họa). AFP.

Giải thích về đề xuất này với báo chí nhà nước hôm 13/8/2024, Bộ Công an cho biết, đề xuất giảm tiền xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức một đối với người điều khiển giao thông khi có nhiều ý kiến cho rằng, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu trong vòng một giờ thì nồng độ cồn đo được dưới mức 0,35mg/lít khí thở và dưới 50mg/ml máu. Các nghiên cứu khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy lượng nhỏ rượu bia có thể không gây ảnh hưởng quá lớn đến khả năng lái xe.

Một lái xe ở Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 13/8/2024 cho biết ý kiến về đề xuất này:

“Theo tôi nghĩ giảm như thế là hợp lý. Vì người dân có khi ban ngày đi làm mệt mỏi, tối về đi uống cốc rượu, cốc bia cho nó giãn xương, giãn cốt… nhưng sáng hôm sau đi làm vẫn có một tí nồng độ cồn… Chỉ uống một cốc bia mà sớm hôm sau vẫn có nồng độ cồn, thì nó rất thiệt hại cho kinh tế.”

Trong khi đó theo truyền thông nhà nước, nhiều người đồng tình nên hạ mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn tối thiểu vì không ảnh hưởng lớn đến khả năng lái xe. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, giữ nguyên quy định hiện hành vì phạt nặng vi phạm nồng độ cồn đã giúp người tham gia giao thông có ý thức về việc ‘đã uống rượu, bia thì không lái xe’.

Vấn đề nồng độ cồn đã kéo theo vấn đề kinh doanh rượu, bia, ăn nhậu… sẽ bị đình trệ, kinh tế không phát triển…
-Cựu Đại úy Công an

Một Cựu Đại úy Công an không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 13/8/2024 khi trả lời RFA nhận định dưới một góc nhìn khác:

“Một vấn đề trong quá trình thực hiện lâu dài người ta sẽ tự đề phòng, người ta không để xảy ra trường hợp bị phạt, rất hiếm… Vì thế công an thay đổi phương thức, phải như vậy nếu không nền kinh tế sẽ suy sụp. Trước mắt đã thấy những vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam về bia rượu đã rút về nước, kinh tế suy sụp, dân thất nghiệp… Như vậy sẽ không còn máu để hút, nên công an chơi chiêu trò để thu hút đầu tư, để người dân có việc làm… Họ sẽ tiếp tục tìm cách hút máu bằng nhiều cách khác, bằng cách ra những quy định văn bản mới.”

Theo vị Cựu Đại úy, lĩnh vực này Bộ Công an quản lý và thao túng tất cả về kinh tế xã hội có phát triển hay không? Ông nói tiếp:

“Chính phủ đã sử dụng Bộ công an để điều chỉnh vấn đề này. Như đã thấy tất cả ngành nghề kinh tế bây giờ sụp hết, phá sản nhiều… Vấn đề nồng độ cồn đã kéo theo vấn đề kinh doanh rượu, bia, ăn nhậu… sẽ bị đình trệ, kinh tế không phát triển… vì họ đã đưa nồng độ cồn về tuyệt đối bằng 0… Nếu không sẽ bị phạt rất nặng, điều này đã làm thay đổi cả một nền kinh tế.”

Tờ Bloomberg hồi tháng 9 năm 2023 có bài viết cho rằng, việc người Việt uống bia ít hơn đã ngay lập tức tác động tới những thương hiệu lớn. Đơn cử như Heineken, nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam đã hạ dự báo doanh thu năm 2023 tại nước này. Hãng này cũng cho biết, hơn một nửa mức giảm tiêu thụ bia của hãng trong nửa đầu năm 2023 là từ thị trường Việt Nam và Nigeria.

Related posts