Sao cứ xin ‘giải cứu’ Vietnam Airlines?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14/5/2024 thông báo, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay 4.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 135 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.

Lý do xin gia hạn trả nợ theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, vì Vietnam Airlines hiện nay rất khó khăn về tài chính, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 17/5/2024 nhận định với RFA về việc này:

“Đại dịch COVID – 19 đã qua. Trong suốt hai năm nay, mọi thứ coi như đã trở lại hoạt động bình thường. Các chuyến bay cũng vậy. Một ví dụ điển hình là hãng hàng không quốc gia của Singapore đã đạt lợi nhuận kỷ lục cho năm tài chính 2024 và đã chia sẻ lợi nhuận đến nhân viên bằng cách thưởng cho họ gần 8 tháng lương.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam ngược lại không có tiền trả nợ nó chứng tỏ một điều rằng cơ quan điều hành của hãng hàng không này có vấn đề.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, thay vì xin Quốc hội khất nợ đối với khoản vay, chính quyền trước hết cần phải cử đoàn thanh tra và giám sát các hoạt động của hãng hàng không trong năm qua. Ông Vũ nói tiếp:

“Về lâu về dài, chính quyền cần bán hết các doanh nghiệp nhà nước ít có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và hoạt động chủ yếu vì lợi nhuận. Hãy để các doanh nghiệp tư này tự hoạt động và thu chi. Thị trường sẽ quyết định lợi nhuận và chỗ đứng của các doanh nghiệp tư.”

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam ngược lại không có tiền trả nợ nó chứng tỏ một điều rằng cơ quan điều hành của hãng hàng không này có vấn đề.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Vào năm 2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết 135 cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cho phép hãng hàng không này chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn.

Dù đã được hỗ trợ vào năm 2020, đến năm 2021 Vietnam Airlines lại đệ trình lên Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ để xin một gói cứu trợ trị giá 1,17 tỷ USD. Tờ Simpleflying.com, vào ngày 8/3/2021 dẫn nguồn từ Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho biết thông tin vừa nêu.

Đến tháng 9/2022, Vietnam Airlines lại trần tình về thực trạng thua lỗ liên tục và có nguy cơ bị hủy niêm yết chứng khoán.

Truyền thông Nhà nước dẫn phát biểu của đại diện Vietnam Airlines thừa nhận trong hai năm 2020, 2021, hãng này lỗ tương ứng 11.000 tỉ đồng và 13.000 tỉ đồng. Sang nửa đầu năm 2022, khoản lỗ ròng cũng hơn 5.000 tỉ đồng. Tính đến cuối quý 2/2022, Vietnam Airlines lỗ lũy kế gần 29.000 tỉ đồng, và vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỉ đồng.

Một người sinh sống ở miền Trung Việt Nam, từng làm việc nhiều năm tại doanh nghiệp nhà nước, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 17/5/2024 cho RFA biết nhận xét của ông:

“Vietnam Airlines là một doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế nói chung, hàng không nói riêng. Mà đã hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận thì lời ăn, lỗ chịu. Do đó, dùng ngân sách nhà nước để “cho vay” giải cứu Vietnam Airlines, mà chức năng cho vay thuộc các tổ chức tài chính, ngân hàng, đã là sai rồi, đồng thời với việc làm này là bất bình đẳng với các hãng hàng không khác như Vietjet Air, Bamboo Airway, Pacific Air… trái với Luật cạnh tranh, vì Vietnam Airlines sẽ có lợi thế hơn vì được cho vay ‘giải cứu’!”

Đối với việc chính phủ xin cho Vietnam Airlines hoãn trả khoản vay 4.000 tỷ đồng, ông này cho biết ý kiến:

“Nay chính phủ xin gia hạn việc Vietnam Airlines hoàn lại khoản 4.000 tỷ cho ngân sách nhà nước trong tình hình tài chính quốc gia gặp khó khăn là lỗi của chính phủ và không khéo khoản vay này sau một thời gian nữa thì sẽ “để lâu cứt trâu hóa bùn”! Đây cũng là đặc thù của nền kinh tế thị trường có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”!”

6c108cac-64dc-469a-8ba0-52892a48f815.jpeg
Các máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM hôm 1/12/2021. AFP.

Vào năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước than lỗ từ vài trăm đến đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Không chỉ Vietnam Airlines, một doanh nghiệp Nhà nước độc quyền khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cũng cho biết năm 2022 lỗ đậm gần 29.000 tỷ đồng và năm 2023 lỗ 24.500 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam – TKV, một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, vào năm năm 2023 cũng báo cáo nợ 74.000 tỉ đồng – tương đương khoảng hơn ba tỉ USD, lớn gấp 1,6 lần vốn sở hữu 45.000 tỉ đồng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, từng là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho rằng, các DNNN cứ thua lỗ triền miên sẽ gây ra những hậu quả đối với nền kinh tế:

“Các DNNN cứ thua lỗ triền miên sẽ làm cho khối nợ của DNNN lớn hơn, cộng thêm vào khối nợ công đang có của Việt Nam, làm cho vấn đề nợ càng trầm trọng. Nợ của DNNN ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng, làm cho hoạt động của ngân hàng kém hiệu quả đi. Nợ của DNNN cũng làm cho khối tài sản rất lớn của đất nước trao vào tay DNNN không được sử dụng hiệu quả. Do đó nó làm cho nền kinh tế bị kém hiệu quả trong khi các lực lượng khác, nhất là doanh nghiệp tư nhân rất cần các nguồn lực hiện đại thì lại không tiếp cận được.”

Nợ của DNNN làm cho khối tài sản rất lớn của đất nước trao vào tay DNNN không được sử dụng hiệu quả. Do đó nó làm cho nền kinh tế bị kém hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Liên quan các khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng của các DNNN hiện nay, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA nhận định:

“Các khoản nợ của DNNN có nhiều nguyên nhân. Ví dụ như khoản nợ đối với tập đoàn điện, đây là điều khó khăn vì trong thời gian vừa qua, các đầu vào để cung cấp điện như dầu, than và các nguyên liệu khác đều tăng, nhưng giá điện ở Việt Nam do nhà nước quyết định và việc quyết định đó tuy là có nâng lên nhưng chưa đáp ứng được sự biến đổi của giá cả trên thị trường. Vì vậy cho nên việc xác định nguồn gốc lỗ đó ở đâu, và trách nhiệm ở đâu, nhà nước có thể trợ giúp đến mức độ như thế nào… thì đấy là một quá trình không phải là dễ dàng.”

Theo ông Doanh, Việt Nam phải tiếp tục cải cách DNNN, vận dụng các thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, để giảm bớt các khoản lỗ. Đồng thời cần phải có các vận dụng điều chỉnh giá cả phù hợp hơn với biến động của thị trường.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, các doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm 100% vốn của Việt Nam hiện nay chiếm số lượng rất ít, chừng một phần ngàn, nhưng đều là các doanh nghiệp lớn, chiếm giữ lượng lớn về vốn, khoảng 10% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp, và thường lỗ hoặc lãi ít. Họ không chỉ đóng vai trò kinh doanh, mà họ còn đóng vai trò chính trị, giúp chính phủ điều phối nền kinh tế theo chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chính phủ.

Vì các doanh nghiệp này đóng một vai trò chính trị trong hệ thống nên theo ông Vũ, họ ít nhiều có một số quyền lực đặc thù và vì vậy chính phủ khó mà cải tổ được họ. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, nếu chính phủ tư nhân hoá các công ty nhà nước và cho phép một số công ty tư nhân khác tham gia vào cùng một lĩnh vực để tăng tính cạnh tranh… thì việc kêu gọi các công ty nhà nước tự cải cách hay tăng hiệu quả mới có thể thực hiện được.

Related posts