Vai trò của nữ đại biểu dân cử?
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XI và XII đồng thời là một người có nhiều năm theo dõi hoạt động Quốc hội chia sẻ với RFA rằng trong nhiều nhiệm kỳ trước, hoạt động tại nghị trường Quốc hội đại biểu nữ thường không nổi bật, phần lớn phát biểu của đại biểu nữ thường chỉ mang tính phản ánh và kiến nghị, ít có tính đeo bám, phản biện. Tuy nhiên ông nhận thấy đã có nhiều sự khác biệt trong thể hiện của các đại biểu nữ trong nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, ông chia sẻ:
“Tôi thấy vai trò phụ nữ trong khóa gần đây thể hiện rất rõ. Tiếng nói của phụ nữ ngày càng nhiều, chất lượng và mạnh mẽ. Phụ nữ không phải là phái yếu nữa, không bị lép vế so với nam giới mà đang vươn lên để thể hiện vai trò của mình”
Theo ông Cuông, không ít đại biểu nữ đã để lại cho cử tri cả nước ấn tượng sâu sắc về năng lực, tinh thần trách nhiệm của đại biểu và sự tâm huyết của mình.
Ông đơn cử trường hợp của nữ đại biểu trẻ người dân tộc Gia Rai Ksor Khắp đã có tiếng nói rất thẳng thắn và chất lượng tại các phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) về tỷ lệ rừng tự nhiên và thủy điện nhỏ.
“Có nhiều đại biểu là nam nhưng có khi cả nhiệm kỳ không phát biểu gì nhưng lại có những đại biểu nữ phát biểu rất tích cực, hăng hái và quyết liệt” – ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XI và XII
Và, theo ông Cuông:
“Đó là quan điểm rất mạnh mẽ và rất thẳng thắn của đại biểu nữ. Từ hai chất vấn về rừng tự nhiên và thủy điện đối với hai bộ trưởng, nữ đại biểu người dân tộc thiểu số đã thể hiện quan điểm “truy đến cùng” vấn đề và nói được tiếng nói của bà con Tây Nguyên đến Quốc hội và Chính phủ”
Ông kết luận, Ksor Khắp đã làm tốt vai trò là người người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cũng như là cầu nối giữa người dân với chính quyền được nêu trong Hiến Pháp và pháp luật Việt Nam.
Ông Lê Văn Cuông cũng trong buổi trò chuyện với RFA thẳng thắn nhìn nhận những đóng góp của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong suốt thời gian đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội của bà, ông nói:
“Theo dõi quá trình hoạt động khóa 14 vừa qua, với vai trò Chủ tịch Quốc hội, chị thể hiện rất rõ năng lực điều hành, tác phong chững trạc, nhất là khi chủ trì Quốc hội họp chất vấn hay thảo luận chị đều có cách điều hành rất mạch lạc, hiệu quả, sáng tạo, khoa học nhờ đó phát huy dân chủ trong thảo luận và nâng cao vị thế của quốc hội. Trong các phiên họp chị thể hiện không thua kém các nam Chủ tịch Quốc hội tại các khóa trước đây, thậm chí có những mặt còn sát sao hơn”
Đi sâu phân tích về vai trò của bà Ngân trong nhiệm kỳ vừa qua, TS Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia cao cấp về Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) cho biết điểm nổi bật nhất của chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân là chuyển đổi một quốc hội chỉ có báo cáo, tham luận thành một quốc hội có tranh luận, phản biện, ông nói:
“Trong khuôn khổ thể chể chính trị độc đảng, bà Ngân đã góp phần mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng của các đại biểu Quốc hội thông qua các khóa tập huấn, đào tạo tại chỗ và tập huấn quốc tế, trong đó có tập huấn và tham quan ở các nước phát triển phương Tây. Khóa 14 thể hiện một bước tiến nâng cao tính độc lập của khu vục lập pháp và bảo hiến.”
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, hạn chế của bà Ngân trong nhiệm kỳ của mình là “chưa thể giúp xử lý tích cực” một số việc liên quan đến giám sát hoạt động tư pháp, trong đó có một số vụ án lớn, liên quan đến đất đai như vụ Đồng Tâm.
Hạn chế của bà Ngân trong nhiệm kỳ của mình là “chưa thể giúp xử lý tích cực” một số việc liên quan đến giám sát hoạt động tư pháp, trong đó có một số vụ án lớn, liên quan đến đất đai như vụ Đồng Tâm – TS Hà Hoàng Hợp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS)
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội, quan sát chính trị nhìn nhận rằng bà Ngân là một chính trị gia có tài và là người có sức thuyết phục. Tuy nhiên, ông cho rằng với chế độ độc đảng hiện tại đang hạn chế hiệu quả hoạt động của Quốc hội nên Quốc hội vẫn chưa tạo được bước tiến trong việc xây dựng các đạo luật về quyền cơ bản của người dân như quyền lập hội, quyền biểu tình và quyền tự do ngôn luận. Ông giải thích thêm:
“Việt Nam đã gia nhập công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị từ năm 1982, đến nay là 39 năm rồi. Đó là một luật quốc tế mà Việt Nam có nghĩa vụ thi hành. Công ước này quy định rất nhiều quyền của người dân và những quyền này cũng được ghi một cách long trọng vào hiến pháp 2013 cũng như các hiến pháp trước của Việt Nam. Nhiệm vụ của Quốc hội là làm ra luật để người dân thực hiện những quyền đó của mình nhưng 39 năm nay họ không làm được những quyền cơ bản đó!”
Ông Nguyễn Quang A nói thêm rằng đến nay Việt Nam mới “trả lại” được một số quyền kinh tế cho người dân còn các quyền về chính trị nêu trên thì vẫn chưa có tiến triển.
Cần xoá bỏ định kiến để tăng chất & lượng nữ đại biểu
Báo cáo “Vai trò hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử giai đoạn 2016-2021” vừa được Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố trong tuần này (19/5/2021), cho biết đóng góp của nữ đại biểu Quốc hội trong vai trò đại biểu là ngang bằng so với đại biểu nam, thể hiện trên nhiều tiêu chí, trong đó có: Tiếp xúc cử tri, tiếp nhận, giải quyết đơn thư, kiến nghị, tố cáo của cử tri và phát biểu, trình bày quan điểm của đại biểu, ý kiến của cử tri.
“Nghiên cứu vừa rồi của chúng tôi cho thấy số lần tiếp xúc cử tri của đại biểu nữ và nam như nhau, tiếp xúc qua các kênh khác nhau của đại biểu nữ cũng không thua kém, số lượng đơn thư do nữ đại biểu tiếp nhận và giải quyết cũng ngang ngửa” – bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) – một đơn vị tham gia thực hiện báo cáo khẳng định trong một trao đổi với RFA.
Bà cũng cho biết ở tiêu chí tiếp xúc cử tri và sử dụng mạng xã hội để trao đổi, tương tác với cử tri của đại biểu nữ còn tỏ ra nổi trội hơn so với đại biểu nam.
Bà Hà đồng thời cũng cho rằng nhiều đại biểu nữ đã theo đuổi những vấn đề gai góc như phòng chống tham nhũng hay xét xử oan sai và có những phát biểu, tranh luận tại nghị trường Quốc hội.
Mặc dù chiếm hơn 50% dân số nhưng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam nhiều năm nay vẫn dậm chân tại chỗ ở mức 26-27% trong tổng số đại biểu Quốc hội và tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp cũng chỉ ở dưới mức 30%.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 đã đặt ra chỉ tiêu đạt ít nhất 35% số đại biểu Quốc hội và HĐND là nữ cho nhiệm kỳ 2016-2021. Sau khi mục tiêu của Chiến lược quốc gia không đạt được, Việt Nam đã đưa chỉ tiêu 35% này vào Nghị quyết Trung ương số 26-NQ/TW ban hành tháng 5/2018 và đẩy lùi thời hạn thực hiện tới năm 2030. Mặc dầu vậy, giới chuyên môn cho rằng việc thực hiện chỉ tiêu này trong những năm tới vẫn đầy thách thức, khó khăn.
Bà Đặng Thị Hạnh Đào, nguyên trưởng ban ngân sách tài chính của TP Cần Thơ đồng thời là đại biểu HĐND thành phố Cần Thơ trong hai nhiệm kỳ gần đây cho rằng nguyên nhân nữ ĐH không được bầu nhiều là vì “vị thế chính trị của phụ nữ còn thấp”, bà nói:
“Từ thực tiễn địa phương chúng tôi cho thấy khi nữ được tham gia ứng cử, được vào danh sách, mặc dù chị em nữ trình độ chuyên môn có cao hơn nam giới nhưng lịch sử chính trị, chức vụ, địa vị của nữ trên bản ghi danh còn rất thấp. Là cử tri, khi nhìn vào các chị nữ đó tôi sẽ đặt câu hỏi: Tôi bầu chọn các chị này vào, thì tiếng nói các chị có trọng lượng không?”
Do đó, theo bà Đào:
“Chúng ta đặt mục tiêu số tỷ lệ nữ vào năm 2030 tại các cơ quan dân cử phải đạt trên 35% vào năm 2030 thì phải quy định tỷ lệ lãnh đạo nữ ở các cơ quan, tổ chức nhà nước cũng tương ứng”
Bà Đào nhấn mạnh thêm, Việt Nam không cần có thêm chính sách, chỉ cần quán triệt thực hiện chủ trương lồng ghép vấn đề giới vào trong mọi hoạt động và chính sách từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng hô hào hình thức.
Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch tập đoàn Phú Thái đồng thời là Đại biểu HĐND các cấp của Hà Nội khóa 2016-2021 cho rằng hiện có rất nhiều phụ nữ có trình độ và thành công ở ngoài xã hội nhưng chưa được khuyến khích tham gia ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp. Ông cho rằng đây sẽ là nguồn cung ứng cử viên nữ có chất lượng và vị thế, vì vậy, Việt Nam cần kêu gọi họ tham gia vào các cơ quan dân cử và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.
“Nhiều người có trình độ nhưng chúng ta chưa mời được vào Quốc hội và HĐND. Riêng về doanh nhân có nhiều doanh nhân nữ, nhiều chị em rất thành công nhưng chưa có ý thức trách nhiệm, ngại đấu tranh…” – ông Đoàn cho biết.
Nhìn từ góc độ xã hội, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cũng cho rằng định kiến giới của cử tri cũng là một nguyên nhân khiến cho ứng cử viên nữ ít được lựa chọn hơn nam.
“Trong những nghiên cứu của chúng tôi, khi được hỏi, người dân thường nói rằng khi đi bầu cử Đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND họ thường chọn nam giới hơn là phụ nữ. Có người nói tôi cứ thấy có chữ “thị” thì gạch. Người dân giải thích rằng phụ nữ thường ưu tiên gia đình nên khó toàn tâm toàn ý cho công việc xã hội được” – bà Hồng cho RFA biết.
Bà cũng cho rằng trong xã hội Việt Nam vẫn còn hiện tượng “thiêng hóa, thi vị hóa” hình ảnh người phụ nữ đảm đang trong gia đình khiến cho nhiều phụ nữ chùn bước, không tiếp tục trở thành lãnh đạo hay đại biểu các cơ quan dân cử vì “họ rất sợ bị đánh giá như là thiếu nữ tính, quá ích kỷ hay ham hố quyền lực”.